Mới đây, VTV8 đã dừng chiếu phim cổ trang Trung Quốc 'Thịnh Đường Huyễn Dạ' vì trong phim nghi là có sử dụng một đoạn nhạc cung đình Huế
Thịnh Đường huyễn dạ là một bộ phim cổ trang do Trung Quốc sản xuất, phim lên sóng từ năm 2018. Gần đây, phim được một số kênh truyền hình ở Việt Nam mua bản quyền phát sóng lại, trong đó có VTV8.
Song song với việc lên sóng trên truyền hình, bộ phim cũng được phát theo dạng trực tuyến trên internet thì khán giả phát hiện trong phim có nhiều đoạn nhạc được cho là Nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc sử dụng âm nhạc cho bộ phim này.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đoạn nhạc xuất hiện trong phim Thịnh Đường huyễn dạ là bản Lưu thủy kim tiền thuộc nhã nhạc cung đình Huế, ông Long cũng tỏ ra rất lo ngại khi không biết mục đích sử dụng một đoạn nhạc cổ của Việt Nam của những người làm phim nhằm vào việc gì?
Một cảnh trong phim truyền hình Thịnh Đường Huyễn Dạ
Sau khi tiếp nhận ý kiến của các nhà chuyên môn và khán giả, VTV8 đã cho dừng phát sóng bộ phim Thịnh Đường Huyễn Dạ bắt đầu từ ngày 30.4.
Giải thích về việc cho dừng chiếu bộ phim nói trên, ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc điều hành kênh Truyền hình VTV8 phát ngôn trên báo chí: “Khi có thông tin về việc 'Thịnh Đường Huyễn Dạ' nghi là đã dùng nhã nhạc cung đình Huế, VTV8 đã có những kiểm tra ban đầu, bởi phim mới phát trên VTV8 (chưa đến tập phim có đoạn nhạc này)”.
Cũng theo ông Thanh, phía VTV8 đã liên lạc với nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian để tìm hiểu vấn đề. “Nói chung các nhà nghiên cứu đều cho rằng cần phải có thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn và cần tham khảo nhiều ý kiến khác, đặc biệt là ý kiến chính thống từ Trung tâm di tích cố đô Huế, hoặc ý kiến của Ủy ban UNESCO”, ông Lâm Thanh nói.
Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003. Theo đánh giá của UNESCO, "trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia" .
"Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam đến thời nhà Nguyễn thì nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất". Cùng với không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, đây là di sản phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO chính thức ghi danh. Nhã nhạc Cung Đình Huế là một sự kế thừa, kể từ khi những dàn nhạc - trong đó có mặt nhiều nhạc khí cung đình - xuất hiện dưới dạng tác phẩm chạm nổi trên các bệ đá kê cột chùa thời Lý, thế kỷ 16-17, đến lúc ông vua cuối cùng triều Nguyễn thoái vị vào giữa thế kỷ 20.
Về cơ bản, nhạc nghi thức trong âm nhạc cung đình Việt Nam, nhạc tế trong các đình làng cũng như loại nhạc nghi thức được chơi trong đám cưới hay đám tang, tất cả thường được chia thành hai nhóm chính: nhóm phe văn và nhóm phe võ. Việc phân chia của các nhóm nhạc cụ hòa tấu trong dàn nhạc cung đình ở Huế từ đầu thế kỷ 19 và nguồn gốc của nó đã được tìm thấy trong các quy luật của nhiều nghi thức cúng đình tại các làng xã của người Việt ở Bắc Bộ từ nhiều thế kỷ trước đây.
T.V