Nhưng bạn có bao giờ thử đổi góc độ suy nghĩ và đặt câu hỏi, liệu người em có thật là không tham? Nếu người em hài lòng với cuộc sống vốn có của mình thì hà cớ gì lại bảo vợ may túi ba gang để đi lấy vàng?
Ai cũng có hình mẫu mà mình muốn trở thành và thích khoác lên người vỏ bọc gần giống nhất với hình mẫu đó. Lấy trường hợp câu chuyện ở trên, phải chăng người em cũng đang tự tạo ra hình mẫu cho mình? Anh ta chưa thực sự hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình, chỉ là sự chưa hài lòng đó không đủ lớn để bộc lộ như trường hợp của người anh.
Chúng ta cũng vậy, bạn có nhận ra trong trường hợp khác nhau, chúng ta sẽ có những hình mẫu khác nhau? Ở công ty, chúng ta là một người khác, ở nhà, chúng ta là một người khác và khi bên cạnh những người gần gũi, đáng tin cậy, chúng ta lại là một người khác. Điều kỳ lạ là chúng ta dựng hình mẫu không chỉ cho mình mà còn cả đối phương. Nên trong cuộc đối thoại, chỉ có các hình mẫu đang nói chuyện với nhau thay vì chính chúng ta. Vậy bạn có yêu bản thân mình không khi luôn dùng vỏ bọc để đối diện với cuộc sống? Đó là hành động bảo vệ bản thân hay đang tự ti vì chính bản chất của mình?
Trong “Tự do vượt trên sự hiểu biết”, Krishnamurti đã chỉ ra một sự thật: “Nếu muốn quan sát sự vận động của tâm thức, trái tim và toàn cuộc tồn sinh, bạn phải giữ một tinh thần cởi mở, phóng khoáng. Không phải để tán thành hay bất đồng, thị phi hay chia bè kết phái, xung đột hay gây gổ bằng lời mà là để đồng hành với thành ý thấu hiểu.
Điều này khó lòng thực hiện được, vì hầu hết chúng ta không biết cách nhìn nhận và lắng nghe sự hiện diện của bản thân mình. Khi chỉ trích, biện minh, hoặc lúc tâm trí xao động liên miên, chúng ta không thể nhìn nhận sự việc một cách sáng rõ và cũng không quan sát được cái đang là. Chúng ta chỉ nhìn thấy những ý muốn của mình được phóng chiếu ra mà thôi. Hình tượng mà chúng ta tưởng mình là hoặc mình nên là đã ngăn cản chúng ta nhìn vào cái ta là.”
Khi ta đói, chẳng phải phản ứng tự nhiên chính là chấp nhận cơn đói và tìm kiếm thức ăn sao? Vậy cớ gì ta lại không thể bộc lộ thẳng thắn những điều mình đang nghĩ, đang cảm thấy, hay thể hiện cả con người mình?
Hẳn đó là bởi tình trạng bị khuôn định từ bé của chúng ta. Chúng ta đã được dạy dỗ để theo lề thói xã hội, tôn giáo, truyền thống. Do đó, phản ứng của chúng ta đối với từng vấn đề đều bị tác động bởi những điều kiện sẵn có trong môi trường sống.
Bản chất là thứ xuất hiện ngay từ khi vạn vật hình thành, là đặc trưng cho sự vật, quyết định quá trình biến đổi, phát triển của sự vật. Chẳng hạn như bản chất của gỗ là cứng, của nước là vô dạng, của người là tham. Vậy nên, dù qua bao lâu, trải qua thay đổi thế nào thì thứ bị tác động chỉ là phần vỏ ngoài của sự vật, chứ không phải bản chất của chúng.
Nếu ai cũng bác bỏ bản chất sự vật thì thế giới đã không có một Galileo Galilei dám đứng lên tuyên bố Trái Đất không phải là tâm của vũ trụ. Thảm kịch tàu Titanic năm 1912 đã không xảy ra nếu những người đứng đầu con tàu hiểu rằng không có chiếc tàu nào là không thể chìm.
Một người đàn ông khi đeo đuổi một cô gái thì theo lẽ tự nhiên, anh ta luôn phơi bày những gì tốt đẹp nhất cho cô gái và cố che giấu bản chất thật của mình, vì vậy cái cô gái nhìn thấy là hình mẫu của anh ta chứ không phải chính anh ta. Khi lấy nhau, anh ta không cần thiết phải mang hình mẫu nữa và cô gái cho rằng anh ta thay đổi, câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở cô gái. Từ đó mà những trận cãi vãi liên tiếp xảy ra.
Việc bác bỏ bản chất của nhau khiến chúng ta luôn sống trong sự mâu thuẫn, từ đó gây ra xung đột. Chỉ khi chúng ta nhìn thấy những ảnh hưởng từ việc sống theo khuôn mẫu đi liền với nguy cơ, hiểm họa thì chúng ta mới cương quyết phản ứng, hành động ngay lập tức để cứu lấy mình. Khi ấy, ta mới thực sự là ta.
Chúng ta vẫn luôn mong cầu những người xung quanh sống đúng với con người thực sự của họ, nhưng có mâu thuẫn không khi muốn người khác cởi bỏ vỏ bọc của họ trong khi ta vẫn đang mang vỏ bọc của mình?