“Nếu được mời vào vai mà khán giả “đòi chém”, tôi vẫn nhận...”
Cho đến thời điểm này, có khi nào Minh Cúc cảm thấy hối khi nhận lời vào vai cô Xinh giang hồ trong phim “Về nhà đi con”, vai diễn dễ khiến khán giả “nhìn mặt là ghét”?
Tôi hạnh phúc và cảm ơn khán giả đã... ghét mình. Với một người diễn viên, đó là sự thành công khi được khán giả đón nhận và phản hồi tốt. Vốn tôi là người thích được thể hiện những vai diễn trái chiều, tâm lý phức tạp hay chính xác hơn là phải "điên". Nếu được mời vào vai nào mà khán giả “đòi chém”, tôi vẫn nhận lời và sẽ làm tốt nhất có thể.
Không ít nghệ sĩ cảm thấy tủi thân, bị tổn thương khi vào vai phản diện, ra đường bị khán giả xúc phạm, thậm chí chửi bới, dọa đánh. Còn chị, cảm giác của chị ra sao khi bị phản ứng tiêu cực?
Yêu hay ghét vai diễn, đó là cảm nhận của khán giả nên mình phải tôn trọng họ. Tôi không hiểu sao lại phải tổn thương. Đã là diễn viên nhiệm vụ là phải hoàn thành, nhập vai tốt cho vai diễn của mình. Còn có vai này vai khác, nếu sợ thì đừng làm nghề.
Còn với khán giả, tôi cũng muốn họ thay đổi suy nghĩ, nhìn nhận đúng và phân biệt được đâu là trên phim và đâu là ngoài đời. Đó là ý thức giải trí, nếu không nhìn rõ thì nghệ sĩ Việt Nam luôn bị coi thường qua các vai diễn.
Với cá nhân tôi, trái lại, vai diễn trong phim “Về nhà đi con” được khán giả hưởng ứng và thích thú lắm. Điều mà các vai diễn trước đây, tôi chưa bao giờ được nhận. Tôi về nhà, mẹ tôi nói chuyện, ngày nào cũng có người nói “con gái chị đóng hay quá!”
Mọi người vẫn nói vui, vai Xinh giang hồ của tôi là “tiểu tam được cả nước ủng hộ”. Tôi đi ra đường, khán giả chạy lại xin chụp ảnh và nói thích vai diễn của tôi. Khi vai diễn kết thúc, mọi người còn tiếc nuối, nói sao đạo diễn cho hết vai sớm thế. Tôi vui phát khóc ý!
“Con tôi sinh ra đã thiệt thòi, tôi càng phải bù đắp cho con...”
Công việc ở Nhà hát Tuổi trẻ, rồi đóng phim..., bận rộn và thời gian không cố định như thế, vậy một mình chị chăm sóc con gái 9 tuổi bị bại não hẳn là vô cùng vất vả?
Ngày sinh con, khi tôi chuyển dạ, rỉ ối nhưng không được cấp cứu kịp thời. Em bé thải phân su vào bụng mẹ, khiến nước ối chuyển màu xanh. Lúc chào đời, bé nhiễm khuẩn nặng, nội tạng đều bị ảnh hưởng, dẫn đến suy gan, thận và tim. Ba tuần tuổi, Tú Minh trải qua ca phẫu thuật tim đầu tiên. Hai mẹ con nằm viện suốt ba tháng sau hậu phẫu. Ca mổ thành công nhưng bé bị chẩn đoán tổn thương não bộ...
Giờ con bé chỉ đặt đâu thì nằm đấy, nên chỉ có lúc ăn là vất vả. Một tuần, tôi vẫn đưa Tú Minh về bà nội 2-3 ngày. Còn những ngày, con bé ở nhà với bà ngoại thì tôi chạy đi chạy lại đến giờ cho con ăn. Cũng vì thế mà tôi thường xuyên phải bỏ bữa, vì chạy đi chạy lại không kịp ăn uống gì.
Hôm nào thời tiết thay đổi thì con bé đòi bế và cứ bám lấy mẹ. Lúc đó, tôi vừa bế vừa làm việc nhà. Nhiều lúc, tôi còn phải cho con đi làm cùng mình. Con bé rất thính ngủ nên đêm thường ngủ không ngon giấc và tôi cũng thường xuyên thức đêm, có khi thức đến 2-3 giờ sáng.
Vì cháu không vận động, chạy nhảy được như các bé khác nên con thường xuyên bị táo bón. Mỗi lần cháu bị táo bón thì khổ sở lắm.
Không biết con có đam mê sân khấu giống mẹ không nhưng mỗi lần được mẹ đưa đến Nhà hát xem mẹ và mọi người tập vở, cháu thích lắm, không quấy khóc. Nếu mà bé bình thường như các bé khác, hẳn con cũng nghịch lắm.
Một mình nuôi con gái mang bệnh hiểm nghèo, có khi nào chị mệt mỏi, muốn buông xuôi?
Có người khi biết con tôi bị bệnh như thế đã nói chắc nịch rằng, sớm muộn tôi sẽ gửi con vào trung tâm nào đó.
Nhưng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ như thế. Con tôi dù thế nào thì vẫn là khúc ruột, tình yêu của tôi. Con tôi sinh ra đã thiệt thòi so với những đứa trẻ bình thường, thì tôi càng phải bù đắp cho con bằng tình yêu của người mẹ.
“Cứ cười lên cho tinh thần thoải mái, khóc ai thương?”
Bố của bé Tú Minh có giúp chị chăm sóc con gái?
Hàng tháng, bố Tú Minh vẫn gửi tiền cho bé. Bà nội cũng đỡ đần tôi trong việc chăm cháu mỗi khi cháu sang. Mỗi lần về nhà nội, hai bố con vẫn quấn quýt với nhau. Tôi và chồng cũ vẫn giữ mối quan hệ tốt.
Sau khi ly hôn, cũng có nhiều người đàn ông đến với chị. Hiện tại, chị cũng có người để yêu thương, sao chị không nghĩ đến chuyện kết hôn để Tú Minh có thêm sự quan tâm của một người bố?
Sau ly hôn, tôi cũng gặp một, hai người, nhưng họ không yêu thương Tú Minh. Có người đến với tôi một thời gian, dù biết con tôi mắc bệnh bại não nhưng vì không thể gánh vác nên họ thôi. Cũng có người quen được một, hai tuần, rồi khi tôi kể về con gái, họ đã “té ngay” không lời tạm biệt. Nhưng tôi cũng không trách được họ. Tôi không thể nào ích kỷ bắt người ta gánh vác điều không muốn.
May sao, anh Thanh đã đến với tôi bằng tình yêu, sự tôn trọng và yêu thương con gái tôi vô điều kiện.
Chúng tôi chưa thể kết hôn vì nghĩ đến con gái. Con tôi đã quá thiệt thòi. Nếu tôi kết hôn, sẽ sinh thêm em bé. Như thế, sẽ không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con bé. Tôi sợ Tú Minh bị tổn thương. Con bé còn sống với tôi ngày nào thì tôi và bạn trai sẽ dành hết tình cảm cho con. Anh Thanh là người hiểu điều đó nên cũng đồng ý quan điểm với tôi.
Cuộc sống hiện tại của hai mẹ con, lịch trình mỗi ngày diễn ra như thế nào?
Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi vệ sinh, cho con ăn uống đầy đủ xong mới đi làm. Buổi trưa, tôi tranh thủ chạy về cho con ăn.
Hôm nào đưa con gái sang nhà nội, tôi căn giờ để chiều xin về đón con. Hôm nào tập vở diễn căng quá thì tôi nhờ anh trai sang đón cháu về. Rồi bữa tối, tôi về cho con ăn rồi lại đi diễn. 11 giờ đêm, về tới nhà, tôi cho con ăn bữa cuối rồi mới đến việc cá nhân của mình. Hôm nào không có người trông con thì tôi vác con đi làm cùng.
Tôi chịu vất vả quen rồi. Điều giúp tôi sống lạc quan, vui vẻ như bây giờ là vì tôi đón nhận mọi chuyện một cách nhẹ nhàng, sẵn sàng đối diện, không chối bỏ. Thay vì buồn bực, than thân trách phận, khóc lóc thì tôi vui vẻ.
Cuộc sống đã khắc nghiệt rồi thì tôi phải vui để mà sống chứ. Bên ngoài còn nhiều người khổ hơn tôi nhiều. Cứ cười lên cho tinh thần thoải mái, khóc ai thương?”.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!
Nguyễn Hằng