Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba – Cuốn sách giúp bạn vững tin trên hành trình trở thành “một con sói đầu đàn”

20/02/2021 08:30
Bí quyết trở thành nhà quản lý tài ba – Cuốn sách giúp bạn vững tin trên hành trình trở thành “một con sói đầu đàn”

Quản lý cũng giống như việc bạn phải vượt qua một con sông. Trong quá trình điều hướng con sông đó, bạn có thể bị trượt ngã, bạn có thể suy sụp. Bạn có thể phải bắt đầu lại. Nhưng hy vọng, bạn sẽ trở nên khôn ngoan hơn.

Dành một chút thời gian để suy ngẫm về những gì bạn học được và cách bạn có thể lên kế hoạch cho những lần vượt sông tiếp theo. Và mạnh dạn đi qua dòng chảy ào ạt cho tới khi bạn tìm thấy con đường cho riêng mình.
 
 Bạn có nhớ cảm giác lần đầu tiên trở thành một nhà quản lý không? Đối với những nhà quản lý lão làng, câu trả lời có thể là 10, 20 thậm chí là 30 năm trước. Đối với những người trẻ hơn, câu trả lời có thể là vừa mới tuần trước, nhận quyết định thăng chức. Có thể là niềm hạnh phúc khấp khởi, sau đó là ngay lập tức hoảng loạn, có thể là mùi vị của sự non nớt, thiếu kinh nghiệm và kỳ vọng, và bối rối, và nguệch ngoạc, còn vẹn nguyên, chưa phai mờ. Bất kể bạn đang ở vị trí nào trong sự nghiệp ngày hôm nay, cuốn sách này có thể vẫn được viết ra dành cho bạn.

Julie Zhuo, nhà điều hành thiết kế sản phẩm hàng đầu tại Facebook, đã kể những câu chuyện cá nhân cũng như nghiên cứu có liên quan để đưa ra những điều nên làm và không nên làm mà các nhà quản lý mới có thể học hỏi rất nhiều, để tránh những khúc quanh lầm lỗi. 

 

Cuốn sách đi theo trình tự thời gian tuyến tính, tất thảy gồm 10 chương, đi kèm là những hình minh họa hết sức dễ thương. Nội dung chính của cuốn sách, thật không ngoa nếu khẳng định rằng, Julie đã thật tài tình đưa tất tần tật mọi khía cạnh cần có để trở thành một nhà quản lý gói gọn trong vỏn vẹn 327 trang giấy. Cách thức truyền đạt có lẽ là một trong những điểm cộng lớn nhất của cuốn sách này. Lối viết của Julie Zhuo không bay bổng như nhà văn, không mang nặng tính triết lý như một nhà khoa học, chữ nghĩa và ý tứ của cô, một cách tự nhiên nhất, ngắn gọn nhất, đi thẳng vào tâm trí của độc giả. Vì vậy nên, một cuốn sách về kỹ năng quản lý tưởng chừng như rất khô khan và máy móc, sẽ không mang lại cho bạn những giây phút thấm mệt. Tin tôi đi, bạn sẽ đi từ cảm xúc dò xét, đến hào hứng, đến hân hoan, rồi đến đồng cảm. Cô rất biết cách củng cố thêm lập luận và nghiên cứu của mình bằng cách kết nối với các tác giả có tên tuổi thành danh như nhà sử học Yuval Noah Harari hay các chuyên gia tâm lý như Brene Brown.. Khi đọc cuốn sách này, có thể bạn sẽ ấn tượng bởi rất nhiều sự giao thoa giữa những gì Zhuo đã học được trong suốt sự nghiệp của cô ấy và những gì các Hiệp hội Tâm lý huấn luyện, sử dụng các công cụ như Mô hình Hành vi và Định dạng Năm bước

Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại là một câu hỏi lớn trên con đường trở thành một nhà quản lý đó là “Chính xác thì, quản lý là làm gì?”. Thực chất, không có câu trả lời nào cố định và luôn đúng cho việc bạn là ai và bạn phải làm những gì để duy trì và quản lý thành quả của một đội nhóm. Tác giả đã đưa ra một thông điệp rất hay “Quản lý không đơn thuần là quản lý người khác mà còn là quản lý chính bản thân mình”. Điều này luôn đúng nhưng đôi khi đã bị lãng quên. 

Ngay từ những chương đầu, tác giả nhấn mạnh rằng vai trò của bạn với tư cách là một nhà quản lý đi từ việc làm tất cả những gì bạn có thể để thực hiện tốt vai trò của mình đến một ngày bạn lùi lại phía sau, trở thành đòn bẩy cho nhân viên của mình được thỏa sức tỏa sáng. Nói một cách khác đó là nhận thức rằng “Bạn không cần phải tự mình làm mọi thứ, bạn phải biết lên kế hoạch để có thể hoàn thành mọi thứ kìa”. Bởi vai trò của một người quản lý không phải là tự mình thực hiện các công việc, ngay cả khi bạn là người giỏi nhất, bởi điều đó chẳng giúp bạn tiến xa hơn với vị trí này. Thay vào đó, nhiệm vụ chính của một nhà quản lý là nâng cao các nhân tố: mục đích, con người và quy trình của một tập thể để tạo ra hiệu ứng cấp số nhân. 

Xuyên suốt cuốn sách, Zhuo khám phá các chủ đề hữu ích như cách khai triển chiến lược cho nhu cầu của một nhóm đang phát triển; xác định tầm nhìn và quy trình cho các nhóm lớn và nhỏ; và nuôi dưỡng văn hóa đội nhóm phù hợp với mục tiêu và giá trị của bạn. Bạn có thể coi cuốn sách này như một cuốn cẩm nang tra cứu, vì như đã đề cập ở trên, cách thức triển khai của cuốn sách này hết sức khoa học. Mỗi khi gặp vấn đề gì khó khăn nằm trong 10 chủ đề Julie Zhuo đề cập, bạn đều có thể mở ra và tra cứu thật nhanh để tìm ra hướng giải quyết. Cô cũng rất tâm lý khi đưa ra các mẹo trong nghệ thuật phản hồi, trong triển khai kế hoạch, thậm chí là có cả những mẫu câu “chuẩn” dễ dàng áp dụng. Vì vậy, cách cung cấp những lời khuyên cụ thể, những đoạn hội thoại hài hước và những nghiên cứu có thể ứng dụng, cuốn sách của Zhuo là một người bạn đồng hành hữu ích cho bất kỳ ai trong hành trình từ một nhân viên mẫn cán đến một nhà quản lý tài ba. Và điều sau cùng, tác giả muốn gửi gắm đó là “Những nhà quản lý tài ba không tự nhiên được sinh ra, mà họ đều phải trải qua rèn luyện”. 

Triêu Quỳnh An


Gửi bình luận
(0) Bình luận