Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 – 1991), là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Ngoài ra ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc.
Bắt đầu sáng tác khi 18 tuổi, phần nhiều những nhạc phẩm của Phạm Đình Chương được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam và cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Thời kỳ này, các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như: Khúc giao duyên, Thằng Cuội, Được mùa, Tiếng dân chài… Sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn: Xóm đêm, Đợi chờ, Ly rượu mừng, Đón xuân…
Danh ca Phương Dung cho biết, bà có dịp làm việc với nhạc sĩ Phạm Đình Chương sau khi ông chia tay người vợ đầu. Trong mắt Phương Dung, nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một người vô cùng dễ thương và hiền lành. Dù cuộc đời ông có nhiều niềm đau, tuy nhiên, ông vẫn đối xử với những người xung quanh rất dễ chịu. Đặc biệt, giai đoạn này, ông thân với nhạc sĩ Huỳnh Anh vì cả hai cùng hoàn cảnh: Bị vợ bỏ.
Thuở ấy, Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc từng là một cặp đôi đẹp khiến nhiều người ngưỡng mộ. Phạm Đình Chương từng sáng tác khá nhiều bài tặng Khánh Ngọc, và cũng chính giọng hát của Khánh Ngọc lại đưa các nhạc phẩm của Phạm Đình Chương thăng hoa, đến gần hơn với công chúng.
Khánh Ngọc không chỉ là ca sĩ mà còn là diễn viên nổi tiếng. Bà mang một vẻ đẹp rất hiện đại của phương Tây, luôn nổi bật trước đám đông. Khi Phạm Đình Chương phát hiện ra câu chuyện tình cảm giữa vợ mình và anh rể - nhạc sĩ Phạm Duy, ông đã rất đau khổ và day dứt. Đau khổ vì là người ở giữa, bị giằng xé, phản bội trong cuộc tình của hai người thân trong gia đình: Nếu bỏ qua và tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân thì cũng không được vì là người trong nhà. Nếu chia tay thì đau khổ mà ở lại thì còn đau khổ hơn. Và cuối cùng, ông chọn cách chia tay.
Sau thời gian hơn 10 năm chìm đắm trong men rượu để quên đi cuộc hôn nhân bất hạnh, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng tái hôn với một người phụ nữ tên là Mỹ: “Đó là một người đàn bà đẹp và chấp nhận ở đằng sau hỗ trợ Phạm Đình Chương. Tôi luôn thán phục chị bởi chị là người đã rất can đảm đi vào cuộc đời của một người tưởng chừng đã đau khổ, buông xuôi hết và an ủi anh cho đến cuối cùng. Nhờ “tái sinh” trong cuộc hôn nhân này mà sau Phạm Đình Chương tiếp tục sáng tác và có được một gia tài âm nhạc đồ sộ như sau này chúng ta thấy” – Danh ca Phương Dung cho biết.
Riêng về ca sĩ Khánh Ngọc, hiện bà đã ở tuổi 80, bà vẫn đẹp, vẫn rất thần thái và sắc sảo. Sau khi ly dị, bà sang Mỹ sống cùng người con chung của hai người là Phạm Thành. Anh làm ca sĩ, sản xuất âm nhạc. Còn về phần Khánh Ngọc, sau này bà kết hôn với một luật sư và có thêm con.
Nói về ca khúc được cho là sáng tác sau khi Phạm Đình Chương ly dị vợ, bài Nửa hồn thương đau, biên tập Minh Đức cho biết, nhiều người hiểu lầm về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc. Có người từng cho là bài hát được sáng tác khi Phạm Đình Chương gặp lại vợ cũ và ngỏ ý muốn đưa vợ về nhưng bị Khánh Ngọc từ chối. Sau đó, Phạm Đình Chương trở về nhà trong đêm mưa gió, thấy cuộc đời tuyệt vọng và định quyên sinh. Nhưng bất ngờ lúc ấy, tiếng khóc của đứa con chung hai người đã kéo ông trở lại với thực tại. Ông lấy cảm xúc đó để viết bài Nửa hồn thương đau.
Tuy nhiên, theo Minh Đức điều này không hoàn toàn đúng, vì giai đoạn đó con chung của Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc đã lớn, không thể bật khóc như vậy được: “Thực ra bài hát được viết sau một quãng thời gian Phạm Đình Chương chìm đắm trong đau khổ. Ông đã chọn hai câu thơ cuối của Thanh Tâm Tuyền để phổ nhạc” – Minh Đức nói thêm.
Phan Phan