Thức dậy muốn đi làm - Bạn có muốn đi làm?

23/11/2021 08:30
Thức dậy muốn đi làm - Bạn có muốn đi làm?

Đừng đem cảm xúc vào nơi làm việc. Hành xử chuyên nghiệp lên nào!” - lời nhắc nhở mà chúng ta thường nghe này gần như là một “luật bất thành văn” trong môi trường công sở, nơi cảm xúc bị xem là thứ đối lập với sự chuyên nghiệp.

Thức dậy, bạn có muốn đi làm? - Ảnh 1.

Nếu bạn đã tham gia vào môi trường công sở một thời gian, nhiều khả năng bạn sẽ thốt lên "Làm việc dưới áp lực cao trong thời gian dài mà vẫn vui vẻ, tỉnh táo và sáng tạo ư? Không thể nào!".

Tuy nhiên, đó chính xác là điều mà chúng ta được yêu cầu trong công việc: năng suất cao và thái độ tích cực bất chấp cảm xúc bên trong có đang muốn "nổ tung" đi chăng nữa.

Thứ tư duy xem nhẹ cảm xúc trong môi trường công sở đó đã khiến Mollie West Duffy - cựu chuyên viên quản lý sản phẩm tại một công ty khởi nghiệp - mắc chứng lo âu đến mức một bên mặt bị tê liệt hoàn toàn, và Liz Fosslien - một nhà phân tích trẻ - phải bỏ việc ở một công ty tư vấn kinh tế. 

Từ trải nghiệm đó, hai người bạn này đã hợp tác viết nên Thức dậy muốn đi làm - cuốn sách dành cho bất cứ ai đang cảm thấy cô độc, nản chí, hay bất an tại nơi làm việc.

Trong cuộc đua khốc liệt này, người chiến thắng hay kẻ thua cuộc đều là những kẻ "tử vì việc". Chúng ta tin rằng thành tựu chốc lát trong sự nghiệp sẽ đem lại hạnh phúc. 

Nhưng sự thật thì ai cũng là con người với cảm xúc có thể bị tổn thương, sức khỏe có thể bị hao mòn, gia đình và các mối quan hệ có thể bị tan vỡ khi dành quá ít thời gian gìn giữ. Chúng ta hủy mình cho một hạnh phúc được định nghĩa sai lầm, ở một tương lai không thể chạm tới.

Vậy nên, "thứ uy quyền áp chế buộc chúng ta phớt lờ cảm xúc của mình tại công sở cần phải bị đánh bại", bộ đôi tác giả của Thức dậy muốn đi làm khẳng định.

Cảm xúc vốn có tính lây truyền. Tâm trạng của mỗi người không chỉ được cải thiện bằng cách chăm sóc bản thân, mà còn từ việc tương tác với người khác. Thời nay, không ít văn phòng là tập hợp của những con người thuộc nhiều chủng tộc, giới tính và độ tuổi khác nhau. 

Khoảng cách văn hóa yêu cầu mỗi người có sự nhạy cảm trong giao tiếp. Ví dụ, tập cách phát âm chính xác tên của đồng nghiệp người nước ngoài, hay hỗ trợ đồng nghiệp lớn tuổi sử dụng các phương tiện kỹ thuật số - đây là những hành động tích cực, tuy nhỏ nhưng đủ khả năng để kết nối ngay cả đối với những cá tính khác biệt nhất.

Liz và Mollie là hai phụ nữ da trắng ở độ tuổi đầu ba mươi, nhưng những chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân lẫn phân tích tâm lý và xã hội của họ trong Thức dậy muốn đi làm có tầm bao quát rất rộng.

Cho dù bạn mới ngày đầu đi làm hay đã có thâm niên, là nhân viên hay đang giữ vị trí lãnh đạo, bạn đều có thể góp phần xây dựng nên một môi trường làm việc với đầy đủ mức độ an toàn tâm lý.

Khi đó, mỗi sáng thức dậy, bạn biết rằng ngày làm việc trước mắt sẽ không phải là cuộc chiến đầy thương tổn, mà là cơ hội để bạn cùng đồng nghiệp đạt được những thành tựu cho tương lai.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024