Lùi về dĩ vãng xa xưa, đã có thời tuồng, chèo, cải lương và các loại hình nghệ thuật truyền thống là "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đời sống của người dân Thăng Long – Hà Nội.
Từ thời nhà Lý, người Kẻ Chợ đã được cho là giàu có, và sành chơi, không ngại móc hầu bao chi cho nghệ thuật. Kinh đô Thăng Long nhộn nhịp, phù hoa khi đó là nơi hội tụ của những loại hình sân khấu đủ đầy dáng vẻ, đậm đà phong vị, góp phần vào đời sống văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng của chốn ăn - chơi này. Loại hình đặc biệt được yêu thích là tuồng, chèo.
Sinh ra từ trong dân gian, những vở chèo được yêu thích đưa vào tiến cung, rồi cũng vì tính chất trào phúng, giễu nhại quá sâu sắc nên "gặp hạn", phải trở lại với quần chúng nhân dân. Nhưng dù là được triều đình hậu đãi hay "thất sủng", chiếu chèo chưa bao giờ bị người dân Kẻ Chợ rời xa.
Biết người kinh kỳ không dư thừa thời gian, các gánh hát bắt đầu diễn xướng từng trích đoạn chèo ngắn dễ nhớ, nhớ thuộc, dễ cười. Những tích tuồng cổ với tính biểu tượng, tạo hình và chất ước lệ cao cũng lọt "mắt xanh" của những người dân Thăng Long thành. Bóng dáng của những vở chèo, tuồng cổ ấy không chỉ xuất hiện trong những, ghi chép, văn tự của người Việt mà còn được lưu lại trong sách của người Pháp sống tại Hà Nội.
Tác giả cuốn "Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài" (Histoire naturelle civil et politicque du Tonkin, Paris 1778) – Richard – viết: "Người ta thấy ở mọi nơi các loại âm thanh, nhạc cụ. Người ta dùng khán đài ở góc phố để trình diễn những vở chèo hề mua vui cho giới bình dân".
Nghệ sĩ Sỹ Tiến và Bích Được trong phòng hóa trang rạp Chuông Vàng, trước giờ diễn vở Kiều, ảnh chụp năm 1962. Ảnh: T.L
Từ thế kỷ XX, các hình thức nghệ thuật sân khấu vẫn tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, nổi bật là ca trù. Người Thăng Long – Hà Nội ban đầu rủ nhau tới phố Hòe Nhai, nghe ca trù từ những giáo phường, rồi chuyển xuống ấp Thái Hà, kế tới là phố Khâm Thiên. Những năm 1920, cải lương từ miền Nam cũng Bắc Tiến, mang thêm phong vị nghệ thuật vào lòng Thủ đô. Thanh – sắc của cải lương khiến người Hà Nội say mê, không thể rời mắt. Các vở được diễn liên tục từ rạp Quảng Lạc (8 Tạ Hiện ngày nay), rạp Thăng Long (nay là phố Hàng Bạc), rạp Philharmonique (nay là Nhà hát Múa rối Thăng Long, phố Đinh Tiên Hoàng), rạp Chuông Vàng tới Sán Nhiên Đài (nay là Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, số 50 phố Đào Duy Từ)… Ở Sán Nhiên Đài sau này, người ta còn diễn cả chèo với âm hưởng cải lương, mang tới một phong vị đặc sắc khác cho "bữa ăn tinh thần" của người Hà Nội.
Tiếp nhận làn sóng phương Tây, chèo, tuồng, cải lương… từ đường phố đều đã được diễn trên sân khấu, trong ánh hào quang rực rỡ. Đời sống sân khấu Hà thành rộn ràng hơn bao giờ hết.
Những ngày tháng 4 mát trời năm 1920, người dân Thủ đô háo hức đón chào một vở kịch nói Âu châu lần đầu tiên tại Việt Nam: "Bệnh Tưởng" (Le Malade Imaginaire) của văn sĩ Pháp Molière, do ký giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch song ngữ Việt – Hán. Vở diễn tại Nhà hát lớn ấy đã mở ra cả một chân trời nghệ thuật mới cho thành phố của những tinh hoa, khởi đầu một thời kỳ đắm chìm trong những vở kịch, khóc cười cùng những kịch tính trên sàn diễn.
Poster vở Bệnh Tưởng, diễn tại Hà Nội năm 1920 (Ảnh: Wikipedia)
Sau đó một năm, dân Hà Nội đã có cơ hội thưởng thức vở diễn thoại kịch đầu tiên do chính người Việt Nam soạn: "Chén thuốc độc" của tác giả Vũ Đình Long, cũng được công diễn trên sân khấu huyền thoại của Nhà Hát Lớn Hà Nội. Người dân Thủ đô đón nhận kịch đầy hồ hởi bởi vào thời điểm đó, nhu cầu tìm một loại hình nghệ thuật để giải khuây đang lên rất cao. Sáng tác kịch cũng trở thành một trào lưu được các tác giả bắt nhịp nhanh chóng, nhiều cái tên quen thuộc như Tự Lực văn đoàn, thi sĩ Thế Lữ, Lê Đại Thanh… đã viết kịch, góp phần vào đời sống sân khấu sôi động của Hà Nội khi đó.
Tất cả mở đầu cho một thời kỳ rực rỡ vàng son của thoại kịch đất Hà thành…
"Chén thuốc độc" - vở thoại kịch đầu tiên của Việt Nam.
Thời hiện đại, chúng ta có cơ hội tiếp cận đa dạng loại hình nghệ thuật: Phim ảnh, âm nhạc, hội họa… Kịch nghệ có thể là một điều gì đó xa vời, nhưng vào những năm 1945 – 1947, những nhà hát, sân khấu kịch từng là "tháp ngà" lung linh mà bất cứ ai cũng ngưỡng vọng.
Người Hà Nội khi ấy tiếp nhận hơi thở phương Tây với một niềm phấn khích và háo hức. Họ thích thú "sống những cuộc đời khác" cùng kịch Moliere, Shakespeare… Song song, người ta cũng phát triển dòng kịch Việt lấy cảm hứng từ văn hóa Á Đông và kho tàng Việt Nam. Ngày tháng ấy, những người con của Thủ đô mong ngóng hằng giờ để được tới nhà hát, chờ đợi tấm màn nhung được vén lên để xem Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, Nửa đêm truyền hịch… - những vở kịch gần gũi với người Việt Nam, gắn với tuổi thơ ngập tràn mơ mộng mà ai cũng từng trải qua.
Rồi kịch thơ cũng theo đó mà phát triển, khán giả mê mải đắm đuối với những lời kịch có vần điệu, truyền tải tinh thần và cảm xúc theo một hình thức đi vào lòng người. Thời điểm thành phố chưa dỡ thiết quân luật, khi nhân vật nữ trong vở Bến Nước Ngũ Bồ (Hoàng Công Khanh) đứng lên diễn xướng: "Đất nước còn, không còn em cũng được / Đất nước không, em có cũng như không", lời thơ dường như nói lên tấm lòng con dân Việt Nam, khẳng khái quyết đoán ngay giữa lòng địch tạm chiếm ấy đã khiến tất cả những khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội đứng lên vỗ tay vì xúc động.
Kịch thơ "Bến Nước Ngũ Bồ" - Hoàng Công Khanh
Sau 5 năm miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đời sống kinh tế, xã hội dần ổn định, nhu cầu hướng tới những "món ăn tinh thần" lại lên cao. Những sân khấu lại được trao cơ hội để sáng đèn ngày đêm, thắp lên "ngọn lửa tình yêu" âm ỉ, chỉ trực bùng cháy của người Hà Nội với những vở kịch.
Dù là một người am hiểu kịch nghệ, hay chỉ từng có duyên bước vào nhà hát đôi lần, chắc hẳn người Hà Nội ai cũng nghe đâu đó cái tên: Lưu Quang Vũ. Bên cạnh "thơ tôi là mây trắng của đời tôi, những dòng thơ thao thức khôn nguôi", tên tuổi này còn dành trọn tình yêu cho kịch nghệ, và là một trong những người đưa kịch đến gần gũi hơn với mọi người, qua những vở đi sâu vào phân tích tâm lý, xã hội, mang hơi thở và những vấn đề có tầm vóc thời đại: Nguồn sáng trong đời, Tin ở hoa hồng…
Nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ - một trong những người làm thay đổi diện mạo kịch nghệ Việt Nam
Cùng thời điểm, hàng loạt cái tên nổi tiếng khác như Thế Ngữ, Doãn Hoàng Giang... cũng bắt tay vào sáng tác kịch mang màu sắc riêng. Trong đó, chủ đề được mở rộng, ngày càng gần gũi hơn với đời sống và chạm đến sâu thẳm trái tim của mọi khán giả Hà thành ngồi trên hàng ghế nhung.
Đến cuối thập niên 1980, trào lưu băng nhựa tràn vào Việt Nam. Kịch bắt đầu được thu vào băng, quảng bá trên truyền hình. Đến thời kỳ này, ranh giới giữa các loại hình kịch nghệ mong manh hơn, hài kịch được yêu thích và âm nhạc được lồng ghép trong kịch nói. Diện mạo của nghệ thuật kịch tại Việt Nam chuẩn bị đổi thay, khá gần với những gì mà chúng ta đang thấy hôm nay tại Hà Nội...
Những năm 2000 khi dạo qua các ngôi nhà ở Hà Nội, chúng ta dễ thấy trên ti vi, người ta giải trí với phim, nhạc... Internet xuất hiện mang tới cho người dân Thủ đô cơ hội tiếp cận nhiều loại hình mới phong phú, đa dạng và sinh động. Nhưng cùng với làn gió mới đó, sân khấu kịch thưa vắng dần người xem, hiếm khi thấy sáng đèn. Có thể, khi phải suy nghĩ, lao tâm khổ tứ quá nhiều với công việc, cuộc sống, mưu sinh..., người ta bắt đầu tìm quên trong những loại hình nghệ thuật có phần đơn giản hơn, thậm chí đôi khi dễ dãi, dễ cười, dễ khóc, chẳng trăn trở, không lay động tới tận tâm can.
Người nghệ sĩ vẫn muốn diễn kịch, muốn cống hiến hết mình cho khán giả. Nhưng khán giả xưa - "những người muôn năm cũ" thì "hồn ở đâu bây giờ?". Thế nghĩa là, kịch chỉ còn có thể hoài nhớ những cố nhân? Và phải chăng người ta chỉ cần một cuộc vui hời hợt, vừa cười đấy đã vội quên ngay, chẳng đọng lại chút gì trong tâm trí? Hay là vẫn còn đâu đó những tâm hồn muốn được đắm mình trong giấc mộng đẹp trên sân khấu rực rỡ, huyền ảo?
Câu trả lời là: "Vẫn còn chứ, bởi ai mà chẳng muốn tin vào những giấc mơ, để được yêu - say - thả mình vào một đời sống khác rồi lại soi chiếu chính mình!". Có thể khán giả trẻ đến với kịch chưa nhiều, nhưng hãy hỏi những ai từng một lần bước vào, ngồi trước sân khấu để đợi chờ từng màn, từng cảnh, bạn sẽ thấy, những vở diễn vẫn còn vẹn nguyên sức hút với người Thủ đô.
Đó cũng chính là lý do để Lệ Ngọc - sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội ra đời, tồn tại: Để gìn giữ mạch ngầm bền bỉ và mãnh liệt của kịch nghệ, nuôi dưỡng tình yêu âm ỉ của người dân Thủ đô đối với nghệ thuật sân khấu.
Không chỉ giữ trọn tinh thần, tinh hoa của kịch Việt, mang đậm bản sắc Việt với những vở diễn được đầu tư, nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng, sân khấu Lệ Ngọc cũng thể hiện tinh thần sẵn sàng vượt qua những rào cản, từ đó mang lên sàn diễn những thử nghiệm, hấp thụ tinh hoa thế giới với cách tiếp cận khác biệt, gần gũi hơn với khán giả thế hệ mới.
Thị Nở, Chí Phèo - một vở kịch thành công, chinh phục khán giả Hà Nội của Sân khấu Lệ Ngọc.
Trên những sân khấu, nhà hát mà Lệ Ngọc từng công diễn, trẻ em Hà Nội và những người làm cha, làm mẹ được thả mình trong thế giới cổ tích huyền nhiệm của những vở diễn lấy cảm hứng từ tích truyện xưa: Cây Tre Thần, Tấm Cám… Họ cũng lại ngỡ ngàng, choáng ngợp trước Huyền Thoại Gò Rồng Ấp hoành tráng, đưa lên sân khấu một huyền tích lâu đời về mảnh đất Thăng Long địa linh, nhân kiệt. Và cùng với Lệ Ngọc, những du khách nước ngoài tới Thủ Đô có cơ hội hiểu thêm về văn hóa, bản sắc người Việt qua Tứ Phủ, Ngũ Biến…
Huyền Thoại Gò Rồng Ấp được sân khấu Lệ Ngọc đầu tư hoành tráng, mang tới cho người dân Thủ đô một góc nhìn sâu hơn, soi chiếu vào lịch sử của mảnh đất địa linh, nhân kiệt.
Giống như Kẻ Chợ, Thăng Long Thành xưa, Hà Nội mãi là nơi hội tụ của thanh, sắc và chẳng khi nào thiếu bóng tài tử, giai nhân. Cũng chắc chắn rằng, những người con của nơi đây sẽ chẳng bao giờ ngoảnh mặt trước nghệ thuật - đại diện của Chân - Thiện - Mỹ. Bởi đến cuối cùng, tất cả có thể bị cuốn theo "dòng sông cuộc đời" chảy trôi mãi không thôi, chỉ có vẻ đẹp và tinh thần nhân văn sẽ còn vĩnh viễn.
Người Hà Nội rồi sẽ lại tìm về với những giá trị ấy trong kịch nghệ, để rồi không ai phải nói câu cửa miệng đầy tiếc nuối: "Có một thời…"
Theo Pháp luật và bạn đọc