Farah Diba gặp Mohammad Reza Pahlavi vào mùa xuân năm 1959, khi bà là một cô gái 20 tuổi hoạt bát, tại tiệc chiêu đãi của Đại sứ quán Iran ở Paris. Người mẹ góa của bà đã gửi bà đến Pháp để học kiến trúc, một lĩnh vực không bình thường đối với một cô gái Iran thuộc tầng lớp thượng lưu. “Thời đó, mọi người đều muốn con cái trở thành bác sĩ hoặc người nào đó trong chính phủ”, bà nhớ lại. “Nhưng tôi nghĩ, tôi không muốn ngồi trong một căn phòng – tôi muốn đi ra ngoài, sống với thiên nhiên”.
Ông, dĩ nhiên, là vua của Iran, lớn hơn bà 20 tuổi, và những gì bà muốn làm trong cuộc sống không làm ông bận tâm một cách đặc biệt. Ông mua sắm cho hoàng hậu mới – hoàng hậu thứ ba của ông – người có thể sinh con cho ông để có người thừa kế. Họ kết hôn vài tháng sau đó, và năm 1967, bà trở thành Farah Diba Pahlavi, hoàng hậu Iran.
Vua và Farah Pahlavi trong ngày cưới vào tháng 12.1959
Họ nắm quyền trong 20 năm, trước khi Cách mạng Hồi giáo lật đổ cả hai khỏi ngai vàng chim công – biểu tượng của chế độ quân chủ Iran – và rời xa đất nước mãi mãi năm 1979. Ông mất vì bệnh ung thư một năm rưỡi sau đó, sau khi chuyển đến Ai Cập. Bà sống giữa Paris và Washington D.C., nhưng chủ yếu ở Paris.
Gần đây, một cuốn sách mới, ấn tượng về các tác phẩm nghệ thuật mà bà sưu tầm khi còn là hoàng hậu vừa được xuất bản. Bà đã có buổi tiệc ra mắt sách tại nhà bán đấu giá Christie’s Paris. Ở tuổi 80, bà đĩnh đạc và xinh đẹp, không kiêu căng nhưng trên tất cả là ưu tiên cho công việc.
Giờ đây, hoàng hậu dành phần lớn cuộc sống bên ngoài Iran hơn là bên trong. Bà nhớ Iran “hằng ngày”, bà nói với vẻ u sầu lặng lẽ, nhưng không ủy mị. “Có nhiều nỗi buồn”, bà kể. “Có những lần trong quá khứ, trong thời gian lưu vong, khi tôi thực sự sống từng giờ, từng ngày. Bạn phải giữ vững tinh thần và sức mạnh. Tôi sử dụng tất cả các biện pháp để có cảm giác tốt hơn – yoga, thiền, những thứ mà tôi nên tập nhiều hơn bây giờ”.
Hai vợ chồng với Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy tại Washington, D.C., năm 1962
Cả Iran và lịch sử đều không đối xử tốt với vua. Ông được nhớ đến – một cách công bằng và không công bằng – vì sử dụng tài sản dầu mỏ của Iran cho các máy bay chiến đấu của Mỹ và các chương trình tự tôn vinh. Ngay cả những ý định hiện đại hóa cuộc Cách mạng Trắng của ông cũng bị đánh giá là kém cỏi và thiếu hiểu biết. Ông sẽ không bao giờ được xem là một trong những người có ảnh hưởng lớn trong lịch sử. Tuy nhiên, bà lại là một câu chuyện khác.
Khi bà trị vì, phong cách ăn mặc hợp thời trang của bà bị nhiều người đồng hương xem là sự bán rẻ linh hồn cho phương Tây suy đồi. Ngày nay, trang phục hàng hiệu của bà trông giống như lá cờ tự do đã bị phụ nữ Iran chối bỏ trong một thời gian dài. Nếu vua vẫn bị xem là một nhà quân phiệt sai lầm, thì hoàng hậu - cho dù bà có ý định đó hay không – vẫn bị một số người xem là nhà hoạt động nữ quyền không thành công.
Mohammed Reza Pahlavi, vua Iran, với hoàng hậu và con trai, thái tử Reza, năm 1967
Nhưng di sản quan trọng nhất của Pahlavi – có thể kéo dài lâu đời nhất trong toàn bộ triều đại Pahlavi – là tác phẩm nghệ thuật mà bà đã bảo vệ, mua và trưng bày trong các bảo tàng mà bà thành lập tại Iran. Nhiều tổ chức trong số các tổ chức này đã tôn vinh các kho báu Ba Tư (tên gọi trước đây của Iran) bản địa trong thời gian qua: thảm, tranh từ thời Qajar, gốm sứ và đồ bằng đồng. Tuy nhiên, những vụ mua lại đáng chú ý nhất của bà, ít nhất là những vụ mua lại bên ngoài Iran, là hơn 200 kiệt tác của nghệ sĩ theo trường phái ấn tượng, tranh và tượng hiện đại. Bộ sưu tập đó, được cho là trị giá vài tỷ USD, phần lớn đã bị Cộng hòa Hồi giáo Iran giấu. Iran vẫn còn nửa xấu hổ về bộ sưu tập này.
Hoàng hậu trong lễ đăng quang, trên bìa tạp chí Paris Match năm 1967
Nhưng những tác phẩm đó cuối cùng cũng được đánh thức sau giấc ngủ dài trong hầm Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Tehran và đưa ra ánh sáng – hoặc ít nhất là một vài tác phẩm trong số đó, đôi khi, được đưa ra ánh sáng. Một cuộc triển lãm vào tháng 2.2019 tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Tehran với các tác phẩm của các nghệ sĩ Mark Rothko, Andy Warhol và Marcel Duchamp. (Không có gì ngạc nhiên khi những bức khỏa thân của Auguste Renoir và Francis Bacon sẽ không được đưa vào triển lãm). Tuy nhiên, theo cách mà mọi thứ đang diễn ra, không chắc nhiều người trong chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy bất kỳ bức tranh nào trong số đó – khỏa thân hay không – trong tương lai gần.
Điều hay nhất tiếp theo là cuốn sách của Pahlavi đã được tôn vinh tại nhà bán đấu giá Christie’s Paris, Iran Modern: The Empress of Art (tạm dịch: Nghệ thuật hiện đại của Iran: Hoàng hậu ủng hộ nghệ thuật), được Assouline xuất bản. Cuốn sách giống như một cánh cửa thực sự: nặng 9kg, dày gần 8cm và được bán với giá 895 USD. Trang bìa là Pahlavi với vẻ ngoài quyến rũ nhất của bà mà bà đã ủy thác cho Warhol vẽ năm 1976 – không phải vô cớ mà bà được gọi là Jackie Kennedy của Trung Đông. Bức tranh gốc đã bị đám đông giận dữ xé nát trong những ngày đầu của cuộc cách mạng – may mắn thay, một trong các tác phẩm duy nhất trong bộ sưu tập bị hỏng.
Farah Pahlavi và nghệ sĩ Salvador Dali tại Paris năm 1969
“Cách đây đã lâu, tôi xem một bộ phim trên truyền hình Pháp cho thấy các tác phẩm nghệ thuật dưới tầng hầm Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Tehran”, Pahlavi nhớ lại. “Tôi thấy bức chân dung của tôi do Andy Warhol vẽ đã bị cắt nát. Khi nhìn thấy bức tranh đó, một cách thẳng thắn, tôi nói, ‘Thật là ngu ngốc. Thay vì cắt nát, họ nên bán nó’”.
Một cuộc kiểm tra tên theo thứ tự thời gian thiếu công bằng đối với những nghệ sĩ có tác phẩm nghệ thuật đắt giá cũng được nêu trong cuốn Iran Modern. Renoir và Paul Gauguin nhường chỗ cho Fernand Léger và Pablo Picasso, cho đến Rothko, Willem de Kooning, Jackson Pollock và Jasper Johns. Đó chỉ là những bức tranh. Các tác phẩm điêu khắc bao gồm các tác phẩm quan trọng của Alberto Giacometti và Alexander Calder.
Tấm hình chụp lấy liền do Andy Warhol chụp Farah Dida Pahlavi, hoàng hậu Iran, năm 1976
Pahlavi bắt đầu sưu tầm vào đầu những năm 1970, khi Iran đang tận hưởng vận may tài chính khổng lồ. “Chúng tôi có của cải với giá dầu tăng, mặc dù vấn đề của chúng tôi cũng bắt đầu từ đó. Tôi nghĩ chúng tôi cần có một bảo tàng nơi các nghệ sĩ trẻ Iran có thể triển lãm, nhưng sau đó tôi nghĩ, tại sao không có tác phẩm nghệ thuật nước ngoài mà chỉ có tác phẩm nghệ thuật Iran? Cả thế giới có tác phẩm nghệ thuật của chúng tôi. Chúng tôi không đủ khả năng để mua tác phẩm nghệ thuật cổ đại của họ, nhưng chúng tôi có thể mua được tác phẩm nghệ thuật hiện đại của họ”.
Ngân sách chủ yếu từ Công ty dầu khí quốc gia Iran. Để được tư vấn về những gì cần mua, hoàng hậu đã dựa vào Donna Stein, cựu giám tuyển tranh và hình tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, New York. Một sự giúp đỡ không kém phần quan trọng từ phía Kamran Diba, kiến trúc sư và là anh họ của hoàng hậu, người đã vẽ các đồ án cho bảo tàng. Tòa nhà bằng bê tông và đá xây dạng 1/4 hình tròn với nhau trông vừa hiện đại vừa cổ kính. Kiến trúc sư lấy cảm hứng từ tháp gió cổ đại của Ba Tư – các cấu trúc gạch lọc gió nóng qua hồ nước mát như một loại điều hòa nguyên thủy. Pahlavi cũng hài lòng. “Các tháp gió quá đẹp”.
Farah Diba Pahlavi, hoàng hậu Iran do Andy Warhol vẽ năm 1976; Mohammad Reza Pahlavi, vua Iran do Andy Warhol vẽ năm 1978
Đó là những năm khi Pahlavi đến bảo tàng và gặp gỡ các nghệ sĩ vĩ đại nhất thời bấy giờ. Một lần, khi đi với Henry Moore, nghệ sĩ “đã chỉ cho tôi một bức tranh nhỏ và hỏi mọi người ai là tác giả. Tình cờ tôi nói Joan Miró, và tôi đã đúng! Tôi rất, rất tự hào”. Bà có thể dễ dàng giấu một hoặc hai bức tranh của Rothko khi rời khỏi Iran, nhưng bà đã không làm vậy; bà nói rằng bà đã mua bộ sưu tập cho người dân Iran.
“Năm 2005, giám đốc bảo tàng lúc đó đã tổ chức triển lãm các bức tranh – dĩ nhiên, không phải tất cả các bức tranh. Tôi hạnh phúc khi mọi người nhìn thấy những gì họ có. Tôi sẽ không bao giờ quên một nữ họa sĩ Iran người đã nói với tôi rằng cô ấy tìm lại chính mình trước một bức tranh của Rothko, cô ấy đã khóc. Điều đó rất quan trọng đối với tôi. Mọi thứ vẫn còn đó”.
Những người phản đối vua phá hủy tranh vẽ hoàng hậu
Đúng, hầu hết mọi thứ vẫn còn đó. Năm 1994, Iran đã trao đổi tác phẩm Woman III của họa sĩ de Kooning vẽ năm 1953, lấy các trang bản thảo minh họa sắc sảo Shahnameh – sử thi quốc gia của nhà thơ Firdausi, khi đó thuộc sở hữu của những người thừa kế của một nhà sưu tập người Mỹ. Cuộc trao đổi diễn ra ngay tại sân bay Vienna, Áo và Woman III của de Kooning cuối cùng nằm trong tay David Geffen, người sau đó đã bán bức tranh cho tỷ phú quỹ đầu tư Steven Cohen với giá 137.5 triệu USD.
Khán giả xem The Melody Haunts My Reverie (Giai điệu ám ảnh mộng tưởng của tôi) của Roy Lichtenstein vẽ năm 1965, được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Tehran năm 1999.
Cuộc sống lưu vong của bà thoải mái, Pahlavi cảm nhận sự thay đổi sâu sắc. Bà thường đọc một câu thơ của một nhà thơ Iran: “Ngôi nhà rất đẹp, nhưng đó không phải là nhà tôi”. Bà cũng đã trải qua nỗi đau và bất hạnh không kể xiết. Bà và vua có 2 người con trai và 2 người con gái. Năm 2001, cô con gái nhỏ, Leila, uống thuốc quá liều ở London, Anh. Năm 2011, cậu con trai nhỏ, Ali-Reza, tự sát bằng súng ở Boston, Mỹ. Sau khi con gái chết, Pahlavi mua một căn nhà nhỏ ở khu vực đô thị Washington D.C, để ở gần con trai lớn, thái tử Reza Pahlavi và 3 cháu gái. “Thật là khủng khiếp, và tôi nghĩ về chuyện đó mỗi ngày. Tôi muốn các con tôi giữ tinh thần của tôi. Tất cả chúng tôi phải tìm cách sống sót. Tôi không muốn chế độ, nguyên nhân của tất cả sự khốn khổ này, giành chiến thắng”.
Farah Pahlavi, “Jackie Kennedy của Trung Đông” tại Paris
Nhưng bà cũng không mơ khôi phục chế độ quân chủ cũ. Con trai bà, thái tử, vẫn hoạt động trong chính trường Iran với tư cách là người ủng hộ nhân quyền cho đồng hương của mình; bà ít tham gia trực tiếp. Cả hai đã kêu gọi nền dân chủ thế tục. “Những gì tôi mơ ước”, bà nói, “là để Iran thoát khỏi hệ thống này. Tôi không thể tin được những điều khủng khiếp mà tôi nghe thấy”.
Trong khi đó, những cuộc gặp gỡ tình cờ đôi khi mang lại cảm giác rằng bà không bị căm ghét ở quê nhà. “Khi tôi nhìn thấy đồng bào của mình trên đường phố Paris, những người trẻ đã nghe rất nhiều điều vô nghĩa về chúng tôi, họ tiến về phía tôi và ôm hôn tôi, điều đó tiếp thêm cho tôi lòng can đảm”.
Mê Linh - Ảnh: Internet