Đến thăm trạm cứu hộ chó mèo của sinh viên ở Hà Nội

Ngọc Linh18/01/2024 10:00
Đến thăm trạm cứu hộ chó mèo của sinh viên ở Hà Nội

8 năm qua, Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội không đếm nổi đã cứu bao nhiêu chú chó, mèo bị thương, bị bỏ rơi. Không kể thời gian, thời tiết, mọi người gần như trực điện thoại 24/24 giờ để khi có cuộc gọi, tin nhắn thì lập tức lên đường “cứu hộ”.

"Ngôi nhà chung" của những động vật bị bỏ rơi

Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở đường Ngô Xuân Quảng, xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, căn nhà cấp 4 đã xuống cấp là điểm trực của các bạn sinh viên tình nguyện của Trạm cứu hộ động vật phi lợi nhuận.

 

Tại nơi đây, các sinh viên túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng cứu trợ cho động vật trong tình thế “hiểm nghèo”. Đến với Trạm, mỗi chú chó, chú mèo đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Chú thì bị thương, bị bỏ rơi, hoặc đơn giản là khi chủ của chúng không đủ điều kiện để nuôi dưỡng,... Dù ở hoàn cảnh nào, các thành viên của Trạm đều lắng nghe, tiếp nhận và gắng sức để giúp đỡ những “người bạn bốn chân” này.

Theo chia sẻ của những thành viên tại Trạm, tiền thân của trạm chỉ là câu lạc bộ của các bạn sinh viên có chung tình yêu thương với động vật, sau đó chính thức được thành lập vào tháng 3-2016 dưới sự dẫn dắt của thầy Hoàng Minh-giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Căn nhà cấp 4 được chia làm 5 phòng riêng biệt gồm 1 phòng trực, 3 phòng điều trị bệnh cùng một nhà vệ sinh. Các thành viên mỗi người một việc, người trực tổng đài, người xem sổ khám bệnh, người kiểm tra thuốc, chăm sóc các động vật,….

Trạm cứu hộ chó, mèo của các bạn sinh viên ở Hà Nội: “Chúng mình không muốn nhận được cuộc điện thoại nói rằng tại đây đang có động vật bị bỏ rơi” - Ảnh 2.
 

Mỗi ngày, Trạm có 3 ca làm việc, mỗi ca từ 4-5 sinh viên phụ trách. Sáng và chiều, các bạn chủ yếu chăm sóc các bé và dọn dẹp vệ sinh. Ca tối trực và nhận điện thoại trong trường hợp cứu trợ, hoặc quan sát các bé bị bệnh đặc biệt và nguy hiểm. Kinh phí duy trì hoạt động của Trạm chủ yếu do các bạn sinh viên đóng quỹ từng tháng. Bên cạnh đó, các mạnh thường quân hỗ trợ thêm một số khoản dùng để mua thuốc và thức ăn cho chó, mèo.

Vui vì hàng ngày được đem tình yêu thương đến với các động vật. Nhưng, buồn vì ngoài kia vẫn đang còn quá nhiều động vật bị bỏ rơi…

Ôm một chú mèo bị thương vào lòng, cẩn thận lau vết thương mắt trái, Đỗ Thị Diệu Linh – sinh viên năm 3 Khoa Thú Y – Đại Học Nông nghiệp, thành viên đội cứu hộ của Trạm kể: “Em mèo này tên là Khủng Long, mới về trạm được khoảng một tuần. Khủng long đến với trạm nhờ cuộc gọi cứu hộ từ một người dân, thấy em bị thương nặng và đang lang thang trên đường nên đưa đến đây”.

Trạm cứu hộ chó, mèo của các bạn sinh viên ở Hà Nội: “Chúng mình không muốn nhận được cuộc điện thoại nói rằng tại đây đang có động vật bị bỏ rơi” - Ảnh 3.
 

Linh cho biết, đến với Trạm là một sự tình cờ. Vốn sẵn trong mình tình yêu thương đối với động vật, khi vào trường, cô được biết đến Trạm cứu hộ động vật qua thông tin báo đài, liền lập tức tìm đến và đăng ký tham gia. 

Tại đây, cô sinh viên năm 3 không nhớ rằng đã được tiếp xúc với bao nhiêu động vật bị bỏ rơi, cô cho rằng chó, mèo,… cũng như con người, tổn thương tâm lý khó chữa trị hơn vết thương cơ thể. 

“Thú cưng rất gần với con người nên chúng cũng rất nhạy cảm. Chúng có thể trở nên sợ hãi con người, dữ hơn với mọi thứ, không chịu tiếp nhận sự chăm sóc vì bị ám ảnh trong quá khứ. Nhìn các em như vậy, mình không sợ, mình thấy thương các em. Trong trường hợp đó, chúng mình phải vừa đảm bảo an toàn cho bản thân vừa phải tìm cách để tạo cho chúng sự tin tưởng đối với con người. Như vậy mới có thể tiếp tục điều trị.” Linh nói.

Trạm cứu hộ chó, mèo của các bạn sinh viên ở Hà Nội: “Chúng mình không muốn nhận được cuộc điện thoại nói rằng tại đây đang có động vật bị bỏ rơi” - Ảnh 4.
 

Đều đặn trong mỗi ca trực, bạn Nguyễn Thị Linh Đan (21 Tuổi, đến từ Thanh Hóa) đều ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ theo dõi rồi đi kiểm tra toàn bộ trang thiết bị, vật phẩm y tế,… cho các thú cưng.

Nhớ về những ngày đầu mới  tham gia Trạm cứu hộ, Đan cho rằng công việc khó khăn nhất vẫn là lúc cho động vật uống thuốc. Cô gái cho biết, mỗi động vật được cứu đều có “tiểu sử” riêng nhưng chúng đều có chung một hoàn cảnh là bị chủ nhân bỏ rơi. Những trường hợp như vậy, nếu giữ không cẩn thận thì chính người chăm sóc, nhân viên sẽ bị cắn, cào thường xuyên.

 Bởi vậy, ban đầu cô gái rất sợ khi tiếp xúc với những động vật này, nhiều lần cô phải nhờ đồng đội “cấp cứu”. Tuy nhiên, dần dần qua hiểu biết, nắm bắt kinh nghiệm, cô gái trẻ không ngần ngại xắn tay áo xử lý những ca khó nhất. 

Trạm cứu hộ chó, mèo của các bạn sinh viên ở Hà Nội: “Chúng mình không muốn nhận được cuộc điện thoại nói rằng tại đây đang có động vật bị bỏ rơi” - Ảnh 5.
 

“Các bé được nhận về đây hầu hết đều trong tình trạng hoảng loạn hoặc ức chế. Có những “em” chó, mèo bị ngược đãi hoặc vừa trải qua tai nạn, các “em” ý rất hoảng sợ, trở nên dữ dằn với con người. Để “được lòng” các bé, ban đầu mình đều phải giao tiếp như vuốt ve, cho ăn,… chúng mình phải mất rất nhiều thời gian để làm quen lấy lại sự tin tưởng của chúng với con người và cũng vì thế việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều. 

Với lợi thế là sinh viên của Khoa thú y, chúng mình nắm rõ tâm lý, quy trình khi tiếp cận, chữa trị cho 1 bé động vật, vì vậy với chúng mình không có gì là khó. Các động tác, kỹ năng đều phải rèn luyện thành thục từng ngày, khéo léo từ các công đoạn như đo thân nhiệt, tiêm thuốc... để các con vật cảm giác chúng được yêu thương” - Đan tâm sự.

 

Linh Đan cũng chia sẻ thêm, cô vui vì hàng ngày được đem tình yêu thương đến với các động vật tại đây. Nhưng, cô buồn vì ngoài kia vẫn đang còn quá nhiều động vật bị bỏ rơi… 

“Thực sự mình không mong có cuộc điện thoại nào đến Trạm báo rằng có động vật đang chịu tổn thương, cần sự giúp đỡ của chúng mình….”. Ánh mắt Linh Đan man mác buồn.

Không ít lần nghe những lời bàn tán của những người xung quanh

Ngoài thời gian học tập, hầu hết các thành viên tại Trạm đều thay nhau trực, chăm sóc, đi cứu trợ các động vật bất kể là lúc nào, nửa đêm mưa gió, ngày lễ Tết, miễn là có thể làm là các bạn trẻ sẽ lên xe và cứu trợ.

Công việc mỗi ngày của một tình nguyện viên Trạm cứu hộ bắt đầu bằng việc dọn dẹp từng phòng như quét sân, dọn lồng, chỗ ở của động vật. Tiếp đó là chăm sóc cho những chú chó, mèo còn đang bị thương, cho chúng ăn và cuối cùng là sẵn sàng nhận điện thoại lên đường đi cứu hộ.

Thắc mắc về lý do nhận nuôi các con vật bị bỏ rơi, bạn Nguyễn Hải Long (sinh năm 2001, Phó Chủ nhiệm Trạm cứu hộ) cho biết: “Động vật cũng giống như con người vậy, chúng cần được bảo vệ, tôn trọng.”

Trạm cứu hộ chó, mèo của các bạn sinh viên ở Hà Nội: “Chúng mình không muốn nhận được cuộc điện thoại nói rằng tại đây đang có động vật bị bỏ rơi” - Ảnh 7.
 

Suốt thời gian qua, nhóm mang về mái ấm nhiều chó, mèo bệnh nặng, thương tích tưởng chừng không qua khỏi nhưng nhờ sự yêu thương, chăm sóc, chúng dần khỏe mạnh.

Để duy trì hoạt động, Long cho biết, ban đầu mọi người cân đối chi tiêu, cùng nhau đóng góp tiền, bên cạnh đó tổ chức đêm nhạc gây quỹ. Thời gian sau, nhiều mạnh thường quân biết đến đã cùng chung tay hỗ trợ. 

Theo Phó chủ nhiệm Trạm cứu hộ, trong quá trình hoạt động ứng cứu, nhóm gặp nhiều tình huống trớ trêu cũng như nhiều lời bàn tán không tốt. Đơn cử, Long nhớ lại một buổi tối trực tại Trạm, các thành viên nhận được cuộc gọi từ người dân trên phố Ba Đình có một chú mèo bị bỏ rơi, thường xuyên lang thang tìm đồ ăn. 

Nhận được tin báo, Long cùng 2 thành viên mang theo dụng cụ cần thiết khẩn trương lên đường. “Mình nhớ đó là cuộc gọi lúc 23g đêm, nhóm khẩn trương đến hiện trường nhưng tìm quanh cũng không thấy chú mèo đâu cả, cũng không một tiếng kêu. Loay hoay vài tiếng đồng hồ, chúng mình trở về Trạm và gửi thông báo đến số lạ báo tin.

Trạm cứu hộ chó, mèo của các bạn sinh viên ở Hà Nội: “Chúng mình không muốn nhận được cuộc điện thoại nói rằng tại đây đang có động vật bị bỏ rơi” - Ảnh 8.
 

Ngày hôm sau, vẫn là tin báo từ khu vực đó về tình trạng tương tự, chúng mình nghĩ rằng đã không kiểm tra kỹ, lại tức tốc lên đường nhưng thực sự không hề phát hiện bất cứ vấn đề gì. Lúc này, mình nhận ra có thể người này trêu đùa Trạm. Nhưng, mình cảm thấy vui vì không có động vật đang trong tình trạng như vậy”- Long kể lại.

Chàng trai trẻ cũng thổ lộ, để làm việc tốt cũng không dễ. Đã có những lúc nhóm bị xua đuổi, cũng có ý kiến đồn thổi nhóm cứu hộ chó, mèo về đem đi bán nhưng xuất phát từ cái tâm và biết đang làm đúng nên mọi người bước qua nỗi buồn để tiếp tục duy trì hoạt động. 

“Tham gia hoạt động tình nguyện, các thành viên không ít lần nghe những lời bàn tán của những người xung quanh, tiêu cực có, tích cực cũng có. Nghe những lời tiêu cực, ban đầu, chúng mình khá buồn nhưng không vì thế mà nhụt chí, bản thân làm việc tốt mà đâu sợ điều tiếng gièm pha. Đối với người khác có thể chúng không quan trọng nhưng động vật là cũng là sinh mệnh, là bạn của con người nên chúng mình cứ thế lên đường cứu hộ”, Phó chủ nhiệm Trạm cứu hộ động vật bộc bạch.

Trạm cứu hộ chó, mèo của các bạn sinh viên ở Hà Nội: “Chúng mình không muốn nhận được cuộc điện thoại nói rằng tại đây đang có động vật bị bỏ rơi” - Ảnh 9.
 

Chia sẻ về quá trình tiếp nhận các bé, những thành viên trong đội cho biết, khi nhận thông tin cứu hộ động vật, đầu tiên các bạn hỏi thăm tình trạng của con vật (giống, chủng loại gì; có chủ hay vô chủ; thể trạng thế nào…). Tiếp đó chuẩn bị dụng cụ y tế cần thiết và đến tận nơi đón thú. Có những trường hợp cần cấp cứu, trạm sẽ sơ cứu rồi đưa chúng đến phòng khám thú y gần nhất. Cuối cùng là làm giấy tờ cứu hộ động vật.

Trạm lấy phương châm "We treat animals like family", tạm dịch "Chúng tôi đối xử với động vật như gia đình" đã cứu hộ và giúp đỡ hàng ngàn chó, mèo bị bỏ rơi, đi lạc, thương tật, giúp các bé có cuộc sống tốt hơn.

Trạm cứu hộ chó, mèo của các bạn sinh viên ở Hà Nội: “Chúng mình không muốn nhận được cuộc điện thoại nói rằng tại đây đang có động vật bị bỏ rơi” - Ảnh 10.
 

Qua 8 năm hoạt động, Trạm hy vọng mọi người hãy xem chó, mèo như người thân trong gia đình.  Những thành viên nơi đây đều không mong muốn phải chứng kiến bất kỳ một loại động vật nào bị bỏ rơi “Mỗi khi nhận được điện thoại của bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và trong khoảng thời gian nào, nhân viên của Trạm cũng sẵn sàng lên đường nhận cứu hộ.” Các thành viên khẳng định.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025