Đừng trở nên xấu xa - Chúng ta là ai dưới góc nhìn của Big Tech?

Quin23/06/2023 08:00
Đừng trở nên xấu xa - Chúng ta là ai dưới góc nhìn của Big Tech?

Với kiến thức lĩnh vực chuyên sâu, dày dạn kinh nghiệm, nhà báo Rana Foroohar đã khiến người đọc bất ngờ với những thông tin ngồn ngộn về “thế giới” Big Tech. Điều này buộc chúng ta phải tỉnh táo nhận ra những hệ lụy của nó để "Đừng trở nên xấu xa"

1. Google cung cấp khả năng tìm kiếm “miễn phí”, Facebook gắn kết xã hội “miễn phí”, còn Amazon giảm giá và tặng sản phẩm “miễn phí”; chẳng phải họ đang làm những việc có lợi cho người tiêu dùng sao? Vấn đề là sử dụng dịch vụ “miễn phí” không có nghĩa là chúng ta không trả một cái giá nào đó, bằng một cách nào đó. Đúng là chúng ta không phải trả tiền cho hầu hết các dịch vụ kỹ thuật số, nhưng chúng ta đã phải trả giá đắt bằng các dữ liệu và sự chú ý của mình. Con người trở thành tài nguyên để nhóm Big Tech kinh doanh. Chúng ta nghĩ mình là người tiêu dùng nhưng trên thực tế, chúng ta là hàng hóa.

2. John Battelle – người góp phần ra mắt tạp chí công nghệ Wired – đã nói: “Cộng đồng công nghệ không tự đề cao chính mình. Chúng tôi không phải là những nhà triết học hay người theo chủ nghĩa nhân văn. Chúng tôi là kỹ sư. Đối với Google và Facebook, con người là những thuật toán”.

3. Thêm vào đó, thao túng bầu cử thông qua các nền tảng công nghệ tiếp tục là một vấn đề nan giải của toàn thế giới, khi Google và Facebook vẫn được sử dụng để áp chế tiếng nói của người dân, hoặc thậm chí là ủng hộ các cuộc diệt chủng hay giết người ở nhiều quốc gia, từ Myanmar ở châu Á đến Cameroon ở châu Phi. Một số người tin rằng công nghệ khiến chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa phát xít hơn. 

4. Facebook và Google không phải là những công ty duy nhất đang thu thập dữ liệu về tất cả chúng ta và tận dụng sức mạnh của dữ liệu để có được những lợi ích lớn nhất, mạnh mẽ nhất. Với sự dẫn đầu của Big Tech, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang tự phát triển kỹ thuật khai thác dữ liệu để cùng tận hưởng sự giàu có – những vòi bạch tuộc đang len lỏi khắp nền kinh tế.

Các nhà môi giới dữ liệu như văn phòng tín dụng, công ty dữ liệu sức khỏe hay công ty cung cấp thẻ tín dụng... đang thu thập và bán mọi loại dữ liệu nhạy cảm của người dùng cho những doanh nghiệp và tổ chức không có khả năng tự thu thập dữ liệu. Đó có thể là các nhà bán lẻ, ngân hàng, công ty cho vay thế chấp, trường đại học, tổ chức từ thiện, và chắc chắn là không thể thiếu những tổ chức thực hiện các chiến dịch chính trị.

5. Theo một báo cáo của Goldman Sachs, mỗi ngày một người dùng trung bình dành năm mươi phút cho Facebook, ba mươi phút cho Snapchat và hai mươi mốt phút cho Instagram. Hãy thử cộng những con số này lại và nghĩ về những ảnh hưởng đối với năng suất làm việc cũng như các mối quan hệ của chúng ta.

Tất nhiên, đó không phải là một sự may mắn tình cờ đối với Facebook cũng như các ứng dụng mà họ cho phép hoạt động trên nền tảng của mình. Tất cả đều được lên chiến lược và triển khai một cách cẩn thận. Các thương gia kinh doanh sự chú ý muốn chúng ta luôn dính chặt với những thiết bị thông minh của mình để họ có thể thu thập thêm dữ liệu về chúng ta và thói quen lướt web của ta.

6. Hiện nay, Facebook, Google và nhiều công ty công nghệ hoàn toàn có thể (và thực tế là họ đang) giám sát gần như mọi thứ chúng ta làm trên mạng. Mặc dù vậy, họ vẫn muốn đi nước đôi và chối bỏ trách nhiệm khi trên nền tảng của họ xuất hiện những bài viết thù địch, tin giả hay quảng cáo nhằm mục đích chính trị.

Big Tech không xấu, nhưng nếu chúng ta không hiểu rõ về nó và để nó chiếm lĩnh quá nhiều thời gian của chúng ta thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Vì vậy, cần tỉnh táo và đừng vì nó mà trở nên xấu xa.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các mặt tích cực cũng như nhiều mặt trái của các ông trùm công nghệ qua cuốn sách: Đừng trở nên xấu xa.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024