Thai giáo - Dạy thai nhi nghe nhạc giúp phát triển trí não từ trong bụng mẹ

30/03/2019 08:30
Thai giáo - Dạy thai nhi nghe nhạc giúp phát triển trí não từ trong bụng mẹ

Nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Anh Yehudi Menuhin tin rằng tài năng âm nhạc của ông một phần là do cha mẹ ông luôn ca hát và chơi nhạc trước khi ông được sinh ra.

Thai nhi có khả năng nghe nhạc từ tháng thứ ba

Từ 8 tuần tuổi, thai nhi đã có khả năng nghe nhịp đập tim của mẹ. Thính giác của thai nhi phát triển từ giữa tháng thứ 3 đến giữa thai kỳ, có thể phản ứng lại với âm thanh bên ngoài. Dịch ối giúp thai nhi lơ lửng sẽ dẫn truyền âm thanh tốt. Thai nhi đã biết phân biệt được giọng nói có cảm xúc và có thể chuyển dịch thân nhịp nhàng với lời nói của mẹ (cho dù âm thanh nghe được khá mờ nhạt, giống như nghe thấy ở dưới nước). Một số nghiên cứu cho thấy nếu các bà bầu đến những nơi có âm thanh quá sôi động, tham dự những bữa tiệc quá ồn ào, náo động thì đứa bé trong bụng sẽ đạp liên tục.

Thính giác là phần phát triển trội nhất trong 5 giác quan của thai nhi. Bộ phận tai hình thành ngay sau khi trứng thụ tinh được 6 tuần. Bào thai bắt đầu lắng nghe tích cực ở tuần 24 (tháng thứ 3 của thai kỳ). Các nhà khoa học quan sát qua siêu âm thai nhận thấy thai nhi nghe và trả lời một xung động âm thanh bắt đầu từ khoảng 16 tuần tuổi, ngay cả trước khi tai phát triển hoàn chỉnh.

Khi đã được 5 tháng, thai nhi có cơ quan thính giác tương tự như người lớn. Cùng với sự phát triển của não (tháng thứ 4 não phát triển gần hoàn chỉnh), thai nhi có thể từng bước ghi nhớ các loại nhạc. Âm thanh được truyền sớm nhất vào não là tiếng mẹ. Nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Anh Yehudi Menuhin tin rằng tài năng âm nhạc của ông một phần là do cha mẹ ông luôn ca hát và chơi nhạc trước khi ông được sinh ra. Vì lý do này, hầu hết các chương trình giáo dục thai nhi chính thức được thiết kế để bắt đầu trong tháng thứ ba. Các bà mẹ có thể thực hiện một số bài tập sau:

Tập cho trẻ nghe nhạc

• Mỗi tuần nghe ít nhất 2 lần, mỗi lần khoảng 10 – 30 phút.

• Người mẹ nằm thư giãn nghe nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, du dương. Có thể là nhạc cổ điển, nhạc dân ca, nhạc không lời.

• Hoặc dùng tai nghe lớn áp vào bụng và mở nhạc cho bé nghe nếu bạn cần tập trung làm việc hay sợ ảnh hưởng đến người khác. Nhớ lưu ý điều chỉnh cường độ âm thanh vừa đủ nghe trước khi áp vào bụng cho bé nghe.

• Lý tưởng nhất là mẹ và bé được nghe tiếng nhạc từ thiên nhiên: tiếng chim hót, lá reo, nước chảy. Nghe nhạc trước và sau khi sinh sẽ giúp bà mẹ và em bé bớt căng thẳng, quá trình sinh nở dễ dàng, thoải mái hơn, trẻ sẽ bớt quấy khóc.

Thể loại: Cần tuyển chọn nhạc thật cẩn thận, không nên tùy tiện nghe bất kỳ loại nhạc nào. Loại nhạc “chát chúa” với cường độ mạnh ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và bé. Hơn nữa, nghe nhạc với cường độ mạnh thường khiến nhịp tim của bé đập nhanh hơn, dễ làm bé bị giật mình. Tiết tấu nên chậm, sảng khoái, tốt nhất là nhạc không lời.

Một số nghiên cứu gợi ý rằng nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, du dương hay có tiết tấu rộn rã đều có thể giúp bé thư giãn hoặc kích thích nhịp tim của bé đập nhanh hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi nhịp tim ở bé có liên quan đến nhịp thở. Do đó, nếu phải nghe những bản nhạc sôi động trong thời gian dài thì có thể khiến bé mệt mỏi.

Thời gian: Nên chọn nghe nhạc lúc thai nhi hoạt động, tức là khi thai nhi thức. Thường thì trước lúc đi ngủ mỗi buổi tối là thích hợp nhất.

Vị trí, âm lượng: Người mẹ mang thai cần cách xa loa khoảng 1,5 – 2 mét, hướng âm thanh có cường độ vừa đủ nghe (khoảng 65 – 70 decibel). Phụ nữ mang thai bụng to có thể tăng âm lượng lên một chút. Phụ nữ mang thai bụng hơi nhỏ thì âm lượng cũng nên giảm đi một chút. Cùng với thai nhi, người mẹ cũng nên nghe những giai điệu nhạc mình yêu thích để có tâm lý thoải mái, khoáng đạt. Không nên lạm dụng âm nhạc dành cho bé vì bé cần thời gian yên tĩnh để ngủ.

Trích sách Thai giáo – Phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024