Tự do vượt trên sự hiểu biết - Yêu thương là gì: Hiểu về yêu để thực sự quan tâm ai đó

19/07/2020 08:30
Tự do vượt trên sự hiểu biết - Yêu thương là gì: Hiểu về yêu để thực sự quan tâm ai đó

Trích dẫn chương 10, cuốn sách "Tự do vượt trên sự hiểu biết"

Việc đòi hỏi an toàn trong một mối quan hệ ắt hẳn sẽ dung dưỡng cho phiền não và nỗi sợ hãi; tìm cầu an toàn cũng chính là mời gọi bất an. Hầu hết chúng ta muốn có một mối quan hệ yên ổn để yêu và được yêu, nhưng đó có thật là tình yêu không, nếu mỗi người chỉ lo tìm kiếm sự an toàn cho riêng mình? Trong ta không có tình thương yêu, là vì ta không biết cách yêu thương.

Vậy yêu thương là gì?

Dường như tất cả mọi người, từ phóng viên báo chí đến nhà truyền giáo đều không ngừng nhắc đến tình thương, lòng tôn kính, sự yêu thích. Tôi yêu quê hương mình, say sưa với quyển sách, rung động trước vẻ đẹp của rặng núi, tận hưởng khoái lạc, mê đắm vợ mình,... Liệu thương yêu có phải là một ý niệm không? Vì nếu vậy, nó có thể được vun đắp, thúc đẩy, sửa đổi theo bất cứ chiều hướng nào mà bạn thích.

Sùng kính Thượng Đế, có nghĩa là bạn thích sự phóng chiếu tư tưởng của chính mình, kèm theo vẻ tôn kính mà bạn nghĩ là cao quý và thiêng liêng. Vì vậy, “Tôi tôn kính Thượng Đế” là một câu nói hoàn toàn vô nghĩa. Khi thờ phụng Thượng Đế, bạn đang thờ phụng chính mình – đó không phải là tình thương yêu.

Vì không thể giải quyết điều được gọi là tình thương yêu này, chúng ta trốn chạy vào thế giới trừu tượng, mơ hồ. Tình thương yêu có thể là giải pháp tối thượng cho tất cả những khó khăn, trục trặc và khó nhọc của con người, vậy làm thế nào chúng ta khám phá được về yêu thương? Chỉ bằng định nghĩa, đã có đủ cách mô tả về nó, thậm chí là chệch hướng và xuyên tạc.

Cảm mến ai đó, ngủ với ai đó, trao đổi tình cảm, tình thân,… – có phải chúng ta thường định nghĩa như vậy về tình thương yêu – là những điều mang tính cá nhân và hạn hẹp đến mức các tôn giáo bèn tuyên bố rằng tình thương yêu là thứ gì đó lớn rộng hơn thế nhiều. Trong cái được gọi là tình thương yêu của con người đó, họ thấy toàn là lạc thú, sự cạnh tranh, ganh tỵ, ham muốn chiếm hữu, nắm giữ, điều khiển và can thiệp vào suy nghĩ của người khác; họ quả quyết rằng yêu thương đúng nghĩa thì khác, nó vô cùng thiêng liêng, cao nhã, trong trắng và thuần khiết.

Trên khắp thế giới, những người “mộ đạo” vẫn ra rả rằng tội lỗi lớn nhất là ngắm nhìn phụ nữ, rằng bạn không thể tiếp cận Thượng Đế nếu mê đắm sắc dục, thế nên họ gạt phăng chuyện đó qua một bên. Khi khước từ nhục dục, họ cũng chối bỏ luôn toàn bộ vẻ đẹp trần thế. Họ khiến trái tim và tâm thức của mình trở nên chai sạn khi bài trừ cái đẹp chỉ vì nó gắn liền với nhan sắc phụ nữ.

Chúng ta có thể chia yêu thương thành phần thiêng liêng và trần tục không, hay chỉ có tình thương yêu thuần túy mà thôi? Có phải tình yêu chỉ dành cho duy nhất một người, nếu bạn nói yêu một ai đó, điều đó có đồng thời loại trừ tình thương yêu dành cho những người khác? Tình yêu mang tính cá nhân hay toàn thể, đạo đức hay đồi bại, thân quyến hay cộng đồng?

Nếu thương yêu cả nhân loại, liệu bạn còn yêu thương một cá nhân cụ thể nào nữa không? Yêu thương là xúc cảm? Sự rung động? Lạc thú và ham muốn? Tất cả những câu hỏi này biểu hiện rằng chúng ta vẫn mang trong mình ý niệm về tình thương yêu, về điều nên hoặc không nên làm, đó là khuôn mẫu được định hình bởi văn hóa, xã hội.

Vì vậy, để đi vào câu hỏi về tình thương yêu, điều tiên quyết là ta phải thôi chấp bám vào những lý tưởng và ý niệm về cái nên là và không nên là, đó là cách gian trá nhất để giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc đời.

Bây giờ, làm sao chúng ta có thể khám phá về ngọn lửa yêu thương – không phải để tìm cách diễn giải, mà để thấy được ý nghĩa lớn lao của nó? Trước tiên, tôi khước từ mọi điều mà xã hội, cha mẹ, bạn bè và sách vở nói về tình thương yêu, bởi tôi muốn tự mình khám phá.Đây là một vấn đề nhân sinh lớn lao, nó liên quan đến toàn thể nhân loại, có hàng ngàn cách định nghĩa về yêu thương và chính tôi cũng đang mắc kẹt trong một khuôn mẫu nào đó, hoặc bị ảnh hưởng từ ý thích cá nhân tại thời điểm đó.

Vì vậy, để hiểu nó, trước tiên tôi phải thoát khỏi những khuynh hướng, thiên kiến của mình để không bối rối và bị xâu xé dưới đủ mọi tác động. Có lẽ chúng ta sẽ khám phá được về tình thương yêu thông qua cái không phải là tình thương yêu.

Chính phủ kêu gọi tòng quân và chiến đấu vì lòng ái quốc, có phải đó là tình thương yêu? Tôn giáo răn dạy rằng ta phải khước từ nhục dục vì lòng tôn kính Thượng Đế, có phải đó là tình thương yêu? Tình thương yêu có phải là sự khao khát? Đối với đa số chúng ta, tình yêu là sự khao khát gắn liền với khoái lạc, niềm vui thông qua cảm xúc, giác quan, sự quyến luyến và đáp ứng về tình dục.

Tôi không phản đối tình dục, nhưng điều mà tình dục mang lại cho bạn là trạng thái hoàn toàn tự do, phóng túng chỉ trong chốc lát; sau đó, bạn lại trở về với sự lao xao, loạn động trong mình. Vì vậy, bạn cứ muốn trạng thái tuyệt vời này được kéo dài mãi – khi đó, bạn hoàn toàn quên đi bản ngã cũng như mọi ưu phiền, thách thức.

Bạn nói rằng bạn yêu vợ mình. Tình yêu đó đòi hỏi khoái cảm tình dục, niềm thỏa mãn khi có ai đó ở nhà nấu cho bạn bữa cơm, chăm sóc những đứa con của bạn. Như vậy, bạn lệ thuộc vào cô ấy. Cô ấy trao cho bạn thân thể, cảm xúc, sự động viên, chỗ dựa an toàn và niềm hạnh phúc. Bỗng nhiên, cô ấy ngoảnh mặt làm ngơ, cô ấy bỏ bạn đi với người khác, điều này khiến trạng thái quân bình cảm xúc trong bạn bị phá hủy, đó là sự ghen tuông đi cùng với nỗi đau, lo âu, thù hận và cả bạo lực.

Vì vậy, sự thật ở đây là cho đến chừng nào họ thuộc về tôi, tôi có thể dựa vào họ để khiến các nhu cầu của mình được thỏa mãn, thì tôi yêu họ; nhưng nếu họ không còn là của tôi nữa, họ ngừng đáp ứng những điều tôi cần, tôi bắt đầu ghét bỏ họ. Do đó, có sự đối chọi, chia cách trong bạn; khi bạn cảm nhận được sự tách biệt chính mình khỏi người khác hay vật khác, thì đó không phải là tình thương yêu.

Nhưng nếu bạn có thể sống với vợ hay chồng mình mà không xuất hiện những suy nghĩ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn cùng các tranh cãi bất tận trong tâm trí, có lẽ bạn sẽ biết yêu thương là gì, khi ấy bạn hoàn toàn tự do và người bạn yêu thương cũng vậy. Ngược lại, nếu bạn phụ thuộc vào người kia vì những lạc thú của mình, bạn chỉ có thể làm nô lệ cho họ. Vì vậy, trong tình yêu phải có sự tự do, cho người kia và cả cho chính bạn.

Trong việc lệ thuộc và tìm kiếm sự ủng hộ về mặt tinh thần từ người khác, luôn tồn tại âu lo, sợ hãi, ganh tỵ và tội lỗi. Nỗi sợ hãi không thể hiện diện cùng tình thương yêu; một tâm trí phiền não, đa cảm, ủy mị, hoặc đầy ắp ham muốn lạc thú, sẽ không bao giờ biết đến yêu thương.

Vì suy nghĩ là quá khứ, nó không thể bồi dưỡng và vun đắp cho tình yêu thương. Tương tự như thế, sự ganh tỵ thuộc về quá khứ không thể vây hãm, cầm tù được yêu thương vốn luôn hiện hữu trong thực tại, vì thế không ai có thể nói rằng “Tôi sẽ yêu” hoặc “Tôi đã yêu”. Nếu bạn hiểu về tình thương yêu, bạn cũng sẽ không theo đuổi bất kỳ một đối tượng nào – yêu thương không phải là vâng lời, tuân phục, trong tình yêu không có sự tôn kính hay khinh khi.

Thương yêu ai đó có nghĩa là gì? Bạn yêu thương mà không ganh ghét, giận dữ, so sánh, chỉ trích, hoặc can thiệp vào hành vi, suy nghĩ của người ta. Khi bạn thương yêu ai đó với toàn bộ trái tim, tâm thức, thân thể cũng như trọn vẹn sự hiện hữu của mình, làm gì còn chỗ cho sự so sánh hay cho tình thương nào khác?

Trong tình yêu có trách nhiệm và nghĩa vụ hay không, dùng từ như vậy liệu có thỏa đáng? Khi bạn làm điều gì đó vì nghĩa vụ, trong đó không có tình thương. Tất cả những điều mà một người có nghĩa vụ phải thực hiện đều đang hủy hoại con người họ. Nếu bạn bị bắt buộc thực hiện một điều bởi đó là trách nhiệm, làm sao bạn có thể yêu thích việc mình đang làm? Tình thương yêu không khi nào đòi hỏi trách nhiệm hay nghĩa vụ.

Không may, hầu hết các bậc phụ huynh nghĩ rằng họ có trách nhiệm với con cái của mình và thể hiện điều đó ở việc dạy dỗ con trẻ về những điều nên hoặc không nên làm, vẽ ra cái hình mẫu mà chúng nên theo đuổi hoặc né tránh. Các bậc phụ huynh muốn con mình có được địa vị vững chắc, sự tôn kính trong xã hội; đó là điều họ khao khát đạt được.

Đối với tôi, dường như nơi nào quá đề cao sự nể trọng thì ở đó không có trật tự – ai cũng chỉ quan tâm đến việc làm sao để trở thành những quý ông, quý bà quyền lực, sang cả. Khi họ chuẩn bị cho con cái của mình hòa nhập vào xã hội, họ đang ươm mầm cho sự cạnh tranh, xung đột và tính hung tàn tràn ngập khắp nơi trên Trái đất này. Đó mà là chăm sóc, thương yêu sao?

Quan tâm, săn sóc thật sự cũng giống như khi bạn chăm sóc cho cây cối; bạn tưới nước, tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng, môi trường sống của nó, chọn cho nó loại đất trồng phù hợp nhất, nâng niu và tỉa tót nó với sự âu yếm, dịu dàng. Nhưng khi bạn giúp con mình sẵn sàng hòa nhập vào xã hội, cứ như thể bạn đang chuẩn bị cho chúng bước vào đấu trường vậy. Nếu thương yêu con cái, bạn sẽ không để chúng tham gia vào bất kỳ cuộc tranh giành, ganh đua nào.

Khi người thương yêu ra đi, bạn than khóc; đó là những giọt nước mắt, những lời than van ai oán cho chính bạn hay cho người đã khuất? Bạn đã từng khóc vì ai khác chưa? Bạn khóc, trong sự ngậm ngùi tiếc thương người nằm xuống, hay khóc với sự ta thán cho mình? Nước mắt của bạn chẳng có ý nghĩa gì hết nếu như bạn chỉ đang bận tâm về chính mình. Còn nếu bạn khóc vì bị tước mất một người mà mình hết lòng yêu thương, thì đó không phải là thương yêu thật sự.

Trên thực tế, chúng ta rất dễ dàng xót thương cho chính mình; khi người thân thương của ta đi về cõi vĩnh hằng, bạn khóc vì cảm thấy đau lòng nhưng nỗi đau ấy không đến từ tình cảm của bạn với người đã mất, bạn khóc vì sự tự thán và điều đó khiến bạn trở nên chai sạn, hạn hẹp, tâm trí bạn vô minh, tăm tối.

Khi bạn khóc, đó là vì tình thương, hay chỉ vì mình cô đơn, trơ trọi, yếu hèn – khóc cho số phận và môi trường xung quanh – vậy hóa ra bạn luôn luôn khóc cho chính mình? Nếu hiểu được điều này, tức là tiếp xúc trực tiếp với nó như khi chạm vào một cái cây hoặc bàn tay, bạn sẽ thấy rằng đau khổ cũng là do mình tự tạo, phiền não từ suy nghĩ mà ra, nó là hệ quả của thời gian. Ba năm trước, tôi còn anh trai. Giờ đây, anh ấy từ trần nên tôi thấy cô đơn và đau khổ. Không còn ai để tôi có thể nương tựa nhằm tìm kiếm nguồn an ủi, sự bầu bạn và điều đó làm tôi bật khóc.

Nếu quan sát, bạn có thể thấy toàn bộ diễn trình nội tại này chỉ trong một khoảnh khắc, không mất thời gian nghiền ngẫm, phân tích. Bạn có thể thấy toàn bộ cơ cấu và bản chất của thứ nhỏ nhặt, tồi tệ này, được gọi là cái tôi – nước mắt của tôi, gia đình, quốc gia, niềm tin của tôi… – tất cả những thứ vị kỷ đó đều hiện diện bên trong bạn.

Khi nhìn thấy nó bằng trái tim, không phải bằng trí tuệ, từ tận đáy lòng mình, thì bạn có được chiếc chìa khóa nhằm đoạn tuyệt với sự phiền não. Phiền não và yêu thương không thể đồng hành, nhưng trong thế giới của những niềm tin và giáo điều, sự đau khổ được lý tưởng hóa và tôn thờ; toàn bộ điều này ám chỉ rằng bạn không bao giờ thoát khỏi sự đau khổ, trừ phi thông qua một cánh cửa đặc biệt, cũng là toàn bộ cấu trúc của một tổ chức tâm linh nào đấy đang tận dụng, vơ vét, trục lợi.

Vì vậy, nếu hỏi yêu thương là gì, có lẽ bạn sợ phải đối diện với câu trả lời. Nó có thể gây biến động hoàn toàn, phá tan gia đình bạn, lỡ như bạn phát hiện ra rằng mình không thương yêu vợ chồng, con cái đúng nghĩa thì sao? Bạn có thể phải làm lung lay mái nhà do chính tay mình gây dựng, mọi thứ không bao giờ trở lại khởi điểm được nữa.

Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách "Tự Do Vượt Trên Sự Hiểu Biết" tại: https://bit.ly/tudovltshieubiet-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.

Trạm Đọc trích đăng


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 6, 17/01/2025