Gần như cả sự nghiệp, tôi là một người kể chuyện, sử dụng hình ảnh đẹp và những câu chuyện của chính mình để chạm đến trái tim của con người.
Lay động lòng người, đó chính xác là những gì chúng ta cần để cứu lấy hành tinh này. Chúng ta không còn ở vị thế được phép bình chân như vại, và cũng không thể đảo ngược những hậu quả đã gây ra. Tôi đã chứng kiến kể chuyện khơi gợi sự đồng cảm như thế nào. Xây dựng kết nối thông qua những câu chuyện kể, đó là chìa khóa để mở ra những hành động chống lại biến đổi khí hậu trong thập niên này.
Năm 2017, tôi công bố tấm hình chụp một con gấu trắng với vẻ ngoài gầy gò hốc hác tại vùng lãnh nguyên của Bắc Cực, sử dụng nó để mở ra cuộc thảo luận về chủ đề biến đổi khí hậu. Hàng triệu người nhìn thấy nó, và kết quả dẫn đến một cuộc hội đàm trên phạm vi toàn cầu. Nó mở ra góc nhìn chưa từng thấy về sự cần thiết của một phong trào đủ lớn để tạo ra những giải pháp thiết thực.
Bức hình chú gấu tiều tụy khiến thế giới phải chấn động vào năm 2017
Việc ghi lại dù chỉ một phần nhỏ câu chuyện của con gấu ấy là đủ để tạo ra một cuộc đối thoại toàn cầu mà tôi mong chờ. Nhưng chúng ta cần nhiều hơn những khoảnh khắc như vậy, nếu như muốn thúc đẩy tập thể đứng ra hành động để cứu lấy Trái đất.
Năm 2020, tôi cùng một vài cộng sự đã sáng lập Only One Collective - tổ chức tận dụng khả năng kể chuyện bằng hình ảnh để hỗ trợ công tác bảo tồn đại dương và giải pháp khí hậu. Chúng tôi làm việc cùng các lãnh đạo, giới khoa học, cùng các nhà phát minh đang phát triển các giải pháp quan trọng, rồi đảm bảo sao cho chúng tiếp cận được những người cần phải biết đến chúng.
Tôi đã gặp các nhà lãnh đạo ở nhiều nơi trên thế giới - những người tiên phong cho sự thay đổi, và quả thật lòng nhiệt huyết và cam kết của họ có sự lan tỏa. Tôi cũng đã dành thời gian gặp những cộng đồng thổ dân Trung Mỹ đang chống lại lượng lớn rác nhựa ngày ngày dạt vào bờ biển quê hương. Họ là những người phải đối mặt với các vấn đề về khí hậu mỗi ngày, và buộc phải tìm ra giải pháp mà thế giới cần đến.
Đó là những người chúng ta thực sự cần phải lắng nghe.
Nhiều người đến giờ hẳn cũng năm được nhân loại cần phải làm gì nếu muốn cứu hành tinh này. Chúng ta cần phải giảm lượng khí nhà kính, sao cho giữ được nhiệt độ toàn cầu nóng lên trong phạm vi 1.5°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp). Và còn phải làm nhiều hơn thế nữa nếu muốn bảo vệ các loài vật cùng môi trường sống của chúng, để giữ cho hành tinh này tốt đẹp hơn.
Chúng ta cần bảo vệ ít nhất 30% diện tích đại dương toàn cầu, cho đến năm 2030.
Tin tốt là các giải pháp bảo vệ đại dương hiện nay cũng giúp chúng ta cắt giảm được 20% lượng khí nhà kính cần thiết. Như rừng ngập mặn là một ví dụ điển hình cho thấy sự sống của đại dương quan trọng như thế nào khi đóng vai trò là nơi giữ carbon - vì trữ lượng carbon những khu rừng này giữ được lớn hơn gấp 10 lần so với rừng mưa nhiệt đới.
Con số ấn tượng không kém cũng xuất hiện ở các thảm thực vật khác dưới đại dương. Các loài vật như cá voi, cá mập cũng giúp carbon chìm sâu xuống lòng biển, với những tiềm năng rất lớn mà con người hiện mới chỉ nắm được chút ít.
Điều giúp chúng ta cứu được khí hậu và hành tinh này là làm cho càng nhiều người nhận ra rằng đại dương không chỉ là nạn nhân của biến đổi khí hậu, mà còn là con đường đến tương lai.
Trong thế hệ này, chúng ta có khả năng nhìn được tác động của các giải pháp như vậy. Đến năm 2030, chúng ta có thể hồi sinh hệ sinh thái dưới đại dương để hấp thụ tới 4 tỉ tấn CO2 mỗi năm - tương đương với lượng khí thải của 2 tỉ chiếc xe. Vấn đề là những giải pháp ấy chưa được cấp đủ kinh phí. Đáng lẽ, chúng ta cần ưu tiên đầu tư cho các dự án như vậy: hồi sinh cỏ biển, tảo biển, rừng ngập mặn, và các loại năng lượng tái tạo lấy từ đại dương.
Một số giải pháp khác như nghiên cứu về vi khuẩn ăn nhựa cũng đang được cân nhắc, nhưng tiềm năng lớn hơn đang nằm ở ngoài đại dương và chúng cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Mong muốn của tôi là mang đến sự chú ý và một nguồn năng lượng mới cho vấn đề này, nhằm đạt được thành tựu trong thế kỷ tới. Nhiếp ảnh và nghệ thuật kể chuyện sẽ đóng vai trò quan trọng để thu hút ngân quỹ và sự ủng hộ mà chúng tôi cần.
Rừng ngập mặn sẽ là một trong những giải pháp cực kỳ tiềm năng cho tương lai của Trái đất
Nhiệm vụ này không dễ, vì bản thân nhiếp ảnh cũng là một thách thức. Thu được một tấm hình đủ mạnh mẽ để cho thấy hiện trạng khẩn cấp như thế nào cũng chẳng khác nào đi chụp một cơn sóng thần đang tiến bước chậm rãi. Ban đầu, mọi thứ trông sẽ rất bình lặng. Nhiệt độ chỉ tăng chút ít, đất mất đi một tẹo. Thế rồi đột nhiên, những cơn bão cuồng loạn trở thành điều bình thường mới, cháy rừng vượt xa khỏi tầm kiểm soát, rồi những đô thị sát biển bỗng chốc thành những nghĩa đại ma quái hư ảo.
Chúng thấy những hình ảnh đáng sợ về tự nhiên gần như mỗi ngày, nhưng không tạo ra đủ kết nối cần thiết. Đây là lúc chúng ta cần nhận ra mình không còn dư giả thời gian để ngồi chờ hay thảo luận xem "chuyện gì sẽ xảy ra" trong cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu nữa.
Chương tiếp theo của Trái đất sẽ do chính hành động của chúng ta hiện tại viết nên. Và để sớm nhận ra những giải pháp tiềm năng nhất, đại dương cần phải được ưu tiên.
Nguồn: CNN
Pháp luật và bạn đọc