192 giờ giành giật sự sống - Cuộc chống chọi với đau đớn, đói khát của cô gái khi máy bay rơi

21/03/2019 08:30
192 giờ giành giật sự sống - Cuộc chống chọi với đau đớn, đói khát của cô gái khi máy bay rơi

Tác giả Annette Herfkens đã kể lại hành trình gian khổ giữ sự sống trong sách "192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh".

Tôi choàng tỉnh trong “chỗ ở” mới. Không còn thi thể “hàng xóm” nào xung quanh. Đồng hồ cũng không còn, nhưng hình như vẫn còn sớm. Tôi ngước nhìn mặt trời. Dãy núi bên phải tôi nhú ra như chóp nón khổng lồ. Cây dại mọc đầy giữa cái khe chia cắt tôi với dãy núi. Như khu rừng của Tarzan. Và tôi là Jane(*). Phải rồi.

 

Dưới chân tôi khoảng ba mét không còn cảnh rừng trơ trọi vì máy bay rơi. Và rừng lại được là rừng. Chỗ tôi ngồi đây phải là khá cao trên núi. Nếu tự tôi leo lên đây bình thường thì phải vất vả lắm. Theo kế hoạch thì tôi còn phải đợi thêm bốn ngày nữa.

Cuoc chong choi voi doi khat, dau don cua co gai khi may bay roi hinh anh 1
Tác giả Annette Herfkens.

Tôi lật sơ qua cuốn sách ngữ pháp Đức-Việt của cô gái và đọc thử một trang. Chưa bao giờ tôi thích tiếng Đức. Hay là mình thử dùng tiếng Việt? Khó tập trung quá. Đầu tôi cứ nhẹ bẫng. Cứ như là từng đám mây cứ thay phiên trùm lấy đầu tôi. Thôi, cố quên đi. Tôi quay lại là mình. Mình của chờ đợi.

Ở chỗ mới, tôi có thể chiêm ngưỡng quang cảnh thoáng đãng hơn. Tôi nhớ những tiểu tiết của từng chiếc lá ở nơi cũ, nhưng ở đây tôi có thể nhìn xuống khe núi sâu hơn ở bên phải. Nơi đó, rừng thật dày đặc, như một bức tường xanh khổng lồ. Và hơn thế nữa, ngồi ở đây tôi có thể nhìn thấy máy bay cứu hộ! Và họ cũng có thể thấy tôi.

Bất chợt tôi nhận ra việc chỉ đơn thuần mình có mặt ở đây, sống sót và vẫn còn ý thức, đã quan trọng đến dường nào. Tâm trí tôi cùng lúc vừa hoang mang vừa quyết tâm. Nước! Phải rồi, tôi phải uống nước. Tôi cần nước. Tôi ngước nhìn phần cánh bị gãy của máy bay và nhận ra các thiết bị cách nhiệt đều được làm từ giấy hoặc bọt xốp.

Tôi nảy ra một ý: có thể tận dụng các thiết bị cách nhiệt này như một vật xốp có thể hút nước! Phải rồi, tôi phải lấy cho được! Bằng cách nào đó, tôi buộc mình từ từ đứng dậy. Trên đôi chân gãy. Tôi với tay về cái cánh gãy. Hông tôi lại đau thấu xương. Không với nổi. Tôi tiến lại gần hơn, và thử lại lần nữa. Ngực đau như có ai đâm, nhưng tôi vẫn dùng hết sức bình sinh để chạm tới cái cánh.

Cuối cùng thì tôi cũng chạm vào được các thiết bị cách nhiệt đó. Chộp lấy những mảnh nhỏ, tôi rải chúng xuống mặt đất, ngay bên cạnh chỗ tôi nằm. Cho là đã lấy đủ, tôi cố quay trở lại chỗ cũ của mình. Lần này thậm chí còn đau hơn. “Aaahhh!”. Tôi thét lên vì đau.

Khi nằm dài ra, tôi bắt đầu gom lại các mảnh xốp, nặn chúng thành bảy quả bóng nhỏ, xếp chúng ra đó, và lại chờ đợi. Đợi mưa. Khát, khát quá đi thôi. Tôi mệt kinh khủng. Chỉ cố gắng đứng trong vài phút mà bây giờ cơ thể tôi hầu như kiệt quệ. Tôi gục đầu ngủ.

Tôi lại thức giấc. Bởi vì trời mưa. Mưa như trút nước! Mưa lớn đến nỗi tôi phải giữ cái mũ trong áo choàng đi mưa của mình với cả hai tay để hứng nước, và uống ừng ực từng giọt. Ôi, ngon có khác gì rượu sâm panh! Tôi hoan hỉ nhìn từng quả bóng xốp đang thấm nước, và tự chúc mừng mình: thành công rồi! Nhờ vậy mà mấy ngày tới tôi có thể lay lắt được đây!

Mặt trời bắt đầu lặn. “Đi ngủ thôi”, tôi tự nhủ. “Ngủ đi, đừng suy nghĩ gì hết”. “Chỗ ở” mới sáng sủa hơn nên tôi ngủ dễ hơn. Rõ ràng là tôi thấy cô bạn Helen, xuất hiện từ dãy núi. Helen lớn lên ở New Jersey và là đứa con thứ hai trong gia đình có bốn người con. Cô này có thói quen mời tôi đi ăn ở Madrid, và bây giờ đang đưa cho tôi một ly trà đá Lipton, một trong những thức uống Mỹ khoái khẩu của Helen. Nhưng chưa kịp lấy cốc trà thì tôi chợt thấy Helen lùi dần vào dãy núi.

“Này, đừng đi!”, tôi thét lên. Tôi biết rất rõ là mình đang ngủ và cũng chẳng thể nào đi tới chỗ của Helen. Nhưng tôi thực sự muốn cô bạn mình quay lại. Tôi cứ gào thét, gào thét tên cô. Tôi muốn có ly trà đá của mình!

Ngày thứ năm - chống chọi với cơn khát và nỗi cô đơn

Tôi nhìn vị trí của mặt trời. Mấy giờ rồi nhỉ? Không thể tin chắc về kiến thức hướng đạo sinh của mình, nhưng ít ra tôi nghĩ mình có thể biết được đã bao nhiêu tiếng trôi qua, đủ để tôi đáng được nhấm nháp một ngụm nước. Để xài tới quả bóng nhỏ bằng xốp kia. Ba tiếng một lần, tôi tự hứa với mình như vậy. Dù gì đi nữa thì tôi cũng có trực giác tốt về những con số.

Uống thôi. Tôi hút nước từ đó ra và nhấm nháp từng giọt. Hai hay ba tiếng trôi qua rồi, tôi nghĩ vậy. Tôi vắt nước từ một quả bóng khác. Chỉ là nước thôi mà sao lúc này mùi vị ngon tuyệt vời. Đáng để chờ đợi quá đi chứ! Tôi tận hưởng cái nhịp điệu đều đều này. Bây giờ thì tôi đã bắt đầu tận hưởng những việc lặp đi lặp lại như thế này!

Tôi nhìn xuống tay. Bàn tay ngọc ngà - phần duy nhất trên cơ thể mà tôi thực sự cảm thấy tự hào. Giờ đây nó đã trở thành đôi bàn tay khổng lồ. Chúng phù lên và sưng húp đến mức chiếc nhẫn của Pasje như đang cắt vào ngón tay tôi. Chúng tôi mua chiếc nhẫn đó cách đây 13 năm tại de Haarlemmerstraat (Leiden), với giá 25 đồng guilder (tiền Hà Lan). Tuy vậy, chiếc nhẫn đó vẫn giúp tôi an ủi phần nào.

Tôi nhìn kỹ lại đôi tay mình. Mấy con đỉa khát máu đó vẫn đang tiếp tục tận hưởng! Chân tôi bây giờ cũng to lên gấp đôi. Trời đất! Tôi chỉ mang một chiếc giày. Mất chiếc còn lại khi nào vậy? Trên cái chân không giày đó bây giờ đầy vết thương. Móng chân tôi thì tím đen lại.

Tôi chờ đợi. Tôi tính thời gian và tiếp tục chờ đợi. Nhưng mà mình đã đợi quá lâu rồi mà! Thật là kiên nhẫn quá đi! Tôi tự cười mình, cười cái tình huống cực kỳ trớ trêu của mình. Bệnh sợ phòng kín và thiếu kiên nhẫn. Không đủ kiên nhẫn để làm bất cứ chuyện gì. Tôi nghĩ tới chuyện tắm nắng ở Madrid, nhớ về việc tôi chẳng bao giờ có thể tắm nắng trong nửa tiếng.

Đối với tôi, 20 phút đã là quá lâu và tôi không thể làm gì khác ngoài việc đánh bài chuồn. Tôi chẳng bao giờ chờ cho đến lúc tóc mình được sấy khô mỗi khi đi cắt tóc với cô bạn Helen ở Jacques Desanges. Lâu lắm, không có kiên nhẫn chờ.

Vậy mà bây giờ tôi ở đây, để chịu số phận bi đát là chờ đợi và ở yên một chỗ. Thật kiên nhẫn.

Cuoc chong choi voi doi khat, dau don cua co gai khi may bay roi hinh anh 2
Nữ tác giả đưa con gái về thăm Việt Nam.

Nỗi sợ phòng kín của tôi chắc chắn là có liên quan tới sự thiếu kiên nhẫn. Tôi chỉ muốn liên tục di chuyển. Tôi ghét máy bay, dù là kích cỡ nào, khi chúng không chịu di chuyển như lẽ ra phải thế, khi chúng nằm yên trên đường băng. Tôi đã gặp chuyện này khi bay ở Washington DC, và khi đó Pasje phải thỏa thuận với tổ lái là tôi được đi vào buồng lái.

Tôi “phải ra khỏi đây”. Nỗi sợ hãi khi “không động đậy” xảy ra ngay cả khi đi thang máy, trên tàu, hay ngồi trên thang đưa đến dốc trượt tuyết, thậm chí trong xe hơi.

Vậy mà bây giờ tôi lại ở đây. Kẹt cứng. Không sợ hãi. Chỉ biết chờ đợi.

Tôi hòa vào dàn âm thanh của khu rừng. Tiếng côn trùng vo ve. Tiếng dế réo rắt. Tiếng chim líu lo. Đều là những âm thanh quen thuộc. Chúng làm tôi nhớ lại bộ phim Lực lượng thầm lặng, bộ phim truyền hình dài tập chiếu trên đài truyền hình Hà Lan. Lúc xem phim đó mình bao nhiêu tuổi nhỉ? Chắc chừng 12?

Bộ phim dựa trên một cuốn tiểu thuyết Hà Lan cùng tên, lấy bối cảnh Indonesia lúc còn là thuộc địa của Hà Lan. Cả câu chuyện cứ mang một sắc thái tối tăm và huyền bí. Bây giờ tôi mới hiểu. Sự bí hiểm nằm trong không khí. Trong âm thanh. Chắc chắn phải là một cú sốc văn hóa cho những người Hà Lan khi phải đến một môi trường sống như vậy. Như bà tôi, người đã kết hôn thông qua mai mối.

Bà đã đi khắp trái đất bằng tàu trong suốt cả cuộc đời với người đàn ông bà quen biết chỉ qua lớp khiêu vũ. Cha hay kể cho tôi nghe những câu chuyện đáng sợ về Mắt Quỷ hay những con người đáng sợ, theo cách nhìn của người phương Tây. Kể như chuyện cười, nhưng rõ ràng là sắc thái của những câu chuyện đó thì không đùa chút nào.

Tôi thường mang mấy câu chuyện này ra kể lại cho cô em họ nghe mỗi khi cô bé sang ở nhà tôi. Làm vậy đúng là hơi ác. Cô em tôi lần nào nghe xong cũng hãi hùng vì sợ. Còn tôi thì không. Lúc này cũng không.

Vậy nếu những nhân vật đáng sợ đó có xuất hiện ở đây ngay lúc này thì sao? Có lẽ sẽ làm tôi thấy bớt quạnh quẽ hơn vậy!

Ngày thứ 6 - Chìm vào thế giới tự nhiên

Tôi phải đi toilet. Để bài tiết, chính xác là như vậy. “Eeew!”, Helen thế nào cũng sẽ nói như vậy nếu cô ở đây lúc này. Helen không bao giờ đi toilet trước mặt bạn trai. Nhưng tôi thì có.

Bây giờ làm sao đi được đây? Đầu tiên là phải dịch chuyển ra khỏi chỗ này, ra khỏi những quả bóng nhỏ bằng xốp thần thánh. Tôi tự lôi mình xềnh xệch lên cao. Bằng lưng. Và chỉ sử dụng cùi chỏ. Uỵch, uỵch, uỵch. Tôi hy vọng lúc trượt xuống trở lại thì sẽ bớt đau hơn là lúc này. Bây giờ tôi phải kéo cái quần mượn này xuống. Tôi mở khóa quần. Bắt đầu kéo nó xuống. Đau! Đau quá! Không thể tin được là hông lại bị đau như vậy.

Tôi tính thôi không kéo nữa nhưng cái ý nghĩ phải giữ mình đúng mực ngăn lại. Không thể nào “xử” ngay trong quần mình được! Cho dù có chuyện gì xảy ra thì cũng không thể làm như vậy. Tôi bắt đầu kéo quần xuống lần nữa, chầm chậm, lần này hơi nhón hông lên. Đau dữ dội! Tôi thấy rõ từ chiếc quần tất là mình đang tới kỳ kinh nguyệt. Dĩ nhiên rồi! Họa vô đơn chí. Xảy ra ngay vào lúc này!.

Tôi làm những gì phải làm. Mặc dù đau thấu trời xanh. Ôi, những nhánh cây con. Tôi dùng lá để chùi sạch. Sống văn minh và phải trả bằng cái giá đau đớn, khổ sở nhất. Cuối cùng cũng xong. Tôi trở về chỗ cũ. Lại bằng lưng, bằng cùi chỏ. Tôi kiệt sức rồi.

Cuoc chong choi voi doi khat, dau don cua co gai khi may bay roi hinh anh 3
Cô may mắn sống sót sau tai nạn thảm khốc.

Tôi tự hỏi không biết ba mẹ mình đang làm gì. Anh chị tôi, bạn bè tôi. Mọi người đang vùi ngủ trên chiếc giường ấm áp của mình? Đang tắm? Đang ăn? Tự nhiên tôi thèm chỉ được uống nước dễ dàng như họ, mở nắp cũng thật dễ dàng làm sao.

Một con rết bò ngang chân tôi. Tôi cứ ở yên đó. Chúng tôi chia nhau khoảng không này. Con rết là một phần của khu rừng. Tôi là một phần khác.

Khoảng thời gian còn lại trong ngày trở thành một trải nghiệm đầy ảo diệu. Tâm trí tôi như ngừng lại. Tôi còn không nghĩ tới việc làm cách nào để đừng nghĩ tới Pasje nữa. Tôi cứ lơ lửng như vậy; và đã trở thành một phần của môi trường xung quanh. Cứ như thể là tôi đang sống nhờ vào những cái cây kia.

Càng nhìn, tôi càng thấy chúng đẹp. Cứ như thể là tôi đang hít thở chúng vào. Hơi thở nhọc nhằn của tôi cứ như đang mở toang lồng ngực đau nhói bằng một thứ năng lượng làm tôi thấy chóng mặt. Theo cách tốt của nó. Một cách phóng thích, tự do. Nó giúp tôi thoát khỏi nỗi đau, cứ như thể bước ra khỏi thân xác của chính mình.

Trong khi lúc đầu tôi phải tự buộc mình tập trung vào vẻ đẹp của khu rừng, bây giờ tôi cảm nhận nó thật tự nhiên – như thể tôi đang ở trong vẻ đẹp đó. Tôi đang hòa nhập với mọi thứ xung quanh. Với vẻ đẹp. Với người chết. Với quá trình phân hủy, chết, rồi tái sinh. Mọi thứ thật tuyệt vời. Mấy ngày trước tôi phải đọc tên của người thân, gia đình và bạn bè để nhớ lại tình yêu họ dành cho tôi cũng như tôi dành cho mọi người.

Bây giờ tôi chỉ cảm giác như tôi đang nằm trên chiếc giường tình yêu. Hay một loại tần số tình yêu nào đó cứ như đang nằm trong không khí xung quanh. Hoặc cũng có thể tôi nằm trong tần số đó, bước sóng đó, di chuyển trong nội vi đó. Có cảm giác như tâm trí tôi đang đạt đến một ngưỡng cao mới, đạt đến mức hài hòa vô song với môi trường xung quanh.

Một môi trường sống thoải mái và đẹp vô cùng. Đẹp đến mức, dễ chịu đến mức tôi sẵn lòng ở lại trong đó. Mãi mãi.

(Còn nữa)

Tác giả Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem van der Pas cùng 31 hành khách rời TP.HCM tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Khi cách đích đến Nha Trang 30 km, chiếc máy bay bất ngờ đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha. Cuối cùng, chỉ một mình Annette sống sót.

Được sự đồng ý của nhà phát hành First News và dịch giả An Điền, Zing.vn trích đăng sách 192 giờ giành giật sự sống trên chuyến bay định mệnh.

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025