Tự do đầu tiên và cuối cùng: 21 bài học giúp bạn hiểu hơn về chính mình

22/08/2020 08:30
Tự do đầu tiên và cuối cùng: 21 bài học giúp bạn hiểu hơn về chính mình

Ai trong chúng ta cũng đã và đang băn khoăn đi tìm lẽ sống cho riêng mình. Nhưng có mấy ai hiểu được chính mình hay vẫn đang huyền huyễn, ảo tưởng, mơ hồ về bản thân? Cùng đọc cuốn sách Tự do đầu tiên và cuối cùng của Jiddu Krishnamurti, bạn sẽ có cái nhìn minh triết hơn về vấn đề này.

Đôi nét về tác giả

Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986) là một triết gia, một nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông được mệnh danh là “đại hiền triết” của thế kỷ XX. Các chủ đề ông thường hướng tới là: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội. Ông đã soi sáng cuộc đời của hàng triệu người trên khắp thế giới. Ông tạo ra ý nghĩa mới mẻ và căn bản cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả các tôn giáo. Ông can đảm đối diện với các vấn đề của xã hội và phân tích bằng sự rõ ràng, tính khoa học những hoạt động tâm trí của con người.

Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở hay kinh sách mà dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị khuôn định của con người. Ông không trình bày bất kì triết thuyết nào, trái lại chỉ nói về những sự việc có liên quan đến tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

Cuốn sách Tự do đầu tiên và cuối cùng

Trong tuyển tập này, độc giả sẽ tìm thấy một tuyên bố rất hiện đại và rõ ràng về vấn đề nền tảng của con người: “Hiểu chính mình”, cùng với đó là lời mời giải quyết vấn đề đó bằng giải pháp duy nhất khả dĩ – cho bạn và bởi chính bạn. Trước khi chúng ta bắt đầu hành trình tìm kiếm thực tại, tìm kiếm thượng đế, trước khi có thể hành động, trước khi có thể có bất cứ mối quan hệ nào với người khác (ở đây là xã hội), thì nhất thiết chúng ta phải bắt đầu hiểu mình.

21 chương – 21 bài học để tự hiểu chính mình

Đa số chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Mỗi người trong chúng ta mong muốn thứ gì? Đặc biệt trong thế giới xao động này, nơi mọi người đang cố gắng mưu cầu loại bình an, hạnh phúc nào đó, một nơi để ẩn náu, thì chắc chắn tìm ra thứ chúng ta đang cố kiếm tìm, đang cố khám phá là điều rất quan trọng. Có lẽ đa phần chúng ta ai cũng đang mưu cầu một loại hạnh phúc, bình an nào đó. Chúng ta tìm đến những tổ chức, những bậc thầy, những tôn giáo để thỏa mãn thứ hạnh phúc của bản thân. Có lẽ bạn chỉ đang tìm kiếm sự thỏa mãn thôi bởi chắc chắn rằng, bạn không thể tìm kiếm hạnh phúc. Bạn có thể đi lang bạt khắp địa cầu nhưng rồi bạn cũng phải trở lại với chính mình. Bạn càng hiểu chính mình thì mọi sự sẽ càng sáng tỏ. Việc tự hiểu mình không có điểm dừng – bạn không đạt được một thành tựu nào, cũng chẳng đi tới một kết luận nào cả. Đó là một dòng sông bất tận. Khi càng tìm hiểu nó, càng thâm nhập vào nó, người ta sẽ thấy sự bình an.

Hãy nhớ rằng, bạn là thế nào thì thế giới là thế đó. Vì vậy, vấn đề của bạn là vấn đề của cả thế giới. Chúng ta là những người tạo thành xã hội, là những người gây ra sự hỗn loạn hoặc tạo nên trật tự bằng chính lối sống của mình. Vì vậy chúng ta phải bắt đầu từ những điều gần gũi nhất, tức là phải quan tâm tới chính mình trong sự tồn tại mỗi ngày, trong những suy nghĩ, cảm nhận và hành động mỗi ngày.

21 chương của cuốn sách là 21 vấn đề, 21 bài học giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn, bao quát hơn về chính mình, từ đó mà nhận thức được giá trị của bản thân trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả thế giới. J. Krishnamurti đưa bạn đi từ những vấn đề cơ bản nhất như niềm tin, nỗi sợ đến những thứ vĩ mô hơn như sự vị kỉ, tính tương giao hay bản ngã của mỗi người,… Qua mỗi chương sách, việc đi tìm để hiểu chính mình của bạn sẽ trở nên rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Đừng nghĩ Krishnamurti là một nhà tư tưởng, một triết gia mà cho rằng những thứ tác giả truyền đạt là giáo điều, là ngôn từ cao siêu, khó hiểu,… Ông luôn muốn đem đến cho chúng ta những gì đơn giản nhất, gần gũi mà dễ hiểu nhất để bất cứ ai sau khi đọc xong cuốn sách đều thấy được cốt lõi vấn đề. Quả đúng như vậy, hiểu mình không phải điều dễ dàng, cũng chẳng phải ngày một ngày hai, càng không phải hiểu xong là xong. Hiểu chính mình là một quá trình lâu dài, trong từng khoảnh khắc, qua tấm gương của các mối quan hệ - quan hệ với tài sản, với con người và với những ý niệm.

 

 

38 câu hỏi – 38 mốc thang trong cuộc hành trình hiểu chính mình

Đã bao giờ bạn ngồi lại và nghĩ về những gì đã qua chưa? Đã có khi nào bạn cảm thấy cô đơn, trống rỗng, sợ hãi trước một điều gì đó chưa? Có bao giờ bạn thắc mắc về những cái đã biết và chưa biết, về niềm vui và nỗi buồn của con người, về những thứ mà bạn vẫn đang cho là chân lý? Trên thực tế, chúng ta vẫn đang sống và mỗi giây phút ta có mặt ở hiện tại là sự nỗ lực không ngừng nghỉ để hiểu chính mình, để tự vấn, để nhận thức, khám phá và thay đổi thế giới. Như Henri Frederic Amiel nói: “Learn to… be what you are, and learn to resign with a good grace all that you are not” (Học… học để là chính mình và học để từ bỏ với vẻ thanh cao những gì không phải là mình). Học hỏi là điều mà chúng ta cần tích lũy không ngừng, đặc biệt nếu bạn đang muốn hiểu chính mình thì sự học hỏi ấy lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Sau 21 chương sách, Krishnamurti đưa ra 38 câu hỏi cùng với đó là lời giải đáp chi tiết cho những câu hỏi đó.

Đúng như tên gọi của cuốn sách - Tự do đầu tiên và cuối cùng – đích đến của cuốn sách chính là hướng người đọc đến sự tự do. Tự do ở đây không phải là sự giải thoát về mặt thể xác, tự do theo như Krishnamurti chính là sự tự do hoàn toàn từ bên trong, nó tồn tại trong tâm trí của mỗi người. Chỉ khi có được sự tự do đầu tiên và cuối cùng này, con người mới loại bỏ được những hoạt động vị ngã như những xung đột, những mối nguy hại, lừa dối có mục đích. Chỉ khi những hoạt động vị ngã đó dừng lại, tình yêu thương và nhận thức đúng đắn sẽ xuất hiện, con người mới có thể giải quyết triệt để các vấn đề gây khủng hoảng, chấm dứt chiến tranh, đau khổ, suy sụp,… Đây là tư tưởng trọng yếu và bao quát trong tất cả các tác phẩm của Krishnamurti.

Nếu như vậy thì đâu là mấu chốt để đạt được sự tự do ấy? Câu trả lời nằm ở sự tĩnh lặng trong tâm trí. Tâm trí tĩnh lặng khi nó nhìn thấy sự thật rằng việc hiểu chỉ đến khi tâm thanh tịnh, rằng nếu bạn muốn hiểu người thì bạn phải tĩnh lặng, bạn không thể có những phản ứng chống lại họ. Chỉ khi tâm trí được giải thoát khỏi sự quy định của bản thân thì bạn mới có thể hiểu được. Khi bạn hiểu được sự thật đó, tâm trí mới trở nên tĩnh lặng – và khi đó không có vấn đề nào về việc làm sao để tâm trí thanh tịnh nữa.

Nhiều người tìm kiếm sự tĩnh lặng trong tâm trí mà thoát ly khỏi cuộc sống năng động hàng ngày để ẩn cư trong một ngôi làng, một tu viện, trên núi, hoặc họ thoát lui vào những ý niệm, họ bó buộc bản thân trong một tín ngưỡng, hoặc tránh những kẻ gây phiền toái cho họ. Sự cách ly đó không phải sự tĩnh lặng của tâm trí. Sự bó buộc ấy không mang lại bất cứ một sự tĩnh lặng nào cả. Tâm trí tĩnh lặng là tâm trí hoạt động tích cực nhất, nhưng nếu bạn thử nghiệm với nó, thâm nhập vào nó thì bạn sẽ thấy không có sự thâm nhập, phóng chiếu tư duy ra bên ngoài. Tư duy, ở mọi cấp độ của nó, hiển nhiên là phản ứng của ký ức và tư duy không bao giờ trong trạng thái sáng tạo. Nó có thể biểu lộ sự sáng tạo, nhưng tự nó không bao giờ sáng tạo. Khi có sự im lặng, sự tĩnh lặng của tâm trí mà không phải là kết quả thì chúng ta sẽ thấy rằng, trong sự thanh tịnh đó, có hoạt động phi thường – một hành động phi thường mà tâm trí tư duy kích động không bao giờ biết được.

Chúng ta sống nhưng không biết lý do tại sao. Đối với nhiều người, cuộc đời như chẳng có ý nghĩa gì. Vậy bạn định nghĩa cuộc đời là như thế nào? Nó có ý nghĩa, có mục đích không? Chẳng phải việc sống đã trả lời cho câu hỏi đó rồi hay sao. Nhưng chúng ta lại chẳng hài lòng với câu trả lời đó. Chúng ta đòi hỏi nhiều hơn. Chúng ta bất mãn với chính cuộc đời mình. “Ôi, sao mà nó tẻ nhạt, nhàm chán như thế?”, “Toàn những công việc lặp đi lặp lại, những người nhạt nhẽo với những câu chuyện chán ngắt”,… bao nhiêu thứ bạn cho là vô nghĩa vẫn cứ hàng ngày, hàng giờ bủa vây bạn. Điều đó khiến chúng ta muốn làm điều gì đó nhiều hơn, vượt xa hơn những gì chúng ta đang làm.

Mục đích lớn nhất của chúng ta khi sống trong cuộc đời này là làm sao để cuộc sống trở nên phong phú, không phải với tiền bạc và với những thứ đại loại vậy, mà phong phú về mặt nội tâm. Nhưng tại sao cuộc đời chúng ta vẫn trống rỗng thế? Tại sao chúng ta cô đơn, thất vọng thế? Bởi vì chúng ta không bao giờ nhìn vào chính mình và hiểu chính mình. Chúng ta không bao giờ thú nhận với chính mình rằng cuộc đời này là tất cả những gì chúng ta biết, do đó, nó nên được hiểu một cách đủ đầy và trọn vẹn nhất. Để tìm thấy mục đích cuộc đời, chúng ta phải đi qua cánh cửa của chính mình.

Lời kết:

Tự do đầu tiên và cuối cùng tập hợp những bài nói chuyện và giải đáp thắc mắc trực tiếp của chính Krishnamurti trong các buổi diễn thuyết. Mỗi một bài nói chuyện được chia thành những chủ đề đi thẳng vào phần nội tâm, bản ngã con người như niềm tin, ý niệm, tâm trí, sự thù hận, quyền lực, nhận thức… hay những chủ đề cụ thể như cầu nguyện, thiền, chiến tranh,… Cuốn sách là tập hợp đồ sộ và bao quát tư tưởng, góc nhìn, nhận xét sâu sắc của Krishnamurti đối với các vấn đề của từng con người và toàn thể nhân loại. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1954, sau hơn 60 năm, cuốn sách Tự do đầu tiên và cuối cùng, cùng những lời giảng dạy của đại hiền triết Krishnamurti vẫn để lại những giá trị vô cùng to lớn, có thể nói là “vượt thời gian”. Đây là cuốn sách không thể bỏ qua với những người yêu tri thức và mong muốn hoàn thiện mình.

Review và hình ảnh: Kim Chi - Bookademy


Gửi bình luận
(0) Bình luận