Một trong những khả năng đặc biệt, vô cùng quan trọng của con người là giao tiếp. Đó là cách chúng ta chia sẻ ý tưởng, động viên lẫn nhau để đạt được những mục tiêu đã đặt ra.
Ngày nay, khi mà phần lớn các thông tin đều được chuyển sang dạng văn bản thì khả năng truyền đạt ý tưởng thông qua chữ viết cũng quan trọng không kém.
Nếu làm không tốt, các dự án của bạn sẽ bị trì hoãn, gây khó chịu cho mọi người và thậm chí là khiến công ty rơi vào tình thế khó khăn.
Trên thực tế, việc biết rõ ngôn ngữ không thể biến chúng ta trở thành những người giao tiếp tốt. Sẽ cần cả một quá trình nỗ lực và rèn luyện để làm được điều đó. Thế nhưng hiện nay, ngày càng nhiều các trường đại học chỉ tập trung vào việc đào tạo kiến thức mà quên đi vai trò quan trọng của những kỹ năng mềm như giao tiếp.
Và bạn có tin không, giao tiếp không hiệu quả chính là gốc rễ của hầu hết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Bạn nghĩ rằng việc trở thành một nhà văn giỏi chỉ quan trọng với những người yêu thích học văn học và muốn viết tiểu thuyết? Tất cả những điều dưới đây sẽ cho bạn thấy, suy nghĩ đó là sai lầm.
Tầm quan trọng của việc giao tiếp bằng văn bản
Theo thống kê của National Association of Colleges and Employers, 73,4% nhà tuyển dụng đều mong muốn các ứng viên của mình có kỹ năng giao tiếp bằng văn bản tốt. Đó cũng là một trong những yêu cầu vô cùng quan trọng, chỉ sau kỹ năng lãnh đạo và khả năng làm việc nhóm.
Trong những năm trở lại đây, giáo dục STEM (tập trung đào tạo các ngành: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Thế nhưng, vai trò viết lách vẫn không thể thay thế. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ, 93% các nhà tuyển dụng đều thống nhất cho rằng: "Khả năng suy nghĩ chín chắn, giao tiếp rõ ràng và giải quyết các vấn đề phức tạp là những yếu tố vô cùng quan trọng."
Và 75% trong số họ muốn các ứng viên của mình tập trung nhiều hơn vào kỹ năng giao tiếp bằng văn bản ngay từ khi còn đang học đại học. Điều này khiến cho tỷ lệ sinh viên lựa chọn các ngành liên quan đến ngôn ngữ và truyền thông cao hơn rất nhiều.
Không phải tự nhiên mà các doanh nghiệp lại yêu cầu ứng viên phải có kỹ năng giao tiếp bằng văn bản. Trong quá trình hoạt động, họ nhận ra những người viết giỏi không chỉ truyền đạt thông tin qua văn bản hiệu quả mà còn hiểu về cách giao tiếp. Việc này giúp họ có thể liên kết, tương tác tốt hơn với cấp trên, đồng nghiệp và cả khách hàng của mình.
Đặc biệt là năm 2020, khi cả thế giới chuyển sang chế độ giãn cách và sử dụng các văn phòng ảo, việc viết lách trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chúng ta thường xuyên phải giao tiếp với nhau thông qua những con chữ. Ngoài việc đưa ra đầy đủ các thông điệp, chúng ta còn phải đảm bảo rằng những cảm xúc cũng được truyền tải một cách trọn vẹn, câu từ luôn ngắn gọn, xúc tích. Để tránh những cuộc gọi không cần thiết, các email cũng phải chính xác và có trọng tâm rõ ràng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc giao tiếp bị ảnh hưởng rất nhiều, chúng ta không thể đến trực tiếp để thảo luận hay bàn bạc với đồng nghiệp, khách hàng… Vì vậy, ta phải lường trước những nghi vấn, thắc mắc và trả lời chúng sớm nhất có thể để kịp thời giải đáp, tránh bị chậm trễ.
Bạn nghĩ, là một nhà văn, tôi đang phóng đại tầm quan trọng của việc viết lách?
Nhưng hãy nhớ lại lần cuối cùng mà bạn nhận được một email có lỗi chính tả, sai định dạng cơ bản, câu ngắt quãng và trình bày ý tưởng rời rạc. Khi đọc nó, bạn có suy nghĩ gì về cách làm việc của cá nhân người viết? Ấn tượng của bạn về công ty, doanh nghiệp của họ ra sao? Tôi có thể chắc chắn, đó không phải là một trải nghiệm tốt đẹp.
Nhìn vào cách viết, chúng ta có thể nhận ra sự mạch lạc trong suy nghĩ, sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, sự rõ ràng trong những mục tiêu và mức độ tự tin hoàn thành công việc của một ai đó.
Cách viết mạch lạc thể hiện một tư duy rõ ràng
Tất cả những gì bạn viết ra đều bộc lộ cách suy nghĩ, tư duy và con người của bạn. Một khi tư duy bị xáo trộn, sẽ rất khó để chúng ta nắm bắt, sắp xếp và trình bày các ý tưởng của mình một cách chính xác, khoa học và tạo ra sức thuyết phục với người khác.
Viết ngắn gọn, súc tích và rõ ràng tưởng như đơn giản nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Đó là lý do tại sao chúng ta phải bỏ ra rất nhiều thời gian để học tập và rèn luyện nó.
Người viết giỏi biết đâu là thứ có thể lược bỏ
Hầu hết tất cả chúng ta đều nói và viết nhiều hơn mức cần thiết. Vì vậy, công việc của bạn là tìm cách tiết chế, kiểm soát các thông tin, chỉ trao đi những thông điệp quan trọng và cần thiết. Nó không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho cả bạn và người đọc mà còn đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc.
Những người viết tốt có khả năng tập trung cao độ
Trong khi hầu hết mọi người đều bị phân tâm và cần liên tục tương tác với người khác. Thì những người viết tốt lại rất thoải mái khi làm việc một mình, họ hoàn toàn tập trung và có thể phát huy tốt khả năng sáng tạo của mình.
Jason Fried từng viết trong cuốn Rework rằng:
"Nếu bạn đang phân vân khi lựa chọn nhân sự cho một vị trí nào đó, hãy thuê người có khả năng viết tốt nhất. Bởi năng lực của họ không chỉ dừng lại ở việc viết các văn bản.
Ngoài khả năng tư duy rõ ràng, họ còn biết cách giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh. Những người viết tốt có thể đặt mình vào vị trí của người khác, khi ở bên họ, mọi việc đều trở nên dễ dàng và thoải mái hơn rất nhiều.
Và đó là những phẩm chất mà tất cả các nhà tuyển dụng đều mong muốn ở bất kỳ ứng viên nào."
Làm thế nào để rèn luyện bản thân
Cải thiện kỹ năng viết tưởng như rất đơn giản, nhưng lại không hề dễ dàng. Bạn có thể bắt đầu từ những bước sau đây:
1. Viết nhiều hơn: Trong giai đoạn đầu, bạn có thể tập trung vào số lượng để luyện tập và dần cải thiện cách dùng từ, viết đoạn và liên kết chúng. Bạn có thể thử viết các bài đăng blog, báo cáo, hoặc chỉ đơn giản là nhật ký hàng ngày. Hãy thực hành thường xuyên, bạn sẽ thấy hiệu quả mà nó đem lại.
2. Đọc thêm: Sách là nguồn tri thức bất tận, giúp bạn mở rộng vốn từ vựng và có thêm nguồn cảm hứng từ rất nhiều những nhà văn vĩ đại. Thay vì đọc các bài báo hoặc tweet ngắn, hãy chọn cho mình những cuốn sách có nội dung và học theo cách viết của những người chuyên nghiệp.
3. Loại bỏ những thứ không cần thiết: Không ai muốn đọc một bài đăng trên blog hay một email có nội dung dài dòng, nhàm chán và không có điểm nhấn. Hãy đơn giản hóa các từ ngữ, sử dụng các câu có cấu trúc đặc biệt, trình bày chúng một cách logic, bài viết của bạn sẽ ấn tượng hơn rất nhiều.
4. Chỉnh sửa cẩn thận: Đôi khi, chúng ta không thể tự nhìn ra lỗi của chính mình. Vì vậy, nếu có thể, hãy nhờ một ai đó nhận xét và chỉnh sửa những gì bạn viết. Điều đó sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể.
Khi có thể truyền đạt ý tưởng, thuyết phục và gây ấn tượng với người khác bằng bài viết của mình, bạn sẽ có cơ hội được tuyển dụng cao hơn nhiều, đặc biệt là trong "thế giới ảo" mà chúng ta đang sống hiện nay.
Theo MD