Đơn giản mà nói - Bạn muốn làm một người “thư giãn” trong thế giới hối hả?

16/12/2024 08:00
Đơn giản mà nói - Bạn muốn làm một người “thư giãn” trong thế giới hối hả?

Có một sự thật là loài người chúng ta vốn không hoàn hảo. Các câu chuyện sẽ rất tẻ nhạt nếu thiếu đi tình tiết xung đột, và cuộc sống sẽ vừa căng thẳng vừa nhàm chán nếu bộ não của chúng ta luôn hoạt động chính xác.

Chúng ta có thể khẳng định như vậy vì có nhiều người trên thế giới thật sự có khả năng nhận thức và ghi nhớ hầu như mọi thứ. Một hội chứng hiếm gặp tên là “hội chứng trí nhớ siêu phàm” (hyperthymesia) khiến người mắc có khả năng tua lại cuộc đời họ như một cuộn phim sống động, và mỗi con người, nơi chốn hay sự vật từng xuất hiện trong đời họ đều hiện ra rõ nét như khi chúng ta xem hình trên điện thoại.

Dù vẫn có những điểm mờ, nhưng trí nhớ của họ đã gần đạt đến mức hoàn hảo. Những người mắc hội chứng này có thể nhớ như in từng chi tiết trong tất cả các buổi sinh nhật, hôn lễ, đám tang và những lần chia tay. Một bệnh nhân chia sẻ đây là một tình trạng “không có điểm dừng, không thể kiểm soát và vô cùng mệt mỏi”. Ghi nhớ mọi thứ không phải là một khả năng lý tưởng.

Chúng ta phớt lờ và quên đi nhiều thứ vì điều đó giúp chúng ta sống cuộc sống của mình. Nhưng khi là người mang thông điệp và không muốn bị mọi người phớt lờ hay quên đi, chúng lại thấy cơ chế sinh học được lập trình sẵn này giống như một chướng ngại không thể vượt qua. Để hiểu rõ hơn về vấn đề của chúng ta, hãy cùng điểm qua một số khó khăn mà chúng ta thường gặp nhất. 

Chúng ta không để ý đến hầu hết mọi thứ

Trong một hành lang màu be đậm không có gì nổi bật, có sáu sinh viên di chuyển theo một vòng tròn tương đối. Họ chia làm hai đội, đội áo đen và đội áo trắng, mỗi đội ba người. Mỗi đội được phát một quả bóng rổ, và các thành viên vui vẻ chuyền bóng qua lại trong đội trước một dãy cửa thang máy đóng kín.

Vài giây sau, một diễn viên mặc đồ hóa trang khỉ đột đi ngang qua nhóm sinh viên, nhìn vào máy quay và vỗ ngực, rồi cứ thế đi ra khỏi khung hình. Các sinh viên vẫn tiếp tục chuyền bóng.

Thật là một hành động kỳ quặc, đúng không? Người ta chắc sẽ để ý thấy con khỉ đó.

Không hẳn vậy. Khi các nhà nghiên cứu - những người đã thiết kế bài kiểm tra này - cho người tham gia xem đoạn phim và yêu cầu họ đếm xem đội áo trắng chuyền bóng bao nhiêu lần, chỉ có 42% người xem nhận ra có con khỉ đột xuất hiện. Điều đáng ngạc nhiên là đa số người xem đều đếm được đội áo trắng đã chuyền bóng mười lăm lần và không nhận thấy điều gì khác thường.

Nghiên cứu nổi tiếng này của hai nhà tâm lý học Daniel Simons và Christopher Chabris minh họa một hiện tượng khó hiểu gọi là “mù vô ý” hay “mù do thiếu chú tâm” (inattentional blindness), khi chúng ta không nhận thấy điều gì đó rõ rành rành ngay trước mắt. Khi ở trong một môi trường bận rộn, bị phân tâm bởi một nhiệm vụ hoặc có nhiều yếu tố kích thích đang tranh giành sự chú ý của chúng ta, chúng ta sẽ bỏ sót những thứ khác đang diễn ra ngay trước mắt mình - ngay cả khi đó là một con khỉ đột thật, nặng hơn 360 ki-lô-gam.

Không có gì khác thường ở bộ đồ hóa trang khỉ đột hay quả bóng rổ. Chuyện “nhìn nhưng không thấy” kiểu này rất thường xuyên xảy ra.

Khi mải trò chuyện trong lúc lái xe, chúng ta sẽ không phát hiện được chiếc xe hơi “tự nhiên xuất hiện trên đường”. Khi quá chú tâm vào một màn khó nhằn hỏi của người bạn đời về việc muốn đi đâu ăn tối. Khi trong trò chơi điện tử, chúng ta sẽ không nghe thấy câu cố hoàn thành công việc cho kịp hạn chót trong phòng chờ sân bay, chúng ta sẽ không nghe thấy những thông báo ầm ĩ mời những hành khách cuối cùng trên chuyển bay của chúng ta lên máy bay.

Mắt và tai của bạn không có vấn đề gì hết. Võng mạc của chúng ta tiếp nhận chính xác các hình ảnh và truyền tín hiệu qua dây thần kinh thị giác đến vỏ não. Màng nhĩ của chúng ta rung và truyền tín hiệu qua dây thần kinh thính giác. Nhưng thường thì những thứ ngay trước mắt vẫn có thể không được ghi nhận trong nhận thức của chúng ta. Thay vì xử lý thông tin do các cơ quan cảm giác truyền đến, bộ não chúng ta thường đi đường tắt, lấp đầy các khoảng trống trong nhận thức của chúng ta bằng những thứ ta nghĩ là sẽ ở đó và tiếp tục những việc ta đang làm. 

Khuynh hướng vô thức lọc bỏ những chi tiết không cần thiết đã mang lại lợi ích về mặt tiến hóa cho sự phát triển của loài người. Sẽ mệt mỏi biết bao khi chúng ta phải chủ động xem xét và xử lý mọi thứ xảy ra trước mắt. Nếu cứ túm tụm xem xét từng ngọn cỏ, tổ tiên xa xưa của chúng ta hẳn đã trở thành miếng mồi ngon của những kẻ săn mồi đói khát ẩn nấp sau gốc cây.  Tuy nhiên, nếu bạn hỏi bất kỳ người làm marketing nào đã đốt nhiều tiền quảng cáo mà chỉ có được số lượt nhấp chuột đếm trên đầu ngón tay, thì họ sẽ nói khuynh hướng lọc bỏ chi tiết thừa gây bất lợi khi bạn đang cố gắng thu hút sự chú ý của người khác.

Simons, nhà tâm lý học đã thực hiện nghiên cứu có con khỉ đột giả, sau đó có nói: “Một trong những kết luận mà chúng tôi rút ra được từ nghiên cứu về hiện tượng mù vô ý là chúng ta nhận thức về thế giới xung quanh ít hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng... Dù chúng ta có cảm giác như mình đã nắm bắt được tất cả chi tiết của mọi thứ đang diễn ra, nhưng tôi dám chắc là hầu hết mọi người chỉ thật sự tập trung vào một mục tiêu tại một thời điểm nhất định”.

Theo ước tính, chúng ta tiếp nhận 11 triệu bit thông tin mỗi giây thông qua các giác quan, nhưng phần não bộ có ý thức của chúng ta chỉ có khả năng xử lý khoảng 0,0004% trong số đó. Rất lâu trước khi chúng ta bắt đầu đo lường thông tin bằng bit, William James – nhà tiên phong trong ngành tâm lý học sống ở thế kỷ 19 – đã viết:

“Có hàng triệu thứ thuộc về thế giới bên ngoài được các giác quan của tôi tiếp nhận, nhưng chúng không bao giờ trở thành trải nghiệm của tôi. Vì sao? Vì chúng không khiến tôi quan tâm. Trải nghiệm của tôi là những gì tôi đồng ý tiếp nhận. Chỉ những điều tôi chú ý mới có thể định hình tâm trí tôi – nếu không có sự quan tâm có chọn lọc, trải nghiệm sẽ là một mớ hỗn độn”.

Sự chú ý của chúng ta rất quý giá và có giới hạn, vì vậy chúng ta chỉ dành sự chú ý cho những thứ quan trọng với mình. Chúng ta để ý đến những thông tin gắn liền với mục tiêu của mình, có thể giúp chúng ta tồn tại và phát triển; nhưng để làm được như vậy, chúng ta cũng vô thức lọc bỏ những thông tin không quan trọng bằng. Điều đó thường có nghĩa là chúng ta không để ý đến hầu hết các thông điệp đang trút xuống đầu mình mọi nơi mọi lúc.

Chúng ta không nhớ hầu hết mọi thứ

Một buổi tối muộn ngày thứ Sáu của tháng Mười Hai năm 2010, nam thanh niên tên Aaron Scheerhoorn cuống cuồng chạy đến trước cửa một hộp đêm ở Houston. Anh mở phanh áo sơ mi và cho những bảo vệ hộp đêm xem một vết đâm đẫm máu trên người, khẩn khoản cầu xin họ cho mình vào trong trú ẩn. Bất chấp những lời nài nỉ của Scheerhoorn, bảo vệ không cho anh vào. Chẳng mấy chốc, gã đàn ông to lớn đang truy đuổi Scheerhoorn đã đuổi kịp và đâm anh lần nữa. Sau khi Scheerhoorn bỏ chạy băng qua một bãi đậu xe gần đó, kẻ tấn công lại đuổi theo và đâm anh nhiều nhát nữa, sau đó đứng dậy và bình tĩnh bỏ đi trước sự chứng kiến của người qua đường. Khuya hôm đó, Aaron Scheerhoorn được xác nhận là đã tử vong tại bệnh viện gần đó. 

Trong suốt buổi tối kinh hoàng đó, có tám nhân chứng nhìn thấy kẻ tấn công. Ngày hôm sau, một trong các nhân chứng báo rằng anh nhìn thấy một người đàn ông trông giống tên giết người. Dựa theo xe hơi của nghi phạm, cảnh sát đã lần ra tên của hắn: Lydell Grant.

Các nhân viên điều tra đã cho những nhân chứng khác xem hình của Grant. Hai bảo vệ hộp đêm nói đúng là hắn ta. Hai khách ghé hộp đêm cho lời khai tương tự. Người qua đường ở bãi đậu xe cũng có cùng ý kiến. Tổng cộng, có sáu trong số tám nhân chứng ngay lập tức xác định Grant là kẻ tấn công mà họ đã nhìn thấy đêm đó. Cảnh sát đã biết phải bắt ai.

Vài ngày sau, xe của Grant bị cảnh sát dừng lại kiểm tra, Grant bị bắt và bị kết tội giết người cấp độ một. Cảnh sát tìm thấy một số bằng chứng mơ hồ khác: một mặt nạ trượt tuyết và một con dao trong cốp xe của Grant, cùng một số DNA nam giới không xác định được tìm thấy dưới móng tay Grant. Dù sao đi nữa, lời khai của sáu nhân chứng đã đủ để các công tố viên có cơ sở kết tội. Hai năm sau, vào ngày 6 tháng Mười Hai năm 2012, Grant bị tòa phán quyết có tội và bị kết án chung thân.

Nhưng Lydell Grant không giết Aaron Scheerhoorn.

Nhờ tính thuyết phục của bằng chứng DNA cùng với sự trợ giúp của Dự án Vô tội Texas (Innocence Project of Texas), Grant được phóng thích vào năm 2019 và chính thức được xử trắng án không lâu sau đó. Kẻ giết người thật sự, Jermarico Carter, đã thú tội ngay sau khi bị bắt. Phán quyết sai lầm, thứ đã cướp đi gần mười năm cuộc đời của Grant, gần như chỉ dựa trên trí nhớ không chính xác của sáu nhân chứng.

Đáng buồn thay, những phán quyết như thế không phải là hiếm gặp. Năm 1985, vì những lời khai nhiều lỗ hổng của nhân chứng, Ronald Cotton bị buộc tội hiếp dâm và phải chịu oan án tù chung thân, mãi đến năm 1995 anh mới được minh oan nhờ các bằng chứng DNA. Năm 1999, các nhân chứng ở gần hiện trường một vụ án

khác đã xác định sai thủ phạm, khiến Ryan Matthews mất năm năm cuộc đời sau song sắt phòng giam tử tù vì một tội ác anh không hề gây ra. Theo Dự án Vô tội, 69% các vụ xử sai được minh oan nhờ DNA ở Mỹ đều có liên quan đến việc nhân chứng nhận dạng sai thủ phạm, trong đó có 32% trường hợp bị nhận dạng sai nhiều lần bởi nhiều nhân chứng khác nhau.

Ngay cả khi có liên quan tới chuyện sinh tử, chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc nhớ lại những gì mình đã thấy, đã nghe, hay chuyện gì đã xảy ra.

Bộ não của chúng ta có bốn dạng trí nhớ: cảm giác (sensory), ngắn hạn (short-term), làm việc (working) và dài hạn (long-term). Trí nhớ cảm giác là nơi lưu trữ các thông tin đầu tiên và cực kỳ ngắn gọn từ các giác quan của chúng ta. Về cơ bản, trí nhớ cảm giác là người gác cổng có chức năng chọn lọc mọi thứ và quyết định những gì sẽ đi vào ý thức của chúng ta. Tất cả các tác nhân kích thích từ thế giới xung quanh đến và đi khỏi trạm trí nhớ này của chúng ta trong chưa đầy một giây. Chúng ta đã nói đến loại trí nhớ này ở phần trước.

Nếu thông tin qua được bộ lọc của sự chú ý, nó sẽ đến trí nhớ ngắn hạn. Trí nhớ ngắn hạn là nơi lưu giữ các thông tin được ưu tiên xử lý trong lúc chúng ta suy nghĩ và vận động trong cuộc sống, thông tin đó có thể là câu văn bạn vừa mới đọc hoặc số điện thoại bạn đang gọi.

Diễn ra chồng chéo và khó phân định rạch ròi với trí nhớ ngắn hạn là trí nhớ làm việc, nơi chúng ta truy cập, lưu giữ và xử lý thông tin để lên kế hoạch và thực hiện hành vi. Trí nhớ làm việc là cách chúng ta ứng dụng trí nhớ ngắn hạn, chẳng hạn như nấu theo công thức nấu ăn, giải toán hoặc tham gia tranh luận.

Cả ba dạng trí nhớ này đều rất ngắn và không tồn tại lâu.

Trong một nghiên cứu có sức ảnh hưởng được thực hiện vào năm 1956, nhà tâm lý học George Miller của Đại học Harvard đã phát hiện ra một giới hạn chung của trí nhớ ngắn hạn, bất kể bạn đang cố gắng ghi nhớ con số, âm thanh, chữ cái hay từ ngữ. Miller đã xem xét đủ loại thông tin, tìm ra giới hạn của trí nhớ ngắn hạn và lấy đó làm tiêu đề cho bài nghiên cứu của mình: “The Magical Number Seven, Plus or Minus Two" (tạm dịch: Số bảy huyền diệu, cộng hoặc trừ hai). Theo Miller, chúng ta chỉ có thể nhớ chính xác khoảng bảy “khối” thông tin trong đầu tại một thời điểm.

Một nghiên cứu sau đó đã giảm con số này xuống còn bốn. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác đã cho thấy cách dễ hiểu hơn để thể hiện lượng thông tin chúng ta có thể ghi nhớ là dùng đơn vị thời gian, theo đó chúng ta chỉ có thể nhớ tối đa lượng thông tin được diễn giải thành lời khoảng hai giây. Nhưng dù được ước tính theo cách nào đi nữa, khả năng ghi nhớ của chúng ta vẫn cực kỳ ít ỏi. Nhìn chung, khả năng chú ý và lưu giữ thông tin của chúng ta hạn chế hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.

Trong khi đó, chúng ta còn phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là trí nhớ của chúng ta suy giảm rất nhanh. Nếu chúng ta không cố gắng ghi nhớ những thông tin mới, chúng sẽ biến mất trong từ mười lăm đến ba mươi giây. Đây là lý do vì sao bạn khó có thể nhớ chính xác câu thoại của một nhân vật trong vài cảnh trước của bộ phim bạn đang xem, hoặc khi người phục vụ mang thức ăn lên thì bạn đã quên mất trong thực đơn còn món gì hác. Bộ não của chúng ta xử lý, sử dụng và ném các thông tin sang một bên sau khi phần thông tin đó đã hoàn thành nhiệm vụ. Một số thông tin được chuyển đến bộ nhớ dài hạn của chúng ta, nhưng phần lớn thì không. Việc quên đi - bỏ bớt những chi tiết không cần thiết trong tâm trí – không phải là ngoại lệ mà là chế độ mặc định của chúng ta.

Vì có rất nhiều thông tin không thể vượt qua rào cản là khả năng chú ý và ghi nhớ, nên chúng ta phải đặt câu hỏi về độ tin cậy của những thông tin nào có thể vượt qua hai rào cản này. Nhà nghiên cứu đầu ngành Elizabeth F. Loftus nói rằng việc ghi nhớ “giống như ghép các mảnh ghép lại với nhau hơn là tua lại một đoạn phim đã quay”. Mỗi khi muốn nhớ lại một ký ức, chúng ta không nhấn nút phát lại ký ức đó mà chúng ta tái tạo nó – và chúng ta rất dễ mắc sai lầm khi tái tạo ký ức.

Trong câu chuyện của Lydell Grant và những người được miễn tội sau khi bị kết án oan, các nhân chứng đã cho lời khai sai, nhưng điều đó không hẳn là do họ có ác ý. Giống như hầu hết chúng ta, ký ức của họ không rõ nét như hình chụp; và khi họ phải sử dụng thứ ký ức bất toàn đó trong một thời điểm cực kỳ áp lực, nó đã phản bội họ và tất cả những người liên quan. Khi các nhân chứng cố gắng tái tạo một ký ức mơ hồ, tâm trí họ đã ghép vài mảnh ghép lại với nhau, lấp đầy chỗ trống bằng các manh mối ngữ cảnh và xem đó như một ký ức hoàn chỉnh.

Các nhân chứng đó đã chứng kiến các vụ án trong môi trường thực tế đầy căng thẳng, thường là trong bóng tối và từ xa, chứ không được ngồi ghi nhớ các chi tiết của một bức hình trong một nghiên cứu chuyên sâu. Thông tin họ tiếp nhận không nhiều, và thông tin họ có thể ghi nhớ thậm chí còn ít hơn. Khi phải đối mặt với một công tố viên đanh thép đang tìm cách kết án nghi phạm, trí nhớ bất toàn, hạn chế và rất con người của các nhân chứng không thể làm gì hơn.

Chúng ta không biết những gì chúng ta nghĩ

Ngay cả khi chúng ta có để ý, ngay cả khi chúng ta có ghi nhớ, chúng ta có thật sự biết gì không? Sự thật là tất cả chúng ta đều biết rất nhiều thứ và có thể xử lý ổn thỏa hầu hết các công việc thường nhật, nhưng một sự thật khác là những gì chúng ta nghĩ mình biết thường nhiều hơn những gì chúng ta thật sự biết.

Quay lại cái bồn vệ sinh mà chúng ta đã đề cập ở đầu chương này, chi tiết về chuyện vệ sinh cá nhân của mỗi người tôi xin không bàn, nhưng nhiều khả năng là

bạn đã xả nước bồn cầu vô số lần trong đời, và như vậy thì nó là một trong những thiết bị công nghệ gần gũi nhất và được bạn sử dụng nhiều nhất. Nhưng nếu bây giờ bị đưa về quá khứ 500 năm trước, liệu bạn có thể tự tạo ra bồn vệ sinh không?

Nếu bạn không phải là thợ sửa ống nước mà vẫn trả lời mình có thể, thì nhiều khả năng là ở bạn còn có một dạng khiếm khuyết tinh thần khác: ảo tưởng về chiều sâu lý giải (illusion of explanatory depth). Đây là hiện tượng khi người ta nghĩ họ hiểu rõ các chủ đề, ý tưởng và hệ thống phức tạp, nhưng thực tế họ không hiểu sâu được như vậy.

Trong nghiên cứu gốc của Đại học Yale nhằm xác định khái niệm ảo tưởng này, các sinh viên sau đại học được yêu cầu tự chấm điểm mức độ hiểu biết của họ về cách thức hoạt động của hàng loạt thiết bị hoặc hệ thống, từ đồng hồ tốc độ trên phương tiện giao thông, Tòa án Tối cao của Mỹ, cho đến bồn vệ sinh. Sau khi tự cho điểm, những người tham gia được yêu cầu giải thích chi tiết cho từng mục và sau đó đánh giá lại mức độ hiểu biết của họ.

Kết quả: hầu như mọi sinh viên đều gặp khó khăn trong việc giải thích, và sau đó họ đều hạ điểm đánh giá mức độ hiểu biết của mình xuống. Khi nghiên cứu được thực hiện với sinh viên đại học hoặc các đối tượng bên ngoài hệ thống Ivy League' danh giá, kết quả cũng tương tự. Chúng ta không hiểu rõ những gì chúng ta nghĩ mình biết.

Ảo tưởng này có liên quan đến một hành vi kỳ lạ thường gặp khác trong việc tự đánh giá cao bản thân: hiệu ứng Dunning-Kruger. Thiên kiến nhận thức nổi tiếng này xảy ra khi những người thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu năng lực có xu hướng đánh giá quá cao khả năng hoặc hiệu suất làm việc của họ. Chúng ta thường thấy hiệu ứng này trong cuộc sống hằng ngày: những học sinh kém nghĩ rằng họ sẽ đạt điểm cao nhưng thực tế thì không, hoặc những người chơi cờ dở nghĩ rằng họ có nhiều khả năng chiến thắng nhưng thực tế cũng không. Trong một ví dụ đặc biệt đáng lo ngại, 12% những người đàn ông trung bình, không có gì đặc biệt ở Anh tin rằng họ có thể ghi được một điểm khi thi đấu quần vợt với Serena Williams, tay vợt xuất sắc nhất thời đại. Trùng hợp thay, cũng từng ấy phần trăm người Mỹ ảo tưởng rằng họ có thể đánh bại một con sói trong một trận chiến tay đôi. 

Khi kết hợp lại với nhau, tất cả những hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp của chúng ta. Chúng ta gặp khó khăn ở mỗi bước của quá trình lấy thông tin từ thế giới bên ngoài và đưa nó vào trong “cái đầu đất” của mình. Mỗi phần ít ỏi trong khả năng chú ý và tập trung của chúng ta đều là một phép màu nhỏ bé.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025