Sáng 10/7, buổi họp báo giới thiệu Gạc Ma: Vòng tròn bất tử - ấn phẩm về cuộc chiến Gạc Ma năm 1988 - diễn ra tại TP HCM. Trong số khách dự chương trình có chị Trần Thị Thủy - con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, người đã ngã xuống trong tư thế quyết giữ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988.
Chị Thủy kể lúc bố mất, chị còn trong bụng mẹ. Thuở nhỏ, qua những lời kể từ đồng đội của bố, niềm tự hào về người cha anh hùng dần nhen nhóm trong chị. Lớn lên, không ai thúc giục, chị viết lá đơn xin nhập ngũ ở Quân chủng Hải quân, từ đó được khoác lên mình quân phục, tiếp tục sự nghiệp bảo vệ đất nước của bố. Ngày cầm cuốn sách Gạc Ma: Vòng tròn bất tử, mắt chị nhòa đi khi thấy tên bố in trong sách cùng câu nói của ông được in trang trọng: "Thà hy sinh chứ nhất định không chịu mất đảo".
Chị Trần Thị Thủy - xúc động trong sự kiện ra mắt sách "Gạc Ma: Vòng tròn bất tử". Ảnh: Mai Nhật. |
Chị Trần Thị Thủy hiện là cán bộ Văn phòng bảo mật, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân (đóng tại Khánh Hòa). Tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành Việt Nam học tại Đại học Quảng Bình năm 2009, chị Thủy xin làm việc tại Trường Sa. Tại đây, chị gặp thiếu úy Nguyễn Hồ Hải - một chiến sĩ cùng quê. Họ kết hôn và sinh con đầu lòng vài năm sau đó.
Chương trình còn có sự tham dự của nhiều người góp phần làm nên cuốn sách, như chủ biên - thiếu tướng Lê Mã Lương, ban cố vấn - chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm và ông Đào Văn Lừng, Trưởng cơ quan thường trực Ban tuyên giáo Trung ương tại TP HCM... Cuối sự kiện, hơn 380 triệu đồng quyên góp từ việc phát hành cuốn sách được trao cho đại diện gia đình 64 liệt sĩ Gạc Ma.
Sách "Gạc ma: Vòng tròn bất tử". |
Gạc Ma - Vòng tròn bất tử gồm bốn chương. Chương một mang tên Tháng Ba bi tráng. Chương hai là Nén lặng những nỗi đau. Chương ba nói về Ký ức người lính Gạc Ma và cuộc đời hậu chiến. Chương cuối cùng có tên Sự thật lịch sử không thể lãng quên. Hiện, sau chín ngày phát hành 10.000 cuốn sách của đợt in đầu đã đến với độc giả trong nước. Ngày 10/7, Gạc Ma - Vòng tròn bất tử được tái bản 20.000 cuốn.
* Nỗi nhớ con 30 năm của cha mẹ liệt sĩ Gạc Ma
Nỗi nhớ con 30 năm của cha mẹ liệt sĩ Gạc Ma
Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin, Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản.
Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, chín người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma rơi vào tay quân xâm lược từ đó.
Tháng 4/1988, tổ thợ lặn của tàu Đại Lãnh qua khảo sát biết được tàu HQ 605 chìm ở độ sâu 40 m gần bãi đá Len Đao. Việc xác định vị trí của HQ 604 không thể tiến hành do bị quân Trung Quốc liên tục ngăn cản. Hàng chục năm sau, Trung Quốc vẫn không hợp tác để Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Mai Nhật