Chị em phụ nữ với bản tính duy mĩ, luôn quan sát và có thể tạo ra một thú chơi mang lại hứng khởi, niềm vui cho riêng mình từ bất kì đâu. Chất liệu cho thú chơi, phổ biến có thể đến từ thời trang như sưu tầm túi xách, trang sức... từ bếp núc như sưu tầm ấm tách, bát đĩa, muỗng đũa... cũng có thể đến từ những mẩu tờ rơi sắc màu có thể bắt gặp trong quầy thanh toán ở siêu thị, những trang báo cũ chất đống chờ người đến cân phế liệu - như thú chơi chị Kim Hồng (37 tuổi hiện đang là Nhà tư vấn đào tạo phương pháp giáo dục Montessori cho trẻ mầm non tại Hà Nội).
"Mình bắt đầu làm tranh xé dán từ những ngày đầu tiên xuất hiện dịch Covid 19, đến nay cũng đã ba năm rồi. Nguyên liệu cho thú vui làm tranh này khá dễ tìm, mình chỉ cần lưu tâm chút thôi. Ví dụ khi đi siêu thị, mình sẽ quan sát và giữ lại những tờ rơi, khi đi trung tâm thương mại mình sẽ xin những quyển catalogue cũ, khi đến rạp chiếu phim, mình xin các poster phim... góp nhặt và về nhà cắt xé, xếp và dán, sáng tạo ra các bức tranh.
Mình nghĩ không thể chỉ dựa vào thú chơi để đánh giá tính cách hay giá trị tinh thần của một con người. Tuy nhiên, mình tin những người tìm kiếm được cho mình một thú vui lành mạnh sẽ có chỗ trú ngụ tương đối bình yên cho tâm hồn."
Thực chất, tranh xé dán nghe qua chẳng có gì mới, mọi người đều có thể hình dung tranh xé dán cơ bản là một phần của các tiết học Mỹ thuật, bộ môn Thủ công mà chúng ta đã làm quen từ thời cấp 1. Thế nhưng với các tác phẩm tranh của chị Kim Hồng, tính sáng tạo và nâng tầm thành nghệ thuật ở chỗ, là sự sắp xếp màu sắc, xé dán tạo hình cực kỳ công phu, khéo léo đòi hỏi nhiều tư duy trừu tượng.
"Khi nhỏ, mình cũng đã được dạy xé dán những hình ảnh đơn giản như tĩnh vật lọ hoa, quả táo… Tuy nhiên lúc đó mình cũng chưa ấn tượng nhiều với môn này. Từ khi bắt đầu học chương trình giáo dục Montessori dành cho trẻ mầm non, mình bắt đầu tìm hiểu các loại hình nghệ thuật phù hợp với trẻ nhỏ, trong đó có Mixed Media Art, và tranh ghép giấy (paper collage art) cũng là một phần của loại hình nghệ thuật này.
Từ những nguyên liệu rất dễ tìm kiếm như giấy báo, tờ rơi… lại có thể làm ra những tác phẩm cực kì ấn tượng. Là một người theo lối sống tối giản và bảo vệ môi trường, mình quyết định chọn giấy đã bỏ đi (báo cũ, tờ rơi, catalogue, vỏ hộp…) là nguyên liệu duy nhất cho tranh của mình, thay vì phối hợp thêm với các nguyên vật liệu khác như màu, vải, sắt, gỗ… Mình mong muốn tác phẩm mình làm ra sẽ đúng tinh thần tái chế - càng ít phải thêm nguyên vật liệu phát sinh càng tốt."
Để biến bộ môn xé dán tranh đơn giản của trẻ con thành các tác phẩm nặng kỹ năng, mang góc nhìn thẩm mỹ và nội dung câu chuyện, chị Kim Hồng thường tìm ý tưởng cho mình từ các tác phẩm nghệ thuật."Nếu có điều kiện, mình sẽ ghé thăm các triển lãm, bảo tàng và mình cũng sưu tầm rất nhiều tranh ảnh trên máy tính để xem khi rảnh rỗi. Mỗi khi làm tranh mình cố gắng nhập tâm để hình dung ra sự vật mình đang mô tả. Ví dụ, cánh hoa bồ công anh khi bay trong gió sẽ thế nào, một đôi mắt tươi vui thì trông như thế nào… từ đó kĩ năng theo thời gian sẽ được cải thiện, giúp mình tạo hình khối và bố cục tốt hơn."
Thông thường, theo đuổi một thú chơi ngoài công sức, thời gian thì đa phần mọi người cũng phải bỏ ra rất nhiều tiền, hoặc là một lần, hoặc là nhiều lần tính gộp lại. Tuy nhiên, chị Kim Hồng nói thứ khiến chị tiêu tốn nhiều nhất chính là thời gian, còn chi phí thì chị tin ai cũng "khởi nghiệp" được.
"Chỉ cần một tấm bìa cứng làm nền, một hộp keo sữa, một cây kéo cắt giấy, một cây chổi quét keo, và tất nhiên là một ít giấy báo cũ, là bạn đã có thể bắt tay vào làm tranh rồi. Không có thời hạn cụ thể cho việc làm tranh, thông thường với một bức tranh khổ 40x60cm mình phải dành khoảng 7 ngày liên tục để hoàn thành.
Những bức tranh mất liên tục 7 ngày hoặc hơn để hoàn thành.
Cho đến hiện tại bức tranh mình mất nhiều thời gian để làm nhất là một bức tranh vẫn chưa được đặt tên, mình đã bắt đầu hơn 14 tháng nay nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Đây là một bức tranh do một người yêu mến tranh xé dán đặt mình làm để tặng cho con gái, với khá nhiều biểu tượng và chi tiết. Bọn mình đã trao đổi rất cẩn thận để dung hòa giữa những mong muốn của chủ nhân tương lai của bức tranh và không gian sáng tạo riêng cho mình. Bạn ấy cũng không đặt ra giới hạn về thời gian. Vì vậy, với từng chi tiết trong tranh mà bạn yêu cầu, mình đã dành một khoảng thời gian khá dài, có khi là hàng tháng, để cảm nhận và thể hiện một cách đặc biệt nhất có thể."
Những bức tranh được chị đầu tư nhiều thời gian và ý tưởng để thể hiện được tâm ý khách hàng muốn.
Chính vì ngốn lượng lớn thời gian để sở hữu được một bức tranh xé dán, chị chia sẻ khó khăn đầu tiên để theo đuổi đam mê này là thu xếp được thời gian.
"Mỗi lần làm tranh mình luôn mong không bị gián đoạn mà có thể làm liên tục. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành mỗi bức tranh khá lâu nên đôi khi mình cũng phải cố gắng linh hoạt giữa công việc chính và thú vui. Bên cạnh đó, vì mình không học chuyên ngành Mỹ thuật nên việc tạo hình và sắp xếp bố cục tranh vẫn dựa vào sự cảm nhận của bản thân là chính. Đặc thù của tranh xé dán là tính ngẫu nhiên trong họa tiết và màu sắc của từng số báo, vậy nên dù đầu mình luôn đầy ắp ý tưởng cho các bức tranh, nhưng đôi khi không phải lúc nào cũng gặp được một mảng báo khớp với cảm hứng để bắt tay vào sáng tạo."
Những tác phẩm không giá vốn của chị có thể được phát hoạ từ truyện, từ khung cảnh chị mường tượng trong đầu... thậm chí từ giấc mơ. Và những ý đồ mơ hồ thành hiện vật này, được nhiều người hỏi mua với giá hàng triệu.
"Tranh của mình thường có hai kích cỡ là 40x60cm và 60x80cm. Cho đến hiện tại, giá tranh của mình dao động từ 1.600.000đ đến 8.000.000đ tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi bức."
Những bức tranh "handmade" có giá từ 1.600.000đ trở lên.
Bỏ nhiều tâm sức vào tranh xé dán, không chỉ thoả đam mê, kiếm được thu nhập mà còn mang lại cho chị rất nhiều gia trị tinh thần khác.
"Từ khi thực hiện tranh xé dán, mình vượt qua được những giới hạn, rào cản của bản thân. Sự yêu mến của mọi người đối với tranh xé dán đã giúp mình bớt thu mình, hướng nội, giờ đây mình đã tự tin hơn, sáng tạo một cách tự do vui vẻ hơn. Ngoài ra, công việc chính của mình là hướng dẫn giáo viên và phụ huynh thực hành phương pháp giáo dục Montessori dành cho trẻ mầm non, cũng như học và chơi cùng các em nhỏ. Việc làm tranh xé dán giúp mình rèn luyện thêm tính kiên nhẫn, đồng thời cũng biến nó thành môn học nghệ thuật cho học sinh của mình."