Hạnh phúc có lẽ là điều hầu hết chúng ta kiếm tìm và mong đợi trong suốt cuộc đời. Niềm vui, sự hài lòng với hiện tại, và tận hưởng từng khoảnh khắc là những trạng thái tích cực của hạnh phúc. Nhưng một cuộc sống lành mạnh về mặt tinh thần liệu có phải là điều dễ đạt được, khi mà thế giới này vốn là một nơi đầy rẫy những sự kiện không lường trước được, những niềm vui có được trong phút chốc cũng dễ dàng tan biến và khổ đau lại nhanh chóng ập tới? Tại sao ngay cả những người giàu có, nổi tiếng, thành công vang dội, lại vẫn rơi vào vòng xoáy của chất kích thích và trầm cảm? Phải chăng hạnh phúc là điều quá khó để đạt được?
Trong thời đại mà con người không ngừng đối mặt với vô số những áp lực, thì hành trình tìm về tâm linh lại ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là cho những ai khao khát tìm được bình yên thật sự cho tâm hồn.
Thực chất, chúng ta chẳng cần phải thuộc bất cứ một tôn giáo nào để có thể bước vào hành trình tâm linh và tìm hiểu ý thức của mình, bởi theo Sam Harris - tác giả của “Thức tỉnh điều vô hình” - “tâm linh phải tách rời khỏi tôn giáo - vì con người thuộc mọi tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng đều có những kiểu trải nghiệm tâm linh giống nhau”. Tâm linh vốn đã tồn tại ngay trong những trải nghiệm và nhận thức của chính chúng ta.
Sam Harris đã mang đến một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ, tạo nên sự khác biệt cho “Thức tỉnh điều vô hình” giữa hàng ngàn tựa trong dòng sách tâm linh. Đứng ở góc độ của một triết gia và nhà khoa học về thần kinh, ông dẫn dắt người đọc vào công cuộc tìm hiểu bản chất của tâm trí với cách tiếp cận đầy lý tính. Thay vì thuyết giảng, Sam Harris biến việc khám phá tâm linh thành một cuộc dạo chơi qua các tôn giáo, các khái niệm về ý thức, vô thức, bản ngã, mang tới một bức tranh toàn cảnh về cách tâm trí con người được nhìn nhận và phân tích qua lăng kính của tôn giáo và khoa học.
Hiểu về bản chất thường xuyên lang thang của tâm trí, và tâm lý mưu cầu hạnh phúc bền lâu giữa những đổi thay thường trực của đời sống cùng các đặc điểm của ý thức, chúng ta sẽ dần thấu hiểu quan điểm của tác giả “chính tâm trí của chúng ta, thay vì hoàn cảnh, mới là cái định đoạt chất lượng cuộc sống”.
Theo Sam Harris, hạnh phúc lâu dài không đến từ việc luôn lệ thuộc vào các điều kiện bất định bên ngoài hay cố gắng kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống. Nó phụ thuộc vào khả năng duy trì sự cởi mở và an tĩnh trong tâm trí giữa bộn bề áp lực. Khi bình tâm quan sát suy nghĩ ào đến như những vị khách thăm nhà, chúng ta sẽ nhận ra cả khổ đau và hoan lạc đều không kéo dài mãi mãi, bởi tâm trạng vốn có tính đổi thay.
Những chia sẻ của Sam Harris trong cuốn sách sẽ thôi thúc độc giả có những khoảng lặng để biết ơn vì những gì ta có được. Biết đâu, bạn cũng sẽ nhận ra mình may mắn nhường nào, như tác giả đã hiểu được việc có thời gian thảnh thơi để đọc sách thôi cũng đã là một đặc quyền không phải ai cũng có được. “Ý thức thông thường về bản ngã của chúng ta chỉ là ảo tưởng; các cảm xúc tích cực, như lòng trắc ẩn và nhẫn nại, là các kỹ năng có thể dạy dỗ được; và cách chúng ta suy nghĩ ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta trải nghiệm thế giới”, Sam Harris chia sẻ.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến một trong những yếu tố quan trọng, làm nên chiều sâu cho “Thức tỉnh điều vô hình” chính là sự kết nối giữa tâm linh và khoa học. Những kiến thức, câu chuyện trong lĩnh vực khoa học thần kinh, như phần kết nối giữa hai bán cầu não trái - não phải, thí nghiệm về thị giác và ý thức, trải nghiệm cận tử đều gợi mở cho độc giả nhiều suy ngẫm về sự kết nối giữa thể xác và tâm trí. Suy nghĩ, ý thức, cảm nhận về cái tôi của chúng ta đều xuất phát từ cơ quan phức tạp và bí ẩn mang tên não bộ. Do vậy, các bộ môn khoa học như thần kinh học, tâm lý học, hay những hiểu biết về bộ não cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc tiếp cận tâm linh.
Hành trình tỉnh thức chưa bao giờ là một chặng đường dễ đi. “Thức tỉnh điều vô hình” chính là một mũi tên chỉ dẫn trên con đường ấy, gợi ý cho mỗi người cách thức tiến lên, sải bước về phía của minh triết và chạm đến hạnh phúc./.