Đối với những ai mới bắt đầu, sẽ hữu ích nếu họ biết tới nhiều quan điểm phong phú. 4 cuốn sách dưới đây đều là những ấn phẩm nổi tiếng về nội dung này, nhưng khá khác biệt khi đặt cạnh nhau. Hy vọng, danh sách này sẽ là khởi đầu để mỗi bạn đọc tìm ra được con đường thiền định chân chính cho riêng mình.
Tác giả: Ajahn Brahm
Tại sao con người cần thiền? Trong "Hạnh phúc đến từ sự biến mất", Ajahn Brahm, sư trụ trì của tu viện Bodhiyana cho rằng, thoát ly khỏi sầu khổ chính là động lực của hành thiền. "Khi bạn hiểu bể khổ trên thế gian, bạn sẽ nhìn thế giới như thể nó là một đống rác. Do bởi nó là rác rưởi nên bạn thoát ly khỏi nó", sư Ajhan Brahm viết.
Bạn đọc sẽ tìm thấy trong "Hạnh phúc đến từ sự biến mất" một loạt những chỉ dẫn hành thiền từ dễ đến khó của nhà Phật. Bên cạnh đó, sư Ajahn Brahm còn bàn bạc rất thấu đáo về những chướng ngại thường gặp khi hành thiền, như sự mệt mỏi, sự bất an, sự chán nản. Tất cả được thể hiện bằng lối viết rất giản dị. Đôi khi, sư Ajahn Brahm tâm sự về trải nghiệm thiền định trầy trật của ông khi còn trẻ. Có lúc, ông lại đưa ra những giảng giải thông tuệ, vững chãi, như chỉ có thể đến từ một vị sư đã trải qua hàng chục năm tu tập bài bản.
Trong sách, con người cùng nỗi khổ thế gian được sư Ajahn Brahm ví von: "Như một người sinh ra có một dây thừng quấn quanh cổ và hai con quỷ kéo hai đầu dây".
"Tôi nghĩ về chúng như là tham và sân", vị sư nói, "Hai con quỷ cứ liên hồi kéo riết sợi dây, nhưng vì nó luôn siết chặt nên bạn không thể thở đúng. Bạn nghĩ điều này là bình thường, rằng cuộc sống là vậy. Rồi đến một ngày bạn thực hành thiền tử tế, bạn đạt tới giai đoạn hơi thở đẹp, sợi dây thừng đó được nới lỏng ra. Bạn có thể thở và nghĩ: "Ôi, an bình làm sao, thật là dễ chịu".
Đích đến của hành thiền, của sự buông xả, thoát ly chính là cảm giác tuyệt vời đó: Sự an lạc, tĩnh tại, niềm hạnh phúc chân thật dâng trào trong tâm mà không điều gì có thể sánh bằng…
Tác giả: Eckhart Tolle
Khác với "Hạnh phúc đến từ sự biến mất", "Thức tỉnh mục đích sống" của Eckhart Tolle không chỉ xoay quanh những tư tưởng của Phật giáo. Tác giả, người được gọi là "bậc thầy trong lĩnh vực tâm linh", tiếp nhận thông điệp từ nhiều bậc giác ngộ xưa nay, nhưng truyền đạt chúng tới người đọc một cách rất độc lập.
Cuốn sách cũng không bàn nhiều về các kỹ thuật thiền, mà đặt trọng tâm vào lý do dẫn ta đến với thiền: Bản ngã và tầm quan trọng của việc "vượt thoát" khỏi bản ngã.
"Đối với bản ngã, trong hầu hết mọi trường hợp, giá trị của bạn thường bị trói buộc bởi giá trị mà những người khác định đặt cho bạn, bạn luôn cần người khác cho bạn một cảm nhận về bản thân mình", Eckhart Tolle viết.
Chẳng hạn, nếu ở nơi bạn sống, người ta thường đánh đồng giá trị của một người với tài sản vật chất người đó có, bạn sẽ có xu hướng theo đuổi sự sở hữu, dù bạn không biết đó chỉ là một ảo tưởng rốt cuộc sẽ dẫn bạn đến đau khổ. Danh vọng, nhu cầu muốn hơn người khác, mong muốn về cơ thể khoẻ mạnh, ham muốn tình yêu, sự phản đối hay căm ghét, tâm lý nạn nhân…, theo Eckhart Tolle, tất cả đều là ảo ảnh của bản ngã.
"Khi bạn không tự đồng nhất mình với những thứ bề ngoài đó nữa thì bạn là gì?", Eckhart Tolle đặt câu hỏi. Đến đây, có thể thấy ý tưởng về sự thoát ly khỏi những "hình tướng" từ bên ngoài là rất tương đồng với tư tưởng Phật giáo từ sư Ajahn Brahm.
"Bạn bỗng nhận thức rằng ‘những thứ này rồi cũng sẽ qua đi’, điều này mang lại cho bạn sự thoát ly và cùng với sự thoát ly là một chiều không gian khác đi vào đời sống của bạn: Đó là chiều không gian bên trong", tác giả ghi.
Và Eckhart Tolle cũng diễn đạt về một niềm an bình trong tâm giống hệt sư Ajahn Brahm, có khác chăng là với một nét gợi cảm khác mà thôi:
"Nếu bạn có thể cảm thấy vui khi nghe tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi; nếu bạn thấy được vẻ đẹp của một đám mây bay trên trời, hoặc khi phải ở một mình, bạn không cảm thấy cô đơn hay phải cần một thứ gì đó để giúp bạn thư giãn tinh thần; nếu bạn nhận thấy mình đang cư xử với một người lạ với một tấm lòng ưu ái, chân thành mà không mưu cầu một điều gì ở họ… thì nghĩa là có một không gian rộng thoáng đã mở ra ở trong bạn, dù rất ngắn ngủi.
Khi điều này xảy ra, có một thoáng của cảm giác an ổn, thanh bình, sống động xảy đến trong lòng"…
tác giả: Tamara Russell
Tamara Russell là một nhà khoa học thần kinh và chuyên gia tâm lý lâm sàng được đào tạo tại trường đại học London (UCL) và King’s College London. Mặt khác, bà tiếp nhận tư tưởng phương Đông thông qua hơn 20 năm rèn luyện kungfu và Thái cực quyền. Vì thế, khác với hai cuốn sách trên, "Đường về tỉnh thức" của Tamara Russell bàn về trải nghiệm thiền định dưới một lăng kính rộng hơn, và phần nào hiện đại hơn.
Russell sử dụng từ "chánh niệm", "tỉnh thức" xuyên suốt cuốn sách, cho rằng chánh niệm không hề gói gọn trong trải nghiệm thiền định, và rằng lối sống tỉnh thức thì phi tôn giáo, phi tâm linh.
Cũng vì vậy, những lợi ích của chánh niệm Tamara Russell dẫn ra gần gũi hơn: Không tuyệt đối thoát khổ, chỉ là bạn thấu suốt hơn trước mọi việc, cư xử thấu hiểu và từ bi hơn với người khác cũng như chính mình.
Bạn đối diện thế nào với cảm xúc bất an, lo sợ, tức giận? Bạn như thế nào trước những khó khăn, thất vọng, bệnh tật hay sự khước từ? Bạn có hay phán xét? Bạn có tỉnh táo đưa ra những lựa chọn cuộc sống đồng điệu với giá trị cá nhân?… Theo Russell, chánh niệm sẽ giúp bạn trả lời tốt hơn những câu hỏi ấy.
"Nhân duyên đã kết nối con người chúng ta lại với nhau, trong đó bao gồm cả nỗi đau, sự xấu hổ, niềm vui và nước mắt. Hãy cởi mở và không sợ hãi những điều có thể gây tổn thương cho mình, điều này sẽ giúp bạn kết nối, học tập và phát triển tốt hơn", Tamara Russell viết.
Là một nhà khoa học, Russell tiếp cận chánh niệm dưới góc độ thần kinh học, dẫn ra nhiều nghiên cứu lâm sàng, chia sẻ nhiều ứng dụng của chánh niệm trong chăm sóc sức khoẻ.
Phần bài tập chánh niệm là một điểm cộng lớn của cuốn sách. Bởi tác giả đưa ra những cách thực hành khác nhau, dành cho những đối tượng có thiên hướng, tính cách hay "tiểu sử tâm lý" riêng biệt.
Đây là một ấn phẩm nhẹ nhàng, hoàn hảo đối với những người lần đầu tiếp xúc với chủ đề thiền và chánh niệm.
Tác giả: Sam Harris
Sam Harris vốn là một triết gia người Mỹ, đồng thời là một thiền sinh lâu năm. "Thức tỉnh điều vô hình" ghi lại cuộc truy tìm tâm linh của Sam, mà trong đó, hành trình thiền định của Sam đóng một vai trò quan trọng.
Tác giả tự gọi mình là một "thiền sinh bình thường", người trải qua nhiều năm tu tập nhiều trường phái, gặp nhiều bậc thầy ở nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng cuốn sách của Sam Harris không chú tâm vào chỉ dẫn hay giảng giải nào cả, mà tác giả kể về "tất tần tật những nỗ lực bất thành về thực hành thiền" của mình, đi kèm với đó, liên tục đào sâu về những nghịch lý anh gặp phải.
"Những lời lẽ hiền nhân có thể ban đầu nghe cứ như những lời sáo rỗng, và chúng ta phó mặc với hy vọng có được những trải nghiệm siêu việt chẳng bao giờ tới hoặc chỉ ứng nghiệm nhất thời", Sam thành thật.
Hay tác giả kể về một thời gian tịnh tu: "Dường như tôi chỉ đơn thuần được trao cho những công cụ, mà nhờ chúng, tôi sẽ suy nghiệm được bằng chứng về sự bất ngộ của mình".
Ngoài sự đồng cảm, bạn đọc sẽ tiếp nhận được một thái độ hoài nghi, sự giải đáp cho vài nghịch lý trong thiền, hiểu tầm quan trọng của một vị thầy phù hợp. Và tất nhiên rồi, một sự bền bỉ giống như Sam.
Bởi suy cho cùng, con đường gian lao của thiền tập thực sự đem đến những quả ngọt xứng đáng cho ngay giây phút hiện tại cho người theo đuổi nó. Như tác giả đã viết: "Theo nghĩa rộng nhất, thiền tập đơn giản là khả năng ngăn chặn nhiều kiểu đau đớn thường gặp, dù chỉ trong vài khoảnh khắc mỗi lần. Vậy nó chẳng đáng để rèn luyện sao?".
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị