Ai cũng đều sẽ có những điều thầm kín của riêng mình. Ngay cả bạn bè, đồng nghiệp, những thành viên gia đình, đối tác hoặc sếp của bạn cũng đều sẽ có những ý định riêng của họ. Vấn đề chỉ là, bạn có đủ giỏi để nhận ra những điều mà họ đang "khéo léo" che đậy đó hay không mà thôi!
Là một đặc vụ FBI đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc của Chương trình "Phân tích Hành vi Phản gián", tôi đã dành ra đến 21 năm để nghiên cứu và tìm cách "đánh bại" những kẻ có ý định lừa dối và gian xảo. Qua nhiều năm công tác, tôi đã đúc kết được một số "mô hình" chính để phân tích tâm lý hành vi và học được cách để có thể "nhìn thấu" được đặc điểm của các đối tượng khả nghi, hoặc dự đoán những gì mà người khác sẽ làm và quyết định xem có nên tin tưởng vào họ hay không!
Dưới đây là những "dấu hiệu cảnh báo lớn nhất" về mẫu hình của một người thiếu trung thực:
1. Họ luôn dùng những từ ngữ mang tính chất khẳng định một cách tuyệt đối về mọi thứ, chẳng hạn như "luôn luôn" hoặc "không bao giờ"...
Khi ai đó khẳng định một cách tuyệt đối về một sự việc nào đó, điều đó có nghĩa là họ đang bảo vệ quan điểm của mình và họ tin rằng chúng là những điều hoàn toàn đúng đắn theo suy nghĩ của họ. Tuy nhiên, lối suy nghĩ như vậy sẽ mang tính cá nhân và thường hiếm khi đúng với những gì mà họ thật sự đang suy nghĩ. Nó cũng có thể là một cách để họ bắt đầu thể hiện sự phủ nhận hoặc đối nghịch của mình đối với những người khác về một vấn đề nào đó.
Ví dụ: Khi ai đó nói với bạn rằng: "Bạn chẳng bao giờ khen tôi cả!", thì rất có thể câu nói này không có nghĩa là họ đang trách móc gì bạn cả. Họ chỉ đang mong bạn sẽ suy nghĩ rằng "Thật nực cười! Tôi nhớ là mình có khen bạn rồi mà" và bạn sẽ tán dương họ.
Ngay cả khi bạn biết rằng ai đó chỉ đang làm quá lên về một sự việc nào đó thôi thì bạn cũng khó mà biết được, liệu họ có thật sự muốn làm như vậy hay không? Những người đáng tin cậy có xu hướng sử dụng các từ làm dịu đi "sự tuyệt đối". Chẳng hạn, họ sẽ dùng những từ ngữ khác mang tính chất tương đối ví dụ như: "thường", "thường xuyên", "có thể", "thực tế là", "đôi khi", "thường xuyên" và "nói chung"...
2. Họ muốn khoe khoang bản thân bằng cách hạ thấp những thành tích của họ
Nhiều người nghĩ rằng, họ biết cách để "khoe" những thành tích của bản thân một cách nghệ thuật nhất. Tuy nhiên, những gì mà họ làm lại không được khéo léo như họ nghĩ đâu. Một số người chờ đợi thời điểm thích hợp trong cuộc trò chuyện để ngẫu nhiên tung ra 15 giây tự quảng cáo bản thân. Họ nghĩ rằng đối với người đối diện, đó chỉ là những thông tin mang tính ngẫu nhiên, hoặc họ coi đó là một điều đáng tự hào và khuyên người kia cũng nên noi theo. Và giây phút khi bạn trao cho họ những lời khen mà họ đang tìm kiếm, họ sẽ giả vờ gạt đi. Thật ra, đó chính là cách mà họ đang tự khoe khoang chính bản thân mình.
Thêm một ví dụ khác về đồng nghiệp của bạn chẳng hạn. Họ luôn cố gắng trấn an bạn rằng, bạn sẽ có thể làm được một điều gì đó tốt hơn những gì mà họ đã làm được và đây chính xác là một chiêu bài khoa trương của họ. Mục tiêu chính của họ chỉ là muốn nhắc nhở bạn về những điều tuyệt vời mà họ đã làm được và bạn cũng nên lấy đó làm tấm gương mà noi theo. Những người như vậy thường là những cá nhân thiếu trung thực.
3. Họ cố gắng khiến bạn hài lòng bằng cách đánh giá những người mà cả hai đều biết
Khi ai đó thực hiện điều này, họ chỉ đang muốn tâng bốc và khiến bạn nghĩ rằng, bạn giỏi hơn những người mà họ đang đề cập đến. Từ đó, họ sẽ lôi kéo bạn, khiến bạn cảm thấy bị kích động và muốn trở nên đối nghịch đối với những người mà họ đã đánh giá. Những người như vậy tuyệt đối không phải là những người đáng tin.
Hãy tự đặt cho mình một câu hỏi xem: "Nếu đặt mình vào vị trí của những người mà họ đang đánh giá, họ sẽ đi rêu rao mình với những người khác như thế nào?"
4. Họ có tính phòng thủ cao
Đây là một kiểu người đặc biệt nguy hiểm và thường xuất hiện rất phổ biến! Nhiều người cảm thấy rằng nếu họ cảm thấy điều gì đó là không đúng hoặc không có thật theo quan điểm của họ, thì nó chắc chắn sẽ là như vậy!
Họ biến những lời chỉ trích về bản thân thành một trò đùa hoặc trở thành những câu nói chẳng có nghĩa lý gì. Họ bĩu môi. Họ hành động hung hăng. Họ tìm cách để đánh lạc hướng mọi điều không tốt về bản thân. Họ bóp méo những "lời buộc tội" của người khác về họ hoặc họ chỉ đơn giản là rút lui khỏi một cuộc đối thoại nào đó.
Đây là những cách mà một người không trung thực "che chắn" và tự bảo vệ cho bản thân của họ
5. Họ thích tranh luận
Ở đây, tôi không đề cập đến những sự trao đổi ý kiến hợp lý. Tôi đang nói về những cuộc tranh luận vô nghĩa, không hồi kết, đang chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận mang tính đối lập cao. Nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ chương trình "Những bà nội trợ thực sự của New Jersey" cho đến các cuộc tranh luận chính trị.
Chiến thuật tranh luận chỉ là một chuỗi các thủ thuật có thể gây sốc không hiệu quả trong việc thao túng mọi người. Một số điều tồi tệ nhất bao gồm: "Việc tập trung chỉ trích mọi người thay vì đóng góp các ý tưởng, sử dụng lời nói bóng gió và ám chỉ, lợi dụng nỗi sợ hãi của người khác để kiểm soát họ, mỉa mai và bác bỏ mọi thứ…".
Những người thích tranh luận thường là những người không đáng tin cậy.
6. Họ nói quá nhiều hoặc ít chia sẻ về bản thân
Đó thường là do họ đang cố che giấu một điều gì đó hoặc họ không có gì để nói. Vì vậy, họ cố gắng dùng "số lượng" để thay thế cho "chất lượng" của cuộc đối thoại, đặc biệt là sử dụng những từ ngữ thông dụng mà vô nghĩa ví dụ như "tăng trưởng âm", "lãnh đạo tư tưởng", "lập kế hoạch chiến lược"...
Đây là một cách để họ tự xây dựng cho mình một vỏ bọc nhằm đánh lạc hướng mọi người hoặc khiến cho mọi người khó lòng mà hiểu rõ về họ. Những người như vậy thường không đáng tin.
7. Họ không biết cách để xin lỗi mọi người
Việc nói lời xin lỗi là một điều khá dễ dàng mà ai cũng có thể làm được. Khi bạn mắc phải một sai lầm nào đó, điều tối thiểu là bạn cần phải biết xin lỗi và làm điều đó một cách chân thành nhất. Thật không may, những người không trung thực thường sẽ chẳng bao giờ làm được điều này. Họ sẽ vẫn nói: "Tôi xin lỗi", nhưng đi kèm với đó là một loạt lý do để tự biện hộ cho bản thân kiểu: "Nhưng thật ra tôi làm như vậy là bởi vì lý do a, b, c, d..."
Điều này thường xảy ra do họ cảm thấy sợ hãi, đặc biệt là bởi tính kiêu ngạo, cầu toàn quá mức hoặc do họ quá sĩ diện.
8. Họ thể hiện ngôn ngữ cơ thể một cách không thoải mái
Ngôn ngữ cơ thể có thể là một bằng chứng rõ ràng nhất để bộc lộ bản chất của một con người. Dưới đây là một số biểu hiện về ngôn ngữ cơ thể, để bạn có thể nhận biết được một người đang thiếu trung thực:
Không giống với một nụ cười chân thật, khóe miệng của họ sẽ không nhếch lên khi họ cười, mà nó sẽ kéo thẳng ra đằng sau, cơ mặt của họ sẽ không di chuyển khi họ cười và đôi lông mày của họ thường nhíu lại. Bên cạnh đó, góc đầu của họ sẽ hơi nghiêng về phía sau, thay vì lệch sang hai bên, cùng với đó, thái độ của họ sẽ rất coi thường bạn.
Những người trung thực thường có ánh mắt mở to và họ sẽ nhìn trực tiếp vào khuôn mặt của người đối diện khi nói chuyện. Ngược lại, những người không trung thực thường có đôi mắt hơi khép lại và thường họ sẽ tìm cách để lảng tránh ánh mắt của người khác. Hành vi của họ luôn lấp liếm và không dám nhìn trực tiếp vào khuôn mặt của người đối diện.
Những biểu hiện như vậy thường hay xảy ra đối với những người thiếu trung thực. Có thể sẽ có những lúc họ sẽ không biểu hiện rõ ràng ra như vậy, nhưng chính những khi họ sơ hở, thì những biểu hiện trên sẽ là bằng chứng tố cáo chính bản thân họ.
Theo CNBC