Chuyện nghe đài - kỳ 2: Sướng khổ cũng bởi đài

18/07/2018 11:06
Chuyện nghe đài - kỳ 2: Sướng khổ cũng bởi đài

Mấy ông sắm được đài, oai thì oai thật nhưng nhiều khi cũng chẳng sung sướng gì. Khổ nhất là mua pin. Đem đài đi đăng ký, được cấp cho cái giấy chứng nhận, hằng tháng nhà nước phân phối một đôi pin Con Thỏ.

Khi chưa có đài truyền hình thì cứ nhắc tới đài, người ta hiểu đó là đài phát thanh. Đài phát thanh quốc gia ở miền Bắc trước năm 1975 là Đài tiếng nói Việt Nam. Câu đài hiệu “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” đã trở nên quen thuộc gắn bó với hàng chục triệu con người, với bao nhiêu thế hệ.

Để nghe đài phải có máy thu thanh, bây giờ quen gọi là radio theo tiếng tây. Miền Bắc thời chiến tranh dồn sức người và của cho chiến trường nên cuộc sống cực kỳ khó khăn, nghèo nàn, thiếu thốn đủ mọi thứ. Máy thu thanh thuộc dạng của hiếm, chơi sang, chỉ những nhà khá giả giàu có, nhà cán bộ, nhà có người đi nước ngoài thì mới sắm được đài. Phổ biến nhất là hàng của những nước phe xã hội chủ nghĩa, chủ yếu từ Hungary, Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc. Lưu học sinh, nghiên cứu sinh ở Liên Xô thường đem về cỗ đài Rigonda to như cái tủ lạnh con bây giờ. Vào nhà ai thấy giữa phóng khách một ngài Rigonda oai vệ, lừng lững, màu cánh gián bóng, chiếc loa phập phồng theo âm lượng to nhỏ, cứ phục lăn chủ nhà. Chơi thế mới là chơi, dạng đẳng cấp sang trọng không phải ai cũng với tới được.

Loại đài nhỏ hơn được nhiều cán bộ ưa dùng là Orionton của Hungary và Xianmao của Trung Quốc. Nói là nhỏ nhưng thực ra chiếc Orionton cũng phải to bằng 4 hòn gạch chập lại, nặng xệ vai. Đã đẳng cấp thì nặng nữa cũng chả ngại. Nhiều bác có chiếc Orionton đeo khắp nơi, đi tới đâu là trẻ con theo rần rần tới đó ngắm nghía, thán phục, nghe tin tức, nghe ca nhạc. Anh chàng nào đang kỳ tìm hiểu mà có cái đài đeo đến nhà bố mẹ người yêu, sự đảm bảo thành công thêm được vài chục phần trăm. Đợi cả nhà xong việc, quây quần túm tụm vào, chàng trịnh trọng mở đài, giương cần ăng ten, dò sóng ngắn sóng dài, vặn vô lum to nhỏ, chọn chương trình ca nhạc, tiếng thơ hoặc kể chuyện cảnh giác, cả nhà nàng cứ mê đi, đôi trai gái lỉnh xuống bếp tha hồ trò chuyện.

Giấy đăng ký máy thu thanh do nhà nước cấp, ghi rõ "cấm nghe đài địch", chỉ được dùng "nghe đài tiếng nói Việt Nam" - Ảnh: Tư liệu/Internet

Mấy ông sắm được đài, oai thì oai thật nhưng nhiều khi cũng chẳng sung sướng gì. Khổ nhất là mua pin. Đem đài đi đăng ký, được cấp cho cái giấy chứng nhận, hằng tháng nhà nước phân phối một đôi pin Con Thỏ. Pin rất hiếm, còn hiếm hơn cả đài. Không pin, giống như nhiều ông may được áo mà không cố thêm được bộ khuy áo.

Tình trạng “treo đài” do không pin khá phổ biến, nhất là loại Orionton xài 4 cục pin đại, đành chịu thua. Có thứ khổ nữa là khách đến nhà nghe đài, vừa tốn trà nước, thuốc lào, vừa có khi chủ đài buồn ngủ díp mắt nhưng “bạn nghe đài” cứ mọc rễ chả chịu về, bởi đang dở dang cuộc “đọc truyện đêm khuya”, “chuyện cảnh giác” hoặc tiếng thơ Châu Loan, giọng chèo Như Hoa đang hồi ngọt nhất.

Một cái phiền nữa của người có đài là luôn được chính quyền nhắc nhở đừng nghe đài địch. Đài địch thời chiến tranh là những chương trình phát thanh của chính quyền Sài Gòn, của Mỹ, của bọn đế quốc tư bản giãy chết. Tôi hồi nhỏ không biết tên gọi đài phát thanh Sài Gòn là gì, chỉ nghe cán bộ gọi là đài Sài Gòn, đài ngụy. Rồi “đài” Gươm thiêng ái quốc”, đài BBC, đài Tiếng nói Hoa Kỳ…, cả trăm thứ độc hại đang rình rập trên trời. Cấm nó thì không thể bay lên cấm được nên chính quyền đành cấm cán bộ, khuyên nhân dân “không nghe đài địch”.

Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu bằng vôi trắng trên tường “Nghe đài đọc báo của ta/Đừng nghe đài địch bàn ra tán vào”. Gọi là cấm thế thôi chứ cấm làm sao được, nhất là cái thứ càng cấm càng tò mò. Nhiều chủ đài máu “nghe đài địch” quá, đợi đêm đến khóa hết ngõ ngoài cửa trong, ẩn trong nhà nghe đài địch, có ông còn cẩn thận trùm kín chăn cho âm thanh khỏi vọng ra ngoài, lại còn dặn với vợ con có ai hỏi thì nói tao đi vắng hoặc ngủ rồi, nghe chưa.

Năm 1975, đất nước thống nhất. Lần đầu tiên tôi thực mục quan chiêm (gọi nôm na là nhìn tận mắt) cái đài Nhật. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy. Lần này được sờ hẳn vào hiện vật. Ông bạn cùng lớp Hoàng Thanh Chương người Quảng Trị xin nghỉ mấy ngày phắn về quê. Biết tin nó “quy cố hương”, tôi lại nhớ bài hát “Hát mừng quê ta giải phóng” phổ biến thời bấy giờ, lời ca thật vui “hát mừng quê ta nay giải phóng rồi, ớ chị em ơi, vui nào là vui hơn đời được tự do ớ ơ. Sông nước reo vui, tiếng ca rộn ràng, hò khoan ơ hò, nhịp đưa mái chèo, ngược xuôi bến thuyền, chăng lưới buông câu…”.

Chương trở ra, đeo trĩu cổ chiếc đài National Nhật xài pin đại, vỏ bọc giả da màu nâu, mới tinh, khá to, có nhẽ phải nặng hơn 2kg, đeo suốt ngày, chỉ trừ khi đi ngủ. Bọn con giai xúm quanh nó trầm trồ. Đám con gái cũng ừ hữ thèm mà không dám nói. Âm thanh thì thôi rồi, trong vắt, đủ cả băng AM, FM, quả thật hàng Nhật không hổ danh tiếng bấy lâu. Mấy tuần đầu, tối nào cả bọn cũng tụ tập ngoài hành lang nghe tin tức, ca nhạc từ hàng đỉnh National, sướng củ tỉ.

Anh trai tôi từ mặt trận trở về, “bên thắng cuộc” đem chiến lợi phẩm là chiếc đài, cũng hiệu National Panasonic, nhỏ bằng hai bàn tay chập lại, dùng thứ pin trung. Thày tôi được con biếu quà chiếc đài tốt, mừng lắm. Từ nay cụ có thể không cần mượn báo, làm phiền cán bộ ủy ban mà vẫn biết được những gì xảy ra ở cả Việt Nam và thế giới.

Ngại nhất là pin trung. Thà cứ pin đại, hiếm nhưng còn tìm mua được, thậm chí pin tiểu, khó kiếm nhưng ra chợ Sắt vẫn có, riêng pin trung thì chịu chết. Hình như nhà máy pin Văn Điển chỉ làm pin Con Thỏ hạng đại, pin Trung Quốc vỏ sắt cũng chỉ thấy hạng đại, chứ hạng trung thì vô tăm tích, tìm đỏ con mắt. Nghe chiến lợi phẩm được một thời gian, điện cạn dần, âm thanh chỉ lí nhí lào khào, cục pin chảy nước, tôi vội tháo quẳng ra vườn (hồi ấy chả ai nói phải quy tập pin hỏng về một chỗ để tránh độc hại ô nhiễm nên cái gì cũng ném ra vườn). Chiếc đài bị “án treo” suốt bao năm chỉ bởi không có pin.

Nếu chỉ nhà giàu và cán bộ sắm đài thì không có nghĩa dân không được nghe đài. Phát thanh đem tin tức tới toàn dân là chủ trương lớn của nhà nước. Không giàu để cấp phát radio cho từng người thì mắc loa công cộng, mắc máy thu thanh. Xã nào cũng có hệ thống loa công cộng, mắc cao tít trên các đỉnh cột điện hoặc cây cao để ngừa bọn trộm. Rồi từng nhà cũng có đường dây truyền thanh dẫn vào, nối tới chiếc loa kim to bằng hòn gạch.

Nghe đài bằng hệ thống này phải theo giờ, sáng, trưa, tối, mỗi tầm hơn tiếng đồng hồ. Tối thì dài hơn, tới tận khuya, cho hết chương trình “Đọc truyện đêm khuya”. Phải nói cho công bằng, nông thôn miền Bắc thời chiến tranh vốn đã nghèo buồn, xơ xác, u tối, đàn ông đàn ang đi trận hoặc thoát ly hết cả nên âm thanh của đài cũng phần nào gợi sinh khí, làm cuộc sống làng quê bớt trầm mặc, tẻ nhạt.

Nghe những chương trình của đài trung ương, rồi của thành phố, của huyện, ít nhiều mở mang đầu óc ra thế giới xung quanh. Ngay cả những trục trặc kỹ thuật của nhà đài kiểu “Đây là đài truyền thanh huyện Kiến Thụy, anh nói trước hay em nói trước” cũng góp thêm chút vị mặn mòi vui vẻ cho đời.

Những sinh viên ký túc xá Mễ Trì (Đại học Tổng hợp Hà Nội) những năm đầu thập niên 70 chắc khó quên chuyện chú Tế cán bộ miền Nam tập kết. Chả là ban quản lý ký túc cho mắc hệ thống loa phát thanh khắp khu vực, ngoài mở chương trình đài tiếng nói Việt Nam thì cứ sáng sớm hoặc tối mịt ra rả nhắc nhở sinh viên phải như thế này thế nọ. Học cũng không yên với đài. Điếc cả tai.

Nhân một kỳ tập quân sự, chiến sĩ Trần Bình sinh viên khóa 16 (1971-1975) vác ngay khẩu súng trường K44 và vài viên đạn về. Sáng ấy, vừa nghe chú Tế lên đài hắng giọng a lô a lô, Bình ta lắp đạn nhắm ngay chiếc loa trên cây xà cừ đoàng một viên. Đi bắn kiểm tra trên bãi tập thì trật nhưng bắn loa lại trúng ngay. Loa tắt lịm. Ban quản lý ký túc xá điều tra không ra thủ phạm. Buổi trưa chú Tế lại lên đài, chú a lô a lô, “Chú là Tế đây. Đứa nào bắn vào loa là bắn vào mồm chú, là phá hoại ký túc xá”, a lô a lô... Nghe giận dữ lắm. Sau, ra trường anh Trần Bình làm báo, thường trú tại đồng bằng sông Cửu Long. Có dịp gặp nhau lại nhắc chuyện cũ và ngậm ngùi thương chú Tế, chú cũng đã mất mấy chục năm rồi.

Nguyễn Thông


Gửi bình luận
(0) Bình luận
1

Tại sao có 18 vị vua Hùng nhưng chỉ có một ngày Giỗ Tổ Hùng Vương?

Theo truyền thuyết, các vua Hùng nối nhau trị vì nước Văn Lang trong 18 đời. Vậy 18 đời vua Hùng gồm những ai? Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ vị vua nào? Và tại sao chọn ngày 10/3 là ngày giỗ Tổ?
2

Nghệ thuật An Nam qua góc nhìn của học giả nước ngoài

"Tiểu luận về nghệ thuật An Nam" là tập tư liệu quý giá phác họa một bức tranh tổng quát về mỹ thuật, kiến trúc, nghi lễ và văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của học giả Louis Bezacier.

Chuyện nghe đài

Có những người nghiện nghe đài, buổi tối vừa làm việc nhà vừa nghe, chủ yếu là mấy chương trình ưa thích: Tiếng thơ, Câu chuyện cảnh giác, Đọc truyện đêm khuya, Khắp nơi ca hát, Dân ca và nhạc cổ truyền.

Sài Gòn - miền đất bao dung

Hồi mới lên Sài Gòn, bạn hay lắc đầu ngao ngán, ghét Sài Gòn quá đỗi.

Người sáng lập Hạt Giống Tâm Hồn và Trí Việt - First News

Hạt Giống Tâm Hồn là thương hiệu của tủ sách và một chương trình cộng đồng do Trí Việt - First News khởi động, được bạn đọc, nhất là các bạn trẻ rất yêu thích, trở thành một hiện tượng trong ngành xuất bản.

Nước Việt suýt tan nát nếu không có Trần Tự Khánh quyết đoán, khôn ngoan

Nếu không có Trần Tự Khánh quyết đoán mưu cao thì nước Việt hồi thế kỷ 13 có thể rơi vào vòng xoáy nội chiến rồi làm mồi cho ngoại bang xâm lược.

Trần Tự Khánh mới là tay đội trời đạp đất, dọn đường cho Trần Thủ Độ

Trần Thủ Độ được coi là gian hùng hay nói nhẹ đi là quyền thần cuối triều Lý trong việc thúc đẩy việc sụp đổ của nhà Lý để chuyển sang cho nhà Trần. Tuy nhiên, Trần Thủ Độ chỉ là người hoàn tất công đoạn cuối được đàn anh Trần Tự Khánh dọn đường từ trước. Trần Tự Khánh mới thực sự là tay gian hùng số 1 trong việc thúc đẩy chuyển từ Lý sang Trần.

Chuyện lương thực - kỳ 3: Kể thêm về khoai lang

Lâu lâu có dịp ngồi với nhau, tinh nhắc chuyện cũ, quanh đi quẩn lại cuối cùng lại về chuyện ăn uống một thời đói kém. Đúng là không quên nổi.

Chuyện lương thực - kỳ 2: Thời của khoai lang

i trên đất đồng cánh Bến, cảm giác bàn chân mát rượi, cầm nắm đất như chạm vào da thịt mịn màng của người con gái. Cho tới bây giờ, lúa gạo ê hề, đôi lúc nâng bát cơm trắng tinh, tôi vẫn không quên củ khoai lang cánh Bến. Đất ấy hợp nên khoai ngon lạ lùng.

Chuyện lương thực

Người lớn sống trải đời nên phần lớn biết điều, ăn uống có chừng mực, ngó trước trông sau, nhưng bọn trẻ con thì thường rắn mặt khó bảo, chúng ăn uống chỉ cốt thỏa cái mồm.

Làm thế nào để áp dụng những gì bạn đọc vào cuộc sống?

Kỹ năng - TĐ - 30/04/2024 12:00
Dưới đây là những lời khuyên như một cách để tự thử nghiệm áp dụng những gì bạn đọc vào cuộc sống của mình, từ đó có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ca sĩ Bùi Anh Tuấn ‘Vẽ lại bức tranh của mẹ’

Thư giãn - Tiểu Vũ - 30/04/2024 11:00
Sau nhiều năm vắng bóng, ca sĩ Bùi Anh Tuấn đã trở lại với ca khúc “Vẽ lại bức tranh” trong OST “Lật mặt 7” của Lý Hải.

Trước 40 tuổi, làm 4 điều này càng sớm càng tốt để tương lai ổn định, thảnh thơi!

Suy ngẫm - Minh Nguyệt - 30/04/2024 10:00
Chỉ khi bạn đã làm việc chăm chỉ trong nửa đầu cuộc đời, bạn mới có thể tận hưởng một cuộc sống thoải mái trong nửa sau của cuộc đời.

Cuộc đời hai mặt bí ẩn của nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn

Từ sách - Phim - YÊN VŨ - 30/04/2024 09:00
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thập kỷ nhưng đến nay, cái tên Phạm Xuân Ẩn vẫn còn gây nhiều tò mò, không chỉ với người Việt Nam, mà còn đối với nhiều chính khách lẫn báo chí thế giới, đặc biệt là báo chí Mỹ.

Minh chứng thiên đường - Thiên đường chữa lành cho những trái tim tổn thương

Từ sách - Phim - Đoàn Huy - 30/04/2024 08:00
“Minh chứng thiên đường” là những ghi chép của Eden Alexander về giai đoạn “cận tử”. Quyển sách đã được cả thế giới đón nhận nồng nhiệt bởi sự mới lạ, cuốn hút và hướng chúng ta đến cảm xúc an lạc.

Mục đích của dự án

Blog GS John VU - GS John Vu - 29/04/2024 12:00
Phần lớn các kĩ sư phần mềm đều muốn dự án của mình thành công. Một phương pháp tôi dạy cho họ là xác định mục đích ưu tiên ở ngay lúc bắt đầu dự án và liên tục kiểm điểm sự tiến triển theo mục đích này trong thời gian điều hành dự án.

TP.HCM: Hơn 400 cây xanh sắp bị đốn hạ làm tuyến Metro số 2 gây tiếc nuối

Suy ngẫm - Lương Ý - 29/04/2024 12:00
Việc nhiều cây lớn có tán rộng mà người dân TP.HCM xem như "báu vật xanh" sẽ bị chặt hạ để làm tuyến Metro số 2 gây nhiều tiếc nuối.

Podcast: Người đàn bà trong tôi - Phản kháng để thoát khỏi lệnh giám hộ

Từ sách - Phim - FN - 29/04/2024 11:00
Tôi quyết định phản kháng để thoát khỏi lệnh giám hộ. Tôi ra tòa vào năm 2014 và bày tỏ lo ngại về thói nghiện rượu cùng cách hành xử thất thường của cha tôi, yêu cầu tòa cho ông ấy kiểm tra chất kích thích.

Cuộc sống có 4 sự lãng phí mà hầu như ai cũng mắc phải

Suy ngẫm - Trung Hạ - 29/04/2024 10:00
Sự lãng phí lớn nhất của cuộc đời: Lo lắng, than thân trách phận, đổ lỗi và so sánh!

Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!” tập 1: Sẽ thấy yêu thêm Sài Gòn

Tủ sách - FN - 29/04/2024 09:00
Sài Gòn từ thuở sơ khai vốn là vùng đất mà dân tứ xứ khắp nơi quy tụ về. Mỗi nhóm người đến đây lại đem theo văn hóa, giọng nói của họ và biến Sài Gòn thành một khu vườn muôn màu muôn vẻ.

'Ông Ba Quốc' Đặng Trần Đức: Nhà tình báo bí ẩn với những “điệp vụ siêu hạng” 

Từ sách - Phim - YÊN VŨ - 29/04/2024 08:00
“Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” sẽ khiến bạn không thể rời mắt với những câu chuyện tình báo hấp dẫn và ly kỳ của ông Ba Quốc trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt.

Kịch sử Việt: Lặng lẽ mà bền bỉ

Giải trí - Nguyễn Huy - 28/04/2024 12:00
Từ góc nhìn của một tác giả trẻ, sân khấu về sử Việt có nhiều hy vọng tồn tại trong bối cảnh khó khăn chung.

"Vua tiếng Việt" trẻ nhất: 17 tuổi ẵm giải thưởng 320 triệu đồng

Thư giãn - Ninh Phương - 28/04/2024 11:00
Nam thí sinh đã vượt qua 4 vòng thi khó khăn để đạt danh hiệu cao nhất chương trình.

Tỷ phú Lý Gia Thành: Tuân thủ 6 nguyên tắc kinh doanh để thành công

Suy ngẫm - Ứng Hà Chi - 28/04/2024 10:00
Nhờ những nguyên tắc bất di bất dịch đã giúp ông sở hữu khối tài sản kếch xù, dành được sự tôn trọng, tín nhiệm của mọi người.

Người đàn bà trong tôi - Hành trình đau đớn giành lại quyền kiểm soát của Britney Spears

Từ sách - Phim - Thu An - 28/04/2024 09:00
Không phải ai cũng đủ dũng cảm để kể về mình và những bi kịch gia đình, trong đó có cả những sai lầm, thiếu sót của bản thân. Và không ai cũng đủ dũng khí, sự điềm tĩnh để kể về cha của mình như cái cách mà Spears đã kể trong “Người đàn bà trong tôi”.
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 01/05/2024