Mỗi lần đi công tác về, Kang Sung-il đều mua một món đồ chơi cho chú chó giống Pomeranian tên Sancho của mình, và dịp năm mới này anh định sẽ cho Sancho diện bộ đồ trị giá 50 USD đến thăm "bà nội", tức là mẹ của anh.
Vợ chồng Kang cho biết, sinh con và nuôi con quá tốn kém và căng thẳng. Thay vào đó, họ chọn chăm sóc Sancho bằng tình yêu và những món quà.
Nhiều cặp vợ chồng khác cũng quyết định như vậy.
Ngành công nghiệp nuôi thú cưng ở Hàn Quốc đang bùng nổ, bởi chính các yếu tố đã đẩy tỷ lệ sinh nở ở nước này xuống mức thấp nhất thế giới - 1,05 ca sinh nở/phụ nữ. Các yếu tố đó là chi phí giáo dục và nhà cửa cao, cũng như thời gian làm việc quá nhiều.
"Áp lực xã hội đòi hỏi các bậc cha mẹ phải chi nhiều tiền cho con trong nhiều thập kỷ, từ việc chọn trường tư, tới học thêm ở các lớp nghệ thuật", anh Kang, 39 tuổi, giám đốc của một nhà tang lễ dành cho thú cưng, cho biết.
Kang cho biết anh khó mà hình dung mình có thể chu cấp đủ tất cả những thứ đó, nhưng anh sẵn lòng chi ra 100.000 won (khoảng 2 triệu đồng) mỗi tháng cho chú chó Sancho.
Ngoài chi phí giáo dục, trung bình một gia đình ở Hàn Quốc sẽ phải dồn hết thu nhập khoảng 12,8 năm để mua được một căn nhà ở mức trung bình, so với 8,8 năm vào năm 2014. Chưa hết, theo danh sách các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người Hàn có thời gian làm việc nhiều thứ 3.
"Tỷ lệ nuôi thú cưng gia tăng khi ngày càng nhiều người lựa chọn không sinh con, hoặc thậm chí không kết hôn", ông Kim Soo-kyung, quản lý viện nghiên cứu kinh tế KPMG Samjong cho biết.
Số hộ nuôi thú cưng đã tăng lên 28% trong tổng số hộ dân ở nước này vào năm 2018, so với mức 18% vào năm 2012, theo dữ liệu từ chính phủ Hàn Quốc.
Điều đó đã làm ngành công nghiệp chăm sóc thú cưng bùng nổ, cùng với các dịch vụ như đồ ăn kiêng hay chụp ảnh giá cao. Ngành công nghiệp liên quan đến thú cưng ở nước này trị giá 2,4 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến có thể tăng gấp đôi vào năm 2027, theo Viện Kinh tế nông thôn Hàn Quốc.
Park Eun-byul, đồng sáng lập công ty Pet Pick chuyên sản xuất thức ăn cho thú cưng, cho biết: "Đa phần khách hàng của chúng tôi là các cặp vợ chồng trẻ, họ coi thú cưng như con và sẵn sàng chi trả nhiều tiền. Chúng tôi chỉ sử dụng các nguyên liệu chất lượng cao, như cá hồi và quả nam việt quất, do vậy các sản phẩm đắt hơn gấp đôi so với thức ăn thông thường cho động vật".
Quỹ đầu tư mạo hiểm Korea Investment Partners đã đầu tư vào hai công ty khởi nghiệp cho thú cưng vào năm 2018, bao gồm Bacon - công ty chuyên sản xuất đồ chơi theo chủ đề cho các ngày lễ như Giáng sinh, Halloween - và Pet Friends - cam kết cung cấp các sản phẩm cho thú cưng trong vòng một giờ.
Công ty bảo hiểm Meritz Fire & Marine ghi nhận hơn 6000 khách hàng đã đăng ký gói bảo hiểm cho thú cưng chỉ sau 3 tháng kể từ khi ra mắt vào tháng 10/2018. Việc bán các sản phẩm cho thú cưng qua kênh truyền hình và bộ phận bán hàng trực tuyến của CJ ENM đã tăng gấp 3 lần trong năm ngoái.
Dịch vụ tang lễ cho thú cưng cũng tăng trưởng mạnh. Nhà tang lễ nơi anh Kang làm việc, hiện tiến hành hơn 10 dịch vụ mỗi ngày, so với chỉ 3-5 dịch vụ khi cơ sở này mới mở cách đây 2 năm.
Tại Namyangju, ngoại ô Seoul, anh Lee Jae-hwan luôn ôm theo bình tro cốt của chú chó Kkotgae, đi bộ cùng, như một thói quen hàng ngày.
"Tôi thường giới thiệu Kkotgae như đứa con trai duy nhất của mình, "người" tôi yêu nhất trên đời này", người đàn ông 51 tuổi nói trong nước mắt khi được phỏng vấn tại nhà, ngay cạnh chiếc bàn thờ có di ảnh, ít thức ăn và hương thắp cho chú chó của mình.
"Nó chưa bao giờ được ngắm biển. Tôi ước rằng chúng tôi đã từng cùng nhau đi thăm biển", anh nói.