Sáng 6.4, ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết trên Dân Trí, voi cái H'Non trong Vườn quốc gia Yok Đôn đã qua đời. Dù đã được Trung tâm Bảo tồn voi chăm sóc, truyền nước phục hồi sức khỏe nhưng do già yếu, H’Non đã không qua khỏi. Hiện đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành mai táng cho voi.
"Một tuần trước voi H'Non yếu hẳn, chỉ nằm một chỗ; trung tâm đã truyền nước để voi phục hồi sức khỏe nhưng không được. Đến ngày 5.4 thì voi chết, đơn vị đã mời công an tiến hành khám nghiệm và kết luận voi chết do già yếu", ông Luân thông tin thêm.
Theo ông Luân, voi cái H'Non trước đây thuộc quản lý của một công ty du lịch trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Đến năm 2017, voi H'Non già yếu được Trung tâm Bảo tồn voi đưa về Vườn quốc gia Yok Đôn chăm sóc. Tuy nhiên, do voi đã già nên răng rụng hết và ăn uống khó khăn.
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều voi nhất trong vùng, theo thống kê vào những năm 1980 có gần 500 con voi nhưng đến nay chỉ còn 41 con; trong đó có 19 con trên 40 tuổi, không còn khả năng sinh sản. Những năm gần đây, nhiều voi nhà ở các tỉnh Tây nguyên chết do già yếu.
Trước tình trạng quần thể voi nhà đang trên đà suy giảm, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã nhiều lần cho voi ghép đôi để sinh sản nhưng chưa thành công. Vào năm 2017, một con voi nhà tại Lắk mang thai sau 30 năm trông chờ. Tuy nhiên, đến ngày sinh, voi con đã chết ngạt trong bụng voi mẹ.
Voi là biểu tượng đặc trưng của vùng đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở đây từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của các tộc người bản địa. Trong tập chuyên khảo về Đắk Lắk (Monographie de la Province du Darlac), xuất bản vào năm 1931, học giả A.Monfleur đã mô tả sự giao thương kinh tế, văn hóa của các tộc người này hết sức sinh động, đặc biệt là đời sống săn bắt, thuần dưỡng và mua bán voi rừng ở Buôn Đôn diễn ra nhộn nhịp, tấp nập vào những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Cũng theo khảo tả của A.Monfleur, vào những thập niên 50 - 70 của thế kỷ XIX, Buôn Đôn là trung tâm trao đổi thương mại, buôn bán voi lớn nhất Đông Nam Á.
Theo thống kê, ở giai đoạn 1975 - 1978, Đắk Lắk có trên 250 con voi nhà; từ năm 1979 - 1985 sụt xuống dưới 200 con thì đến thời điểm này, chỉ còn hơn 40 con. Đáng báo động là những con voi còn tồn tại đều bị xâm hại, trong đó, hầu như phần lông và đuôi không còn nguyên vẹn.
Voi được coi như là kế sinh nhai của người dân cũng như nhiều đơn vị làm du lịch ở đây nên nhiều năm nay bị “khai thác” đến cạn kiệt sức lực.
Trước thực trạng đàn voi nhà bị giảm sút nhanh về số lượng và thậm chí xảy ra hiện tượng xung đột giữa người và voi, tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương chuyển đổi từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Chủ trương này đang được khách du lịch và các tổ chức, đơn vị tích cực hưởng ứng.
Thực tế từ năm 2018 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Dự án mô hình du lịch thân thiện với voi tại vườn Quốc gia Yok Đôn, do Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk thực hiện. Chủ trương này được khách du lịch, người yêu động vật cũng như các tổ chức, đơn vị tích cực hưởng ứng.
Tổ chức Động vật châu Á cũng đã kêu gọi nhân rộng mô hình "du lịch nhân đạo, không cưỡi voi". Tại Đắk Lắk, hồi 2019, Tổ chức Động vật châu Á đã tài trợ cho 1 đơn vị khai thác du lịch ở Bản Đôn để họ ngưng dịch vụ sử dụng voi địu du khách, đưa voi già yếu thả vào thiên nhiên để chăm sóc, cải thiện sức khỏe.
Thậm chí, các chuyên gia của Tổ chức Động vật châu Á cũng sẵn sàng tình nguyện sang Việt Nam một thời gian dài để giúp Việt Nam duy trì đàn voi. Do vậy, tỉnh Đắk Lắk có thể tận dụng nguồn lực này để bảo tồn đàn voi.