Rubik Văn Chương là một dự án truyền cảm hứng văn học được hai cựu học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) là Nguyễn Hải Thủy và Nguyễn Thị Huyền Trang (19 tuổi) sáng lập.
Dự án Rubik Văn Chương (RVC) được thành lập vào ngày 11/11/2020 với mục đích mở rộng kiến thức và bổ sung kỹ năng cho học sinh trong các kỳ thi môn Ngữ Văn. Bên cạnh đó, dự án cũng hy vọng lan tỏa được niềm đam mê Văn học tới nhiều bạn trẻ Gen Z.
Hiện nay, Hải Thủy đang là sinh viên năm 2, khoa Phát thanh - Truyền hình tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong khi đó, Huyền Trang đang theo học tại Đại học Kinh tế Quốc dân.
Vào năm lớp 12, khi Hải Thủy và Huyền Trang đều tham gia cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn; từ đó, hai bạn nhen nhóm ý tưởng thành lập một tài khoản Instagram để lưu lại những câu nói hay trong các tác phẩm văn học nhằm... luyện thi.
Sau đó, bẵng đi một thời gian bận rộn với việc ôn thi đại học, mỗi người học một trường khác nhau nên dự định phát triển dự án mạnh hơn đã bị gác lại.
Khi đã sắp xếp được thời gian, hai cô gái Gen Z quyết định bắt tay vào xây dựng RVC. Bước đầu tiên là hai bạn lập một trang Facebook để chia sẻ các nhận định về môn Văn, phương pháp học, cách làm bài văn hay.
Đã có quá trình học tập chuyên sâu về môn Văn từ những năm cấp 2, các nữ sinh nhận ra rằng các tài liệu chuyên Văn còn khá ít, chủ yếu chỉ tập trung vào lớp 9 và lớp 12 nên muốn lập ra một trang mạng phù hợp với học sinh đam mê văn học ở mọi lứa tuổi khác nhau.
Cái tên Rubik Văn Chương là điều đầu tiên khiến nhiều người ấn tượng với dự án. Đây không phải là cái tên đầu tiên được nghĩ ra, Thủy và Trang đều đã sử dụng tất cả những hình ảnh bay bổng. Trang cho biết: "Nói tới văn chương với hình ảnh mộng mơ thì nhiều người nghĩ rồi nên chúng em muốn sử dụng một cái tên khác gai góc hơn".
Văn học vốn là một chủ đề kén người đọc nên phải mất một thời gian, trang Rubik Văn Chương mới nhận được sự đón nhận từ công chúng. Hai nhà sáng lập trẻ cho biết: "Về sau, nội dung Rubik Văn Chương được chúng em đơn giản hóa hơn, đưa theo hướng ứng dụng sẽ giúp bạn đọc tiếp thu dễ dàng. Các bài đăng cũng bám sát theo kiến thức của chương trình học, phù hợp với nhu cầu của học sinh".
Trang bộc bạch: "Trong lúc chạy dự án, chúng em đã từng nhận nhiều câu hỏi, như "Học Văn sau này làm được gì? Có kiếm được tiền không?". Nhiều em yêu thích Văn học nhưng không dám học vì hoàn cảnh hay định kiến của xã hội. Thậm chí, có những bạn cảm thấy theo đuổi môn Văn sẽ không có tương lai".
Thủy bổ sung: "Nỗi sợ đó cùng là động lực cho chúng em phấn đấu hơn. Vì chúng em đều là học sinh chuyên Văn nên cũng tự cảm nhận được giá trị từ việc học Văn đem lại tới cho mình. Do đó, em nghĩ bản thân cũng phải lan tỏa cho mọi người thấy văn học rất hay và sẽ đem lại nhiều điều quý giá".
Các nội dung của RVC luôn cuốn hút người đọc với nhiều chuyên mục hấp dẫn như: Cầm bút lên và viết (viết theo dạng bài văn hoàn chỉnh), Góc nhìn Rubik (viết tự do không theo khuôn khổ nào), Mỗi ngày một tác giả (giới thiệu tác giả và tác phẩm)…
Một chuyên mục đặc sắc chỉ riêng RVC có; đó là Nâng cấp diễn đạt. Trong chuyên mục này, Trang và Thủy đã giới thiệu cho các bạn học sinh nhiều cụm từ mới để thay đổi cách diễn đạt của nhiều cụm từ quen thuộc. Ví dụ, thay vì sử dụng "tác phẩm", RVC đưa ra các cách gọi khác như "công trình nghệ thuật", "đứa con tinh thần", "thành trì chữ nghĩa"…
Để có thể có những diễn đạt này, Trang cho biết, cần phải hiểu được bản chất của từ ngữ: "Khi mình hiểu được bản chất thì sẽ phát triển được ra các cụm từ khác, chứa đựng đặc trưng của từ gốc".
Huyền Trang cũng khuyên các bạn học sinh nên đọc thêm các cuốn từ điển để học thêm nhiều từ đồng nghĩa nhiều màu sắc hơn. "Khi cầm bút lên viết, hãy luôn có sự đầu tư, chọn lọc từng từ từng chữ", Trang nói.
Bài viết đầu tiên thu hút được nhiều tương tác nhất của RVC chính là bài viết trả lời câu hỏi trong đề thi Học sinh giỏi môn Ngữ Văn Quốc gia năm 2020: "Vì sao văn học Việt Nam chưa là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người?".
Ban đầu, Trang cảm thấy đề bài này không quá nổi bật, cho đến khi đọc kĩ hơn, tìm hiểu thêm thì mới thấy đây là một chủ đề thú vị.
Trang chia sẻ: "Trước đây, đã từng có những em hỏi RVC những câu hỏi và vấn đề tương tự. Vì đã từng giải đáp nên em cũng đã có những ý tứ nhất định. Hơn nữa, bài đăng cũng lên ngay sau khi kỳ thi, kịp thời và nhanh chóng nên được các bạn trẻ quan tâm".
Không chỉ đơn thuần phân tích chữ nghĩa, RVC cũng đầu tư phát triển sang các nền tảng thiên về mặt hình ảnh nhiều hơn như Instagram hay TikTok. Thay vì phải đọc một bài đọc dài, các bạn học sinh đã có thể nhanh chóng tích lũy thêm nhiều kiến thức mới chỉ qua một vài video ngắn.
Hải Thủy cho biết: "Khi chúng em học cấp 3, gần như không có những lớp ôn thi học sinh giỏi Văn để theo học. Nhiều lúc, em cũng mong muốn có người chia sẻ kinh nghiệm hoặc hướng dẫn mình".
Đồng quan điểm, Trang cũng trải lòng: "Hồi thi học sinh giỏi, vốn kiến thức rất rộng. Em luôn thấy mông lung và chênh vênh, từng có mong ước sẽ có một lớp học để ôn thi. Vì dù ôn trên trường thì các thầy cô vẫn thiên về hướng dẫn cách tự học nhiều hơn".
Xuất phát từ mong muốn này, bắt đầu từ tháng 12/2020, cả hai đã lập nên các lớp học ôn thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn online. Để chuẩn bị cho các buổi dạy, Trang và Thủy đã lên giáo án chi tiết từ tài liệu tới phần bài thuyết trình sao cho hấp dẫn. Sau mỗi buổi học, học sinh đều có thể xem lại video.
Trang chia sẻ: "Việc có video xem lại không phải để các em không tập trung học mà vì mỗi em sẽ có cách ghi chép riêng, phần nào không hiểu có thể xem lại và tìm hiểu thêm".
Đều là những người chưa hề có chuyên môn sư phạm, sau hơn một năm đứng lớp liên tục, hai cô gái trẻ đã có sự trưởng thành so với ngày đầu mở lớp. Thủy nhận xét: "Chúng em hiện đã biết cách để triển khai các ý trơn tru hơn, hiểu được thắc mắc chung của người học".
Tiếng lành đồn xa, RVC không chỉ được các bạn học sinh biết tới mà còn khiến các thầy cô giáo đặc biệt ấn tượng. Mới đây, Hải Thủy và Huyền Trang đã được mời lên Hòa Bình để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các em ở đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn.
Trang cũng cho biết rằng việc đến các trường chia sẻ kiến thức cũng là ý định được ấp ủ từ lâu của cả hai: "Ban đầu, hai đứa em muốn đi tới Ninh Bình để chia sẻ với các em học sinh từ tháng 5/2021 nhưng vì dịch nên chưa thực hiện được".
Thủy bổ sung: "Khi nhận được lời mời từ cô giáo phụ trách đội tuyển Văn trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ ở Hòa Bình, chúng em đã không hề do dự. Ngay khi tình hình dịch thuyên giảm, em và Trang đã tranh thủ cơ hội".
Trong tương lai, Trang và Thủy hy vọng RVC sẽ tiếp tục thực hiện các buổi "thỉnh giảng" ở các trường chuyên ở các tỉnh như Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định… để gặp mặt trực tiếp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc cho các bạn học sinh chuyên Văn. Ngoài ra, RVC cũng có dự định mở rộng cộng đồng cộng tác viên để kết nối gần gũi hơn với các bạn có niềm yêu thích văn học.
Dưới đây là thành tích học Văn "đáng nể" của hai nữ sinh 19 tuổi.
Bài: Hà Mi
Dựng: Mai Châm
Ảnh: NVCC