Người nghệ sĩ nếu muốn thuyết phục được khán giả thì phải đọc
- Cuốn sách đầu tiên anh đọc là gì?
Những tấm lòng cao cả, Truyện cổ Andersen... là những cuốn sách đầu đời của tôi. Ngày xưa tôi rất thích sách, thích truyện nhưng không có tiền. Đi đến Thư viện Hà Nội, Thư viện Quốc gia, có những quyển tôi mê quá nên cứ ôm chặt vào lòng. Cứ rảnh là tôi đọc, có khi đi học trong lớp, tôi còn để sách ở dưới bàn để đọc lén nữa. Ngày trước đi học cũng rảnh, bố mẹ lại đi làm suốt nên tôi tìm đến sách để có niềm vui.
- Ai là người truyền cảm hứng cho anh đọc sách?
Tôi nghĩ sự yêu thích của từng cá thể phần nào do tính cách và thiên định. Những người thành công hay nói mỹ từ cảm ơn người này người kia nhưng tôi không muốn nói ở góc độ có người hướng dẫn hay gì đó. Chỉ có bản thân tôi là một đứa trẻ con ham thích sách, thích đọc, thích học hỏi.
Từ bé, tôi không ham chơi hay đi theo những phong trào của hội trẻ con, trừ phong trào của Hội Thiếu niên Tiền Phong mà chỉ thích ngồi đọc sách. Có lẽ niềm yêu thích đọc sách này của tôi là do trời định. Cũng may được trời cho tính cách là ham mê đọc sách nên tôi có được gu kiến thức rất lớn, nhất là sau này khi tôi làm nghệ thuật.
Chí Trung là người đam mê đọc sách. |
- Cuốn sách nào thay đổi cuộc đời anh trong những năm tháng đầu đời?
Không có cuốn sách cụ thể nào cả! Tất cả những cuốn sách đều đi vào nhận thức của tôi tự nhiên, như việc mình cần hít thở vậy. Từng con chữ, tư tưởng ngấm vào nhưng không có nghĩa là những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời tôi. Giống như việc có rất nhiều người hỏi tôi thần tượng ai, ai ảnh hưởng tới phong cách nghệ thuật của tôi. Và câu trả lời là "Không ai cả". Mỗi cuốn sách có một thế giới quan, nhân sinh quan, từng nhân vật riêng và sách nào cũng hay cả. Tôi đánh giá sách là quan trọng nhất rồi mới tới phim ảnh.
- Vậy việc đọc sách này đã tác động thế nào trong việc làm nghề để tạo nên một Chí Trung hiện tại?
Trong nghề, tôi luôn mong muốn được học hỏi và xây dựng một Chí Trung có đầy đủ vốn văn học, tư duy, sự đau khổ trước thời cuộc. Tôi trải qua cuộc sống từ chiến tranh đến hoà bình, nếu không đọc thì tôi chỉ biết được những sự kiện diễn ra kiểu cướp giết thôi. Nhưng khi đọc thì tôi có nỗi đau đời và có những khái niệm sống rất kỹ. Tôi hiểu được mọi sự kiện đều có nguyên nhân và chấp nhận để giải mã nó. Có những vở kịch tôi đã dựng thành công vì tôi hiểu được nhân vật vì sao lại nằm trong hoàn cảnh, điều kiện ấy. Tất cả điều này đã tạo nên Chí Trung.
Buồn một nỗi, những diễn viên trẻ hay cả những diễn viên cùng tuổi với tôi ít đọc sách. Nếu đọc, họ chỉ lên báo đọc những tin giật gân. Tôi vẫn nói với các diễn viên ở Nhà hát tôi rằng, mặt bằng chung nghệ sĩ, diễn viên bây giờ có vốn kiến thức ít ỏi quá, kém hơn nhiều doanh nghiệp và những nhà trí thức.
Các bạn phải đánh giá đúng về mình. Không phải cứ lên sân khấu đem lại tiếng cười cho mọi người, đóng vai ông hoàng bà chúa là nghĩ mình hơn chán vạn người ngoài kia. Thực chất bạn chỉ nói ra lời tác giả một cách duyên dáng nhất chứ không hẳn là lời của mình, bạn chỉ đang đóng giả một nhân vật nào đó chứ chưa chắc bạn đã có nhiều tư duy hơn họ.
Tôi tự hào rằng tôi đã đọc rất nhiều nên có thể phần nào đứng ngang hàng với những người có tri thức. Tôi rất may mắn rằng được nhiều các cô chú, anh chị ở các tập đoàn lớn, những nhà chính trị gia yêu mến, tôn trọng. Người nghệ sĩ nếu muốn thuyết phục được khán giả thì phải cố gắng bằng họ hoặc hơn họ. Và để làm được điều này thì phải đọc nhiều.
Ví dụ người ít đọc nhưng có duyên thì sẽ có cách tái tạo nhân vật theo bản năng của mình một cách duyên dáng. Nhưng nếu sang những nhân vật khác muốn lái tư tưởng người khác thì có thể họ không làm được. Tôi thừa nhận, tôi kém duyên nhất trong dàn nghệ sĩ Táo quân nhưng tôi nghĩ mình là người có tư duy, có những lời nói thâm nho nhất bởi tôi đọc nhiều. Và đạo diễn cũng luôn tin tưởng khi trao cho tôi nhân vật mà luôn có những lời nói đầy triết lý vì đơn giản, chỉ Chí Trung mới nói được câu đó thật tự nhiên.
- Theo anh, làm thế nào để nghệ sĩ trẻ đọc sách nhiều hơn?
Điều này cũng rất khó. Quan trọng là họ có thích đọc hay không và chọn đọc cái gì khi mà hàng ngày ngồn ngộn thông tin khác nhau, phải biết chọn lọc đọc điều gì để đem lại tư duy lành mạnh cho mình. Đọc những chỉ thị của lãnh đạo này, bí thư nọ để tìm ra một nhận định chung, cảm giác chung để mình có thể đưa công việc đang làm hiện nay tiếp cận với mong muốn chung của số đông tác giả. Nói thì nghe rất xa vời nhưng nó là tổng hoà của những suy nghĩ, của nhân sinh quan, thế giới quan theo như cách nói của Triết học. Nếu cảm thụ qua trái tim của người nghệ sĩ với khối óc tư duy để ra được hành động cho mình, đấy là điều tôi rất mong muốn ở nghệ sĩ.
Khi tôi lên Trưởng đoàn tôi lập tức xây dựng một tủ sách nhưng không ai đọc. Cách đây 5-6 năm, tôi xây dựng tủ sách cho Nhà hát Tuổi trẻ và các nhà sách mỗi lần họ đến là mang vài trăm cuốn tặng nhưng cũng không ai đọc, trừ tôi.
Hỷ - nộ - ái - ố trong đời đều là duyên phận
- Anh thường chọn dòng sách nào để đọc?
Từng độ tuổi tôi sẽ thích một dòng sách khác nhau. Thời bé tôi đọc những cuốn như đã kể, đến khi thanh niên tôi đọc những tác phẩm của thế giới. Miền Nam giải phóng là có những cuốn sách dịch của Mỹ, tiết tấu nhanh hơn hẳn dòng văn học của Nga, những tác phẩm trinh thám, hình sự,.. Những năm vào Nhà hát Tuổi trẻ, tôi không có nhiều thời gian để đọc nữa vì bận rộn đi diễn, lăn lộn kiếm sống. Cho đến gần đây, nhất là đợt Covid-19 vừa rồi, tôi có nhiều thời gian hơn và bắt đầu đọc lại.
Đều đặn hàng sáng tôi dành ra 2 tiếng, chiều 2-3 tiếng và tối lại 1 tiếng để đọc sách. Vì vậy vốn kiến thức được tăng lên rõ rệt và phát hiện ra là mình yêu sách từ lâu rồi nhưng đến bây giờ mới quay trở lại niềm yêu.
Gần đây tôi đọc dòng sách của tác giả Nguyên Phong như: Hành trình về phương Đông, Muôn kiếp nhân sinh… do được em rể giới thiệu. Thực sự tôi không tin vào một thế giới nào khác ngoài thế giới tôi đang sống, tôi cứ đinh ninh đó là những gì phản khoa học và không đem lại tác động tích cực trong đời sống của mình. Nhưng người em rể của tôi bảo cứ đọc thử đi, hay lắm và tôi đọc rồi mê đắm hẳn.
Hàng ngày Chí Trung dành khoảng 5 tiếng để đọc sách. |
Nhờ cuốn Muôn kiếp nhân sinh tôi nhận ra rằng có cái gì đó ngoài chủ quan của mình, ngoài suy nghĩ của mình, những khó khăn, thuận lợi, những mối quan hệ đều được lý giải, đều có những hướng thoát, là do mình đã gieo ở đâu đó. Tôi ngộ ra một điều là sống trên đời này nên có trách nhiệm và đến với những người nào đó là một nhân duyên.
Như chuyện tình cảm tan vỡ của tôi với vợ cũ là ngoài ý muốn nhưng tôi hiểu rằng, đó là nhân duyên của cuộc đời và tôi không trách cứ điều gì cả. Thế nên tôi đọc và ngấm từng chữ.
- Anh có nói sau khi đọc sách đã không trách cứ số phận khi hôn nhân đổ vỡ nữa, vậy trước đó thì sao?
Trước đó tôi có áy náy, vì tôi luôn nghĩ là mình có lỗi. Lỗi thứ nhất là không giữ được hạnh phúc gia đình, lỗi thứ hai là mình chỉ biết yêu mình khiến một người tốt như vợ của mình lại không chịu được nữa mà phải bỏ đi. Điều này khiến tôi bị dằn vặt mấy năm trời. Tuy nhiên sau khi đọc sách, tôi đã không còn dằn vặt nhiều nữa. Chia tay nhau, nửa kia chắc cũng chẳng vui hơn mình, hoặc cũng có thể họ tìm được hạnh phúc mới rồi. Tôi cũng thấy thương cả những người thân của mình.
Ngay cả hạnh phúc bây giờ tôi đang được tận hưởng, nếu một ngày không còn nữa thì đó là do duyên phận chứ tôi không trách cứ ai cả. Quan trọng nhất là hiểu được mình là chủ thể, quan trọng nhất trong vũ trụ của riêng mình. Đây không phải sự ích kỷ, sự tự tôn mà mình phải tự hoàn thiện chính mình trước khi hoàn thiện người khác. Cuộc sống này không tự nhiên sinh ra, tự nhiên mất đi, nhưng vui buồn, hỷ - nộ - ái - ố trong đời đều là duyên phận.
Tình Lê