Trái tim người cha Kỳ 4 - Con lớn lên trong nghiệt ngã

04/04/2019 09:00
Trái tim người cha Kỳ 4 - Con lớn lên trong nghiệt ngã

Thời gian chưa bao giờ trở nên ngắn ngủi với chúng tôi đến vậy. Một cảm giác rất mâu thuẫn là con càng lớn, tôi lại lo lắng nhiều hơn.

Còn quá nhiều thứ để con phải học. Con lớn nhanh quá, nhanh hơn tốc độ dạy của chúng tôi thì khi đến trường, liệu con có theo kịp các bạn không? Con có biết chơi với bạn không? Con có chịu ngồi yên trong lớp không? Các thầy cô có hiểu con không và con có bị trả về như những lần trước?

Cha mẹ nào chẳng muốn con lớn lên. Nhưng sự lớn lên của một đứa trẻ tự kỷ thật nghiệt ngã. Nếu không được can thiệp tốt, con không thể tự tiến bộ được, sẽ không thể trưởng thành và mãi mãi ở lại với vùng trời thơ ấu ngô nghê của mình.

Trai tim nguoi cha 4.jpg

Nhưng tại sao chúng ta lại phải đau khổ bởi ý nghĩ đó mà không nhìn về phía tốt đẹp hơn? Hoàng Yến của tôi đang tốt lên. Những khiếm khuyết của con cũng giống như những khó khăn trong cuộc sống mà tôi gặp phải. Rồi mọi chuyện sẽ tốt lên theo một nghĩa nào đó vì tôi đã cố gắng, đã tận lực và con cũng đã cố gắng, đã tận lực. Vậy thì tại sao phải đau khổ? Nhưng như một thói quen chung, chúng ta đã đặt hết năng lượng của mình vào vấn đề khó khăn và quên mất khía cạnh tốt đẹp đang hiện diện, từ đó khiến nỗi bất an như được nhân lên. Chính điều này khiến chúng ta bỏ qua cơ hội tốt cho con bằng việc quên đi những sở trường của con. Như một cái cây, không vun trồng, sẽ cằn cỗi đi.

Tôi hiểu rõ mọi thứ nhưng lúc đó, như một người lớn chưa trưởng thành, cảm xúc trồi sụt thất thường. Thỉnh thoảng, tôi vẫn lạc sang những đường ray đau khổ.

Hoàng Yến bỏ qua lớp mầm, đến lớp chồi, hành vi của con vẫn chưa ổn để có thể chính thức đến trường. Tôi nhờ bọn trẻ hàng xóm thân thiết vào mỗi thứ Bảy và Chủ nhật sang vừa chơi vừa học cùng Hoàng Yến. Thật khó để tìm bạn cho con khi con bị dán nhãn “không bình thường”, nhất là ở các thành phố, cuộc sống khép kín khiến cho cơ hội có bạn của con càng trở nên hạn hẹp. Các con học trường bán trú từ sáng sớm đến chiều tối mới đón về, ngay cả con của hàng xóm thân thiết cũng không dễ dàng gì mời gọi bé vào nhà mình chơi.

- Thế này không ổn em ạ.

- Tôi nói với vợ.

- Nhưng em chưa nghĩ ra cách nào tốt hơn.

- Anh sẽ đưa con về nội ít tháng. - Còn em?

- Thùy Mai thảng thốt hỏi như thể tôi bỏ rơi cô ấy

Tôi nói với Mai về tương lai của con và chúng tôi đang chọn con đường tốt nhất cho con. Mỗi chúng tôi đều chịu thiệt thòi một chút. Về quê, Hoàng Yến sẽ có bạn, trước hết là các anh chị cũng bằng tuổi con, sau nữa, ở quê dễ tìm bạn cho con chơi hơn. Quãng đường từ Sài Gòn về Sóc Trăng khá xa nên không thể mỗi tuần mỗi về được, nhưng một tháng cha con tôi sẽ về thăm Mai một lần hoặc Mai có thể về dưới.

- Em đã trút gánh nặng lên vai anh hết rồi. - Mai rơm rớm nước mắt.

- Không, là anh xin em nhường điều đó cho anh mà. Nếu không lo được cho mẹ con em, thì đó là điều hối hận nhất cuộc đời anh.

Đêm ấy, Mai nói với tôi rằng cô ấy muốn chuyển công tác hoặc nghỉ dạy để cùng tôi chăm sóc, dạy dỗ Hoàng Yến, cô ấy sẽ tìm một công việc nào đó như buôn bán dưới quê chẳng hạn. Nhà ở thành phố bán đi chắc sẽ đủ để mua một ngôi nhà và mảnh đất dưới quê. Tôi nói với Mai đó không phải là cách tốt nhất cho Hoàng Yến. Cha con tôi sẽ trở lại thành phố và môi trường ở đây sẽ thuận lợi cho con phát triển nhất. Về quê tìm bạn chỉ là giải pháp tạm thời.

“Sóc Trăng… ngày… tháng… năm…

Có những điều đơn giản mà cha mãi không hiểu được cho đến khi con dẫn cha đến những chân lý tuyệt vời. Giá trị của niềm vui xuất phát từ đâu? Khi cha còn nhỏ, cha chỉ thích trò chơi của mình trọn vẹn mà không bị người lớn cản trở, dù đó là chơi bắn bi hay đánh trận giả. Nếu bị gọi về, cuộc chơi còn dở dang, cả ngày cha sẽ nhớ đến trò chơi đó và mải mê hình dung về nửa cuối của trò chơi. Cho dù đến ngày hôm sau, trò chơi ấy được tiếp diễn và không bị người lớn phá đám thì cuộc chơi dở dang hôm qua vẫn khiến cha tiếc nuối.

Cha không có nhiều mơ ước vào cái tuổi lên năm, lên sáu ấy. Ước mơ lớn lên khi cha lớn lên. Con người không ai có thể ép giấc mơ của tuổi năm, sáu giống như giấc mơ của tuổi lên mười, mười lăm được và cũng không ai có thể lên kế hoạch cho những giấc mơ. Giấc mơ hoàn toàn tự do khi đến với chúng ta.

Bai 4 Hinh.jpeg

Con nhắc cha nhớ về thời thơ bé. Tim cha quặn đi khi ánh mắt con hẫng hụt khi bạn Chi đi về và con thốt lên: ‘Con muốn chơi với bạn’. Cha ngay lập tức nhận ra mình đã ‘nhốt’ con quá lâu trong những cái ngưỡng mà cha đã đặt ra. Niềm vui càng nhẹ nhàng, càng giản đơn bao nhiêu càng sưởi ấm tâm hồn bấy nhiêu. Niềm vui chỉ trọn vẹn chỉ khi nó được sinh ra tự lòng mình… Cha không thể tạo ra niềm vui cho con bằng sự điều khiển của tư duy mình được. Cha quên mất con đã có thể tự chủ tâm hồn mình dù còn ngây thơ và non nớt hơn tuổi của con hiện tại.

Khi con tìm bạn, khi Chi xuất hiện, hai thái độ đối lập trước và sau của con khiến cha nhận ra sự chán nản và thắc mắc của con: ‘Tại sao con lại chỉ học có một mình?’, ‘Học như thế để làm gì?’. Con không có bạn để đối chiếu và so sánh lực học. Con cũng không có động cơ phải phấn đấu và những gì con học không khiến con vui hơn.

Cha đã quá lo lắng. Cha sợ con chưa đủ ‘chín’ để có thể đến trường, nghĩa là con chưa sẵn sàng hòa nhập. Cha quên mất một điều là bạn sẽ dạy con tốt hơn cả cha thông qua cách giao tiếp tuổi thơ.

Cha đã từng quan sát cách những đứa trẻ chơi với nhau. Như một quy luật, những đứa trẻ cùng tuổi tự tìm đến với nhau, tự ‘quy hoạch’ các trò chơi hợp tuổi, giúp đỡ nhau, mâu thuẫn với nhau rồi lại làm lành,… Tất cả những điều đó đều có ý nghĩa và góp phần giúp chúng trưởng thành.

Có lẽ đến giờ phút này, dù là đơn giản, nhưng bên trong con đã hình thành sức mạnh của tư duy, sự nhận biết thế giới xung quanh, “từ trường” của bạn bè đã kéo con về nơi con mong muốn: được giống như các bạn.

Ngày mai, chúng ta cũng đến trường, Hoàng Yến nhỉ? Đến lúc rồi… Sẽ bắt đầu từ lớp học be bé của thím con - nơi an toàn nhất, rồi chúng ta sẽ tiến dần về nơi rộng lớn hơn…”

Trích sách “Trái tim người cha”


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024