Giới trẻ Trung Quốc dành thời gian nuôi thú cưng thay vì kết hôn

14/01/2022 14:00
Giới trẻ Trung Quốc dành thời gian nuôi thú cưng thay vì kết hôn

Nhiều cô gái thành thị có tiền, có học thức ở Trung Quốc ngày càng dành nhiều thời gian và tình cảm để chăm sóc thú cưng, coi chúng như bạn thân, thành viên gia đình.

Người trẻ ở thành thị Trung Quốc ngày càng giàu có và nhiều người mua những con vật đắt tiền như biểu tượng của sự giàu có. Chó xù và chó ngao Nhật Bản là các giống đắt tiền, được nhiều người yêu thích.

Trên thực tế, việc gọi những sinh vật này là "thú cưng" không còn chính xác. Đúng hơn, chúng được coi là những người bạn đồng hành.

Ở Trung Quốc, theo công ty tư vấn Frost & Sullivan, số hộ gia đình nuôi thú cưng đã tăng mạnh trong khoảng thời gian 5 năm kể từ năm 2013 đến năm 2018.

Thanh niên Trung Quốc lựa chọn nuôi thú cưng thay vì kết hôn - 1

Nhiều cô gái thành thị có tiền, có học thức ngày càng dành nhiều thời gian và tình cảm để chăm sóc cho thú cưng, coi chúng như bạn thân, thành viên gia đình (Ảnh minh họa: Getty).

Sách Trắng ngành công nghiệp vật nuôi ở nước này năm 2018 cũng chỉ ra có 87,5% người nuôi chó và 89% chủ vật nuôi mèo là phụ nữ.

Trước đây, chó là loài được nuôi để bảo vệ giữ nhà, mèo để bắt chuột. Nhưng thế hệ người trẻ hiện tại dần coi vật nuôi là một phần của gia đình, hoặc thậm chí coi như con cái.

Trong các cuộc phỏng vấn nghiên cứu với phụ nữ trung lưu thành thị ở độ tuổi 30, nhiều người tham gia nhấn mạnh cách họ đối xử với thú cưng của mình như con.

Leng Leng, một kỹ sư 31 tuổi, đã bán chiếc máy chạy bộ trong phòng khách, sau đó, mua một ngôi nhà mới có sân sau để chú chó lông vàng của cô có chỗ chơi đùa.

Phần lớn những người tham gia nghiên cứu đều chưa kết hôn vào thời điểm được phỏng vấn, điều này phản ánh ngày càng có nhiều người nuôi thú cưng cũng như sự giảm hứng thú kết hôn và lập gia đình của nhiều người trẻ Trung Quốc thuộc thế hệ Millennials (hay còn gọi là Gen Y,  những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990 đầu 2000).

Leng Leng và bạn trai cùng chăm sóc một chú chó, bạn trai của Leng Leng muốn kết hôn và có con, nhưng cô chưa sẵn sàng. Cuối cùng, cô ấy và bạn trai chia tay. "Tôi không muốn có chồng", cô gái tên Sesame, 33 tuổi, nói: "Tôi đã là trụ cột trong gia đình, chưa cần đến một người đàn ông".

Sesame và Leng Leng không phải là số ít những người có quan điểm như vậy. Nhiều người được phỏng vấn khác cũng coi những thành tựu nghề nghiệp và mục tiêu tương lai của họ, chứ không phải hôn nhân, mới là thước đo trọng tâm về giá trị bản thân của họ. Họ có sự nghiệp đang trên đà phát triển và chọn thú cưng để bầu bạn mà không làm ảnh hưởng đến kế hoạch và khát vọng sống. Bởi nếu kết hôn, gần như chắc chắn sẽ phải gác lại sự nghiệp để chăm sóc con cái và gia đình hai bên.

Đối với những phụ nữ khác, thú cưng giống như một kiểu chia sẻ, tăng tương tác trên mạng xã hội. Nhiều người thường xuyên chia sẻ ảnh, video clip dễ thương về thú cưng và những câu chuyện vui của chúng, giúp họ dễ dàng gặp gỡ và kết nối với những người có cùng sở thích. Ví dụ, một cô gái đăng ảnh đi dạo cùng chú chó đem lại cảm giác nhàn nhã, thoải mái, thể hiện việc có lối sống lành mạnh, thư thái.

Sau một thời gian, thú cưng cũng trở thành dấu hiệu nhận biết chủ nhân của chúng, nhiều cô gái trẻ sử dụng chó hoặc mèo cưng làm ảnh đại diện. "Người quen nhìn biết ngay đó là tôi", Leng Leng cho biết.

Trong 4 thập kỷ qua, hàng triệu người Trung Quốc đã di cư đến các thành phố mới để tìm kiếm việc làm và cơ hội. Sống xa nhà, nhiều người khó thiết lập mối quan hệ tại nơi ở mới. Đối với phụ nữ có thể tự nuôi sống bản thân - với thú cưng được coi là người bạn đồng hành, có thể là một cách lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống, giúp họ vẫn cảm thấy ấm áp vui vẻ mà không phải kết hôn hay sinh con.

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024