Cố nhà văn Kim Dung đã vô cùng thành công khi xây dựng một Đông tà dám yêu dám hận. Cho dù ngoài kia có xoay vần ra sao, Đông Tà vẫn luôn sống thật với trái tim mình.
Ngày Hoàng Dược Sư bước chân vào giới võ lâm, ông đã được coi là một trong 5 cao thủ xuất chúng. Vị cao thủ võ lâm này cũng sở hữu những thứ mà bốn vị còn lại không hề có. Lão nguyên đồng Chu Bá Thông từng nói: "Hoàng Lão Tà thông minh tuyệt đỉnh. Lão ta tinh thông từ cầm kỳ thi họa đến y thuật tử vi. Ngay cả việc canh tác, trị thủy hay binh pháp cũng không làm khó được lão ta".
Chúng ta biết đến Hoàng Dược Sư trong vai trò của một người thầy, một người chồng và một người cha.
Hoàng Dược Sư thích thổi tiêu. Khúc tiêu Bích Hải Triều Sinh Khúc trở thành độc môn tuyệt kỹ của Đông Tà. Khúc tiêu tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng mạnh mẽ. Tiếng tiêu ngân nga và da diết, đủ khiến cho người nghe phải tẩu hỏa nhập ma.
Hoàng Dược Sư thích ngắm hoa. Lạc Anh thần kiếm chưởng là bộ kiếm pháp được ông lấy cảm hứng từ những cánh hoa. Kiếm pháp uy lực mà uyển chuyển thanh thoát tựa như muôn vàn cánh hoa bay trong gió.
Hoàng Lão Tà tinh thông y thuật. Cửu hoa ngọc lộ hoàn do ông sáng chế được coi là loại thuốc quý trong giang hồ. Và đây cũng chính là thứ thuốc đã cứu mạng Bắc cái Hồng Thất Công.
Đông Tà say mê nghệ thuật thư pháp. Các bức thư pháp của ông đều đạt đến cảnh giới thoát tục. Ông còn rất giỏi thơ phú. Vào những lúc tức cảnh sinh tình, Hoàng Dược Sư thường ngâm lại những bài thơ từ của tiền nhân. Ông ngâm những tiếng thơ mà khiến cho người nghe phải hoài niệm mà nhung nhớ.
Đảo Đào Hoa – nơi Hoàng Dược Sư sống cũng đẹp kì diệu lạ thường hệt như chính con người của chủ nhân nó. Trong sách viết: "Đảo Đào Hoa âm dương khai hợp, càn khôn đảo vị." Lão ngoan đồng nói: "Hoàng Lão Tà tinh thông thuật kì môn, ngũ hành. Từ cái cây hay nhành hoa trên đảo đều được lão ta bố trí theo Bát trận đồ năm xưa của Gia Cát Lượng."
Hoàng Dược Sư luôn tận tâm tận lực làm những thứ mình yêu thích trở nên thật hoàn mỹ. Người ta hay nói, nhiệt huyết rồi cũng sẽ nguội lạnh theo năm tháng. Trong năm tháng cô quạnh dài đằng đẵng, đảo chủ hẳn đã phải hao tổn nhiều mồ hôi công sức để gây dựng cơ đồ.
Kim Dung đứng từ góc độ của Hoàng Dung để khắc họa đời sống tinh thần và tài hoa võ thuật phong phú của Đông Tà. Hoàng Dung vốn là con gái cưng của Hoàng Dược Sư. Từ nhỏ, nàng đã được tiếp xúc với nhiều môn nghệ thuật và võ công tuyệt đỉnh của cha mình. Cho nên nàng vốn không còn thấy lạ lẫm với những thứ đó nữa.
Bằng tài hoa của mình, Hoàng Dược Sư đã sáng tạo ra những bộ võ công vô cùng lãng mạn. Đông Tà chính là cao thủ võ lâm đích thực trong tưởng tượng của các cô nương ngày ấy. Thật xứng danh là một bậc kỳ tài tuyệt thế.
Trong lần tái bản mới nhất, nhà văn Kim Dung đã có chỉnh sửa về tình sử của nhân vật này. Tình cảm của Hoàng Dược Sư dành cho đệ tử Mai Siêu Phong đã được khắc sâu thêm như một chuyện tình hữu duyên vô phận.
Sau này, Hoàng Dược Sư kết hôn với nữ sĩ Phùng Hằng. Vậy là về sau này sẽ không còn kẻ nào dám đặt điều nói Hoàng Lão Tà lấy nữ đồ đệ làm vợ nữa.
Đây có lẽ là lần duy nhất trong đời Hoàng Dược Sư chịu khuất phục trước điều tiếng thiên hạ. Và cũng chính lần thỏa hiệp này đã gieo rắc đau thương cho biết bao người.
Nhiều năm về sau, Hoàng Dược Sư gặp được thần điêu đại hiệp Dương Quá. Dương Quá là người mà đã phá vỡ luật lệ để thành thân với chính sư phụ mình. Hoàng Dược Sư mới thốt lên rằng: "Ngươi làm được như vậy quả là đã cao hơn ta một bậc."
Nỗi đau khi mà yêu nhưng lại không thể có được người mình yêu quả thật quá lớn. Nỗi đau ấy khiến người ta phải đau đến hết cả một đời. Chẳng biết trên thế gian này liệu có mấy người chịu buông bỏ hoài niệm sau những đau thương?
Phùng Hằng không phải người phụ nữ đầu tiên mà Hoàng Dược Sư yêu. Nhưng bà lại là người mà Đông Tà nguyện một lòng chung thủy đời đời kiếp kiếp.
Ngày bà qua đời, khó để tưởng tượng rằng một cao thủ võ lâm như Hoàng Dược Sư lại muốn quyên sinh theo vợ. Ông thậm chí còn chuẩn bị cho một cái chết lãng mạn nhất thế gian. Một con thuyền được kết bằng hoa sẽ đưa Hoàng Dược Sư và phu nhân cùng hòa vào biển lớn. Giữa những con sóng bạc đầu ngoài kia, họ sẽ bên nhau mãi mãi không chìa lìa.
Châu Bá Thông cười cợt ông rằng: "Ngươi thân là người học võ, nhưng lại quá bi lụy tình cảm phu thê. Ngươi không sợ người khác chê cười hay sao?"
Hoàng Dược Sư đáp: "Phu nhân ta vốn không giống với người khác."
Trong Kinh thi có câu: "Xuất kỳ đông môn, hữu nữ như vân, tuy tắc như vân, phỉ ngã tư tồn." Ý nghĩa của câu nói này là ở ngoài kia dù có nhiều cô gái đẹp nhưng cũng chẳng bằng người vợ ta yêu thương.
Cách thể hiện tình cảm dành cho vợ của ông không khoa trương mà lại rất sâu sắc. Ông luôn coi phu nhân là người duy nhất, đặc biệt nhất trong trái tim mình. Nhiều năm sau, Hoàng Dược Sư vẫn hay hát: "Hỏi thế gian tình ái là chi? Mà đôi lứa nguyện thề sống chết?"
Nỗi đau âm dương cách biệt của Hoàng Dược Sư có lẽ còn lớn hơn cả bi kịch tình yêu của Lý Mạc Sầu. Qua đây, nhà văn Kim Dung muốn gửi gắm đến chúng ta một thông điệp. Ông hy vọng người đời buông bỏ hoài niệm về mối tình đầu và yêu thương người ở bên cạnh mình. Dù người ấy không phải là người đầu tiên, nhưng họ xứng đáng là người bạn yêu suốt cả cuộc đời.
Hoàng Dược Sư tự nhận mình là người không thờ thánh hiền, phản bội tổ tông. Lễ nghĩa liêm sỉ đối với Đông Tà cũng chẳng là gì. Đông Tà không thích lễ nghi Nho giáo, càng không tuân theo những lời dạy của cổ nhân. Tư tưởng chống đối lễ giáo phong kiến này được thể hiện rõ qua những bài từ của ông.
Khổng Tử từng khen Nhan Hồi – học trò xuất sắc nhất của mình là: "Không giận lây sang người khác mà cũng không mắc một lỗi quá hai lần." Khi gặp khó thì ta không nên giận cá chém thớt. Khi phạm sai lầm thì nhớ đừng giẫm phải vết xe đổ của mình ở lần sau. Nhưng Hoàng Dược Sư lại là người thích giận lây sang người khác.
Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong phản bội sư môn và bỏ trốn khỏi đảo Đào Hoa. Hoàng Dược Sư liền trút giận lên bốn người đệ tử còn lại. Ông cắt gân, bẻ gãy chân rồi đuổi hết bọn họ ra khỏi đảo Đào Hoa.
Những người đệ tử năm ấy bị đuổi khỏi đào Đào Hoa vẫn luôn một lòng tôn kính sư phụ mình. Khúc Linh Phong vì muốn làm sư phụ vui mà đã dám vào hoàng cung đánh cắp bảo vật. Cuối cùng, Khúc Linh Phong đã không may thiệt mạng. Lục Thừa Phong đã đau buồn khôn xiết khi nghe tin giả nhầm tưởng sư phụ đã tạ thế. Phùng Mạc Phong cả đời không màng thế sự nhưng cũng tuyệt đối không tha thứ cho kẻ hủy hoại thanh danh của sư phụ. Mai Siêu Phong tội ác đầy mình nhưng vẫn tôn thờ Cửu âm chân kinh, nguyện chết vì sư phụ.
Những con người ấy vốn đã không còn là đệ tử của đảo Đào Hoa nhưng vẫn luôn khắc ghi lời dạy của sư phụ. Họ quyết không tự ý truyền thụ võ công cho con cái mình. Kể cả khi con mình chỉ là một cô bé ngốc nghếch, không miếng võ phòng thân. Tình thầy trò quả là một trong những thứ tình cảm vô tư và trong sáng nhất trên đời.
Sự giận lây của Hoàng Dược Sư âu cũng là do ông ta đã quá yêu quý đồ đệ. Nên khi bị phản bội, Hoàng Dược Sư đã phải nhận lấy một vết thương lòng quá sâu. Nếu người phản bội mà ta không hận người, có lẽ là do ta chưa từng thật lòng yêu thương người? Nhà văn Kim Dung đã viết về khuyết điểm này như thể một nét đẹp rất độc đáo của nhân vật.
Hoàng Dược Sư vốn rất ghét những người ngốc ngếch và chậm chạp. Nhưng đối với Cô Ngốc, Hoàng Dược Sư không chỉ thu nạp làm đồ đệ mà còn truyền thụ hết mọi võ công của mình cho cô.
Hoàng Dược Sư bỏ biết bao tâm sức để dạy cho cô Ngốc võ nghệ, cầm kỳ thi họa và kì môn ngũ hành. Đó đều là những thứ mà Khúc Linh Phong – cha của cô Ngốc năm xưa muốn học mà còn không được học.
Đến Hoàng Dung cũng thấu hiểu được sự vất vả của cha khi dạy dỗ Cô Ngốc nên thầm nghĩ: "Cha thật là, sao cứ phải tự mình làm khổ mình như vậy chứ?"
Hoàng Dược Sư còn là người không màng đến thế tục. Người khác vu cáo ông giết Hồng Thất Công, giết người của Toàn Chân giáo, giết năm người trong Giang Nam thất quái. Hoàng Dược Sư không những không giải thích, mà còn tự thừa nhận cả những chuyện mà mình không làm ấy.
Đối với những người không tin tưởng mình, ông cũng chưa bao giờ dành chút tình cảm nào cho họ. Cả đời này, ông chỉ hết lòng yêu thương những người biết trân trọng và yêu thương ông.
Hoàng Dược Sư năm ấy thân không vướng vào những ân oán tranh chấp giang hồ. Ông sống một đời ung dung và khảng khái. Và cho dù ông có là Đông Tà đi chăng nữa thì sức hút của nhân vật này là không thể phủ nhận.
"Nhân tình thế thái không chỉ đẹp mà không còn rất thú vị. Nó đủ để người đời phải viết vào sách hay đóng thành phim."
Hoàng Dược Sư mãi là người không thuộc về thế giới này. Những hỉ nộ ái ố của nhân gian cũng chỉ là cuốn sách hay vở kịch ông đang xem mà thôi. Ông cũng cảm nhận được sâu sắc sự ngắn ngủi của kiếp người. Nên ông đem hết tài năng của mình dành tặng cho những điều xứng đáng.
Sớm hay muộn thì hành trình sống của chúng ta cũng sẽ kết thúc. Vậy thì bạn còn chần chờ gì mà không thử mạo hiểm một lần. Đứng trước dòng đời phù hoa, liệu bạn có đủ dũng khí để đi con đường của riêng mình chứ?
Đình Trọng
Theo Trí Thức Trẻ