Biệt thự của Hadrian
Địa điểm: khu đô thị Tivoli, Ý
Hadrian là một trong những hoàng đế La Mã lừng lẫy nhất và là người đồng tính (hoặc song tính). Ông nổi tiếng với việc xây dựng Bức tường Hadrian - một pháo đài kiên cố nằm ở Anh để kiểm soát biên giới phía bắc của tỉnh Britannia của La Mã. Mặc dù vậy, di sản của ông còn lớn hơn thế.
Bất thường đối với các hoàng đế La Mã, Hadrian là một nhà cai trị công bằng và đánh dấu thời kỳ hòa bình kéo dài nhiều năm cho đế chế. Bên cạnh Bức tường Hadrian, ông còn đặt hàng nhiều công trình kiến trúc quy mô tồn tại đến ngày này. Một trong số đó là ngôi đền Pantheon ở Rome.
Hadrian từng có một người tình đồng giới tên Antinous, một chàng trai trẻ đến từ Bithynia (phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Trong lúc đang chèo thuyền trên sông Nile vào năm 130, Antinous bị chết đuối. Hadrian đã công khai khóc lóc và tiếc thương tình nhân. Không dừng ở đó, ông còn ra lệnh cho các linh mục tuyên bố Antinous là một vị thần và xây dựng một thành phố mới gần nơi cậu qua đời, đặt tên là Antinopolis.
Người dân thay phiên nhau xây dựng đền thờ cho Antinous, đúc tiền theo khuôn mặt của anh ta và tiếp tục thờ cúng ngay cả sau khi Hadrian đã chết.
Năm 128, Hadrian đã biến khu vực phía Đông của Rome thành biệt thự và văn phòng riêng dành cho mình. Nó rộng 300 mẫu Anh và bao gồm phòng tắm, đền thờ, doanh trại, nhà hát, vườn, đài phun nước và hang động.
Thậm chí ngày nay, du khách khi tham quan nơi này vẫn có thể mường tượng ra khung cảnh Hadrian nắm tay Antinous đi dạo trong khu vườn xinh đẹp. Đặc biệt, các bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều bức tượng bán khỏa thân của những thiếu niên điển trai cùng với các hoàng đế uy nghi, lẫm liệt ở khắp mọi nơi.
Địa điểm này được gọi là “Villa Adriana” trong tiếng Ý và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Nó là một trong những địa điểm khảo cổ được bảo tồn tốt nhất và được ghé thăm nhiều nhất trong cả nước.
Nhà trọ Stonewall
Địa điểm: thành phố New York, Mỹ
Nhà trọ Stonewall trên phố Christopher, New York là một tượng đài của phong trào LGBT hiện đại nhưng nó đã không bắt đầu theo cách đó.
Ban đầu, Stonewall là một phòng trà khá ồn ào nằm gần Seventh Avenue South. Nó được chuyển đến số 51-53 đường Christoper vào năm 1934, trở thành một quán bar và 30 năm sau thì bị cháy rụi. Năm 1966, mafia đầu tư vào nơi này và đó là lúc Stonewall chính thức trở thành một gay bar. Chúng nhận ra rằng người đồng tính sẵn sàng chi trả cao hơn nhằm có được một nơi để sống thật và thoải mái nhảy nhót.
Bất chấp sự bảo vệ của mafia và tiền hối lộ cho chính quyền địa phương, các cuộc tấn công của cảnh sát thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, do nhận được tin, chủ quán bar có thể chuẩn bị trước khi cảnh sát ập tới.
Vào rạng sáng ngày 28 tháng 6 năm 1969, một cuộc tập kích không thông báo trước của cảnh sát đã mãi mãi thay đổi lịch sử. Khi ấy, sự bất mãn giữa khách và cảnh sát đã lên đến đỉnh điểm. Họ quyết định chống trả cùng với sự hợp lực của các nhân viên quán bar. Đây là lần đầu tiên người LGBT dám đứng lên phản kháng cảnh sát tại mỹ.
Căng thẳng kéo dài đến mấy tuần sau dẫn đến nhiều buổi biểu tình đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT trên khắp đường phố New York. Sự kiện này được cho là đã đánh dấu sự ra đời của phong trào quyền LGBT hiện đại.
Sau cuộc bạo loạn Stonewall, quán bar đã ngừng hoạt động và tòa nhà được sử dụng làm cửa hàng bánh mì, nhà hàng Trung Quốc và cửa hàng giày. Nhưng với sự quan tâm ngày càng tăng đối với di sản LGBT, giờ đây Stonewall đã được chính phủ Mỹ và thành phố New York công nhận là một di tích lịch sử.
Năm ngoái, New York đã tổ chức World Pride để kỷ niệm 50 năm cuộc bạo loạn.
Đền Khajuraho
Địa điểm: Madhya Pradesh, Ấn Độ
Bằng chứng lịch sử về tình dục đồng tính thường bị kiểm duyệt hoặc chôn cất nhưng ở Ấn Độ, nó được khắc vào đá.
Ấn Độ giáo có lẽ là tôn giáo lâu đời nhất thế giới. Xuyên suốt lịch sử của mình, nó đã tôn vinh đồng tính luyến ái và sự khác biệt giới tính như lẽ tự nhiên.
Nhóm di tích Khajuraho là một nhóm các đền thờ đạo Hindu và Jain ở Madhya Pradesh, Ấn Độ. Chandelas - triều đại cai trị Jain - đã xây dựng chúng vào khoảng 1.000 năm trước. Trong số 85 ngôi đền từng tồn tại thì ngày nay vẫn còn 25 ngôi đền đứng vững. Toàn bộ khu phức hợp được trang trí phong phú bằng những hình chạm khắc đẹp tượng trưng cho quan điểm của Ấn Độ giáo về cuộc sống.
Ngày nay, đền Khajuraho là Di sản Thế giới do UNESCO công nhận. Và nó đặc biệt nổi tiếng vì chạm khắc các hành vi tình dục, bao gồm cả tình dục đồng tính.
Trên thực tế, các tác phẩm điêu khắc khiêu dâm chỉ chiếm 10% trong tổng số. Nó được trộn lẫn với các mô tả về cuộc sống hàng ngày. Nói cách khác, ở Ấn Độ, tình dục dù là đồng tính, song tính hay dị tính – đều được coi là một thực tế của cuộc sống chứ không phải sai trái.
Những cảnh thể hiện hoạt động đồng tính và song tính khá rõ ràng. Ví dụ, một tác phẩm điêu khắc tại đền Kandariya Mahadeva cho thấy một người đàn ông vươn tay ra để chạm vào một dương vật đang cương cứng của người khác.
Trên bức tường phía nam của ngôi đền Kandariya Mahadeva, bạn sẽ tìm thấy một cảnh quan hệ tập thể gồm ba phụ nữ và một người đàn ông. Một cảnh quan hệ tập thể khác tại ngôi đền Lakshmana cho thấy một người đàn ông quan hệ tình dục bằng miệng với một người cùng giới.
Điều này cho thấy các nhóm thiểu số tính dục từ lâu đã là một phần của đời sống văn hóa Ấn Độ. Nó chỉ bị gián đoạn khi quốc gia này trở thành thuộc địa của Anh.
Đảo Lesbo
Địa điểm: Hy Lạp
Lesbo là nơi sinh ra và lớn lên của nhà văn nổi tiếng Sappho và cái tên của nó cũng là nguồn gốc của từ “lesbian” (đồng tính nữ).
Sappho sống từ khoảng năm 630 đến 570 trước Công nguyên, chuyên sáng tác thơ trữ tình và từng nảy sinh tình yêu với các cô gái khác. Những bài thơ thường được cô hát trong lúc chơi đàn hạc.
Phần lớn các tác phẩm của Saphho hiện đã bị mất hoặc bị thiếu. Tuy nhiên, cô vẫn có tác động mạnh mẽ đến các nhà thơ hiện đại – gần 2.500 năm sau.
Thời gian dần trôi qua và nạn kỳ thị LGBT trở nên nặng nề hơn, không ít các sử gia đã cố gắng xây dựng Sappho là người dị tính để giải cứu danh tiếng của cô. Đáng tiếc, hầu hết các sử gia ngày nay chấp nhận Saphho là đại diện số 1 của thơ đồng tính và yêu phụ nữ.
Lesbos - được gọi chính xác hơn là Lesvos - là một viên ngọc ẩn của quần đảo Hy Lạp. Nó đẹp đến nỗi toàn bộ hòn đảo là một Di sản Thế giới do UNESCO công nhân. Đương nhiên, rất nhiều du khách đến đây là vì câu chuyện về Sappho – đặc biệt là Eresos, nơi sinh của cô.
Quận The Castro
Địa điểm: thành phố San Fransico
Nếu Stonewall Inn là nơi phong trào LGBT hiện đại ra đời thì The Castro là nơi nó lớn lên. Cư dân nổi tiếng nhất của nó có lẽ là Harvey Milk – người đồng tính công khai đầu tiên được bầu vào chính quyền Mỹ. Mặc dù vậy, The Castro đã thu hút cộng đồng LGBT từ trước khi Milk chuyển đến.
Sau chiến tranh thế giới lần hai, quân đội Mỹ đã giải ngũ hàng ngàn quân nhân đồng tính và song tính vì các lực lượng vũ trang không chấp nhận họ. Nhiều người trong số họ định cư ở San Francisco. Sau đó, vào những năm 1960, các gia đình tại The Castro rời nơi này để chuyển đến vùng ngoại ô và để trống một lượng lớn bất động sản cho người LGBT.
Quán bar đồng tính đầu tiên ở quận, Missouri Mule, được khai trương vào năm 1963 nhưng thời kỳ hoàng kim của nó bắt đầu vào năm 1967 khi phong trào hippi lớn mạnh.
Đến năm 1973, khi Milk đến, đó đã là một khu vực đồng tính lâu năm. Ông mở một cửa hàng máy ảnh và sử dụng nó làm trụ sở của mình khi tranh thủ kiếm một chân trong hội đồng thành phố. Hành động của Milk đã truyền cảm hứng cho cộng đồng LGBT địa phương tự đứng lên giành lấy quyền của mình và thậm chí là sự ra đời của lá cờ cầu vồng.
Đáng tiếc, Milk đã bị ám sát một năm sau đó bởi Dan White vào năm 1978.
Cuộc khủng hoảng AIDS vào thập niên 1980 cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến The Castro. Thế nhưng cộng đồng LGBT tại đây đã kiên cường chiến đấu và thiết lập một không gian an toàn. Nó dần phát triển và trở thành một ngọn hải đăng cho cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.
Khu văn hóa Castro LGBTQ chính thức được thành lập vào năm 2019. Nó tiếp tục là trái tim của cuộc sống LGBT tại thành phố San Francisco và mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Mai Thảo