Sài Gòn - miền đất bao dung

14/07/2018 15:31
Sài Gòn - miền đất bao dung

Hồi mới lên Sài Gòn, bạn hay lắc đầu ngao ngán, ghét Sài Gòn quá đỗi.

Bạn ghét cái ráo hoảnh giữa bộn bề phố xá thị thành này, con người ta hối hả vụt qua nhau, chẳng đoái hoài tới dọc ngang những ảnh hình mà nhan nhản thường ngày vẫn gặp. Ở xứ này, cái gì cũng đắt đỏ, đắt nhất là tình người. Cạn cùng và vô tâm quá thể.

Bạn ghét cái ồn ào rân trời dẫu chỉ là trong một xóm nhỏ tềnh toàng, vài mươi nóc nhà. Sáng sớm người ta đã bắt đầu cà phê cà pháo họp bàn chuyện thiên hạ cho đến tận tối mịt, vẫn rào rạo lời ca phát ra từ những cái giọng đã ngà ngà cơn say. Xứ gì chẳng chút lặng yên.

Bạn ghét những cơn mưa bất chợt, dâng ngập thứ nước đen ngòm mỗi bận chiều hôm bì bõm lội về sau cả ngày mệt nhoài với mới bòng bong chữ nghĩa. Cát bụi đô thành cứ mãi xoay vần con người ta, chẳng một giây phút nào trong lành như cơn gió quê, như dòng sông chở nặng phù của thời ấu thơ.

Đó là những ngày đầu tập tễnh cuộc lập thân trên miền đất hứa như bao người vẫn kì vọng. Bạn từ miệt bưng biền xa ngái tận cùng dải đất hình chữ S, chẳng thể một sớm một chiều mà làm quen với Sài Gòn.

Có lần bạn hỏi, sao người ta cứ mãi miết bám trụ ở cái đất Sài Gòn này thế?

Bận đó, hai đứa ngồi từ bên này Thủ Thiêm, nhìn về phía bên kia trung tâm thành phố, sáng trưng đèn màu xanh, đỏ. Gió từ triền sông thổi lồng lộng, bát ngát đêm trăng chênh chao qua ngọn cỏ lau.

Biết nói sao cho bạn hiểu đây? Với một người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Mình biết, chỉ khi một ai đó quen với Sài Gòn, như quen một người bạn, hiểu Sài Gòn, như là một tri kỷ, thì mới có thể thương Sài Gòn, như thương chính quê hương của mình. Từ đó, họ coi đây là nhà. Từ đó, dẫu đã từng nói ghét, giờ họ lại thêm thương cái mảnh đất khắc nghiệt cơ cầu, nhưng lại trù phú sự thiện lương này.

Đó là những nỗi thương dung dị thể như một ngày mưa về ngang phố, bạn ghé góc ngã tư tối đèn, ngồi đắn đót theo câu chuyện của mẹ con Hoàng. Cậu bé bị thiểu năng sau một cơn sốt từ mới mấy tháng tuổi. Hơn hai chục năm biệt xứ bôn ba lên tận thành phố này, mưu sinh để chữa trị cho con. Cô chưa bao giờ oán than hay buông bỏ. Ngay cả lúc người chồng vì không chịu nổi cái cảnh cơ cầu khốn cực mà ra đi, bỏ lại hai mẹ con chị lăn lóc phận đời tha hương lữ thứ. Hoàng giờ mười chín, vẫn thể như cậu trẻ con lên ba, khóc cười ngơ ngác giữa xa hoa thị thành này.

Vậy đó, mà hai mẹ con vẫn tồn tại với cái rổ đựng dăm ba chai nước suối, vài món kẹo ngọt. Cô làm thêm cái bếp nướng bánh tráng. Lay lắt qua bao nhiêu đổi thay của thành phố này. Duy chỉ có một thứ, ở Sài Gòn này chẳng thay đổi, đó là cái tính hào sảng của người xứ này.

Họ vẫn dang rộng đôi tay, sẻ chia cho cô và cậu con thiểu năng vài ký gạo, mấy bộ đồ mới. Đâu đó, giữa nhịp đời xoay cuồng hối hả ngoài kia, vẫn có người đều đặn ghé ngang cái ngã tư tối đèn, phụ cô nhiều thứ thuốc men, dăm ba đồng lẻ, để cô nuôi tiếp cái ước mơ trên hành trình biệt xứ của mình.

Họ chẳng ai xa lạ, đôi khi là cô lao công quét đường, ghé ngang mua mỗi chai nước suối mà đưa tận chục ngàn đồng. Hay chị tạp vụ của cái nhà hàng sang trọng đối diện góc phố, hằng đêm vẫn để dành chút đỉnh đồ ăn, cũ người mới ta, cho mẹ con Hoàng, ấm lòng giữa những ánh đèn khuya heo hắt.

Hay có lần, một tay anh chị xã hội, người xăm chằng chịt, ghé ngang xoa đầu thằng nhỏ, thở dài cái chách, từ bận đó tháng nào cũng quay lại với cả thùng sữa, thêm cái bao thư chẳng tròn một triệu. Nhiều lắm, mẹ con Hoàng chẳng thể nhớ nổi, chỉ biết gom gọn thành một nỗi thương dành cho Sài Gòn.

Bận đó, bạn ngồi rưng rức theo mưa. Ờ, nghe thương quá hen!

Hay cái hồi, bạn thấy người ta chuyền tay nhau từng xô nước để cứu cháy cho cái xóm nhỏ tềnh toàng. Lòng người chung một nỗi đau. Họ chia nhau từng chén cơm sau cơn hỏa hoạn. Rồi những đoàn cứu trợ lại về, người này nhường người kia từng mớ vật phẩm, ai cần trước thì cứ lấy mà dùng, vì nhau mà sống, đùm bọc nhau đi qua gian khó.

Chẳng mấy chốc với sự dốc lực của người Sài Gòn, cái xóm nhỏ lại rộn vang tiếng cười. Khi đó bạn mới hiểu, thì ra, mình thương những ồn ào náo nhiệt của cái xóm nhỏ này biết chừng nào. Ở đó, người ta chẳng đãi bôi nhau, cứ rân trời vồn vã như thể thương mến nhau từ hồi mười lẵm năm sà nào lận. Vài mươi nóc nhà, mà tựa như chỉ một gia đình.

Chuyện nhỏ chuyện to, đỡ đần nhau mà bám trụ cái mảnh đất Sài thành hoa lệ này. Chuyện người chuyện ta, thì ra cũng là chuyện mình, nhiễu nhương ngoài kia, sao bằng nhiễu điều trong này. Lần đầu tiên sau hơn năm trời lập thân ở mảnh đất này, bạn thôi tìm kiếm một nơi trọ mới.

Mùa này, mưa dầu dãi, nắng ran rát, bạn vẫn vẫn cứ thản nhiên dọc ngang Sài Gòn, cho những bận đi về rong ruổi với cuộc mưu sinh còn nhiều nỗi nhọc nhằn và cam khổ. Bạn vẫn cứ cười hồn nhiên, bông lơn những câu chuyện vui tai mà bạn thấy được ở cái xứ này, như thể, giờ chẳng có điều chi ở Sài Gòn khiến bạn ngao ngán như hồi đầu mới đến.

Một ngày cuối tháng sáu, trời đổi gió, đêm bát ngát len lỏi theo từng con phố. Hai đứa về lại góc phố tối đèn, ngồi cạnh bên mẹ con Hoàng, nhìn thằng nhỏ ê a theo nỗi vui riêng chỉ mỗi mình thằng nhỏ mới hiểu được. Bạn xoa đầu nó. Rồi lại mông lung, đưa ánh nhìn ra con phố khuya hắt vàng ánh đèn đường. Ở cái Sài Gòn này, chẳng có người lạ, chỉ có người quen, chẳng thể ghét, chỉ có thương. Người thương người vì nhau mà sống.

Với những ai hãy còn chênh vênh lòng mình với phố thị Sài thành này, thì hãy một lần, chân thành mà nghĩ suy. Bởi ở cái cái xứ này, kỳ lạ lắm, vậy nên, đừng vội ghét, khi chưa kịp thương.

Trúc Thiên


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024