Không phải mọi thứ ở Trường Orange Coast đều vui vẻ và thú vị. Có một đêm Henry Ledger tìm cách tự sát. Sau khi cùng bạn gái đi chơi ở sa mạc về, Ledger tới phòng của Ẩn và nói, “Tối nay tụi mình ăn như vua chúa đi bởi vì biết đâu ngày mai chết rồi.”Ẩn chẳng quan tâm mấy tới lời nói gở ấy, và thế là hai gã đánh chén một bữa thịt gà no nê, ăn nhiều ngoài sức tưởng tượng của cả hai. Lúc ấy chưa khuya lắm, nhưng Ledger bảo mình đi ngủ sớm. Khi dọn dẹp vệ sinh, Ẩn thấy hộp thuốc ngủ trong ngăn kéo bàn của Ledger trống rỗng. Trước kia, Ledger thường cho Ẩn thuốc ngủ bởi Ẩn không ngủ được do Ledger ngủ ở phòng bên cạnh thường ngáy quá to. Giờ đây, dựa vào linh cảm, Ẩn nghĩ rằng Ledger đã uống hết tất cả số thuốc ngủ kia. Đột nhiên trong đầu ông nhớ lại câu nói ban nãy, “Tối nay tụi mình ăn như vua chúa.” Sau một hồi lay gọi Henry không được, Ẩn gọi xe cứu thương.
Ngày hôm sau, Ẩn được biết người bạn của mình bị sốc sau khi chia tay bạn gái và đã tìm cách tự tử. Ledger không chết nhưng lại bị sa thải khỏi chỗ làm ở Orange Coast. “Tôi bị sốc nặng… Một gã trai tuyệt vọng tự sát không thành và sau đó lại bị đuổi việc. Tôi không hiểu nổi,” Ẩn nhớ lại. Ẩn tới ban quản lý để phản đối quyết định sa thải nhưng rồi ông nhận được lời giải thích, “cậu không hiểu gì văn hóa Mỹ cả; bằng cách tự sát, anh ta đã trở thành tấm gương xấu cho sinh viên.”
Chẳng bao lâu sau Ledger đi làm người giúp việc nhưng không cho Ẩn biết nơi làm. Hai tuần sau, Ẩn tìm tới nơi làm việc của ông này. “Ẩn, tao rất hận mày; sao mày không để mặc cho tao chết? Mày cứu tao để giờ tao lại đau khổ hơn,” Ẩn nhớ lại những lời Ledger đã nói với mình. Lúc ấy một đồng nghiệp của Ledger đã hét lên, “Cậu ta cứu sống mày – hãy biết ơn cậu ta.” Thế là hai người ôm chầm lấy nhau và về sau còn gặp lại nhau rất nhiều lần nữa.
Năm học đầu khép lại, Ẩn tổng kết những điều thu lượm được và những mất mát trong một bài viết trên tờ Barnacle: “Tiếng Anh thực hành của tôi luôn đạt điểm xuất sắc ở trong nước, nhưng khi mới tới Orange Coast, tôi thực sự không hiểu những người bạn học của mình đang nói gì với nhau. Bây giờ thì tôi đã hiểu được những điều họ nói, dù không phải lúc nào cũng lĩnh hội được mọi sắc thái, nhất là những từ lóng.” Khả năng viết lách của ông đạt được nhiều tiến bộ bởi ông đã cải thiện được ngữ pháp và lối tư duy. Lớp tiếng Anh A1 rất khó đến mức “làm tôi nhức cả đầu và nhiều lần mất ngủ. Tôi tiếp tục thực hành tiếng Anh trong lớp báo chí. Barnacle là tờ báo tự do nhất và nằm trong số những tờ báo sinh viên xuất sắc nhất tại Nam California. Nó đã cho tôi những bài học lớn về báo chí, ngành học chính của tôi.
Bên cạnh kiến thức nhà trường, Orange Coast còn là nơi giúp tôi thích nghi với nền văn hóa mới, với phong tục và lối sống ở đây. Đây là nơi cho tôi cơ hội đầu tiên để kiểm chứng lại những điều mình đã được nghe, được đọc về thế giới mới này nhằm giúp tôi trở nên khách quan hơn và gạt bỏ mọi định kiến vốn đã in hằn vào não tôi một cách vô thức.”
Nhưng Ẩn cũng nhớ đất nước và gia đình mình rất nhiều. “Mất mát của tôi cũng không hề nhỏ. Tôi rất nhớ gia đình, bạn bè, bà con và đồng bào cũng như nhớ tiếng mẹ đẻ của tôi và mảnh đất nhỏ nơi tôi sinh trưởng. Cũng thật may mắn, đây chỉ là những mất mát tạm thời. Thêm vào đó, các thầy cô, đội ngũ nhân viên và sinh viên ở Trường Orange Coast đã đối đãi với tôi quá ân cần khiến đôi lúc tôi cứ ngỡ mình đang sống cùng những người Việt Nam.”
Ẩn cũng rất quan tâm tới những sự kiện trong nước. Ông đã nhận được một lá thư của Mills Brandes và nhờ đó biết được chính quyền Ngô Đình Diệm đã mở một cuộc truy quét nhằm vào những người bị tình nghi là có cảm tình với Việt Cộng và các điệp viên. Ẩn lo lắng không biết có người thân hoặc bạn bè nào của mình bị bắt trong những đợt truy bắt đó và giờ đang bị tra tấn giữa những bức tường ở trại giam Côn Sơn. Nỗi sợ lớn nhất của ông là có một ai đó có thể khai ra chuyện ông là một đảng viên Cộng sản. Nếu điều đó xảy ra, ông sẽ không bao giờ có thể trở về và gia đình ông cũng đối mặt với những điều tồi tệ nhất từ lực lượng cảnh sát của Diệm. Tháng 1 năm 1958, người em trai của Ẩn đã bị bắt. “Tôi rất buồn,” Ẩn nhớ lại. “Tôi đã mất liên lạc với bên Cộng sản, tất cả các chỉ huy của tôi đều bị bắt; em trai tôi cũng bị bắt, và sau khi được thả ra, cậu ấy đã viết một bức thư bằng mật mã cho tôi.”
Bức thư của người em trai được viết dưới dạng một câu chuyện kể ngày Tết. “Tết sắp đến rồi và em cũng không có điều gì để nói với anh cả. Bây giờ em biết anh rất thích nghe kể chuyện xưa, và anh thích nói chuyện phiếm trên trời dưới đất, để làm cho mấy ngày Tết thêm vui, nên em sẽ kể cho anh nghe một câu chuyện xưa.” Phần tiếp theo chính là thông điệp được viết bằng mật hiệu:
“Ngày xửa ngày xưa, có một ông già nghèo túng và từng trải qua bao gian khổ. Ông có hai đứa con rất thích đi chơi trong rừng, nhưng cũng phải giúp cha đốn củi đem ra chợ bán. Một ngày nọ, khi hai anh em vào rừng, người em bị quỷ dữ bắt đi, trong khi người anh chạy thoát nhờ có chú chó và con vẹt chỉ đường ra khỏi rừng. Người em bây giờ đang nằm trong tay ác quỷ, và có thể bị ăn thịt. Người anh rất buồn. Anh ta nhớ em trai mình và cuối cùng quyết định cùng chú chó và con vẹt quay lại khu rừng. Rốt cuộc chỉ có con vẹt trở về.”
Ẩn giải thích thêm về thông điệp trong bức thư: “Khi sắp đi Mỹ, tôi có nuôi một con chó và một con vẹt. Người phụ trách đơn vị tình báo của tôi có một cô con gái nhỏ. Tôi nói với ông ta mang con chó và con vẹt về nhà cho cô con gái bởi tôi sắp đi Mỹ rồi.” Sau khi đọc thư của em trai, Ẩn phân vân, “Thôi chết, cậu ấy bị bắt rồi. Mình không biết phải làm gì cả. Nếu trở về, mình cũng sẽ bị tóm. Nhưng nếu ở lại thì trụ được trong bao lâu?” Ẩn không biết tương lai sẽ như thế nào nên ông quyết định học tiếng Tây Ban Nha để khi lâm thế kẹt có thể chạy thoát sang Nam Mỹ hoặc Cuba.
Ý nghĩ cứ lởn vởn trong đầu, trong kỳ nghỉ hè đầu tiên, Ẩn đã lái xe lên vùng bờ biển Monterey để thăm những người bạn Việt Nam tại Trung tâm Ngoại ngữ của Viện Ngôn ngữ Bộ Quốc phòng, lúc bấy giờ gọi là Trường Ngôn ngữ Lục quân. Nhiệm vụ của viện này là đào tạo ngoại ngữ để phục vụ cho mục đích quốc phòng.
Gần đây, Ẩn đã mua một chiếc Ford Mercury đời 1949 màu xanh đậm với giá 250 đôla. Ross Johnson và Pete Conaty nhớ lại rằng Ẩn tuân thủ đúng theo sách hướng dẫn khi khởi động máy bằng cách cho máy chạy không tải trong năm phút để làm ấm động cơ. “Ẩn thường đề máy xong rồi ngồi chờ cho tới lúc cậu ấy nghĩ là máy đã nóng.”
Vào mùa thu, Ẩn trở lại làm việc ở tờ báo của trường. Lee Meyer đã chuyển qua trường Đại học Nam California, và tổng biên tập mới là một người bạn thân của Ẩn, cô Rosann Rhodes, vốn trước đây là biên tập viên trang 3 dưới thời Lee Meyer và đồng thời cũng làm việc cho tờ Globe-Herald and Pilot của thành phố Costa Mesa. Pete Conaty thăng tiến từ vị trí biên tập viên thể thao lên biên tập viên tin tức, và Ross Johnson trở thành biên tập viên bài đặc biệt. Rich Martin là biên tập viên thể thao, và Ẩn tiếp tục giữ chân biên tập viên trang 2. Các thành viên nhóm này rồi đây sẽ trở nên thân thiết và tiến xa trong lĩnh vực báo chí. Rhodes, Martin và Ẩn tham dự một đại hội dành cho biên tập viên tại Sacramento và được chụp hình với Thống đốc Edmund G. Brown.
Chụp hình chung với Thống đốc Brown, Rosann Rhodes và Rich Martin. Ẩn làm mai mối cho Rosann và Rich. |
Bên cạnh cuộc tranh luận về việc nam sinh có được mặc quần đùi kiểu Bermuda trong khuôn viên trường hay không, một trong những chủ đề nóng bỏng vào năm 1959 là việc sinh viên cần phải tự dọn dẹp nơi mình ngồi. Lần đầu tiên và duy nhất trong thời gian làm việc cho Barnacle, Ẩn đứng tên một mình trong bài xã luận “Hãy dọn rác đi.” Ẩn bắt đầu bài viết bằng việc trích dẫn lời của Napoleon trước khi bại trận, “Sau tôi là cơn hồng thủy”, kèm lời giải thích rằng câu này từng được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Paris. “Nhiều thí sinh đã trượt bởi họ hiểu sai lời của Napoleon,” Ẩn viết. Họ cho rằng Napoleon ích kỷ và không cần biết nước Pháp sẽ ra sao sau khi ông qua đời. “Điều mà Napoleon thực sự muốn nói là ông dự báo sự tàn lụi của đế chế Pháp sau cái chết của ông. Ông thực sự nghĩ về tương lai của nước Pháp và những người tiếp bước ông.”
Sinh viên Orange Coast cũng không hề quan tâm tới ai sẽ đến sau khi họ rời bàn ăn ở căn tin tự phục vụ tại trường. “Thực tế cho thấy khi họ dùng điểm tâm hoặc ăn trưa tại Trung tâm Sinh viên hoặc quầy thức ăn nhanh, họ thường để lại một đống rác bừa bãi trên bàn. Họ không hề quan tâm tới những người đến sau và sẽ ngồi vào chỗ mà họ vừa rời đi.”Rồi Ẩn bênh vực ba người phụ nữ đã làm công việc dọn vệ sinh trong suốt mười lăm tháng qua. “Nhiều sinh viên cho rằng họ đã tạo việc làm cho những phụ nữ này, đóng góp vào giải pháp giảm thất nghiệp, giúp nền kinh tế đi lên, như vậy là đã kích thích việc tạo ra nguồn thu bằng cách xả rác trên bàn. Chúng tôi cho rằng họ là những sinh viên hạng ‘A’ ở một trường ngụy biện.”
Ẩn đề nghị các sinh viên suy nghĩ về vấn đề họ sẽ như thế nào khi không thể tìm ra một chiếc bàn sạch sẽ để ngồi và so sánh điều đó với tâm trạng khi gặp những chiếc bàn sạch sẽ. Những người đến sau họ xứng đáng được hưởng “đặc quyền”tương đương, và để đạt được điều đó, Ẩn kêu gọi các chàng trai hãy “ga lăng” và hãy dọn dẹp sau khi ăn tối với phụ nữ và cổ vũ các nữ sinh hãy “chu đáo hơn” và hãy làm theo các chàng trai. Ông kết luận: “Chúng ta chỉ còn bốn tuần nữa là tốt nghiệp. Chúng ta không muốn thi trượt kỳ thi đơn giản này trước khi đối mặt với những kỳ thi khác khó khăn hơn.”
Số cuối cùng của năm 1959, tờ Barnacle đăng một bài viết đầy xúc động trong đó Phạm Xuân Ẩn gửi lời chia tay tới toàn thể cộng đồng. Ẩn vừa nhận được một món quà từ những người bạn tại Barnacle– một chiếc cốc cà phê đặc biệt có in hình vẽ Ẩn đang ngồi đánh máy tại bàn làm việc, kèm theo chữ ký của toàn tòa soạn. Chiếc cốc này luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong phòng ăn của Ẩn, và khi tôi tới nhà ông vào tháng 10 năm 2006 để viếng ông, chiếc cốc là kỷ vật phi quân sự duy nhất được đặt trên bàn thờ gia đình.
Một trong những vật sở hữu quý giá nhất của ông Ân là chiếc cốc cà phê có chữ ký của các thành viên tờ báo Barnacle tại Trường Orange Coast. |
Bài viết cuối cùng bắt đầu bằng đoạn trích dẫn lời của nhà văn Pháp Anatole France: “Cuộc ra đi dù đúng với mong muốn của mình vẫn để lại phía sau một chút buồn. Và tôi chia sẻ cảm xúc này của ông một cách sâu sắc.” Đối với Ẩn, nói lời chia tay những người bạn tại Orange Coast khó khăn hơn nhiều so với lúc chào ra mắt. “Dù tôi rất háo hức trở về Việt Nam để thăm lại đất mẹ, thì ý nghĩ phải rời xa Trường Orange Coast, nơi khởi nguồn của việc học của tôi tại Mỹ, đã để lại trong tôi một ‘nỗi buồn’ khó tả.” Phạm Xuân Ẩn cảm ơn các giáo viên “phóng khoáng” đã giúp đỡ ông trong việc học cũng như các vấn đề về sức khỏe; ông cảm ơn những “quý bà nhiệt tình”làm việc tại căn tin và quầy thức ăn nhanh đã nấu những bữa ăn rất ngon; ông cảm ơn những người phụ trách ký túc xá và khu giảng đường về lòng tốt của họ, rằng họ đã rất vui vẻ mỗi ngày “khi họ gặp tôi đi mở hộp thư xem có lá thư má tôi gửi từ quê nhà sang hay không.” Ông cảm ơn những “nhân viên trực điện thoại” vì họ đã an ủi ông mỗi khi ông không nhận được thư nhà.
Đặc biệt nhất, “sự thân thiện của các bạn cùng lớp và cùng trường luôn hằn in trong tâm khảm của tôi.” Ẩn đặc biệt “muộn phiền”khi được biết các dãy nhà ký túc xá cũ sẽ bị phá bỏ vào năm tới bởi vì “khu ký túc xá này đã thay thế cho ngôi nhà của má tôi. Chính tại đây, tôi đã học được cách ứng dụng những điều mà H. L. Menken viết trong cuốn ‘Ngôn ngữ Mỹ,’ thưởng thức âm thanh nổi, nhạc rock-n-roll, làm bài tập bên cạnh âm thanh quen thuộc của chiếc đài và máy sưởi, và hít đầy lồng ngực những chuyện bông phèng của các bạn chung phòng… Niềm hy vọng được gặp lại Orange Coast mỗi năm khiến tôi ước mình có đôi cánh của loài nhạn di trú để có thể bay trở lại Orange Coast vào mỗi mùa xuân và xây tổ dưới mái của Trung tâm Tư vấn. Đây là nơi tôi đã nhận được những lời khuyên quý giá. Thay vì ‘Chào tạm biệt,’ tôi muốn nói ‘Chúc may mắn’ và hy vọng sẽ gặp lại tất cả các bạn nhiều dịp trong tương lai.”
Tại buổi lễ vinh danh những người tốt nghiệp, Ẩn được trao tặng tấm bằng khen đặc biệt “về vai trò lãnh đạo và phục vụ” nhằm ghi nhận những đóng góp của ông cho Orange Coast.
Quỹ Á Châu đã bố trí cho Ẩn một suất học bổng, theo đó ông sẽ có một thời gian tập sự tại báo Sacramento Bee ngay sau khi tốt nghiệp. Tổ chức này muốn Ẩn giúp triển khai một chương trình tại Sài Gòn nhằm đào tạo phóng viên người Việt Nam, và đợt thực tập này sẽ giúp ông tích lũy kinh nghiệm và uy tín cho công việc về sau. Trước khi chuyển tới Sacramento, Ẩn được y tá Martha Buss, người đã làm việc tại trường từ khóa đầu tiên, tặng một món quà. Đó là cuốn sách, Vòng quanh nước Mỹ qua 1.000 tấm ảnh.
Ở bìa trong của cuốn sách, bà đề tặng: “Ẩn mến: Mong cậu luôn nhớ về những ngày vui ở Orange Coast. Tất cả chúng tôi đã biết cách yêu mến và tôn trọng cậu. Cậu là vị đại sứ rất tuyệt của đất nước mình. Đất nước ấy có thể tự hào về cậu. Cuốn sách này có rất nhiều ảnh chụp những nơi mà cậu chưa được tới và đấy là lý do tại sao tôi mong cậu thích cuốn sách và có dịp trở lại để thăm phần còn lại của nước Mỹ. Thật tuyệt khi được quen cậu.” “Tôi luôn gìn giữ cuốn sách ấy,” Ẩn nói với tôi, “với hy vọng một ngày nào đó có thể trở lại để thăm thú những nơi khác. Có quá nhiều nơi để thăm mà tôi thì không có thời gian rảnh rỗi trong thời gian làm nhiệm vụ”.
Giữa lúc đang chất đồ đạc lên xe để lái về Sacramento, Ẩn được thông báo về việc thay đổi chỗ ở. Đây là lần duy nhất trong suốt thời gian ở Mỹ ông đối mặt với tệ kỳ thị. Cặp vợ chồng trước đấy đã đồng ý cho Ẩn ở trọ không biết rằng ông là “người Mông Cổ,” và sau khi biết chuyện thì họ không chào đón ông nữa. Tờ Sacramento Bee và Quỹ Á Châu đã cùng nhau tìm được một chỗ ở mới cho Ẩn.
Tại tờ Bee, ông kết bạn với Eleanor McClatchy, con gái của doanh nhân ngành xuất bản C. K. McClatchy. Vào tháng 7, ông là khách mời đặc biệt của bà này tại lễ đón Phó thủ tướng thứ nhất Frol R. Kozlov và đoàn đại biểu của Liên Xô tại sân bay Sacramento, đang công du nước Mỹ trước chuyến thăm lịch sử của nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev. Ngài thống đốc cùng một số quan chức tiểu bang và các vị khách đặc biệt như McClatchy được mời đến sân bay để dự buổi tiệc chiêu đãi phái đoàn Liên Xô.
Nhiệm vụ đầu tiên mà Ẩn được giao tại tờ Bee là đưa tin về Hội chợ Hạt Sacramento. Phóng viên tập sự mà được ký tên cùng lời giới thiệu dưới các bài viết là chuyện hiếm, nhưng vào ngày 20 tháng 6 năm 1959, điều đó đã xảy ra, khi tờ Sacramento Bee đăng tải bài viết đầu tiên của Ẩn cùng dòng lý lịch trích ngang: “Phạm Xuân Ẩn đến từ Sài Gòn, Nam Việt Nam, đang nghiên cứu và tập sự ba tháng tại Bee. Chương trình đào tạo tại chỗ cho sinh viên báo chí này được tài trợ bởi Tổ chức Á Châu. Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện và tham quan miền đông nước Mỹ, anh sẽ về lại Sài Gòn để làm việc trong một tòa soạn báo. Bài viết của anh về hội chợ của hạt, một lễ hội nổi tiếng tại Mỹ, được in dưới đây.”
Hội chợ Hạt Sacramento năm 1959 là hội chợ cấp địa hạt đầu tiên mà tôi tham dự tại Mỹ.
Những mặt hàng nông sản, thịt bò, sữa, gia cầm, thỏ, heo, ngựa và cừu chất lượng cao không làm tôi ngạc nhiên bởi các sản phẩm này đã nổi tiếng khắp thế giới thông qua sách, tạp chí và phim ảnh. Điều làm tôi kinh ngạc là các loài gia súc, gia cầm này đều do những bạn trẻ trong độ tuổi 12 đến 20 nuôi. Họ chắc chắn sẽ trở thành những nông dân thành đạt trong tương lai của nước Mỹ.
Những chàng trai, cô gái khỏe khoắn, dễ nhìn ngồi tựa lưng vào lũ bò hoặc cừu của họ gợi cho tôi nhớ về hình ảnh những đứa trẻ Việt Nam đang cho trâu ăn sau một ngày dài vất vả trên ruộng lúa. Tiếng gáy của lũ gà trống Rhode Island, trời nắng nóng và những người đi chợ bận rộn, những hình ảnh không hẳn quá xa lạ. Vào mùa hè ở quê hương, chúng tôi còn có cảnh chọi gà nữa…
Giải trí là cách tốt nhất để thu hút đám đông. Tôi từng đi thăm Disneyland, một thành phố ma, Santa Cruz và khu Công viên đại dương, nên những màn giải trí ở đây khá quen thuộc đối với tôi. Tuy nhiên, ở những nơi kia, tôi không gặp được những người trẻ năng động và tài năng của vùng California như tại Hội chợ Hạt Sacramento này.
Một tuần sau, tờ Bee viết một bài rất sâu về Ẩn với nhan đề “Nhà báo Việt Nam hướng tới mục tiêu chống tuyên truyền Đỏ.” “Tôi sử dụng tất cả những gì mà Lansdale dạy tôi cho bài viết này. Ông ấy là một người thầy xuất chúng,”Ẩn nhớ lại. Nội dung bài báo được in dưới đây.
Là thành viên trong gia đình có bốn anh em, Phạm được Cục Tâm lý chiến Việt Nam chiêu mộ trong chiến dịch năm 1954 chống lại cuộc tấn công quân sự của Cộng sản nhằm chia đôi đất nước.
Anh giải thích rằng hồi đó các lãnh đạo phe Đỏ đã thành công trong việc không công khai thừa nhận lập trường Cộng sản, mà chỉ tuyên truyền phong trào của họ là phong trào dân tộc chống Pháp, nước vẫn còn chiếm Đông Dương.
Anh cho biết điều đó đã khiến anh đi tới quyết định rằng, cách tốt nhất để giúp nước là trở thành một nhà báo để qua đó anh có thể giải thích cho công chúng biết rõ về mục đích và phương pháp thực sự của Cộng sản.
Anh nói rằng chính quyền Việt Nam hiện tại đang kiểm duyệt chặt chẽ tất cả các tờ báo và đó là một biện pháp cần thiết bởi nếu không làm vậy thì phe Đỏ sẽ có cơ hội phát tán chủ thuyết của họ trên khắp đất nước.
Có chín tờ nhật báo tại Sài Gòn, thủ đô của đất nước. Trong đó có sáu tờ tiếng Việt, một tờ tiếng Pháp, một tờ tiếng Anh, và một tờ tiếng Trung.
Tất cả đều có số lượng phát hành khá nhỏ, anh cho biết, bởi vì ít người có đủ tiền để mua báo hằng ngày. Nhưng, anh nói thêm, người ta thường thuê báo hoặc đổi cho nhau.
“Nhân dân nước tôi rất nghèo,” anh kết luận, “nhưng họ rất hiếu học, từ sinh viên cho tới ông đạp xích lô.” Anh cho biết anh dự định làm việc tại một tờ nhật báo tiếng Việt sau khi trở lại Sài Gòn.
Bài báo đã biến Ẩn thành một người nổi tiếng ở địa phương. Một phụ nữ đã gọi tới tòa soạn Bee và đề nghị mời anh đi chơi ở hồ Tahoe. Trên đường đi, họ ghé vào Căn cứ Không quân Travis,nơi con trai của bà đóng quân, để chào hỏi, cho phép Ẩn lần đầu tiên được xem một căn cứ của Không lực Mỹ (đây là một điều trớ trêu chứ không có ngụ ý chiến lược nào), sau đó chiếc xe thể thao của bà chở họ phóng trên Xa lộ 50 – tới thung lũng Squaw để chèo xuồng gỗ mùa hè.
Ở tòa soạn Bee, Ẩn còn được phân công tường thuật các phiên tòa, các cuộc đua ngựa của dân cao bồi, hoạt động nuôi cá giống và nhà tù Folsom, nơi ông ăn trưa cùng phạm nhân và đọc sách trong thư viện nhà tù. Ẩn rất thích thú trước kỹ thuật trồng lúa ở Sacramento, với phương pháp cơ giới khác xa Việt Nam. Ông thán phục hệ thống đê điều tại đồng bằng Sacramento cũng như trố mắt kinh ngạc trước cảnh máy bay lướt trên cánh đồng để gieo hạt. Khi ông rời tờ Bee, Eleanor McClatchy tặng ông cuốn Những điều riêng tư của cha bà, với lời đề tặng, “Tặng Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi rất vui khi bạn đến tập sự tại tờ Bee và rất mong bạn trở lại thăm chúng tôi.”
Chặng kế tiếp của Ẩn là thời gian tập sự tại Liên Hiệp Quốc, cũng do Quỹ Á Châu dàn xếp. Tuy nhiên, khi hay tin tổ chức này muốn Ẩn bay từ California tới New York, ông đã lái xe từ Sacramento lên văn phòng của họ tại San Francisco để thuyết phục các nhà tài trợ cho ông lái xe xuyên nước Mỹ. Ông đề nghị rằng vé máy bay sẽ được chi trả bằng tiền mặt để ông trang trải chi phí cho chuyến đi bằng xe. Sau vài cuộc tranh luận về những hiểm nguy khi một mình lái xe xuyên nước Mỹ, tổ chức đã chấp thuận đề nghị của ông, với điều kiện ông phải hứa không cho bất kỳ người lạ nào quá giang!
Với món quà của bà Buss ở ghế trống bên cạnh, Ẩn bắt đầu cuộc hành trình xuyên qua lòng nước Mỹ. Ông giải thích với tôi rằng chuyến đi có thể giúp cho ông học được càng nhiều thứ về nhân dân Mỹ càng tốt, như nhiệm vụ mà ông được giao. Mỗi ngày, ông dậy thật sớm và lái xe tới lúc chạng vạng, nhưng luôn ghé vào hầu hết các điểm du lịch dọc đường. Đi theo trục đường miền trung, ông băng qua Nevada, Utah, Wyoming, Nebraska, Iowa, Illinois, Indiana, Ohio (nơi ông ghé tới thăm cha mẹ của Mills Brandes ở Huron), Pennsylvania, Maryland, New Jersey, New York và cuối cùng đến Buffalo để tham gia một hội trại mùa hè của sinh viên Việt Nam do các linh mục thuộc Hội Thiện nguyện Quốc tế (IVS) tổ chức. Ẩn thậm chí còn đi vào lãnh thổ Canada để có thể ngắm toàn cảnh thác Niagara.
Khi tôi hỏi Ẩn về những gì học được gì từ chuyến đi, ông kể rằng ông đã rất ấn tượng “trước một hệ thống tươi mới, khác xa Việt Nam… Tất cả mọi thứ đều hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Có rất nhiều thứ để học. Trên hết, người dân rất thân thiện và luôn sẵn sàng giúp đỡ, và tôi ngưỡng mộ lối tư duy và phát ngôn độc lập của người Mỹ. Sống tại Mỹ, tôi đã học được cách tư duy mới mà tôi không bao giờ bỏ được, ngay cả khi tôi cố gắng làm điều đó sau chiến tranh.”
Sau đó, Ẩn kể một câu chuyện với hy vọng sẽ minh họa cho tôi thấy tình bạn với những người Mỹ có ý nghĩa đối với ông như thế nào. Một ngày nọ trong thời gian ông còn ở California, trên chuyến xe buýt từ Monterey về Costa Mesa, ông ngủ quên nên xe chạy quá trạm dừng. Lúc ấy đã rất khuya và người lái xe nói với Ẩn rằng ông ta không thể chạy trở lại được. Ẩn phải chờ chuyến xe kế tiếp vào sáng hôm sau. Một phụ nữ trẻ nghe được câu chuyện và cảm thấy rất ái ngại cho Ẩn. Bà xuống xe cùng ông rồi gọi cho một người bạn của gia đình nhờ chở ông trở lại Costa Mesa. Đầu tiên họ phải tìm một trụ điện thoại, và phải gần hai tiếng đồng hồ sau thì người bạn kia mới tới. Người phụ nữ trẻ kia cùng ngồi chờ với Ẩn. Cô ta đến từ Stanford, là con gái của Đại tá Thorton, Ẩn kể.
Người bạn của gia đình tới chở Ẩn là ông Mendenhall, sống ở Laguna Beach. Mendenhall chở Ẩn quay lại ký túc xá, dọc đường đi ông kể rằng mình có một cậu con trai làm trong Không lực Mỹ. Vài tuần sau, gia đình Mendenhall mời Ẩn tới dùng cơm tối tại nhà của họ. Ẩn nhớ lại rằng gia đình đó rất ủng hộ Richard Nixon, trong phòng khách có treo tấm hình lớn kèm chữ ký của phó tổng thống.
Trong bữa tối, Ẩn được biết rằng con trai họ đóng tại một đơn vị không quân ở Sài Gòn. Gia đình Mendenhall muốn Ẩn tới thăm con trai của họ khi ông trở lại Sài Gòn. “Là một điệp viên, tôi đã cân nhắc việc khai thác mối quan hệ này và đã có thể làm điều đó, tuy nhiên tôi quyết định không làm thế và không bao giờ hé lộ chuyện này với cấp trên. Tôi giữ im lặng bởi thật không công bằng nếu tôi lợi dụng những người này trong khi con gái một người bạn của họ, là một thiên thần thực sự, đã cứu tôi trong đêm hôm ấy. Tôi chỉ có một mình và rất lạnh, và ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra với tôi, thế rồi cô ấy xuất hiện và bảo vệ tôi.”
Ẩn tập sự tại Liên Hiệp Quốc dưới sự bảo trợ của báo Sacramento Bee. |
Ẩn lái xe từ Buffalo về Arlington, Virginia, để tái ngộ với gia đình Brandes, ngụ tại ngôi nhà của họ trên phố South Joyce. Mills đưa Ẩn sang Washington để tham quan tòa nhà FBI, Quốc hội, sau đó tới Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Lúc rảnh rỗi, Ẩn thường xem ti vi vào các buổi sáng với Jud, đặc biệt là các chương trình đố vui và phim viễn Tây. Chương trình ưa thích của Ẩn gồm Dough Re Mi, Truy tìm kho báu, Chọn giá đúng, Ai tập trung hơn?, Tích Tắc Dough, Thử thách thời gian, các phim viễn Tây như Maverick, Wagon Train, Gunsmoke và Have Gun Will Travel.
Sau đó Ẩn lái xe lên New York để tập sự tại Liên Hiệp Quốc, đến vừa đúng lúc để theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Liên Xô Nikita Khrushchev trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong thời gian đang dồn sức cho việc tập sự, Ẩn nhận được tin Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 tại Hà Nội (Khóa 3) đã thông qua Nghị quyết 15, đánh dấu cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam bắt đầu. “Khi nhận được tin Cộng sản đã bắt đầu cuộc chiến, tôi biết rằng mình phải trở về.”
Đặc điểm của cuộc chiến tranh bên trong Việt Nam hiện đang ở thời kỳ chuyển tiếp. Mùa hè năm ấy, một vụ tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm huấn luyện của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Biên Hòa đúng vào dịp kỷ niệm năm năm ngày Tổng thống Diệm lên nắm quyền tại Việt Nam đã dẫn tới thiệt hại về nhân mạng đầu tiên của Mỹ trong cuộc chiến. Vụ tấn công là hành động táo tợn nhất của Cộng sản kể từ năm 1957 khi tòa nhà thư viện của Cơ quan Thông tin Mỹ (USIS) bị đánh bom tại Sài Gòn.
Ẩn bán chiếc xe của mình ở New York và bay trở lại California để họp tại Tổ chức Á Châu nhằm chuẩn bị cho chuyến trở về của ông. Tổ chức này đã đưa ra một đề nghị hấp dẫn: Ông có thể nhận một công việc với mức lương rất cao tại Cơ quan Thông tin Mỹ theo một chương trình mà sau đó ông sẽ được trao học bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, hoặc ông có thể dạy tiếng Việt tại trường ngôn ngữ ở Monterey cho những cố vấn Mỹ sắp sang Việt Nam. Ẩn đi thẳng từ văn phòng của Tổ chức Á Châu sang đài vọng cảnh cầu Cổng Vàng để cân nhắc các lựa chọn. Ông mang theo một tấm bưu thiếp của Lee Meyer, trên đó in hình đảo Alcatraz. Là người mê tín, Ẩn tin rằng tấm bưu thiếp này chỉ cho ông biết tương lai của mình một khi trở về Việt Nam. Đảo Côn Sơn chính là Alcatraz. Ông cũng phân vân liệu tấm bưu thiếp này có phải là một điềm báo rằng ông sẽ ở lại California và sống kề cận Lee. Cho tới lúc ấy, ông chưa nhận được lệnh phải trở về.
Ở giữa ngã đường quan trọng này, Ẩn đã quyết định rằng cách tốt nhất để phụng sự đất nước là trở về. “Tôi rất lo lắng cho gia đình, cho các vị chỉ huy, và cho nhiệm vụ của tôi. Tôi đã tuyên thệ với đảng. Tôi cũng đã ba mươi hai tuổi rồi. Tôi biết rằng sớm muộn gì rồi cũng phải trở về. Nhiều người đang trông cậy vào tôi và sứ mệnh của tôi”
👉 Điệp viên hoàn hảo Kỳ 7: Phạm Xuân Ẩn, điệp viên cô đơn
Trích X6 Điệp Viên Hoàn Hảo