Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ: Những bài tập giúp trẻ tự kỷ

06/04/2019 09:00
Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ: Những bài tập giúp trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỷ thường bị trì hoãn sự phát triển về mọi mặt vì trẻ thiếu động cơ, thiếu cái trạng thái tinh thần thôi thúc bản thân ham muốn học hỏi, duy trì, và hướng mọi hành vi của mình vào một mục tiêu.

Nói tổng quát, thiếu động cơ là thiếu sức sống, thiếu cái yếu tố tâm lý thúc đẩy khả năng vươn lên. Những hình thức dạy dỗ và tập luyện mà cha mẹ có thể giúp gia tăng động cơ phát triển cho đứa con tự kỷ của mình phải luôn luôn bao hàm khả năng tập trung chú ý, khả năng triển khai và đa dạng, khả năng tự điều hành một số công việc, khả năng hiểu và phản ứng thích hợp với các đối tượng kích thích...Tất cả những khả năng này đều có thể tập luyện trong khuôn khổ sinh hoạt hằng ngày tại gia đình.

Gia tăng khả năng tập trung chú ý

Bất cứ lúc nào đưa ra một hướng dẫn, một yêu cầu, hay một gợi ý để trông đợi phản ứng của đứa trẻ tự kỷ thì điều quan trọng là phải làm sao tạo được sự chú ý cho trẻ. Thông thường nên cầm tay và nhìn vào mắt trẻ rồi mới cho lời hướng dẫn. Nên lợi dụng những lúc trẻ đang làm hay chơi với cái gì đó thì đưa ra một câu hỏi hay một lời hướng dẫn rõ ràng và ngắn gọn có liên hệ trực tiếp với điều đang làm hay đang chơi của trẻ.

Ví dụ, vào lúc cả nhà ngồi vào bàn chuẩn bị ăn cơm trưa và đứa trẻ tự kỷ cũng đang đứng cạnh bàn ăn, mẹ muốn tập cho em biết xếp các đôi đũa lên trên bàn. Để tạo sự tập trung chú ý của đứa trẻ, mẹ đến cầm tay em, nhìn thẳng vào mắt em và nói: “Con để các đôi đũa lên bàn ăn nhé”. Và rồi mẹ giúp em biết xếp từng đôi lên trên bàn ăn. Ngược lại, nếu người mẹ chỉ nói lời yêu cầu mà không có những cử chỉ để tạo ra sự tập trung chú ý như vậy thì có lẽ đứa trẻ sẽ không hiểu và không có phản ứng gì đối với lời yêu cầu đó.

Gia tăng khả năng biết triển khai và đa dạng

Trẻ tự kỷ thường có thói quen chỉ chú tâm hay bị ám ảnh vào một ý tưởng, một công việc, hay một sự vật nào đó và không muốn có sự thay đổi; chẳng hạn, chúng thường chỉ chơi với một món đồ chơi hoặc chỉ biết và thích một lối chơi nào đó thôi, chỉ thích mặc một bộ quần áo nào đó, chỉ thích đi học trên một con đường hằng ngày đã đi quen, hay chỉ thích ăn hay uống một món thực phẩm nào đó... Thói quen này làm cho đứa trẻ tự kỷ vừa không thể triển khai và đa dạng được những hiểu biết đã có, vừa làm bế tắc thêm yếu tố tâm lý thúc đẩy sự phát triển của nó.

Để giúp cho đứa con tự kỷ của mình mở rộng khả năng biết triển khai và đa dạng, cha mẹ có thể có rất nhiều cơ hội khác nhau để tập luyện cho con trên căn bản hằng ngày. Ví dụ, đứa trẻ tự kỷ bắt đầu đếm được số 1, 2, 3 thì phải tập thường xuyên cho đến khi nó có thể đếm từ 1 đến 10 và, nếu được, có thể tiến xa hơn nữa. Muốn trẻ học mau lẹ, sự tập luyện phải uyển chuyển và đa dạng.

Chẳng hạn, hằng ngày giúp trẻ đếm số người trong nhà, học thuộc địa chỉ nhà, số điện thoại nhà, đếm bao nhiêu bức tranh treo trên tường, bao nhiêu cái ghế trong nhà, tập cho trẻ viết những con số điện thoại ra trên giấy, và tập bấm số điện thoại, v.v. Cách tập luyện như vậy có thể áp dụng rộng rãi vào nhiều hình thức và lãnh vực khác nhau để giúp đứa trẻ phát triển được ý niệm triển khai và đa dạng trong sinh hoạt hằng ngày.

Gia tăng khả năng tự điều hành

Trẻ tự kỷ thường thích chơi với một lối chơi hay với một đồ vật nào đó mà thôi chứ không muốn có sự thay đổi. Đây là một khiếm khuyết về tâm lý khiến cho đứa trẻ mất đi ý thức về sự linh động, uyển chuyển và đa dạng của mọi vật, mọi việc. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, đây cũng là một cơ hội để cha mẹ vừa giúp tạo khả năng tự điều hành và phát huy ý niệm trách nhiệm, vừa giúp gia tăng động cơ phát triển cho đứa trẻ.

Ví dụ, biết con mình thích một chiếc ô tô nhỏ hay chiếc xe đạp, cha mẹ có thể mua về một chiếc và tập cho con sử dụng. Sau khi sử dụng thành thạo thì nên để cho con tự lái một mình trong khuôn viên nhà hay ở một nơi an toàn nào đó. Hằng ngày nói chuyện với con về chiếc xe và tập dần cho nó cách giữ gìn, bảo quản chiếc xe. Cảm giác bằng lòng và thỏa mãn sẽ giúp đứa trẻ gia tăng động cơ tâm lý về trách nhiệm và khả năng tự điều hành.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều hình thức khác để giúp cho trẻ nhận thức về trách nhiệm, tự điều hành và tự lập. Ví dụ, người cha dựng lên một trò chơi gồm hai phía và tập cho con mình đảm trách ở một phía. Trò chơi sẽ có thắng và thua. Đứa trẻ có quyền lựa chọn đồ chơi và cách chơi. Trong khi chơi, người cha vừa hướng dẫn vừa khuyến khích con mình phải chơi cho thắng, hoặc có đôi lúc giả vờ để cho con thắng. Cách tương tác trong trò chơi như thế sẽ giúp kích thích động cơ tâm lý mong muốn được mọi sự thắng lợi của đứa trẻ, theo đó ý thức về trách nhiệm và khả năng tự điều hành dần dần được hình thành trong ý thức của trẻ.

Một điều cần lưu ý ở đây là các hình thức tập luyện trên chỉ có những tác dụng tích cực với những trẻ tự kỷ nào không bị những triệu chứng tăng động, tự kích thích, có cử động rập khuôn và có nguy cơ tự gây tổn thương. Bởi với những triệu chứng như thế đứa trẻ khó có thể tự chế ngự bản thân để sử dụng an toàn một đồ chơi (ví dụ lái chiếc xe) mà không có người trông coi. Với những trẻ tự kỷ có những triệu chứng tương tự như vậy thì cha mẹ hay người trông coi phải có nhiệm vụ điều hành và kiểm soát mọi sinh hoạt, ít nhất là trong bước đầu cho đến khi nào đứa trẻ có được sự tiến bộ rõ rệt.

Gia tăng khả năng hiểu và phản ứng thích hợp với các đối tượng kích thích

Nhiều trẻ tự kỷ biết làm hay chơi đùa với những sự việc đơn giản và cụ thể, nhưng thường chúng không hiểu được những việc làm hay trò chơi có những hình thức hay luật lệ phức tạp hơn, hoặc có những dấu hiệu, cử chỉ, hành động có tính cách ám hiệu, gợi ý, hay đòi hỏi phải có sự suy nghĩ, tưởng tượng. Chẳng hạn, đứa trẻ tự kỷ sẽ không hiểu gì và cũng không thể tham gia được với trẻ con hàng xóm khi nhìn thấy các bạn diễn một trò chơi nấu ăn với các vật liệu và dụng cụ nấu nướng tượng trưng, và mỗi đứa trẻ làm bộ đóng một vai trò trách nhiệm khác nhau rất hoàn hảo trong cuộc chơi. Muốn tham gia vào cuộc chơi này, những đứa trẻ chỉ cần hiểu được những gợi ý, ám hiệu, và phải có óc tưởng tượng chứ không đòi hỏi phải có kế hoạch chuẩn bị và tập luyện trước gì cả. Tuy nhiên, điều này đối với trẻ tự kỷ lại là một điều khó.

Để giúp cho các trẻ tự kỷ dần dần phát triển được khả năng này, cha mẹ nên sử dụng mọi cơ hội và hình thức sinh hoạt diễn biến hằng ngày trong gia đình để áp dụng vào sự tập luyện cho con.

Trích sách Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ


Gửi bình luận
(0) Bình luận