Tự do vượt trên sự hiểu biết: Liệu bạn có phải là sản phẩm của thế giới?

02/09/2020 08:30
Tự do vượt trên sự hiểu biết: Liệu bạn có phải là sản phẩm của thế giới?

J.Krishnamurti là nhà triết học thông thái. Ông dạy con người khám phá thế giới nội tâm phong phú, hiểu về nguyên nhân gây đau khổ của con người, để họ kiểm soát và hướng đến tự do trong cả tâm hồn.

Con đường đi tìm bản ngã lắm chông gai

Niềm đau đáu của ông bắt nguồn từ nghi vấn, liệu con người là thực thể của chính mình hay là sản phẩm được tạo ra trên khuôn mẫu xã hội ? Trên đó tác giả đưa ra những lí luận cho thấy rằng bạn đã luôn hiểu sai về bản chất con người. Dẫu cho cả cuộc đời họ luôn cố gắng đi tìm bản ngã, nhưng nếu không áp dụng đúng phương pháp,chúng ta sẽ mục rỗng, hao mòn dần cho đến điểm tận cùng thế giới. Thực chất con người đã luôn sống như robot, học những định nghĩa có sẵn từ người khác, học cách phân định đúng sai của xã hội, học quan điểm thành công được đúc kết từ ngàn năm về trước và truyền cho cho các thế hệ sau. Vậy sự phát triển này có thay đổi được hay không? Bản năng con người luôn chống lại sự áp đặt cho đến sự tiếp nhận thông tin bị động.

Tuy nhiên đa số chúng ta đều sống dựa trên những chuẩn mực của xã hội, chúng thẩm thấu vào suy nghĩ, hành động đến nỗi chúng ta khó có thể nhận ra. Tất cả hành động nổi loạn, đi ngược chuẩn mực xã hội hay thể hiện rằng mình khác biệt với đám đông cũng là hình thức đấu tranh bên ngoài mà thôi. Để thoát khỏi các chuẩn mực xã hội và khám phá bản ngã, bạn cần tìm hiểu đến nguồn gốc ngọn ngành của vấn đề.  “Tức là, tạo sự thay đổi to lớn từ nội tâm hướng ra bên ngoài.”

J. Krishnamutri là nhà triết học, ông đã đi khắp thế giới để truyền bá tư tưởng của mình và cứu rỗi tâm hồn hàng triệu con người. Ông được sinh ra với sứ mệnh đặc biệt : tìm hiểu bản chất sâu xa và nguồn gốc suy nghĩ của con người, từ đó khiến con người hiểu rõ về bản thân của mình, sống trọn vẹn ở hiện tại. Đọc sách của ông, chúng ta cần đọc rất chậm : “Nếu bạn chú tâm hoàn toàn trong quá trình đọc cuốn sách này, thì đó chính là thiền.”

Có lẽ mọi thứ bắt đầu đơn giản nhất, khi bạn là con người của thực tại, không bị ngăn cách bởi tư duy và hành động, quá khứ và tương lai. Chân lí chính là vùng đất màu mỡ không có lối vào. Bởi đường bạn đang đi chính là hành trình tìm kiếm không có đích đến, mà ở đó từng lớp vỏ trong con người bạn được bóc tách cho đến khi ta nhìn thấy được trái tim, nhìn thấy tâm hồn từ thuở sơ khai, chân thực nhất. Hãy giải thoát bản thân khỏi những hận thù, ganh tị, kể cả niềm vui sướng, được gọi là khoái lạc.

Khoái lạc bắt nguồn từ an vui, là một trong những nguyên nhân gây đau khổ. Chúng tồn tại trong kí ức mỗi người, được tái hiện nhiều lần khiến con người mong ước, thèm khát nó để rồi thành đích đến phấn đấu, lỡ như thất bại mà sinh ra đau thương, buồn khổ. Chúng như những kẻ săn mồi thông minh, ẩn nấp trong tế bào thần kinh, kích thích ta dưới hình thức kỉ niệm đẹp đẽ. Trong khi đó, hiện tại thực tiễn khiến ta mâu thuẫn với mong ước của mình, làm ta muốn mà không có được, dằn vặt giữa hiện thực và khao khát. Chỉ khi nào bạn bình tâm chính mình, trao đi tất cả yêu thương mà không toan tính, không nghĩ ngợi đến tương lai, bằng trái tim thuần khiết nhất, đó chính là bình cảnh tự do vượt qua cảm xúc.

Nỗi sợ không đáng sợ như bạn nghĩ

Nỗi lòng của ta còn xuất phát từ sự sợ hãi: sợ hãi những điều chưa biết trước, thấp thỏm lo lắng khi nó còn chưa đến. “Sự dịch chuyển từ tình trạng chắc chắn đến mông lung là điều gây sợ hãi.”Khi đó, liệu bạn sẽ đối mặt hay né tránh? Sự thật là càng né tránh, nỗi sợ càng tăng lên và tâm thức – bao gồm não bộ - cố gắng vượt qua bằng trấn áp, diễn dịch khác đi, đè nén khiến ta tiêu hao năng lượng trở nên cạn kiệt. Chỉ khi ta sống một cách đủ đầy, chấp nhận quy luật của thời gian và cuộc sống, thấu hiểu bằng trái tim, bạn sẽ tự do khỏi nỗi sợ hãi. Để hòa hợp với nỗi sợ sống động, tâm thức ta phải vô cùng tinh tế, không bao giờ phán xét. Đồng thời ta cần nối không gian với thời gian của tình huống, để nỗi sợ dung hòa với người quan sát, trở thành phần cơ thể, không thể tác động đến suy nghĩ và tâm trạng chủ thể. Từ đó nỗi sợ được khống chế hoàn hảo.

Bạo lực tinh thần - mầm mống gây nên đau khổ

Giải phóng con người khỏi bạo lực tinh thần: liệu bạo lực có thể triệt để hoàn toàn hay không. Thực chất, chúng ta luôn mang trong mình mầm mống của sự bạo lực. Nó được thể hiện ngay cả khi tranh luận gay gắt vì bất đồng ý kiến, khi ta sử dụng ngôn từ gây tổn thương, cả khi chúng ta bị từ chối. Về mặt thân thể, bạo lực chính là hành vi gây tổn thương vật lý. Tuy nhiên người ta lại vô tình xem nhẹ bạo lực tinh thần trong khi tác hại lại vô cùng to lớn. Nó là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến xung đột vũ trang, các cuộc bạo động, đặc biệt cuộc đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc mạnh mẽ những năm 80.

Vì vậy  “thoát khỏi bạo lực quan trọng hơn cả đối với tôi, trên cả tình dục, thực phẩm và địa vị bởi nó đang làm tôi mục rỗng dần đi. Nó hủy hoại cả tôi và thế gian, vậy nên tôi muốn thấu hiểu triệt và vượt trên nó.”

Trong cuộc chiến dai dẳng, con người cần có khí cụ sắc bén, chính là khi tâm trí được mài mòn bén nhọn như kim cương. Để chống lại bạo lực, bạn cần nhìn thẳng vào vấn đề của mình.

“Đừng phán xét cơn giận của mình, trong khoảnh khắc bạn chỉ trích mặt trái của nó, tầm nhìn của bạn bị che kín, ngăn bạn thấy được hiện trạng. Việc bạn ghét bỏ người khác, dù điều đó nghe thật khủng khiếp, đó là sự thật. Nếu bạn nhìn và đi vào nó một cách trọn vẹn, nó ngừng lại. Nhưng nếu bạn cấm mình ghét bỏ, chỉ được yêu thương, thì điều đó ấn chìm bạn vào một thế giới đạo đức giả với các tiêu chuẩn kép. Sống hoàn toàn, trọn vẹn trong khoảnh khắc chính là sống với hiện trạng và sự thật – trong đó không có bất cứ động thái chỉ trích hoặc bào chữa nào – giúp bạn hiểu và nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, toàn vẹn đến mức không còn vướng kẹt vào nó.

Học chết một cách đúng đắn

Một trong những vấn đề khiến ta phiền não chính là cái chết. Sự kì bí về cái chết khiến chúng ta sống trong âu lo sợ hãi. Chúng ta nghĩ rất nhiều về cái chết, về những điều sẽ xảy ra trong tâm linh và cả thực thể sau khi ta rời thế gian này. Nghịch lí là cái chết song hành trong cả sự sống, bạn không thể sống trọn vẹn từng phút giây mà không giết chết thời gian ngày hôm qua. Tò mò về cái chết ngăn cách con người với vẻ đẹp thực tại – ngăn cách bởi thời gian về mặt tâm lý, là khoảng cách giữa ý niệm và hành động. “Khoảng cách chứa đựng toàn bộ phạm trù thời gian, về bản chất, khoảng cách đó cũng chính là suy nghĩ”. Thời gian tâm lý gây nên đau khổ. Chúng ta thường hoài niệm về kí ức tốt đẹp, kỉ niệm ấm áp với gia đình, hay đau lòng vì những người thân đã mất đi. Đến bao giờ, con người có thể đặt quá khứ và tương lai ra khỏi bản thân, thoát khỏi dòng thời gian tâm lý, loại bỏ ngăn cách hành động lẫn ý niệm, và học chết một cách đúng đắn, ta sẽ tự do.

“Hãy chết đi cùng những lạc thú của chính mình, theo một cách rất tự nhiên, không cưỡng ép hoặc tranh cãi, để tâm trí hoàn toàn trống rỗng, không còn khát khao, khoái lạc và khổ đau mỗi ngày. Chết để cách tân và biến đổi, mà không viện đến suy nghĩ cũ kỹ, và cái chết mang lại những điều mới mẻ.”

Gánh nặng tâm lý – Tâm trí tĩnh lặng

Những gánh nặng thường ngày khiến tâm trí ta luôn xao động, và nặng nề. Họ luôn nghĩ về nó – những khó khăn đã gặp trong quá khứ, trách nhiệm trong hiện tại, sự vô định trong tương lai. Cuộc sống là đi giải quyết những vấn đề xảy ra. Cứ như vòng tuần hoàn được lặp đi lặp lại, bạn chỉ càng lún sâu và không có cách nào thoát khỏi định kiến, áp lực do xã hội và bản thân mình tạo ra. Chỉ khi chúng ta giải quyết vấn đề ngay lập tức, bỏ đi quyền lợi và nghĩa vụ tương lai, tâm trí mới tĩnh lặng. Ta còn thấu triệt sâu sắc những ham muốn, khoái lạc hay nguyên nhân gây đau khổ, và bình thản khi nhìn vào chúng. Tâm trí tĩnh lặng mang lại tâm hồn bình an, điều mà thiền định hướng đến. Tâm trí tĩnh lặng còn giúp bạn vượt trên sự hiểu biết trong quá khứ, đón nhận với tâm thái bình ổn, tươi mới và thấu đáo tương lai.

Trải nghiệm – Thỏa mãn 

Sự nghèo nàn của nội tâm biểu hiện qua mong muốn thoát khỏi bản thân thông qua những trải nghiệm, nhưng hiện trạng mới là tác nhân chi phối mọi thứ. Nếu tâm trí nhỏ nhen, đố kỵ, đầy lo âu, nó có thể nếm trải ảo giác nhờ các chất kích thích mới nhất, nhưng trên thực tế cũng chỉ thấy được những hình ảnh, tạo vật, sự phóng chiếu hèn mọn dựa trên cái nền tảng hạn hẹp, bị chi phối của chính nó.”

Liệu có phải ta cứ loay hoay mãi để tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài mà quên mất rằng chỉ có xây dựng nền tảng vững chắc tâm hồn mới là phương pháp duy nhất để xây dựng cuộc sống như ý. Để được tĩnh lặng, nhu cầu là thứ cần phải từ bỏ. Bạn cần hiểu rõ bản chất của nhu cầu. Nó đến từ hai mặt đối lập – nhị nguyên. Giả sử nền tảng của hạnh phúc xây trên sự bất hạnh, có so sánh với bất hạnh mới thấy được mình hạnh phúc. Nhu cầu khiến ta xây lên hình tượng cho mọi thứ ta muốn, rằng ta phải đi trên hành trình chinh phục đạt được thành công. Điều đó khiến tâm trí ta luôn dao động, tìm kiếm những điều phù phiếm. Chỉ khi trọn vẹn yêu thương, tâm tĩnh lặng, nhìn vào một vật, một việc như nó đang là, tâm trí mới được giải phóng.

Thay cho lời kết

J.Krishnamurti là nhà triết học thông thái. Ông nhìn nhận mọi thứ trên bản chất của chúng với sự tự do vượt trên hiểu biết. Từ bỏ những điều đã biết, bạn mới có thể đón nhận sự vật với tâm thái cởi mở, mới phân tích sự vật, sự việc khách quan và mới lạ như đúng bản chất của chúng. Ông còn dạy con người khám phá thế giới nội tâm phong phú, hiểu về nguyên nhân gây đau khổ của con người, để họ kiểm soát và hướng đến tự do trong cả tâm hồn.

Tác giả: Thảo Phương – Bookademy

Hình ảnh: Thu Nguyệt


Gửi bình luận
(0) Bình luận