Đằng sau một quyết định lớn: Những vùng xám trong đại dịch - Cách vượt qua chính mình

05/09/2021 08:30
Đằng sau một quyết định lớn: Những vùng xám trong đại dịch - Cách vượt qua chính mình

Những tình huống rủi ro, không có đúng sai, khiến chúng ta không biết quyết định thế nào cho hợp lý, chính là vùng xám trong tư duy mà các nhà quản trị huyền thoại nhắc đến.

Bạn đã bao giờ đối mặt với tình huống mà bạn sẽ không thể giải quyết chúng bằng việc phân định đúng – sai, Joseph L. Badaracco, giáo sư dạy về đạo đức kinh doanh tại Harvard Business School sẽ cho chúng ta những lời khuyên hữu ích về vấn đề này trong cuốn sách “Đằng sau một quyết định lớn”. Đó không phải là những bài học khuôn mẫu vì vùng xám luôn xuất hiện theo cách không thể tiên liệu trước. Quan trọng là bạn có ý thức mình đang đối diện với “vùng xám” và có tư duy hóa giải vấn đề theo cách hợp lý hay không.

Ngay tại thời điểm này, khi hầu hết doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo gặp phải những thách thức chưa từng có trong lịch sử. Nhiều hoạt động trong xã hội buộc phải ngưng lại, con người nhốt mình sau những cánh cửa và chuỗi cung ứng sản phẩm chỉ còn cầm cự lay lắt. Đó là hoàn cảnh nằm ngoài mọi sự tiên liệu, nằm ngoài những bài giảng hay trong những cuốn sách kinh doanh. Trong vùng xám vừa chung vừa riêng đó, các nhà lãnh đạo phải ra những quyết định sống còn. Và sự sống còn không chỉ là tồn vong của công việc làm ăn mà còn liên quan đến vấn đề nhân đạo và an sinh của nhiều người, đó chính là khi các nhà lãnh đạo phải đưa ra quyết định: cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương thưởng… Nhưng hành động sao cho hợp lý, hợp tình vẫn là câu hỏi hóc búa. Đó không chỉ là tư duy logic của bài toán kinh doanh duy lý.

Tác giả cuốn sách chia sẻ: “Khi đối mặt với những vấn đề này, ta thường phải trả lời khá nhiều câu hỏi khó - cho bản thân và cho người khác - để hiểu tường tận vấn đề đó là gì”. Do đó, Badaracco tin rằng, Vùng xám là nơi để kiểm tra khả năng lãnh đạo, những suy xét và ngay cả tính nhân văn của người quản lý. Thỉnh thoảng, chúng ta có thể sẽ bị lạc đường và tê liệt trước sự phức tạp và bất định của vấn đề, thậm chí là làm tổn thương người khác và sự nghiệp của bản thân. Nhưng đã là một nhà quản lý có trách nhiệm, thì bạn phải biết cách đánh giá tường tận mọi việc và có hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp hay nhóm của mình.

Theo tác giả, bộ não có hai hệ thống mỗi khi chúng ta đưa ra quyết định. Một hệ thống là sự phát triển theo thuyết tiến hóa, rất lý trí, có ý thức và sự phân tích kỹ càng. Hệ thống này nhìn nhận sự việc theo khách quan dựa trên dữ kiện thu thập được và đưa ra quyết định sau khi phân tích, chọn lọc dữ kiện. Hệ thống thứ hai là một phần của bản năng con người vô thức và cảm xúc. Hệ thống thứ hai này rất quan trọng đối với tổ tiên xa xưa của loài người. Vậy khi ra quyết định chúng ta sử dụng hệ thống nào?

Khi gặp một vấn đề thuộc vùng xám, những lời khuyên thuộc về luân lý như hãy làm theo lẽ phải, hãy làm theo những gì trái tim mách bảo, bám vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp… thoạt đầu nghe thật cao cả, chí lý nhưng thực chất lại rất mơ hồ. Bởi quyết định của bạn là quyết định sinh tử, ảnh hưởng đến an sinh của nhiều người. Không một ai đoán trước được tương lai với đầy rẫy những biến số.“Đằng sau một quyết định lớn” không đưa ra một câu trả lời rập khuôn, chi tiết mà giúp các nhà lãnh đạo tự đưa ra câu trả lời riêng cho chính mình dựa trên năm câu hỏi lớn xuyên suốt.

Năm câu hỏi lớn giải quyết mọi vấn đề hóc búa cho các nhà lãnh đạo đó chính là: Hệ quả thuần của vấn đề là gì? Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì? Kế hoạch hành động nào phù hợp với tình hình thực tế? Chúng ta là ai? Liệu có thể sống chung với quyết định này không? Năm câu hỏi này dựa trên kiến thức nền tảng về bản năng con người và mục tiêu chung của chúng ta trong cuộc sống.

Lợi nhuận doanh nghiệp trách nhiệm xã hội

Tác giả đã đưa ra một ví dụ rất sinh động về việc nhà lãnh đạo đối diện với “vùng xám” và phải đưa ra quyết định sống còn như thế nào. Năm 2004, Biogen là một công ty công nghệ sinh học nhỏ. Sau nhiều năm phát triển, Biogen đã sáng chế ra một loại thuốc chữa bệnh đa xơ cứng (Multiple sclerosis, viết tắt MS) tên là Tysabri. Bởi vì Tysabri đã được chứng minh hiệu quả tốt trong quá trình điều trị lâm sàng ở năm đầu tiên nên cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chuẩn y đưa thuốc ra bán ở thị trường trước khi quá trình điều trị lâm sàng đầy đủ thực hiện xong.

Chỉ trong vòng một năm Biogen đã “lột xác”, xây thêm hai nhà máy sản xuất mới, chuẩn bị tài chính cho các đối tác thứ ba, tái cơ cấu lực lượng kinh doanh, tập trung hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng cho FDA. Đã có 7.000 bệnh nhân sử dụng Tysabri và 15.000 bệnh nhân đợi kê toa Tysabri. Cổ phiếu của Biogen đã tăng đến con số kỷ lục.

Một ngày nọ, giám đốc điều hành Biogen, ông Jim Mullen nhận được tin một bệnh nhân đang điều trị bằng Tysabri đã chết vì bệnh viêm não PML, một dạng nhiễm trùng cực kỳ hiếm gặp. Một bệnh nhân khác cũng bị tương tự, đang ở trong tình trạng nguy kịch. Mặc dù đó là trường hợp hiếm, nhưng có đến hai trường hợp xảy ra khiến các bác sĩ đặt nghi vấn Tysabri là một trong số các nguyên nhân.

Ông Jim Mullen bị đặt vào vùng xám. Ông có cần phải đưa ra ngay thông báo triệu hồi toàn bộ số thuốc Tysabri trên thị trường về hay không? Các cổ đông công ty sẽ phản ứng như thế nào? Bệnh nhân có được quyền tự quyết định chọn tiếp tục điều trị bằng Tysabri và chấp nhận rủi ro?

Tác giả Joseph cho rằng nếu bản thân Jim Mullen chỉ xem mình là nhà quản lý kinh doanh, ông ta sẽ nghĩ nhiệm vụ chủ yếu của mình là mang về lợi nhuận, tối ưu hoá đầu tư, tạo giá trị cổ đông hay đơn giản là kiếm tiền. Nhưng khi xử lý vùng xám, chúng ta buộc phải giải quyết vấn đề với cả tư cách một con người.

Jim Mullen đã dùng “tiếng nói nội tâm” - như cách Tổng Thống Truman đã yêu cầu ngưng sử dụng bom nguyên tử vì “Tôi không thể chịu đựng nỗi ý nghĩ giết những đứa trẻ vô tội”. Có nghĩa là các nhà quản lý có một trách nhiệm lớn: không huỷ hoại hoặc đe doạ cuộc sống của người khác vì những quyết định của mình.

Trường hợp thuốc Tysabri, ông Mullen phải công bố rõ ai thực sự cần được điều trị bằng Tysabri, ai là người có thể hứng chịu nguy cơ của Tysabri. Ông phải tập trung vào sự an toàn của bệnh nhân. Trách nhiệm này lấn át mọi trách nhiệm với cổ đông của Biogen và các nhóm khác. Các bệnh nhân đang sử dụng thuốc Tysabri cũng có quyền được đối xử bằng sự tôn trọng và tự quyết. Có nghĩa là Mullen và Biogen có trách nhiệm phải nói sự thật, đầy đủ và chính xác nhất những gì họ biết về cơ hội và nguy cơ của Tysabri.

Tầm vóc của một lãnh đạo hay sự trưởng thành của mỗi chúng ta đều được quyết định trong “vùng xám”. Khi bạn thật sự thấu hiểu cơ chế hoạt động của não bộ và những phản ứng theo lối mòn của tâm trí, bạn sẽ từng bước vượt lên trên hoàn cảnh, vượt lên trên chính mình để cải biến số phận và thiết lập nên những giới hạn mới trên hành trình sống của mình.

Khi bạn đọc cuốn sách này, bạn sẽ nhận ra bản thân cuộc chiến chống covid-19 này cũng chứa đựng rất nhiều vùng xám của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Giữa lợi ích, quyền lực, năng lực và trách nhiệm, nhà lãnh đạo đưa ra quyết sách khi khủng hoảng xảy ra cũng thật nan giải vì sự đúng sai không phải là yếu tố lớn nhất, đặc biệt như vấn đề vaccine đã trở thành vấn đề nhân đạo toàn cầu.

NGUYÊN NGUYÊN


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 6, 17/01/2025