Vì không biết mình thực sự muốn làm gì, trí não bạn rơi vào một guồng quay tẻ nhạt, chỉ có sự chán chường, suy tàn và chết chóc. Thế nên điều hết sức quan trọng là đang khi bạn còn trẻ, phải khám phá xem bạn thực sự thích làm việc gì; và đây là cách thức duy nhất để tạo ra một xã hội mới.
Bạn biết chú tâm là gì không? Ta hãy khám phá. Trong một lớp học, khi bạn tò mò nhìn ra cửa sổ hay kéo tóc một người bạn, thầy giáo thấy và bảo bạn hãy chú tâm. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là bạn không quan tâm những gì bạn đang học và do đó, thầy giáo buộc bạn phải chú tâm - thực ra không phải là chú tâm chi cả. Sự chú tâm xuất hiện khi bạn quan tâm sâu sắc một điều gì đó, bởi vì lúc đó bạn yêu mến điều bạn đang khám phá; bấy giờ toàn bộ trí não, toàn bộ con người bạn có mặt ở đó. Tương tự, khi bạn thấy rằng câu hỏi này - nếu không có tham vọng, chẳng phải ta sẽ lụn bại sao? - là thực sự hết sức quan trọng, bạn quan tâm và muốn khám phá sự thật của vấn đề.
Vậy, không phải người tham vọng đang tự hủy diệt chính mình sao? Đó là điều trước hết phải khám phá, chứ đừng hỏi tham vọng đúng hay sai. Hãy nhìn quanh bạn đi, hãy quan sát những người đầy tham vọng. Điều gì xảy ra khi bạn tham vọng? Bạn nghĩ về chính bạn phải không? Bạn trở nên tàn nhẫn, bạn gạt người khác sang một bên, bởi vì bạn đang nỗ lực thực hiện tham vọng của mình, cố trở thành một người đầy quyền lực, từ đó mới sinh ra xung đột trong xã hội giữa những người thành đạt và những kẻ rớt lại phía sau. Có một cuộc chiến triền miên diễn ra giữa bạn và những người khác đang gắng sức đuổi theo những điều bạn muốn; và liệu cuộc xung đột này có tạo ra một cuộc sống sáng tạo không? Bạn hiểu chứ?
Bạn có tham vọng không khi yêu thích làm điều gì vì chính bản thân điều đó? Khi bạn làm việc gì bằng trọn vẹn con người mình, chứ không phải bởi vì bạn muốn đi đến đâu hay có nhiều lợi lộc hơn, đạt kết quả to lớn hơn, mà đơn giản bởi vì bạn yêu thích làm việc đó - trong đó không có tham vọng phải không? Trong đó không có ganh đua; bạn không đấu tranh với ai đó để đứng đầu bảng. Và chẳng phải giáo dục nên giúp bạn khám phá những điều bạn thực sự thích làm sao, để trong suốt cuộc đời mình, bạn được làm công việc bạn cảm thấy đáng giá, và đối với bạn nó có một ý nghĩa sâu sắc sao? Nếu không, suốt cả phần đời còn lại, bạn sẽ khốn khổ.
Vì không biết mình thực sự muốn làm gì, trí não bạn rơi vào một guồng quay tẻ nhạt, chỉ có sự chán chường, suy tàn và chết chóc. Thế nên điều hết sức quan trọng là đang khi bạn còn trẻ, phải khám phá xem bạn thực sự thích làm việc gì; và đây là cách thức duy nhất để tạo ra một xã hội mới.
Đây là nội dung mà Krishnamurti đã chia sẻ trong cuốn sách Đôi điều cần suy ngẫm của mình. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm hiểu thêm những kiến giải độc đáo của bậc thầy tâm linh Krsihnamurti như: Đánh thức trí thông minh và Như ta là do First News mới phát hành