Dành cho mẹ Kỳ 2 - Mẹ và Con một ngày sẽ thay thế cho nhau

12/05/2019 15:30
Dành cho mẹ Kỳ 2 - Mẹ và Con một ngày sẽ thay thế cho nhau

“Sao mẹ lại đi nữa? Cho con đi với? Không chịu cho mẹ đi đâu!  Mẹ ở nhà chơi với con!”. Đó là những lời nói yêu thương từ miệng đứa con út mười tuổi của tôi.

Mấy anh chị của nó cũng từng nói với tôi những câu như thế, cũng từng khóc khi chúng còn bé mà tôi, vì công việc, phải bỏ chúng ở nhà. Khi lớn hơn tí xíu, chúng cũng từng nài nỉ xin theo, lẵng nhẵng bám bên mẹ bất kỳ chỗ nào.

 “Con hứa sẽ ngoan. Con sẽ không làm ồn. Con hứa mà!”.

Có khi những yêu cầu của con khiến tôi rất bực mình. Sao lũ con tôi không chịu ở nhà với người khác dù chỉ một lát thôi nhỉ? Tôi ra khỏi nhà là vì công việc, cũng là vì lo kiếm tiền cho chúng được ăn, được học, chứ nào có phải tôi muốn bỏ con mình đâu. Chỉ có đi một mình thì tôi mới có thể tập trung vào công việc. Có như thế thì may ra tôi mới làm nhanh mà về để còn chơi với chúng!

Mẹ và Con một ngày sẽ thay thế cho nhau (kỳ 2) - 1

Tôi cố gắng giải thích cho con hiểu điều đó, nhưng vô ích, chúng cứ khăng khăng, “Con muốn ở bên mẹ thôi!”.

Thế là tôi đành mang con theo. Khắp nơi. Mẹ con tôi cùng đi chợ, ra ngân hàng, tới thư viện, vào rạp chiếu phim. Chỗ nào tôi đi cũng có chúng, lít xít bên cạnh tôi.

Thường thì tôi cũng chẳng bận tâm lắm vì điều đó, nhưng có những hôm thật sự tôi thèm khát giây phút được ở một mình. Tôi có thói quen nghe nhạc trong khi lái xe, gặp bài hát yêu thích là tôi vặn âm thanh lớn hơn để thưởng thức. Nhưng đó là khi nào tôi đi một mình, chứ nếu đi với lũ nhóc nhà tôi thì cứ mỗi lần tôi lặng yên mà nghe âm nhạc là y như rằng luôn có một giọng nói lảnh lót từ băng ghế sau cắt ngang: “Lái xe cẩn thận” là sao hả mẹ?” rồi “Mình đang ở chỗ nào vậy mẹ?” hay “Mẹ có nghe con kể chuyện ngày hôm qua chưa? Thích lắm!”. Đến khi tôi nghe xong câu chuyện thì bài hát trên đài đã hết từ lúc nào.

Khi đi ăn nhà hàng, tôi chăm chú lắng nghe bạn bè bàn về công việc, lòng thầm mong mấy đứa con ngồi cạnh mình biết “tự quản”. Thực sự chúng như thế thật. Chúng chỉ thầm thì nói chuyện với nhau, luôn tỏ ra ngoan ngoãn trước mặt người lớn. Nhưng rồi thế nào chút nữa chúng cũng cắt ngang rất lễ phép bằng nhiều câu hỏi như: “Mẹ ơi, ở đây người ta cho rau cần vào trứng hả mẹ?”, “Mẹ ơi, cho con uống sữa được không?”, “Mẹ ơi, đi vệ sinh với con được không?”. Tôi cứ thầm ao ước có một ngày được rảnh rang khỏi lũ con mà trò chuyện, suy nghĩ, ăn uống bình thường như mọi người.

Mẹ và Con một ngày sẽ thay thế cho nhau (kỳ 2) - 2

Thực ra, tôi biết con tôi chỉ cần sự chú ý của tôi dành cho chúng. Chúng cần sự có mặt và quan tâm của tôi. Hàng ngày, chúng chơi đùa cho riêng một khán giả là mẹ chúng thưởng thức. Dần dần, tôi thuộc những chuyện kể và câu hỏi cắt ngang của các con. Ít nhiều những quan sát, những nhận xét mới lạ của con trẻ làm vốn sống của tôi phong phú hơn. Thế giới trong mắt trẻ thơ thật thú vị. Chúng có thể nghe thấy những điều chúng ta không thể nghe, nhìn thấy những điều mà ta có thể có nhìn, nhưng không thấy được.

Khi các con tôi dần lớn lên, những câu chúng hỏi của chúng không còn buồn cười và ngớ ngẩn như ngày còn bé, mà lý sự nhiều hơn. Những năm chúng mới mười hai mười ba tuổi, ngày nào tôi cũng nghe không biết bao nhiêu là đòi hỏi và phàn nàn của chúng. Nào là “Sao ai cũng đi học thêm buổi tối được mà con lại không hả mẹ?” rồi “Người ta đâu có ai đi chơi mà về trước 11giờ, sao mẹ bắt con về sớm vậy? Bộ mẹ không tin con hả?”. Thường thì tôi chỉ cầu mong sao chúng bận làm gì hay nói chuyện với ai đó để tôi được đôi chút yên tĩnh. Có lúc, tôi bực mình tự hỏi tại sao chuyện đơn giản nhất cũng thành vấn đề với con mình vậy. Thật tình chúng chẳng để tôi yên được một phút nào cả!

Giờ thì chúng để tôi yên rồi, điều đó - đáng buồn thay - lại quá thường xuyên.

“Hôm nay có gì không con?” - Tôi hỏi cậu con trai 17 tuổi khi nó mới đi làm thêm về – “Sáng giờ con đi đâu, làm gì?”

 “Thì con đi gắn cửa. Đi học về là con đi làm luôn chứ có đi đâu!”

Đi làm thôi sao? Nói thế đâu có được. Tôi còn muốn nghe con kể nhiều hơn thế nữa, rằng con học như thế nào, có gì mới không, rằng bạn bè có vui không, con có cả mười hai tiếng bên ngoài một ngày cơ mà.

Tôi im lặng, buồn buồn. Còn nhớ mới vài năm trước, tôi đi đâu về nó cũng hỏi: “Mẹ đi sao mẹ? Mẹ thấy cái gì? Có vui không?” hay “Tối mẹ làm gì? Có dẫn con đi chơi không? Mẹ đi làm có nhớ con không?”. Một tràng câu hỏi lúc nào cũng muốn được tôi trả lời, giải thích cặn kẽ.

Lát sau, thấy con mình cặm cụi ủi đồ, tôi chột dạ: “Con lại đi nữa hả? Ở nhà một ngày không được sao? Ba tuần nữa là lên thành phố học xa mẹ rồi, vậy mà cũng chẳng dành chút thời gian cho mẹ gì cả!”.

Mẹ và Con một ngày sẽ thay thế cho nhau (kỳ 2) - 3

Trước giờ, thật tôi không nghĩ đến một ngày mà tôi sẽ bị các con mình “bỏ rơi” như thế. Chuyện xưa giờ đã ngược lại. Nay tôi lại là người chỉ mong chờ giây phút được ở bên con mình, lúc nào cũng nài: “Mẹ nhớ con lắm” hay “Chừng nào con mới về?”. Chúng đâu có biết tôi còn đánh dấu vào lịch những ngày chúng được nghỉ, chỉ mong mấy mẹ con lại được quây quần, xúm xít bên nhau.

Buổi sáng, khi lái xe đưa con gái đi làm thêm, nếu nghe trên đài có bài hát nào nó thích là lập tức nó vặn nhạc lớn lên, còn tôi tốt hơn nên im lặng. Con tôi đắm chìm trong điệu nhạc mà nó thích, chắc cũng chẳng muốn nghe những điều tôi nói. Tôi biết chứ.

Nhưng tôi còn vỡ lẽ một điều khác: Hóa ra khi còn bé, con tôi luôn có cảm giác sợ điều gì đó – một bài hát, vở kịch, hay ai đó sẽ đến bắt tôi đi khỏi chúng. Thế là chúng tìm cách làm cho tôi chú ý đến chúng. Chắc rằng con tôi đã nghĩ, “Mẹ lo nghe nhạc như thế chả lẽ mẹ thích nhạc hơn thích mình sao. Đâu có được!”. Những câu hỏi cắt ngang của con tôi thuở trước là để báo cho tôi biết chúng có mặt cạnh tôi, rằng tôi hãy nhìn chúng, hãy nói chuyện với chúng.

“Mẹ ở đây nè. Con hãy nhìn, hãy nói chuyện với mẹ đi!” - Giờ thì trong lòng tôi cũng muốn nói với con mình như thế. Nhưng đương nhiên, tôi không thốt ra được những câu nói đó, chỉ biết mình đã hiểu rõ hơn những điều hờn dỗi của các con ngày xưa, rằng tại sao con nít hay khóc mỗi khi bị cha mẹ bỏ ở nhà!

Trích sách “Dành cho Mẹ - Món quà của tình yêu”

Sách do First News phát hành


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025