Vụ việc bé gái ở Tiền Giang tử vong do bị rắn độc mà gia đình xem như thú nuôi cắn đã khiến nhiều người xót xa. Bên cạnh đó, cũng dấy lên không ít nỗi lo sợ về trào lưu nuôi các loại thú dữ như trăn, rắn, cá sấu, đại bàng... để làm kiểng.
Trào lưu này bắt đầu trở nên phổ biến với giới trẻ Việt Nam trong vài năm trở lại đây nhờ sự độc lạ, tính thử thách và những điều thú vị mới mẻ khi nuôi nấng những loài vật có đặc tính hoang dã.
Điều gì đã khiến trào lưu có vẻ đáng sợ này trở nên phổ biến như vậy và việc nuôi thú dữ làm kiểng có thực sự đáng sợ và cần cảnh báo?
Về vấn đề này, anh Nguyễn Hoàng Lĩnh (25 tuổi) cộng tác viên tại Viện Sinh thái học miền Nam (Southern Institute of Ecology) chia sẻ rằng bản thân anh cũng như cộng đồng những người đang nuôi các loại bò sát rất tiếc thương cho em bé vắn số. Nhưng theo anh, việc này xảy ra do tai nạn chứ không xuất phát từ mục đích nuôi nhốt thú cưng mà ra.
Anh Hoàng Lĩnh cũng nói rõ: "Mình không bao giờ khuyến khích, tuyên truyền hay cổ súy hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã và các hành vi nguy hiểm khác. Với mình, việc nghiên cứu bò sát là việc nghiêm túc và mình đã từng xem đây là sự nghiệp mà mình theo đuổi. Nhờ được học hỏi từ những người có chuyên môn mà mình biết phải đối xử với bò sát nói chung và rắn độc nói riêng, với kĩ thuật và quy tắc luôn luôn cẩn trọng và luôn luôn tôn trọng. Mình mong mọi người đều hiểu việc này. Thực tế, những người làm việc với bò sát lâu năm đều hiểu và đều rất cẩn thận với chúng".
Anh Lĩnh đã từng phiên dịch và viết một số bài viết rất chi tiết về việc liệu một người khi nào đủ khả năng nuôi giữ một con rắn độc.
Theo đó, để nuôi giữ rắn độc, cần phải được thông qua đào tạo chuyên nghiệp. Không bao giờ được phép chủ quan khi tiếp xúc gần với động vật hoang dã vì chỉ một vết cắn, dù có sẵn huyết thanh cũng chưa chắc bạn được cứu sống. Đây là một công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp và chuyên môn cao vì vô cùng nguy hiểm.
Theo anh Lĩnh, anh luôn chăm sóc những loài động vật này bằng sự thận trọng và tôn trọng. Thận trọng là phải luôn cảnh giác, vì chúng không được sinh ra để chúng ta ôm ấp, nựng nịu. Dù có làm quen với lối tương tác và chăm sóc từ người nuôi, thể hiện sự bình tĩnh nhẹ nhàng đi chăng nữa, chúng vẫn là động vật còn bản năng hoang dã.
Còn tôn trọng nghĩa là phải tôn trọng các tập tính của chúng, từ việc không muốn bị làm phiền, không muốn tương tác, không ở môi trường khiến chúng căng thẳng. Tuyệt đối không cố gắng thay đổi hay bắt ép chúng phản ứng theo yêu cầu của mình.
Tuy nhiên, trong cộng đồng những người yêu và nuôi động vật hoang dã không phải ai cũng có được nền tảng kiến thức vững chắc như anh Lĩnh. Đại đa số người nuôi đều xuất phát từ đam mê, tự tìm hiểu thông qua internet hoặc đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân nên không thể tránh khỏi những thương tích trong quá trình nuôi.
Anh Lê Ngọc Sơn, 30 tuổi, ngụ quận 4 TP.HCM ôm "bé" cá sấu của mình trên tay vuốt ve, trên cánh tay anh vẫn còn chi chít những vết sẹo do những lần bị "bé cưng" của mình "táp".
Con cá sấu này thuộc giống cá xiêm hay còn gọi là sấu hoa cà (nước ngọt) của Việt Nam. Dù đã được anh Sơn nuôi từ lúc bé xíu và khá thân thiết với anh nhưng vì bản tính hoang dã nên vẫn không tránh khỏi việc tấn công chủ nhân.
Ngoài nuôi cá sấu, anh Sơn còn nuôi một số loài bò sát khác như trăn đất đột biến sắc thể hypo, trăn gấm, kỳ đà hoa, rồng nam mỹ…
Theo anh Sơn, dù những con vật anh nuôi tuy có bản tính khá hung dữ, thỉnh thoảng có làm tổn thương đến anh nhưng vì niềm đam mê và sự yêu thích anh dành cho chúng quá lớn nên anh vẫn rất vui vẻ và kiên nhẫn làm bạn với những con vật này. Hơn nữa, anh chỉ nuôi những loài không có độc nên lúc bị cắn chỉ hơi đau chứ không có gì đáng ngại.
Cùng đam mê với anh Ngọc Sơn, anh Khánh Hiển, 26 tuổi, hiện là quản lý phòng gym cho một resort tại Đà Nẵng cũng là một người nuôi động vật hoang dã khá lâu. Anh từng nuôi đại bàng săn mồi, rồng nam mỹ và hiện tại đang nuôi một "bé" thằn lằn da báo.
Anh Hiển cho biết anh luôn tìm hiểu tập tính của từng loài trước khi chọn nuôi, tuyệt đối không nuôi những loài có độc vì không chỉ ảnh hưởng mình mà ảnh hưởng đến những người xung quanh khi chẳng may có sự cố ngoài ý muốn.
Giống như nhiều người có niềm đam mê này, anh Hiển cũng từng bị thương do các "bé cưng" của anh cào trúng, nhưng đều là những vết thương ngoài da. Để phòng tránh việc này, anh đã tỉa móng cho các con vật định kỳ để tránh nguy hiểm.
"Để nuôi tốt những loài vật hoang dã này, điều đầu tiên phải có niềm là đam mê và tình thương dành cho các bé. Sau đó mình cần phải trang bị những kiến thức về dinh dưỡng chuồng trại cách chăm sóc. Và điều quan trọng nhất là cần có thời gian chăm sóc bé, chơi với bé để thuần hóa bản tính hoang dã trong bé" - anh Hiển chia sẻ.
Việc dành tình yêu thương và sự chăm sóc cho những loài vật có tính cách hung hăng không sai, thậm chí còn rất tốt đẹp. Nhưng suy cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn là trang bị cho bản thân những kiến thức nền tảng thật tốt để không chỉ có khả năng chăm nuôi tốt cho các "bé cưng" của mình mà còn bảo đảm được an toàn cho chính mình và người thân.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hoàng (văn phòng luật Phanlaw Vietnam), việc nuôi các loại động vật hoang dã có độc hoặc không có độc là do lựa chọn của mỗi người, pháp luật Việt Nam hiện vẫn chưa có những quy định cụ thể về việc này. Tuy nhiên, người nuôi nên cẩn thận xem xét động vật mình nuôi có nằm trong danh mục động vật quý hiếm cần được bảo tồn hay không.
Vì nếu có hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Việc này được quy định cụ thể tại Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định rõ về việc bảo vệ động vật quý hiếm.
Thư Quỳnh