Bụi phấn - Thầy Simon và Tấm thẻ ghi ý tưởng

Quang Thanh05/09/2023 12:00
Bụi phấn - Thầy Simon và Tấm thẻ ghi ý tưởng

Phải thừa nhận rằng những năm đầu học đại học, tôi có thể căm giận mọi thứ, nhưng sự tức giận của tôi chủ yếu tập trung vào một vài trường hợp nhất định, chẳng hạn những lời răn dạy của bố mẹ mà tôi thường nghe không lọt tai.

Trong khả năng tài chính giới hạn của gia đình, tôi đã phải chọn một trường đại học địa phương và đi xe buýt đến trường mỗi ngày. Một ngày nọ, giữa bố con tôi nảy ra một trận cãi nhau dữ dội. Tôi cho rằng bố luôn cố kiểm soát cuộc sống của tôi, dưới mắt bố, tôi là đứa con bất trị, vì thế ông muốn khẳng định uy quyền của một người cha. Hai bố con tôi đã nổi giận và nặng lời với nhau. Tôi vùng chạy ra khỏi nhà, nhưng lúc đó đã lỡ mất chuyến xe buýt đến trường, mà chuyến kế tiếp thì chắc chắn tôi sẽ bị trễ học. Điều đó càng khiến tôi thêm giận dữ.

Tôi tức tối và mệt mỏi thở dài suốt đoạn đường đến trường. Những ý nghĩ giận dữ về bố tràn ngập trong tâm trí tôi. Giống như nhiều thiếu niên khác, tôi đã suy nghĩ rằng trên đời này có lẽ không có ông bố nào khủng khiếp như bố tôi và có lẽ chẳng có ai phải chịu đựng sự bất công như tôi thế này. Xét cho cùng thì bố cũng chưa học hết trung học, còn tôi, đường hoàng đã là một sinh viên đại học. Tôi thấy mình hơn hẳn bố, vậy ông lấy tư cách gì can thiệp vào cuộc sống và những dự định của tôi?

Khi chạy băng qua sân trường thật rộng để đến lớp, tôi chợt nhận ra rằng mình đã quên làm bài tập phải nộp hôm nay: một tấm thẻ ghi ý tưởng. Tiến sĩ Sidney B. Simon dạy chúng tôi môn học này, ông là một trong số những người thầy lạ lùng nhất của trường. Thầy có những quy tắc rất độc đáo, cách chấm bài cũng rất khác lạ và phương pháp dạy vô cùng linh hoạt.

Trong buổi học đầu tiên, thầy Simon đã căn dặn:

- Vào mỗi thứ ba hàng tuần, các em phải mang theo một tấm thẻ, ghi tên và ngày tháng vào dòng trên cùng. Phần còn lại các em muốn viết gì tùy ý. Các em có thể viết một ý tưởng, một mối quan tâm, một cảm tưởng, một câu hỏi hay chỉ đơn giản là bất cứ điều gì các em đang nghĩ đến. Đấy chính là cách các em trực tiếp trao đổi với thầy. Thầy đảm bảo sẽ giữ kín mọi chuyện. Vào thứ tư thầy sẽ trả lại cho từng người. Thầy sẽ viết ý kiến của thầy lên đó. Nếu là câu hỏi, thầy sẽ dùng hết khả năng của mình để trả lời. Còn nếu là một mối quan tâm, thầy sẽ cố gắng tìm cách đáp ứng một cách tốt nhất. Và hãy nhớ rằng tấm thẻ này là giấy vào lớp của các em cho mỗi ngày thứ ba đấy.

Vào ngày thứ ba đầu tiên của khóa học, tôi nghiêm túc mang theo tấm thẻ và ghi thêm: “Mọi thứ lấp lánh không hẳn đã là vàng”. Ngày hôm sau, thầy Simon trả lại những tấm thẻ cho cả lớp. Trên thẻ của tôi có dòng chữ được ghi bằng viết chì: “Câu cách ngôn này có ý nghĩa gì đối với em? Có quan trọng với em không?”. Lời bình luận này khiến tôi có chút băn khoăn. Thầy dường như thật sự quan tâm đến những gì được ghi trên tấm thẻ, còn tôi lại chẳng muốn bộc lộ về mình cho thầy biết chút nào.

Thầy Simon quả thật rất có tài, thầy dạy chúng tôi bằng cách đặt câu hỏi, đưa ra những vấn đề mà các thầy giáo trước đây chưa bao giờ đề cập đến. Thầy khuyến khích chúng tôi suy nghĩ, và suy nghĩ một cách sâu sắc. Những đề tài chính trị, xã hội, những vấn đề về con người đều được thầy đưa ra phân tích tỉ mỉ.

Lúc đầu, tôi cứ tưởng là thầy có ý tuyên truyền để chúng tôi ủng hộ hay chống lại điều gì đó, nhưng không, thay vào đó, thầy chỉ yêu cầu chúng tôi suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, đặt vấn đề rồi tự mình tìm lời giải đáp. Nhưng thật sự tôi càng lúc càng thấy khó chịu, vì dẫu vẫn có cái gì đấy thú vị, mới mẻ và hấp dẫn trong cách dạy của thầy, nhưng bởi tôi chưa hề biết đến phương pháp này nên không có được “chiến thuật đối phó” với thầy. Tôi vốn rất biết cách tỏ ra là một sinh viên gương mẫu trong lớp: ngồi hàng đầu, bày tỏ sự thích thú với bài giảng của thầy cô, nộp bài được đánh máy sạch sẽ, viết đúng theo mẫu có sẵn, và học thuộc lòng, thuộc lòng, thuộc lòng! Nhưng giờ học này rõ ràng có sự khác biệt. Tôi không thể nào áp dụng những phương thức cũ kỹ đó nữa.

Đến ngày thứ ba của tuần tiếp theo, tôi viết trên thẻ của mình: “Đá lăn thì rêu chẳng bám”. Vì chưa thể tin tưởng vào thầy, không muốn thầy hiểu quá nhiều về tôi nên tôi đã dùng sự hài hước, vốn luôn là vũ khí hữu hiệu nhất để chống lại sự thân mật không mong muốn. Ngày hôm sau tấm thẻ của tôi được trả lại với hàng chữ: “Em có vẻ có khiếu khôi hài. Phải chăng đây là một phần quan trọng trong đời em?”.

Thầy ấy muốn gì đây? Rốt cuộc đang xảy ra chuyện gì vậy? Tôi không thể nhớ ra từ lúc tôi học tiểu học đã có thầy cô nào đặc biệt lưu tâm đến tôi như thế chưa. Vậy ông thầy này muốn gì đây?

Còn bây giờ, tôi đang chạy thật nhanh dọc theo hành lang, đã trễ mười phút rồi. Đến ngay trước cửa lớp, tôi rút tấm thẻ và không biết phải viết gì, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến trận cãi nhau vừa rồi với bố. Tôi viết: “Tôi là con của một kẻ ngốc!”, rồi lao vội vào lớp. Thầy Simon đang đứng gần cửa chìa tay ra lấy tấm thẻ, tôi trao thẻ cho thầy và về chỗ ngồi. Vừa ngồi xuống, tôi đã cảm nhận ngay một nỗi sợ hãi ngập tràn.

Tôi đã làm gì thế này? Tôi đã đưa tấm thẻ đó cho thầy mất rồi. Ôi trời! Tôi không hề muốn để lộ điều đó ra, nhưng giờ thì thầy đã biết rõ về sự tức giận của tôi, về bố tôi, về cuộc đời tôi! Tôi không nhớ bất kỳ điều gì về buổi học hôm đó, tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là tấm thẻ.

Tối đó tôi trằn trọc không ngủ được, lòng cứ hồi hộp lo sợ. Những tấm thẻ có thể nói được những gì? Sao tôi lại nói với thầy về bố tôi như thế? Giả sử thầy liên lạc với bố tôi thì sao? Đó có phải là trách nhiệm của thầy ấy không?

Sáng hôm sau, tôi đi học một cách miễn cưỡng. Tôi đến khá sớm và ngồi ở cuối lớp. Khi buổi học bắt đầu, thầy Simon trả lại các tấm thẻ. Thầy vẫn đặt úp tấm thẻ của tôi xuống bàn như thường lệ. Tôi cầm lên, dường như không dám lật nó lại.

Khi nhìn vào tấm thẻ, tôi thấy thầy viết: “Thế thì 'con của một kẻ ngốc' sẽ làm gì trong phần đời còn lại của mình?”. Tôi cảm giác như bị ai đó đấm vào bụng. Tôi đã từng dành nhiều thời giờ la cà trong quán ăn của trường, nói chuyện với các sinh viên khác về những rắc rối mà tôi gặp phải “vì bố mẹ của tôi”. Và họ cũng chia sẻ với tôi những vấn đề tương tự. Nhưng chưa từng có ai dám chịu trách nhiệm về mình cả, tất cả chúng ta cứ thế “đổ lỗi cho cha mẹ”. Tất cả đều là lỗi của bố mẹ khi chúng ta gặp những việc không như ý trên đời. Nếu làm bài kiểm tra không tốt, thì là lỗi của mẹ. Nếu không kiếm được việc làm thêm, thì là lỗi của bố. Tôi đã luôn miệng trách cứ bố mẹ mình và mấy anh chàng đó đều gật đầu tán thành. Bố mẹ – những người đã trả học phí cho tôi – nghiễm nhiên trở thành những người ngớ ngẩn như vậy.

Câu hỏi có vẻ đơn giản của thầy Simon đã đâm thủng quả bóng đó, xuyên ngay tâm của vấn đề: Đó là vấn đề của ai?

Hôm đó, tôi không đến hội quán sinh viên mà đi thẳng về nhà, lòng chán nản lạ thường. Suốt buổi tối, tôi cứ nghĩ mãi về câu hỏi của thầy và về điều mẹ tôi đã từng nói: “Nhà triệu phú tự xem mình là ‘người tự lập’, nhưng nếu bị bắt thì anh ta lại đổ lỗi cho bố mẹ đã làm mình hư hỏng”.

Phải chi tôi có thể nói được rằng tôi đã trải qua một sự chuyển mình kỳ diệu, nhưng thật sự thì tôi đã không. Tuy nhiên, lời bình của thầy Simon có sức nặng không hề đơn giản, nó cứ lẩn quẩn trong trí óc tôi suốt cả mấy tuần sau đó. Cứ mỗi lần trách cứ bố điều gì thì trong tôi lại vang lên giọng nói: “Được rồi, cứ cho là bố cậu tồi tệ như những gì cậu đã nói. Vậy thì cậu nghĩ còn bao lâu nữa cậu sẽ chấm dứt than phiền về bố mình?”.

Dần dần, suy nghĩ trong tôi bắt đầu thay đổi. Tôi thấy mình trách móc người khác quá nhiều. Sau một thời gian, tôi nhận ra rằng tôi đã tạo nên một cuộc sống mà trong đó tôi không phải là nhân vật chính. Tôi chỉ là đối tượng của hành động, chứ không phải là chủ thể. Điều đó khiến tôi thấy khó chịu hơn bất kỳ cảm giác nào đã từng trải qua khi ngồi trong lớp của thầy Simon. Tôi không muốn biến thành con rối. Tôi muốn là người làm chủ chứ không phải là người bị sai bảo.

Quá trình trưởng thành không hề dễ dàng hay nhanh chóng như ta vẫn nghĩ. Phải mất hơn một năm mọi người mới bắt đầu nhận thấy rằng tôi đã biết nhận lãnh trách nhiệm cho những hành động, những chọn lựa và những cảm xúc của chính mình. Tôi ngạc nhiên khi thấy điểm số mọi môn học của mình đều tăng lên. Tôi kinh ngạc hơn khi thấy bạn bè mình cũng tăng lên cả về số lượng lẫn “chất lượng”.

Suốt từ đầu đến cuối quá trình này, tôi vẫn đều đặn nộp thẻ cho thầy; về sau, tôi còn được học một lớp nữa với vị tiến sĩ độc đáo này. Tôi học môn thầy chăm chỉ hơn so với bất cứ lớp học nào khác tôi từng tham dự trước đây.

Vài năm sau, tôi rất đỗi ngạc nhiên về sự tiến bộ của chính mình. Từ một sinh viên tầm thường, tôi đã trở thành một sinh viên giỏi và sau đó là một thầy giáo trung học thành đạt. Từ chỗ thường xuyên nổi giận và thường xuyên né tránh những việc cần thiết trong cuộc sống, tôi đã trở thành một con người đầy sinh lực, phấn chấn, sống có mục đích và rất yêu đời.

Mối quan hệ giữa tôi với bố cũng được cải thiện hơn xưa. Giờ đây tôi thấy ông không phải kiểm soát mà đang quan tâm chăm sóc tôi. Phải thừa nhận rằng cách nuôi dạy con của ông không “mềm dẻo” nhưng trong ý hướng của ông lại chứa đầy tình yêu thương. Những trận cãi nhau bớt dần rồi mất hẳn. Tôi nhận ra rằng bố tôi là một người đàn ông thông minh, khéo léo và rất yêu con cái. Tất cả mọi chuyện đã bắt đầu bằng một câu hỏi, một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại chứa đầy sức nặng!


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025