Nước có khả năng trị liệu
Trước đây tuy không làm việc cùng nhau, nhưng hai nhà nghiên cứu tiên phong đã đưa ra cùng một kết luận: Nước có khả năng trị liệu khi được kích hoạt bởi sự hỗn loạn có kiểm soát. Người thứ nhất là Christian Friedrich Hahnemann (1755-1843), một bác sĩ người Đức, cha đẻ của y học vi lượng đồng căn. Hahnemann khẳng định thuốc được pha loãng trong nước theo một tỷ lệ nhất định sẽ có dược tính cao hơn. Người còn lại chính là Viktor Schauberger, nhà phát minh người Áo.
Theo Schauberger, nước được kích hoạt ở nhiệt độ thấp, có được nhờ bóng râm của hệ thực vật và đá xung quanh. Tính linh hoạt cũng như hoạt động sinh học của nước tăng dần và đạt mức tối đa ở 4oC. Trên 4oC, những thuộc tính trên giảm dần vì khi đó, vi khuẩn gây bệnh dễ dàng sinh sôi. Ngày nay chúng ta biết rằng nước lạnh hấp thụ nhiều oxy hơn nước ấm, và điều này càng cho thấy Schauberger đã tư duy đúng hướng.
Với những hiểu biết đi trước thời đại, Schauberger tin chắc chỉ cần nhiệt độ thay đổi khoảng 0,1oC thì dòng chảy và khả năng chịu tải của nước cũng bị thay đổi. Khi áp dụng những hiểu biết của mình vào việc chế tạo máng trượt để vận chuyển gỗ, Schauberger đã “thách thức” cả định luật Ác-si-mét vì đã khiến các khúc gỗ và đá có trọng lượng riêng lớn hơn nước nổi trên nước như lông vũ.
Vì nước có vai trò quan trọng đối với sinh quyển, con người không nên can thiệp vào dòng chảy tự nhiên của nước, để nước có thể duy trì những đặc tính của nó - thay đổi hướng chảy và hình thành các xoáy nước. Nước ở đáy sông liên tục chịu sự ma sát của trầm tích và phù sa, vì thế nước dưới đáy di chuyển chậm hơn nước trên mặt sông, khiến tính đối xứng của dòng chảy bị gián đoạn, tạo ra chuyển động xoáy. Khi nước cuốn trầm tích ở một bên bờ sông, bồi đắp vào bờ còn lại, độ cong của con sông sẽ tăng lên và dòng chảy sẽ bị tác động. Từ đó ta thấy nước có khả năng chuyển đổi linh hoạt từ đối xứng này sang đối xứng khác, và khả năng này chính là nền tảng phát triển của các hệ sinh vật.
Một dòng sông “khỏe mạnh” sẽ bồi đắp đều hai bên bờ và được bảo vệ bởi thảm thực vật mọc trên bờ. Trái lại, một dòng sông “ốm yếu” sẽ cuốn theo hàng tấn bùn và trầm tích dưới lòng sông, gia tăng khoảng cách giữa đáy và bờ. Khi đổ ra biển, dòng sông “ốm yếu” đó sẽ làm nhiễu loạn cả vùng biển.
Schauberger đã đưa ra một nguyên tắc tổng thể mang tính đột phá, đó là “một con sông nên được điều tiết bởi dòng chảy của chính nó, chứ không phải bởi bờ sông”. Chuyển hướng dòng sông bằng cách xây dựng những bờ kè thẳng đứng bằng bê tông tức là tuyên án tử cho tất cả các dạng sống bên trong và xung quanh dòng sông đó.
Nhờ thành công với hệ thống máng dẫn ngoằn ngoèo và khéo léo, Schauberger được chính phủ Áo bổ nhiệm làm cố vấn chính thức cho công tác vận chuyển gỗ. Chức vụ này khiến không ít đồng nghiệp của Schauberger ghen tị. Nhiều người còn phản đối dữ dội vì không muốn nhận lệnh từ một người không có chuyên môn. Những người khác cố gắng bắt chước thiết kế của Schauberger, nhưng luôn gặp trục trặc; đến lúc thật sự không còn cách nào khác thì họ mới miễn cưỡng mời Schauberger đến để giải quyết vấn đề.
Những kẻ ganh ghét Schauberger quyết định kiện lên Quốc hội, và kết quả là ông bị cắt giảm lương. Thật dễ hiểu khi Schauberger cuối cùng cũng từ chức. Dù đã làm việc và theo đuổi nghiên cứu của mình trong các dự án máng dẫn khắp châu Âu, kéo dài từ những năm 1920 sang những năm 1930, nhưng ông vẫn luôn bị các kỹ sư cũng như nhà khoa học xem thường.
Phá rừng khiến nước mất đi sức sống
Đối với Schauberger, nước ngầm được bơm lên để uống là nước “chưa trưởng thành”, vì nước ngầm thiếu đi một thuộc tính quan trọng chỉ có thể có được bằng cách hoàn thành chu trình thủy văn, đó là trở lại bề mặt Trái đất một cách tự nhiên. Thật ra ông nghĩ nước này còn có thể gây hại, rút cạn sinh lực của những người uống nó; thậm chí sẽ còn nguy hiểm hơn nữa nếu nước được dẫn bằng hệ thống ống kim loại, vì ông cho rằng kim loại sẽ “giết chết” những đặc tính có lợi của nước.
Nước mặt - nước từ các nguồn trên mặt đất - có những tính chất vượt trội và vì thế thích hợp để làm nước uống. Schauberger phát hiện khi uống một lít nước mặt - có trọng lượng tương đương một ki-lô-gam - trọng lượng cơ thể chỉ tăng từ ba trăm đến bốn trăm gam sau quá trình chuyển hóa và hấp thu của cơ thể.
Schauberger xem nước là một thực thể sống. Ngày nay, chúng ta thường mô tả phương pháp nghiên cứu ông từng vận dụng bằng các cụm từ như “phù hợp với hệ sinh thái” hay “chú trọng tổng thể”. Phá rừng không chỉ gây lở đất, lở tuyết và xói mòn nghiêm trọng, mà còn thay đổi hoàn toàn các dòng sông trên toàn thế giới. Những dòng nước trong suốt trước đây giờ trở nên đục ngầu, chứa đầy cỏ và vô số mảnh vụn. Không có hệ thống rễ cây để giữ bờ, các dòng sông tự làm xói mòn hai bên bờ; hậu quả là nhiều con sông bị ngập tràn bờ khi có mưa lớn và trở nên khô hạn khi mùa khô đến.
Năm 1951, Schauberger và Walter - con trai ông đồng thời là một kỹ sư - đã cùng nhau thành lập một tổ chức nhằm mục đích bảo vệ và tái sinh rừng. Đây được xem là tổ chức đầu tiên trên thế giới được thành lập để bảo tồn rừng. Khi đó, họ đã biết những gì chúng ta có thể thấy rõ ràng ở hiện tại: Phá rừng khiến nước mất đi sức mạnh và sức sống, tương tự sinh vật bị suy yếu do sốt.
Về sau Schauberger phá sản, ông đơn độc và không còn khả năng theo đuổi những nghiên cứu của mình. Năm 1958, một số nhà đầu tư Mỹ bắt đầu quan tâm đến những cỗ máy tạo ra năng lượng “sạch” của Schauberger; nhưng cũng trong năm đó, ông qua đời.
Không phải tất cả các ý tưởng của Schauberger đều đã được thử nghiệm; nếu thử nghiệm tất cả, có lẽ một số ý tưởng sẽ được chứng minh là sai. Nhưng như Stephen Jay Gould - nhà sử học lừng danh người Mỹ - nhận định, “Can đảm là dám phạm lỗi”. Dù sao đi nữa, những giả thuyết của Schauberger vẫn thu hút không ít sự ủng hộ của giới học thuật Bắc Âu cũng như những nhà khoa học đến từ các nước nói tiếng Anh.
Theo Bí ấn của nước - Sự diệu kỳ của nước sống