Theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế lúc 00:00 ngày 22/1/2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu) ở tuổi 96. Tổ đình Từ Hiếu ở Huế là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu con đường xuất gia tu học vào năm 1942, cũng là nơi ông từ nước ngoài về tĩnh dưỡng từ tháng 10/2018.
Cả đời sống và nỗ lực cống hiến nhưng những mong ước cuối đời của Thiền sư vô cùng giản dị. Đã đi nhiều nơi, đã viết nhiều cuốn sách nhưng bên trong sâu thẳm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh lại là một người không mưu cầu nhiều.
Sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu, Thiền sư đã từng viết tâm thư gửi đến các chư tăng, nói rõ ý nguyện: "Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".
Thiền sư cũng dặn các đệ tử rằng "thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Những lời dạy của thầy đầy tính chiêm nghiệm, rất thiết thực với đời. Thầy dành cả cuộc đời cho Phật giáo, với mong muốn mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Những bài giảng mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại cho đời đều vô cùng sâu sắc:
1. Mỗi hơi thở, mỗi bước đi của chúng ta có thể lấp đầy bởi bình an, hạnh phúc và sự thanh thản.
2. Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số 1? Hay đơn giản là người hạnh phúc? Để thành công, bạn có thể phải hi sinh hạnh phúc của mình. Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc.
3. Thời khắc hiện tại tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Chỉ cần bạn để tâm, bạn sẽ nhìn thấy chúng.
4. Một người tức giận là do không giải quyết được những đau buồn của mình. Họ là nạn nhân đầu tiên của sự đau buồn đó, còn bạn là người thứ hai. Hiểu được điều này, lòng tư bi sẽ nảy nở trong tim và sự tức giận sẽ tan biến. Đừng trừng phạt họ, thay vào đó, hãy nói gì đó, làm gì đó để vơi bớt nỗi đau buồn.
5. Cội nguồn của tình yêu nằm sâu trong mỗi chúng ta. Chúng ta có thể giúp người khác hạnh phúc. Một lời nói, một hành động, một suy nghĩ cũng có thể làm vơi nỗi buồn và tăng hạnh phúc cho người khác.
6. Tự do có được nhờ tu tập và thói quen. Bạn phải rèn luyện mình cách bước đi như một người tự do, ngồi như một người tự do và ăn như một người tự do. Chúng ta phải rèn luyện bản thân về cách sống như thế nào.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị