Đang khảo sát tour mới ở vùng hồ thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Chiều ghé viếng chùa Quan Âm, còn còn là chùa Thiên Mai (vì có hàng ngàn cây mai), chùa Bưởi (vì lúc nào cũng ngập hương bưởi). Chùa nhỏ mà tâm lớn, đơn sơ mà cảnh quan cực đẹp và lạ. Được thầy trụ trì mời tá túc, cả nhóm mừng hơn được quà. Suốt ngày không có mạng, thậm chí không có sóng điện thoại. Vào chúa có wifi, mới hay anh mất.
Gần đây, biết anh bệnh và yếu nhưng vẫn rất lạc quan. Không ngờ anh đi vội như vậy. Tôi còn thiếu anh món nợ chưa kịp trả.
Gặp anh lần đầu khi xuống làm việc với Phòng Giáo dục huyện Nhà Bè năm 1986. Lúc đó anh là cán bộ Phòng Giáo dục. Ấn tượng ban đầu về anh là sự chân mộc, và nói năng nhỏ nhẹ. Khi được giới thiệu thầy Vũ Hợi là nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, ai cũng ngỡ ngàng vì sự khiêm tốn, giản dị. Sau này, tôi còn dược biết thêm về anh qua nhiều chuyện kể của anh Phạm Đức Hải, vốn là cán bộ chuyên trách Đoàn Đội của Phòng Giáo dục Nhà Bè. Anh Hải hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Từ 2010, thường gặp anh trong các buổi họp mặt cộng tác viên báo Thanh Niên. Anh viết rất khỏe và chất lượng, cộng tác cùng lúc nhiều chuyên mục cho những tờ báo lớn. Thanh Niên tuần san, anh viết mỗi tuần 2 trang mục “Phiếm luận”. Chuyện nào cũng nhẹ nhàng, dí dỏm mà sâu sắc. Có khi nửa đùa nửa thật, người bị phê bình cũng khó giận. Anh hơn tôi đúng một con giáp.
Khi anh là nhà báo nổi tiếng, thì tôi mới tập tễnh viết báo đúng nghĩa. Tòa soạn đã liều mạng giao cho tôi mỗi tuần 2 trang mục “Ngày đàng sàng khôn” viết về du lịch, cạnh anh và nhà văn Nguyễn Quang Lập, viết mục “Giai thoại”. Tôi từ chối vì thú thật, không dám ngồi chung chiếu với hai cây bút đại thụ. Tòa soạn nói quá, tôi nhận đại, nghĩ sẽ viết giỏi làm là một năm, hết chuyện, xin nghỉ.
Ai dè viết được 3 năm. Anh Lập và tôi xong “nhiệm vụ lịch sử” từ cuối 2013, còn anh vẫn bền bỉ đến khi tuần san đóng cửa năm 2018. Không chỉ viết báo, anh còn đi dạy, sáng tác nhạc, làm thơ. Lĩnh vực nào cũng rất chuyên nghiệp. Nhạc phẩm anh không nhiều nhưng toàn bài độc. Đi dạy, hay nói chuyện anh đều chuẩn bị kỹ càng, hơn cả nghiêm túc với những dẫn chứng vui nhộn, chính xác. Tôi học được ở anh nhiều thứ.
Nhớ những lần làm hướng dẫn viên cho đoàn báo Pháp Luật về Quảng Nam, Quảng Bình, Campuchia… Anh em có nhiều dịp hàn huyên. Lần đưa cả đoàn đi massage truyền thống Khmer ở Siem Reap. Trước khi chia tay, anh bảo “Phải nói là chuyện đi quá vui nhưng chưa trọn vẹn và tiếc một điều”. Tôi giật mình, chưa hiểu mình có sai sót gì làm anh phật lòng.
Anh tỉnh bơ: “Tôi tiếc là không đưa bà xã cùng đi chuyến này”. Tôi nhanh nhẩu “Anh cứ yên tâm, đoàn sau, tôi vẫn làm hướng dẫn, sẽ chăm sóc chị nhà chu đáo”. “Chuyện đó nói làm gì. Tôi tiếc vì nếu vợ cùng đi massage lần này thì về Sài Gòn, bả sẽ cho tiền và khuyến khích tôi đi massage thường xuyên”. Ai cũng phá lên cười, còn anh mặt tỉnh rụi.
Khi quen nhau, biết tôi làm du lịch và từng đi Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc) mấy lần, anh tâm sự “Chừng nào có tour Đại Lý, mà bạn làm hướng dẫn, nhớ báo tôi đăng ký đi cùng nha”. Đại Lý là quê hương của Đoàn Dự (1083 - 1776), nơi Kim Dung (1924 - 2018) viết Thiên Long Bát Bộ với phim trường và bộ phìm cùng tên. Nhiều người gọi anh là nhà “Kim Dung học”, bởi anh là người nước ngoài am tường về Kim Dung nhiều nhất. Vậy mà anh chưa một lần đặt chân đến vương quốc Đại Lý xưa.
Vài lần thông báo có tour thì anh lại chưa sắp xếp được. Gần đây thì vì sức khỏe. Thế là cái nguyện vọng giản đơn đến thăm Đại Lý vẫn chưa thực hiện thì anh đã ra đi. Tôi ray rứt vì sự vô tâm của mình. Nếu tích cực hơn thì đã tổ chức được. Nhận tin anh mất, ở xa không về kịp, viết vội mấy dòng, thay nén nhang và lời tạ lỗi vì món nợ thiếu anh.
Người thân và bạn bè vẫn nhớ mãi những bài viết, sáng tác của anh. Nhớ mãi trái tim nhân hậu, lạc quan, hài hước đậm đặc chất Quảng Nam. Chốn vĩnh hằng, Kim Dung sẽ đưa nhà giáo Vũ Hợi – nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tung tăng đến thăm vương quốc Đại Lý như anh từng mong ước.
Chùa Quan Âm, Hàm Thuận Bắc, khuya 7.5.2020.
Nguyễn Văn Mỹ