Có thể, ở Sài Gòn còn rất nhiều cao thủ sửa và phục chế đồng hồ cổ mà tay nghề và kinh nghiệm thuộc bậc thầy mà tôi chưa biết, nhưng tôi đã biết anh Quách Cao (trong giới thường gọi là A Cao, người Việt gốc Triều Châu) khoảng hơn 30 năm nay là một cao thủ bậc thượng thừa sửa đồng hồ cổ của Sài Gòn. Người thợ sửa đồng hồ này là một thương hiệu, giống như tên gọi anh đặt cho cửa tiệm của mình một cách đơn sơ: A Cao.
Thật vậy, với bất cứ một chiếc đồng hồ xưa nào, anh A Cao chỉ coi sơ qua bên ngoài, lắc lắc vài cái “chẩn đoán”, phán ngay cho thân chủ biết đồng hồ bị hư gì, sửa trong bao lâu, bao nhiêu tiền. Và khách, dù quen hay lạ thì người thợ sửa đồng hồ lấy chữ tín làm đầu, trở thành một thương hiệu “cầu chứng”.
Nếu khách vãng lai, khách quen hay thân hữu nào muốn xác tín chiếc đồng hồ “lỡ mua” hay cố ý mua hoặc được biếu tặng là đồng hồ “xịn” hay dởm, dởm bao nhiêu phần trăm thậm chí là đồng hồ sản xuất ở Thụy Sĩ hay đồng hồ... “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”, anh A Cao cũng là một thương hiệu “chẩn đoán nguồn gốc” và phán rất chính xác.
Còn nhớ, ngày xưa, một buổi trưa rảnh việc, tôi lang thang trên đường Đồng Khởi, Q.1 để tìm mua một chiếc đồng hồ Omega. Có lẽ cũng là một cái duyên đưa đẩy, tôi rẽ vào một cửa tiệm bán đồng hồ cổ có vẻ “hoành tráng” và lựa mua chiếc đồng hồ Omega tự động đang trưng bày trong tủ kính mà tôi rất thích. Ông chủ cửa tiệm đích thân bán cho tôi và ra giá 1.500.000 đồng, thời giá lúc đó với số tiền này tôi mua được hơn 3 chỉ vàng nếu tôi từ bỏ được thú chơi đồng hồ cổ.
Nhưng với tôi, thú chơi và sưu tầm đồng hồ cổ là một đam mê nên tôi quyết định móc hầu bao ra trả cho chủ tiệm mà không trả giá.
Tôi quen với anh A Cao từ dạo đó, và về sau, càng chơi thân tôi biết anh A Cao không chỉ là một người thợ sửa đồng hồ giỏi, người bạn tốt mà là một người bạn rất thú vị.
Anh A Cao đã kể cho tôi nghe về cuộc đời thăng trầm của mình, giai đoạn sau năm 1975, lúc anh đi mua đồng nát, tìm được những thứ như mắt kính, viết máy mạ vàng, đặc biệt là đồng hồ xưa không chỉ mạ vàng mà bằng vàng 18K từ vỏ, dây, máy, tới những cây kim, mặt số. Tất nhiên giá trị của những chiếc đồng hồ xưa, sản xuất từ Thụy Sĩ như Omega, Rolex, Patek Philippe, Longine… chỉ có những người sành điệu ờ Sài Gòn trước năm 1975 mới biết. Sau năm 1975, nhiều gia đình còn giữ nhưng cần tiền, hoặc không biết giá trị nên bán rất rẻ và anh A Cao làm nên sự nghiệp từ những món đồ này
Và rồi với tiệm sửa đồng hồ cổ, anh thuê mặt bằng mở trên đường Đồng Khởi, Q.1. Vậy là một người Việt gốc Triều Châu như A Cao “khởi nghiệp” từ nghề “kiếm cơm”, cũng như chú Hỏa làm giàu nhờ gánh ve chai đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn. Tất nhiên,A Cao không thể so sánh với ông Hứa Bổn Hỏa về độ giàu có, tài sản, sự nghiệp nhưng anh “giàu có về tinh thần, giá trị phi vật thể”. Đó là thương hiệu sửa đồng xưa A Cao hơn 3 thập niên.
Điều thú vị ở anh A Cao không chỉ là một người sửa chữa, buôn bán đồng hồ cổ mà anh còn chơi, đam mê đồng hồ cổ. Không chỉ nhiều kinh nghiệm sửa chữa, phục chế đồng hồ cổ mà càng cổ anh càng nghiên cứu để khắc phục những khuyết tật, chỉnh sửa nó cho hoàn hảo, đến độ không cần tháo chiếc đồng hồ mà chỉ cầm trên tay, nhìn lướt qua, lắc nhẹ, nghe máy móc bên trong một chút là biết năm sản xuất, hư bộ phận nào.
A Cao không chỉ là bậc thầy trong giới sửa đồng hồ của Sài thành mà trong anh còn có chất nghệ sĩ. Và cũng chính vì cái chất “nghệ sĩ” nên cuộc đời, sự nghiệp, ái tình của anh A Cao cũng lắm phen “lên voi xuống chó”.
Lần “xuống chó” mà tôi biết là anh trắng tay phải sống nhờ bạn bè và “dựng nghiệp” bằng cái tiệm mua bán, sửa chữa đồng hồ với thương hiệu A CAO nằm khiêm tốn trên đường Nguyễn Thượng Hiền, Q.3. Thi thoảng đến chơi, tôi thấy lại những gương mặt quen trong giới chơi đồng hồ cổ, có cả ông thợ kỳ cựu hồi còn làm ở tiệm của anh ngoài đường Đồng Khởi giờ lại ngồi tỉ mẩn sửa đồng hồ cho anh.
Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống và sự nghiệp, ở tuổi hơn nửa đời người, anh A Cao vẫn căm cụi theo nghề không chỉ để “kiếm cơm”. Bởi “kiếm cơm” thì người ta có nhiều cách để lựa chọn và có nhiều nghề để làm. Nhất là với anh A Cao có thể mở ra lò luyện võ, bởi anh được đào tạo võ thuật bài bản và cũng là một cao thủ từng dạy võ trong một đơn vị quân đội. Nhưng anh chọn nghề sửa đồng hồ cổ như một thú đam mê những chi tiết máy móc và thú vui được “cân chỉnh thời gian”.
Tôi nghĩ, nếu không có đủ kiên nhẫn, sự tận tâm, hết lòng với nghề thì sẽ rất ít người chọn nghề sửa đồng hồ cổ. Bởi lẽ có những chiếc đồng hồ xưa rất xưa, nhất là đồng hồ treo tường mà tôi mới nhìn thấy lần đầu vì độ cổ xưa của nó chỉ riêng việc sửa chữa đã vô cùng khó khăn, còn có những chi tiết phải phục chế “y chang” như cũ thì cực kỳ nhọc nhằn. Nhưng anh A Cao vẫn làm được.
Chính vì thế nên một nghề nhiều thăng trầm, bể dâu như nghề sửa đồng hồ xưa, trong lúc đồng hồ thời trang tràn ngập thị trường. đáp ứng thị hiếu của mọi người, mọi lứa tuổi thì với nghề sửa đồng hồ cổ xưa hơi trái khoáy, luôn kén khách và nhiều dòng đồng hồ không còn sản xuất nữa, biến mất tăm trên thị trường nhưng anh A Cao vẫn có khách vãng lai và khách quen cả trong nước lẫn nước ngoài.
Đặc biệt, là trong những đợt dịch bệnh khắc nghiệt xảy ra khiến thành phố thực hiện việc giãn cách nghiêm ngặt, nhiều nghề chết dở, sống dở nhưng với nghề sửa đồng hồ cổ xưa của A Cao vẫn “kiếm cơm được ngày 2 bữa”, như cách anh nói vui thì không gì khác hơn nhờ vào uy tín, tay nghề lão luyện và sự tận tâm.
Đây cũng chính là thương hiệu của người thợ “cân chỉnh thời” A Cao.