Tuy nhiên, thể loại thứ 2 đòi hỏi kịch bản hay nên các sân khấu đã chọn giải pháp cảm tác từ tác phẩm văn học hoặc kịch bản kinh điển của cải lương.
Ông già đoàn lô tô: Cảm tác từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Gần đây, vở diễn Ông già đoàn lô tô (tác giả và đạo diễn Bùi Quốc Bảo) được sân khấu Thế Giới Trẻ - vốn là sân khấu hướng vào giới trẻ và sự vui nhộn - cảm tác từ truyện ngắn Ơi Cải về đâu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đây là vở kịch dự thi Liên hoan sân khấu kịch TP.HCM lần 1.2024 “Khát vọng phương Nam”, đồng thời phục vụ cho mùa kịch Giáng sinh.
Truyện của Nguyễn Ngọc Tư là những xúc cảm mộc mạc, chủ đề bình dị nhưng đau đáu giá trị nhân sinh. Ơi Cải về đâu là một trong những truyện ngắn nổi bật theo phong cách ấy, càng đọc càng thấm về tình đời và tình người. Cối lõi của câu chuyện là hành trình người cha dượng đi tìm đứa con của vợ bị thất lạc. Khi chuyển thể sang kịch nói, Bùi Quốc Bảo đã dựng lên một câu chuyện có xung đột kịch qua việc tạo thêm nhiều nhân vật khác, và tình huống kịch khác so với bản gốc.
Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư chỉ có nhân vật chính cha dượng, thằng con nuôi ca sĩ, cô gái bia ôm, đứa con gái mà người cha dượng đi tìm chỉ được nhắc tên chứ không xuất hiện. Trong Ông già đoàn lô tô có rất nhiều nhân vật trong tuyến chính như đứa con gái bị thất lạc, chồng sắp cưới của cô gái bị thất lạc, em nuôi của cô gái bị thất lạc, cha dượng, thằng con nuôi, vợ sắp cưới của thằng con nuôi, ba cô gái trong đoàn lô tô. Trong đó, Bùi Quốc Bảo đã xây dựng thân phận nhân vật rất xúc động với người cha dượng tìm con gái vợ (Quang Tuấn), Bích (Phương Lan) vợ sắp cưới của thằng con nuôi, Thắm (Khả Như) đứa con gái bị thất lạc, bà bán gạo (Hồng Trang) - người mẹ có con trai yêu một đồng tính nam trong đoàn lô tô.
Để tạo thêm kịch tính và đất diễn cho các nhân vật, Bùi Quốc Bảo đã biến một đoàn hát tỉnh lẻ nghèo thành một đoàn lô tô của những người nam giả nữ, hoặc chuyển giới chưa hết do không đủ tiền.
Ngày nay, thông qua nhiều phương tiện truyền thông, công chúng đã hiểu hơn về thân phận những người theo đoàn lô tô. Chính điều này góp phần tạo nên nhiều cảm xúc cho câu chuyện. Kỳ thực, khi xã hội dần tháo gỡ định kiến, giới trẻ dám công khai giới tính thứ ba thì chính họ là đối tượng khán giả của thể loại kịch này, và sân khấu đã phục vụ nhu cầu thưởng thức của họ. Nhưng trong Ông già đoàn lô tô mảng miếng bi hài về giới tính được tiết chế vừa vặn, cân bằng với câu chuyện chính. Ông cha dượng vô vọng theo đuổi trách nhiệm đi tìm lại đứa con gái của vợ mà ông xem như máu mủ.
Những con người bên cạnh đoàn lô tô cũng chông chênh với những niềm hạnh phúc mộc mạc, nhưng xa tầm tay. Thắm (Khả Như) khát khao tình yêu với người chồng là cậu ấm gia đình giàu có (Huỳnh Quý), Bích (Phương Lan) chờ đợi sự quan tâm của cha mẹ mẹ bỏ rơi mình và cả tình yêu với người yêu (Huỳnh Phương). Tất cả đều hy vọng, mong mỏi và chơi vơi. Những tình huống này đã phối hợp với nhau nhịp nhàng để kể một câu chuyện vừa bi đến rơi lệ vừa hài hước vui vẻ đúng tâm lý tuổi trẻ, mà cũng chạm đến cảm xúc những người tuổi trung niên.
Nhiều tác cảm cảm tác thành công
Cách đây không lâu, tác giả và đạo diễn Quang Thảo của Nhà hát Idecaf đã dựng vở Dưới bóng giai nhân cảm tác từ Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Anh cũng đã đặt lại nhiều quan niệm mà người đời đã có cái nhìn "khắc nghiệt" đối với Hoạn Thư mà bỏ lơ trách nhiệm của những nhân vật đáng ra cũng nên bị lên án. Anh cũng tạo thêm nhiều nhân vật để cuộc đối đầu giữa Hồ Tôn Hiến và Từ Hải trở nên ly kỳ. Vì cảm tác có sáng tạo nên người xem nhận ra phiên bản kịch có dấu ấn của đạo diễn, cùng nhiều tình huống hấp dẫn, thêm vào đó là thiết kế sân khấu, phục trang, ánh sáng, vũ đạo tạo nên hiệu ứng rất lung linh.
Giáng Hương được tác giả, đạo diễn NSƯT Thành Lộc cảm tác từ vở cải lương Sân khấu về khuya của "cây đại thụ" NSND Năm Châu. Khi dựng vở diễn này trên sân khấu Thiên Đăng, NSƯT Thành Lộc vẫn giữ hồn cốt của tác phẩm gốc nhưng anh tập trung và chạm ngay vào vấn đề nhạy cảm đương đại, đó là nghệ thuật là thánh đường hay chỉ là sản phẩm rẻ tiền cốt để mua vui cho những kẻ trọc phú. Ngày nay, người làm cải lương vẫn thường đặt ra câu hỏi tại sao những trang sử Việt đẹp long lanh lại ít được dàn dựng thành tuồng bằng những vở tuồng có gốc tích từ nền văn hóa khác. Cô đào chánh Giáng Hương (Lê Khánh) và Lĩnh Nam (NSƯT Thành Lộc) trong vở Giáng Hương đã tranh đấu với nhau gay gắt vì điều này. Xung đột kịch tính ấy đã tạo nên một câu chuyện hấp dẫn người xem từ nội dung đến hình thức.
Hoàng Thái Thanh là nơi chuyên sâu vào kịch tâm lý Nam Bộ nên sân khấu này sử dụng yếu tố cảm tác rất mạnh. Bên cạnh nhiều kịch bản được sáng tác mới, gần phân nữa kịch mục ở đơn vị này là cảm tác. Nói là cảm tác chứ không dừng ở mức chuyển thể vì tác giả đã gần như sáng tạo mới nhiều tình huống. Nửa đời ngơ ngác là một thành công rực rỡ của Hoàng Thái Thanh. Vở diễn này được cảm tác từ truyện ngắn Chiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư. Đây là vở diễn ăn khách suốt 12 năm trước khi tạm ngưng. Gần đây, Hoàng Thái Thanh dựng Nửa đời hương phấn, một kịch bản cảm tác khác từ vở cải lương kinh điển cùng tên và gặt hái thành công.
Trong bối cảnh kịch bản đang là vấn đề đau đầu cho các ông bà bầu làm sân khấu kịch TP.HCM, đặc biệt là kịch tâm lý thì cảm tác hay chuyển thể là một giải pháp hợp lý. Sân khấu cũng không thể dừng lại chờ sự trưởng thành của một lớp tác giả mới, mà muốn có tuồng tích hay, cảm tác là một lựa chọn hay.