2 tuyệt kỹ võ công bí mật của Quách Tĩnh
Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba, Quách Tĩnh được xưng tụng là một trong ngũ tuyệt, được mệnh danh là "Bắc Hiệp". Võ công của ông so với Bắc Cái Hồng Thất Công năm xưa không hề kém cạnh. Trong số các cao thủ đương thời, Dương Quá và Chu Bá Thông sánh ngang với ông, còn Đông Tà và Nam Đế có thể nói đều kém hơn một bậc.
Theo trang tin Sohu, không phải võ công nào cũng có thể ứng dụng trên chiến trường. Những chiêu thức như Hàng Long Thập Bát Chưởng, Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng, Đả Cẩu Bổng Pháp tuy uy lực mạnh mẽ, nhưng chỉ giúp các cao thủ giết được vài tên lính quèn, chứ muốn đánh lui đại quân Mông Cổ thì là điều không tưởng.
Nhưng Quách Tĩnh lại sở hữu hai môn thần công giúp ông tiến có thể công, lui có thể thủ.
Thứ nhất là Đàn Chỉ Thần Công do Hoàng Dược Sư truyền thụ và ông đã luyện đến mức tinh thông hơn cả sư phụ. Vì vậy, nếu Dương Quá có thể dùng đá bắn chết Mông Kha thì Quách Tĩnh đương nhiên cũng làm được.
Thứ hai là Thượng Thiên Thê. Đây là tuyệt kỹ khinh công của Toàn Chân giáo. Khi Quách Tĩnh một mình bị quân Mông Cổ vây hãm ngoài thành Tương Dương, tưởng không có cách nào thoát thân đã sử dụng công phu này để leo lên thành, thể hiện nội lực và võ công kinh hãi thế tục, khiến mấy chục vạn quân trong và ngoài thành trố mắt kinh ngạc. Với tuyệt kỹ này, việc Quách Tĩnh có thể đưa vợ con ra ngoài thành chẳng có gì khó khăn.
Quách Tĩnh và Hoàng Dung tuy nhiệt huyết nhưng không phải kẻ ngu ngốc. Họ đương nhiên hiểu việc chết ở Tương Dương là vô nghĩa, chỉ có sống sót mới có cơ hội đánh đuổi quân Mông Cổ. Vì vậy, kế hoạch Ỷ Thiên Đồ Long đã ra đời.
Họ dùng Huyền Thiết Trọng Kiếm của Dương Quá, Quân Tử Kiếm và Thục Nữ Kiếm, hỗ trợ bằng một khối kim loại có xuất xứ thần bí để rèn thành Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao. Sau đó, họ giấu Cửu Âm Chân Kinh và Vũ Mục Di Thư ở đảo Đào Hoa. Tiếp đến, họ giấu miếng sắt chứa thông tin vị trí bí mật của các bí kíp này vào trong Đồ Long Đao, cuối cùng giao thanh đao này cho Quách Phá Lỗ và Ỷ Thiên Kiếm cho Quách Tương.
Xét bề ngoài, kế hoạch này rất hoàn hảo, nhưng "người tính không bằng trời tính". Tuy nhiên làm sao họ có thể đảm bảo người sau này có được bí kíp cùng 2 thanh đao và kiếm kia là người chính phái? Hơn nữa, nếu có người tìm được bí kíp trên đảo Đào Hoa trước khi bí mật giấu trong Đồ Long Đao được giải thì sao?
Quách Tĩnh và Hoàng Dung không thể biết trước chuyện tương lai. Muốn đảm bảo kế hoạch diễn ra suôn sẻ nhất có thể thì chỉ có một cách, đó là sống sót để tận mắt chứng kiến tất cả. Vì vậy, họ có lý do để sống sót.
Bên cạnh đó, Quách Phá Lỗ, người giữ Đồ Long Đao, cũng đã tử trận ở Tương Dương cùng cha mẹ. Quách Tương nếu không vì ngày đêm nhớ thương Dương Quá, sớm rời khỏi thành đi tìm người, thì e rằng cũng khó tránh khỏi cái chết.
Như vậy, trong trường hợp này chỉ có một lời giải thích: Đó là trong thành Tương Dương có nội gián. Nhưng đó là những ai?
3 kẻ nội gián tham sống sợ chết
Người đầu tiên có khả năng phản bội Quách Tĩnh chính là An phủ sứ Lữ Văn Đức.
Người này tuy mang danh An phủ sứ, nhưng thực chất là kẻ bất tài vô dụng. Khi đại quân Mông Cổ tấn công, biểu hiện của hắn khiến Quách Tĩnh vô cùng phẫn nộ.
Nguyên văn trong truyện viết: "An phủ sứ Lữ Văn Đức thấy tình thế nguy cấp, biết không thể chống đỡ nổi, trong lòng sợ hãi, mặt mày tái mét chạy đến trước mặt Quách Tĩnh, kêu lên: 'Quách... Quách đại hiệp, không thủ được nữa rồi, chúng... chúng ta ra khỏi thành chạy về phía nam thôi!' Quách Tĩnh nghiêm nghị nói: 'An phủ sứ sao lại nói vậy? Tương Dương còn thì ta còn, Tương Dương mất thì ta mất!'
Hoàng Dung thì mắng: "Ngươi mà còn nói thêm một lời bỏ thành chạy trốn nữa thì ta sẽ đâm ba lỗ thủng trên người ngươi!"
Sau khi bị Quách Tĩnh mắng, hắn ta không hề bừng tỉnh hay lấy lại tinh thần mà chỉ trốn vào lòng tiểu thiếp. Truyện viết: "Dưới thành Tương Dương, trận công thành cũng diễn ra ác liệt. An phủ sứ Lữ Văn Đức không dám đến gần thành, mặc nguyên bộ giáp sắt, lại dẫn theo hai tiểu thiếp yêu quý, trốn trong một pháo đài nhỏ run lẩy bẩy." Một kẻ như vậy rõ ràng có lý do để phản bội Quách Tĩnh.
Ngoài Lữ Văn Đức, bên cạnh Quách Tĩnh còn có hai nhân tố bất ổn khác, đó là Đại Võ và Tiểu Võ.
Thậm chí, kết hợp với tình tiết trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, gần như có thể khẳng định Đại Võ và Tiểu Võ đã phản bội sư phụ. Nếu không thể chạy thoát khỏi Tương Dương, thì làm sao hậu nhân của họ lại có thể lập nên Liên Hoàn trang? Thực tế, bản chất của Đại Võ và Tiểu Võ cũng đã sớm bộc lộ. Năm xưa, khi Hoàng Dung dẫn theo hai người họ gặp phải Kim Luân Pháp Vương truy đuổi, hãy xem họ đã làm gì?
Truyện viết: "Chỉ thấy một tên lính Mông Cổ sải bước đến trước mặt Hoàng Dung, nói giọng cục cằn: 'Đi nhanh lên, còn chần chờ gì nữa?' Vừa nói vừa đưa tay kéo cánh tay bà, coi bà như tù nhân… Võ thị huynh đệ lại liên tục giục giã: 'Sư nương, chúng ta đi thôi, người không khỏe, cần phải bảo trọng.' Lúc đầu Hoàng Dung không để ý, nghe họ thúc giục mãi, bà giận dữ nói: 'Làm người mà không coi trọng hai chữ 'hiệp nghĩa', luyện võ để làm gì? Sống trên đời để làm gì? Dương Quá hơn các ngươi trăm lần. Hừ, hai huynh đệ các ngươi hãy tự suy nghĩ cho kỹ đi.'"
Qua đây có thể thấy, 2 kẻ này tham sống sợ chết, việc sau này phản bội Quách Tĩnh làm nội gián cũng có khả năng xảy ra.
Tất nhiên, Quách Tĩnh và Hoàng Dung hoàn toàn có thể đã tử trận trong lúc chiến đấu. Nhưng nếu có kẻ nội gián, thì rất có thể là Lữ Văn Đức cấu kết với Đại Võ và Tiểu Võ, bán đứng Quách Tĩnh, dẫn đến cái chết của ông, Hoàng Dung và Quách Phá Lỗ tại Tương Dương.
Tổng hợp