Nếu chỉ nhìn vào mặt tốt, ta sẽ thấy việc được công nhận cũng giống như một động lực tự nhiên, giúp con người cảm thấy mình có giá trị và vị trí trong cộng đồng. Sự công nhận từ xã hội - dù thông qua lời khen, sự ngưỡng mộ hay thành tựu được ghi nhận - thường mang lại cảm giác thỏa mãn và khích lệ. Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển cá nhân, cải thiện các mối quan hệ xã hội và thậm chí nâng cao hiệu suất công việc.
Tuy nhiên, quá mưu cầu vào sự công nhận của người khác cũng đi kèm với những “cái giá” tiềm ẩn. Khi sự công nhận trở thành thước đo chính cho giá trị bản thân, chúng ta có thể rơi vào trạng thái phụ thuộc vào ý kiến của người khác, dẫn đến căng thẳng và áp lực tinh thần. Thậm chí, khi đã nhận được sự công nhận mà ta hằng mong muốn, cảm giác hài lòng thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, sau đó, ta lại khao khát nhiều hơn, tạo nên một vòng lặp bất tận của sự thiếu hài lòng.
Không chỉ vậy, việc dựa vào người khác để định nghĩa giá trị bản thân khiến ta dễ bị tổn thương khi không nhận được sự công nhận mong muốn. Điều này không chỉ làm xói mòn lòng tự trọng mà còn khiến chúng ta cảm thấy cô đơn hoặc lạc lõng. Bởi lẽ, khi quá tập trung vào việc làm hài lòng người khác, ta có thể bỏ qua những giá trị cốt lõi hoặc mong muốn thực sự của mình.
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người cầu toàn có xu hướng định nghĩa sự xuất sắc theo tiêu chuẩn của người khác. Việc tập trung xây dựng hình ảnh hoàn hảo trong mắt người khác có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm, lo lắng, kiệt sức và các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần.
Trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng” (Hidden Potential), Giáo sư Adam Grant nhấn mạnh rằng tìm kiếm sự công nhận là một cái hố không đáy, bởi lẽ, sự khao khát địa vị sẽ không bao giờ được thỏa mãn. Nếu muốn thành công, bạn phải học cách “ngó lơ” chủ nghĩa hoàn hảo, đồng thời dừng việc tìm kiếm sự công nhận của người khác.
Ông nhìn nhận: “Xét đến cùng, sự xuất sắc không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng mong đợi của người khác, mà nằm ở việc sống theo tiêu chuẩn của riêng bạn. Rốt cuộc, ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Vấn đề là liệu bạn có đang làm thất vọng đúng người hay không. Khiến người khác thất vọng vẫn hơn là khiến chính bản thân thất vọng”.