Tự do đầu tiên và cuối cùng - Chúng ta thực sự tìm kiếm điều gì: Thấu hiểu bản thân để đi tìm hạnh phúc

15/07/2020 08:30
Tự do đầu tiên và cuối cùng - Chúng ta thực sự tìm kiếm điều gì: Thấu hiểu bản thân để đi tìm hạnh phúc

Trích dẫn chương 2, cuốn sách "Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng"

Đa số chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Mỗi người trong chúng ta mong muốn thứ gì? Đặc biệt là trong thế giới xao động này, nơi mọi người đều đang cố gắng mưu cầu loại bình an, hạnh phúc nào đó, một nơi để ẩn náu, thì chắc chắn tìm ra thứ chúng ta đang cố kiếm tìm, đang cố khám phá là điều rất quan trọng, phải vậy không? Có lẽ đa phần chúng ta ai cũng đang mưu cầu một loại hạnh phúc, bình an nào đó.

Trong một thế giới bị tình trạng rối loạn, chiến tranh, bất hòa, xung đột đè nặng, chúng ta mong muốn một nơi có thể cho ta chút bình an nào đó để trú ẩn. Tôi nghĩ đó là điều mà đa số chúng ta mong muốn. Vì vậy, chúng ta theo gót, dựa dẫm vào hết lãnh đạo này tới lãnh đạo khác, hết tổ chức tôn giáo này tới tổ chức tôn giáo khác, hết bậc thầy này tới bậc thầy khác.

Vậy thì, có phải chúng ta đang tìm kiếm hạnh phúc không, hay chúng ta đang đi tìm sự thỏa mãn từ thứ gì đó mà chúng ta hy vọng có được hạnh phúc nhờ nó? Thật ra có sự khác biệt giữa hạnh phúc và sự thỏa mãn. Bạn có thể tìm kiếm hạnh phúc không? Có lẽ bạn có thể tìm kiếm sự thỏa mãn, nhưng chắc chắn bạn không thể tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc mang tính phái sinh. Nó là sản phẩm phụ của một thứ khác.

Vì vậy, trước khi đặt tâm trí và trái tim mình vào thứ gì đòi hỏi rất nhiều sốt sắng, chú tâm, tư duy và cẩn trọng, chúng ta phải tìm ra điều mà chúng ta đang kiếm tìm, phải vậy không, dù đó là hạnh phúc hay sự thỏa mãn. Tôi e rằng đa phần chúng ta đều mưu cầu sự thỏa mãn. Chúng ta muốn được hài lòng, chúng ta muốn tìm cảm giác đầy đủ, trọn vẹn ở cuối cuộc tìm kiếm của mình.

Suy cho cùng, nếu một người đang mưu cầu sự bình an, thì họ có thể tìm thấy nó rất dễ dàng. Họ có thể hiến dâng bản thân một cách mù quáng cho một mục tiêu, ý tưởng nào đó và nương náu trong đó. Song chắc chắn rằng điều này không giải quyết được vấn đề. Chỉ đơn thuần cô lập trong một quan niệm khép kín không phải là cách để thoát khỏi xung đột. Vì vậy, chúng ta phải tìm kiếm ở nội tâm cũng như ngoại giới điều mà mỗi người trong chúng ta mong muốn, phải vậy không?

Nếu tường tận về vấn đề đó, thì chúng ta sẽ không phải đi tới bất cứ nơi nào, tìm bất kỳ vị thầy nào, hay viện đến bất cứ giáo hội, tổ chức nào. Do đó, khó khăn của chúng ta là tự mình thấu triệt về ý định của chúng ta, phải vậy không? Liệu chúng ta có thể thấu triệt được không? Và có phải sự rõ ràng, minh triết đó xuất hiện thông qua việc tìm kiếm, cố gắng tìm ra điều mà những người khác nói, từ một bậc thầy cao siêu cho tới một nhà thuyết giáo bình thường ở nhà thờ gần nhà bạn?

Bạn có từng phải tham vấn ai đó để tìm ra chưa? Dù sao đó cũng là điều chúng ta vẫn đang làm, phải vậy không? Chúng ta đọc vô số sách, chúng ta tham dự nhiều buổi hội họp và thảo luận, chúng ta gia nhập nhiều tổ chức khác nhau – bằng cách đó cố gắng tìm ra phương thuốc cho sự xung đột, cho những đau khổ trong cuộc sống của mình. Hoặc nếu không làm tất cả những điều đó, thì chúng ta nghĩ rằng mình đã tìm được. Tức là chúng ta cho rằng một tổ chức, một vị thầy hay một cuốn sách cụ thể nào đó đã giúp chúng ta thỏa mãn. Chúng ta đã tìm thấy mọi thứ mình muốn tìm trong đó. Và chúng ta cứ kết tinh và tự nhốt mình trong đó.

Xuyên suốt tất cả sự hỗn loạn này, chẳng phải chúng ta đang tìm kiếm thứ gì đó vĩnh cửu, trường tồn hay sao, thứ gì đó mà chúng ta gọi là sự thật, Thượng Đế, chân lý, hoặc gì đó – tên gọi không quan trọng, vì chắc chắn ngôn từ không phải là vấn đề lớn. Vì vậy, đừng để mình bị mắc kẹt vào ngôn từ. Hãy để điều đó lại cho những diễn giả chuyên nghiệp.

Có phải bạn tìm kiếm điều gì vĩnh cửu không? Với hầu hết chúng ta, đó là thứ chúng ta bám lấy, thứ sẽ cho chúng ta sự bảo đảm, hy vọng, nhiệt tình, chắc chắn lâu dài, bởi vì trong chính mình, chúng ta rất bấp bênh, phải vậy không? Chúng ta không hiểu chính mình. Tuy biết nhiều kiến thức, nhiều sách vở từ chương, song chúng ta không biết chính mình, chúng ta không có trải nghiệm hay thể nghiệm trực tiếp.

Và điều mà chúng ta cho là vĩnh cửu là gì? Cái mà chúng ta tìm kiếm, cái sẽ, hoặc chúng ta hy vọng nó sẽ, cho chúng ta sự vĩnh cửu là gì? Chẳng phải chúng ta đang tìm kiếm hạnh phúc trường tồn, sự thỏa mãn lâu dài, sự chắc chắn lâu bền sao? Chúng ta muốn điều gì đó sẽ tồn tại mãi mãi để thỏa mãn cho mình. Nếu chúng ta tự tước bỏ khỏi bản thân tất cả lời nói và từ ngữ và thực sự nhìn vào nó, thì đây là điều chúng ta mong muốn. Chúng ta muốn niềm vui lâu bền, sự thỏa mãn trường tồn – mà chúng ta gọi là chân lý, Thượng Đế, hay bất cứ cái tên nào khác.

Đúng vậy, chúng ta muốn vui. Có lẽ khẳng định thẳng thừng như vậy thật thô lỗ, song nó thực sự là điều chúng ta muốn – kiến thức sẽ cho chúng ta niềm vui, kinh nghiệm sẽ cho chúng ta niềm vui, một sự thỏa mãn không bị tàn úa ngay ngày mai. Chúng ta đã trải nghiệm những sự thỏa mãn khác nhau và chúng đều phai tàn. Do đó, chúng ta giờ đây hy vọng tìm ra một sự thỏa mãn trường tồn trong thực tại, trong Thượng Đế. Chắc chắn đó là điều mà chúng ta đều đang tìm kiếm – dù là người thông minh hay kẻ khờ khạo, nhà lý luận hay con người thực tế đang đeo đuổi điều gì đó. Và liệu có sự thỏa mãn trường tồn không? Liệu có thứ gì tồn tại vĩnh cửu không?

Bây giờ, nếu bạn tìm kiếm sự thỏa mãn lâu dài, đặt cho nó cái tên Thượng Đế, chân lý, hay tên nào mà bạn muốn – bởi vì danh xưng không quan trọng – thì chắc chắn bạn phải hiểu thứ mà bạn đang tìm, phải vậy không? Khi nói “Tôi đang tìm kiếm hạnh phúc trường tồn” – Thượng Đế, chân lý, hay bất cứ tên gì bạn thích – chắc bạn cũng phải hiểu cái gì đang đi tìm, tức là hiểu người tìm kiếm chứ? Bởi vì có thể chẳng có gì là an toàn vĩnh viễn, hạnh phúc trường tồn. Chân lý có thể là điều gì đó hoàn toàn khác biệt. Và tôi nghĩ nó là tuyệt đối khác biệt với cái bạn có thể thấy, nhận thức, trình bày một cách rõ ràng, chính xác.

Do đó, trước khi chúng ta tìm kiếm thứ gì đó vĩnh cửu, chẳng phải đương nhiên là rất cần hiểu người tìm kiếm hay sao? Có phải người tìm kiếm khác với thứ mà họ đang kiếm tìm không? Khi bạn nói “Tôi đang tìm kiếm hạnh phúc”, thì có phải người tìm kiếm khác với đối tượng cho cuộc tìm kiếm của họ? Có phải người suy nghĩ thì khác với suy nghĩ? Chẳng phải chúng là một hiện tượng chung, thay vì là những quá trình riêng rẽ hay sao? Do đó, điều thiết yếu là phải hiểu người tìm kiếm, trước khi cố gắng khám phá điều mà họ đang kiếm tìm, phải vậy không?

Vì vậy, chúng ta phải đi vào trọng tâm khi tự vấn một cách thực sự nghiêm túc và sâu sắc rằng liệu ai đó có thể trao cho chúng ta bình an, hạnh phúc, thực tại, Thượng Đế, hoặc bất cứ thứ gì bạn thích hay không. Liệu cuộc tìm kiếm không ngừng này, niềm khao khát này có thể cho chúng ta cảm giác về thực tại phi thường, cho chúng ta bản thể sáng tạo vốn chỉ xuất hiện khi chúng ta thực sự hiểu chính mình hay không? Có phải tự biết mình xuất hiện thông qua việc tìm kiếm, thông qua việc theo gót ai đó, thông qua việc thuộc về một tổ chức đặc biệt hay thông qua việc đọc sách,… hay không?

Suy cho cùng, vấn đề chủ yếu là khi tôi không hiểu chính mình thì tôi không có cơ sở để tư duy, vậy thì tất cả việc tìm kiếm của tôi sẽ hão huyền, vô nghĩa, phải vậy không? Tôi có thể trốn vào những ảo tưởng, tôi có thể chạy trốn khỏi sự ganh đua, sự xung đột và tranh chấp, tôi có thể sùng bái người khác, tôi có thể tìm kiếm sự cứu rỗi từ người khác. Nhưng chỉ cần tôi không hiểu chính mình, chỉ cần tôi không nhận thức được về toàn bộ quá trình của chính mình, thì tôi không có cơ sở để tư duy, để gây ảnh hưởng và để hành động.

Song chẳng mấy ai muốn hiểu chính mình. Chắc chắn rằng đó là nền tảng duy nhất để chúng ta có thể tạo dựng. Nhưng trước khi có thể tạo dựng, trước khi có thể biến chuyển, trước khi có thể chỉ trích hay phá hủy, chúng ta phải hiểu chính mình. Ra ngoài tìm kiếm, đổi hết giảng sư này đến bậc thầy khác, thực hành yoga, điều hòa hơi thở, hành lễ, theo gót các bậc đạo sư và đại loại như vậy, đó toàn là những việc vô ích, phải không? Nó chẳng có ý nghĩa gì, mặc dù chính những người mà chúng ta tôn sùng có thể nói rằng “Hãy tự hiểu mình”, bởi vì chúng ta thế nào, thì thế giới sẽ thế đó. Nếu chúng ta nhỏ nhen, bần tiện, ganh tỵ, rỗng tuếch, tham lam, thì đó là điều chúng ta tạo ra quanh mình và đó là xã hội mà chúng ta đang sống.

Theo tôi, trước khi chúng ta bắt đầu hành trình tìm kiếm thực tại, tìm kiếm Thượng Đế, trước khi có thể hành động, trước khi có thể có bất cứ mối quan hệ nào với người khác, ở đây là xã hội, thì nhất thiết chúng ta phải bắt đầu hiểu chính mình trước tiên. Tôi cho rằng một người đứng đắn là người phải để hết tâm trí vào vấn đề này trước nhất, chứ không phải quan tâm việc làm thế nào để đạt một mục tiêu đặc biệt nào đó, bởi vì nếu bạn và tôi không hiểu chính mình, thì làm sao bằng hành động của mình, chúng ta có thể tạo ra sự biến chuyển trong xã hội, trong các mối tương giao hay trong bất cứ điều gì chúng ta làm? Và rõ ràng, hiểu mình không có nghĩa là đối nghịch, hay tách rời với các mối quan hệ. Đương nhiên, nó không có nghĩa là nhấn mạnh vào cá nhân, vào bản thân mình, để đối nghịch với đám đông, đối nghịch với người khác.

Vậy nếu không hiểu chính mình, không hiểu lối tư duy của riêng bạn và lý do tại sao bạn suy nghĩ như vậy, không biết bối cảnh của sự ảnh hưởng, tác động lên bạn và tại sao bạn có niềm tin nào đó về nghệ thuật và tôn giáo, về quốc gia của bạn, láng giềng của bạn và về chính mình, thì làm sao bạn có thể suy nghĩ một cách đúng đắn về bất cứ chuyện gì? Khi không hiểu về bối cảnh của bạn, không hiểu cốt lõi việc tư duy của bạn và nó đến từ đâu, thì chắc chắn sự tìm kiếm của bạn là hoàn toàn vô ích, và hành động của bạn cũng vô nghĩa, phải vậy không? Cho dù bạn là người Mỹ, người Hindu giáo, hay một tôn giáo nào đi nữa, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Trước khi chúng ta có thể tìm ra cứu cánh của cuộc đời và ý nghĩa của các cuộc chiến tranh, xung đột quốc gia, những tranh chấp, cả mớ hỗn độn đó, thì chúng ta phải bắt đầu với chính mình đã, phải vậy không? Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế, điều đó vô cùng khó khăn. Để theo dõi chính mình nhằm thấy được tư tưởng của bản thân hoạt động ra sao, người ta phải cực kỳ tỉnh giác, để khi bắt đầu ngày càng tỉnh giác đối với những phức tạp trong suy nghĩ, phản ứng và cảm nhận của riêng mình, họ bắt đầu nhận thức rõ hơn, không chỉ về chính mình mà còn về những người có liên hệ với mình.

Hiểu chính mình là hiểu bản thân mình trong hành động, đó là các mối quan hệ. Điều khó khăn là chúng ta quá thiếu kiên nhẫn. Chúng ta muốn thành công, chúng ta muốn đi tới đích, và vì vậy, chúng ta không có thời gian lẫn duyên cớ để cho mình cơ hội tìm hiểu, quan sát. Thay vào đó, chúng ta dấn thân vào những hoạt động khác nhau – để mưu sinh, để nuôi dưỡng con cái – hoặc đảm nhận các trách nhiệm nào đó trong nhiều tổ chức khác nhau.

Chúng ta quá dấn thân vào những con đường khác tới mức khó có thời gian để tự suy ngẫm, quan sát và tìm hiểu. Vì vậy, thực ra trách nhiệm cho phản ứng của chúng ta tùy thuộc vào chính ta chứ không phải người khác. Việc đi tìm các bậc thầy có uy tín và hệ thống của họ trên khắp thế giới, tìm đọc cuốn sách mới nhất về vấn đề này, vấn đề kia,… với tôi là hoàn toàn rỗng tuếch, hoàn toàn vô ích, bởi vì bạn có thể đi lang bạt khắp địa cầu nhưng rồi bạn cũng phải trở lại với chính mình. Và vì đa phần chúng ta hoàn toàn không hiểu bản thân, nên thật vô cùng khó khăn để bắt đầu hiểu một cách rõ ràng quá trình suy nghĩ, cảm nhận và hành động của mình.

Bạn càng hiểu chính mình, thì càng sáng tỏ. Việc tự hiểu mình không có điểm dừng – bạn sẽ không đạt được một thành tựu nào, bạn sẽ không đi tới một kết luận nào cả. Đó là dòng sông bất tận. Khi tìm hiểu nó, ngày càng thâm nhập vào nó, người ta sẽ tìm thấy sự bình an. Chỉ khi tâm tĩnh lặng – thông qua sự tự biết mình chứ không phải khép mình vào một kiểu tự kỷ luật – chỉ lúc ấy, trong sự tĩnh lặng, trong sự thanh tịnh đó, thực tại có thể bắt đầu hiện hữu. Chỉ lúc ấy mới có thể có niềm an lạc, có hành động sáng tạo.

Và với tôi, nếu không có sự hiểu biết này, không có sự trải nghiệm này, mà chỉ đơn thuần đọc sách, tham gia thảo luận, truyền đạo, thì quả thật rất ấu trĩ – chỉ là một hoạt động không có nhiều ý nghĩa. Ngược lại, nếu người ta có thể hiểu chính mình, và do đó tạo ra hạnh phúc sáng tạo, trải nghiệm điều gì đó ngoài phạm vi của tâm trí, thì hẳn sẽ có thể tạo nên biến chuyển trong mối quan hệ trực tiếp xung quanh ta và do đó, trên thế giới mà ta đang sống.

Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách "Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng" tại: https://bit.ly/tudodautien-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.

Trạm Đọc trích đăng


Gửi bình luận
(0) Bình luận