Từng là sinh viên trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, vừa ra trường chưa va chạm nhiều, nhưng Nguyễn Thị Khánh Trang quyết định ra khỏi vùng an toàn để đến một vùng đất mới, tận hưởng và từ từ trải nghiệm với tâm thế cởi mở tràn đầy tự tin, sống một tuổi trẻ thật đẹp với thật nhiều khám phá.
Có niềm đam mê xê dịch, Trang từng là hướng dẫn viên du lịch, tình nguyện viên cho nhiều chương trình lớn nhỏ. Trong 4 năm đại học, cô gái sinh năm 1998 đã có dịp đến hơn 20 tỉnh thành, 5 quốc gia.
Nguyễn Thị Khánh Trang từng "gặt hái" nhiều giải thưởng: Top 3 đại biểu tốt nhất tại cuộc thi "iMUN Model United Nation Conference" tổ chức bởi trường Đại học Kinh tế - Luật, Giải nhì cuộc thi hùng biện "December Dream" - bởi trường Đại học Ngân Hàng TPHCM, Đại biểu AFMAM 2020 do ASEAN Foundation tổ chức, Đại biểu Youth Leadership Summit 2019 tại Campuchia…
"Đi cho đến khi chân mỏi, mắt mờ. Đi để học cách yêu thương"
Đó là điều Trang luôn tâm niệm và mong muốn trên hành trình khám phá những chuyến đi đầy màu sắc của cuộc sống.
Vừa ra trường chưa va chạm nhiều, gia đình lo lắng nhưng cô bạn quyết định sang Malaysia làm việc giữa mùa dịch Covid-19.
"Lo sợ và bứt phá là hai thái cực tâm trạng trước và sau khi mình quyết định rời Việt Nam để đến Malaysia làm việc. Duyên đã chọn thì mình nghe theo, bỏ qua sự ngăn cản của gia đình, nỗi lo của người thân và những cau mày nghi hoặc của bạn bè, mình nghĩ trước hay sau gì, trải nghiệm là giá trị sống, là thước đo sự trưởng thành của mình qua năm tháng. Và mình đã chọn đi."
Mới gắn bó với Penang (Malaysia) chưa lâu, cô gái 9x chia sẻ chưa ngày nào hết yêu hòn đảo xinh đẹp này. "Được bao bọc bởi thiên nhiên trù phú, được sống trong một môi trường hiện đại tiện nghi, được đắm mình trong nền văn hóa đa dạng bản sắc, được gặp những con người thú vị... mình vô cùng biết ơn với cơ hội mà mình có được hôm nay.
Giờ đây, mỗi ngày trôi qua với mình là mỗi ngày đong đầy hạnh phúc. Nếu bạn cho rằng đã đến lúc cần bứt phá giới hạn, đã đến thời điểm rời xa vùng an toàn của bản thân, thì đừng ngần ngại bạn nhé. Người ta bảo đời chỉ tiếc những việc mình không làm, mấy ai tiếc chuyện mình đã quyết tâm làm bao giờ".
Lúc mới sang Malaysia, người nhà và bạn bè lo Trang một thân một bóng, lạ nước lạ cái có chuyện gì không biết kêu ai. Nhưng Khánh Trang cho biết có 3 lý do khiến cô xem nơi đây thân thuộc như ở nhà.
"Khi xê dịch, mình không chuẩn bị gì nhiều ngoài một tâm thế thoải mái, không kỳ vọng quá nhiều. Nhờ thế phần lớn trải nghiệm xảy đến trong sự chào đón và mang một bài học nhất định giúp bản thân mình trưởng thành hơn.
Thứ hai, mình gần như luôn có bạn đồng hành, dù xuất phát một mình hay nhiều mình. Nhờ những người bạn tuyệt vời ấy mà chuyến đi của mình thêm màu sắc và tràn ngập tiếng cười. Và đặc biệt là bên đây cộng đồng người Việt Nam khá đông, mình nói tiếng Việt, ăn đồ Việt, sinh hoạt như người Việt không khác như đang ở nhà.
Từ khi đến Penang, thay vì dùng cuối tuần cho công việc hoặc lên mạng tán gẫu, xem phim, cô bạn tận dụng cuối tuần quý báu để khám phá những bãi biển vừa đẹp, vừa thơ mộng nơi đây.
Dạo trước khi quỹ thời gian rảnh eo hẹp, cô gái trẻ thường cố gắng làm hết 100% sức lực để hoàn thành những mục tiêu mình đặt ra. "Nhưng vào những dịp có quá nhiều thời gian rảnh, lại bỏ phí quỹ thời gian quý báu đó một cách vô tội vạ. Sau đó lại tiếc nuối cái mình đánh mất, rồi tự dằn vặt bản thân, cảm giác đó khó chịu vô cùng.
Hiện tại thói quen đó mình chưa dứt hẳn, nhưng mình đã tập làm những điều bổ ích hơn bất kể khi nào có thể, viết nhật ký, đọc sách, edit video, học online, hay đơn giản cầm điện thoại lên nhắn tin hỏi thăm những người bạn mà mình yêu quý.
Nhờ vậy mà mỗi ngày của mình trôi qua trở nên ý nghĩa hơn, mình cảm thấy hạnh phúc hơn trước gấp nhiều lần. Thời gian không đợi ai bao giờ, hãy tận dụng quỹ thời gian quý giá mà bạn may mắn có được".
Yêu tình nguyện và luôn mong đóng góp cho cộng đồng đến khi nào còn có thể
Khánh Trang kể cô thích những công việc tình nguyện từ khi còn là sinh viên, vì đó là cơ hội giao lưu với các bé và các bạn tình nguyện viên khác ở Việt Nam và cả quốc tế, vừa giúp được một phần cho các em, vừa tìm hiểu văn hóa các nước và có thêm bạn mới.
Hồi nhỏ, do cũng không có điều kiện tốt nên Trang hiểu được thiệt thòi của các bé nhỏ. Do vậy, cô bạn tập trung vào mảng giáo dục, tổ chức lớp tiếng Anh, dạy các kỹ năng xã hội, cho các bé ra ngoài sinh hoạt.
Các bé có điều kiện va chạm và vui chơi một cách bình đẳng, quan trọng là cảm thấy bớt tự ti hơn. Khi được sang đây, điều kiện sống tốt hơn rất nhiều, Trang cảm thấy rất may mắn, nhưng không muốn chỉ giữ điều đó cho riêng mình.
Tình cờ biết được một nơi nấu ăn từ thiện, Khánh Trang đi cùng nhóm đến nấu ăn phụ các cô chú đã lớn tuổi. "Khi làm được gì đó cho người khác, dù là nhỏ thôi sẽ thấy mình sống ý nghĩa hơn", cô bạn chia sẻ.
90% đồ 3 năm qua là đồ cũ!
Trên blog cá nhân, ngoài việc viết những câu chuyện hàng ngày đơn giản nhưng tràn đầy cảm hứng, đem đến cho người đọc những năng lượng tích cực, Khánh Trang còn chia sẻ thói quen sống tối giản.
Cô bạn không sắm nhiều, chủ yếu mua đồ cũ và sử dụng đồ được cho, đi chợ tự mang theo túi và hộp đựng để vừa đảm bảo vệ sinh vừa không xả rác ra môi trường.
Thay vì chi một khoản tiền lớn cho những bộ đồ mới, Khánh Trang lựa chọn đồ cũ vì giá thành rẻ hơn 4-5 lần, trong khi chất lượng đồ rất ổn.
Đây cũng là một cách giúp bảo vệ môi trường, hàng năm không biết bao nhiêu triệu tấn mặt hàng thời trang được sản xuất và đem ra tiêu thụ, sử dụng ít lại đồng nghĩa với hạn chế lượng rác thải mà thiên nhiên phải hứng chịu. Và hơn hết, khoảng tiền tiết kiệm được có thể dùng vào một mục đích khác ý nghĩa hơn.
Ở Penang - thành phố nơi Trang đang sống, nhiều shop bán đồ cũ hoạt động theo mô hình từ thiện, họ nhận đồ cho từ người dân rồi bán ra với mức giá phải chăng, số quỹ thu lại sẽ quyên góp cho cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn và người neo đơn cơ nhỡ. Qua đó mua đồ cũ còn mang giá trị đóng góp cho cộng đồng.
"Một đời người trôi qua trong vài nhịp nháy mắt, cuộc sống tràn ngập tình yêu thương và tử tế sẽ trở nên ý nghĩa biết bao", cô bạn bày tỏ.
Theo Trúc Phương
Tiền phong