Tết: Thuận nay mà không mất xưa

03/02/2019 13:14
Tết: Thuận nay mà không mất xưa

Giữa thập niên 90 thế kỷ trước, khi nghe bài hát Sài Gòn cô tiên năm 2000, tôi vẫn mơ hồ nghĩ thế kỷ XXI rất đỗi xa xôi. Vậy mà tới khi chạm ngõ năm 2000, rồi nhẹ nhàng bước qua, vẫn chưa thấy thay đổi nào khiến tôi phải giật mình.

Nhưng sau hơn một thập kỷ, ngẫm lại mới thấy mọi thứ đã xoay chuyển, đặc biệt là những thay đổi âm thầm về lối sống, văn hóa, như Tết của người Việt.

Đôi khi tôi hoang mang tự hỏi, cái tết của những năm 2050 và sau đó rồi sẽ ra sao nếu không còn tảo mộ, không còn mâm cỗ cúng tổ tiên, không đưa rước ông táo, không mừng tuổi ông bà hay lì xì trẻ nhỏ? Và có còn bánh tét bánh chưng, dưa hành cải muối? Điều gì sẽ cuốn hút những đứa con đi làm xa chộn rộn thu xếp về quê đón Tết?

Truyền thống của đại gia đình tôi là đến ngày giỗ cúng ông bà, cả dòng họ tề tựu về nhà thờ đông đủ. Nhưng rồi những năm gần đây, những ngày giỗ cứ thưa thớt dần, vì con cháu bận đi làm ăn xa. Dịp giỗ chạp rơi vào ngày cuối tuần đã khó tập hợp, nếu là ngày trong tuần thì càng khó hơn, mà một năm đâu có ít ngày giỗ.

Thế là phương án dung hòa đã được đặt ra: đại gia đình tôi phân chia việc cúng kiếng, mỗi người con giỗ cúng một người, chứ không tập trung tại một nhà như trước đây. Đúng ngày, nhà được phân công sẽ nấu mâm cơm cúng, và quan trọng là linh động chọn ngày Chủ nhật trước hoặc sau đó để mời bà con dòng họ đến họp mặt đông đủ.

Rồi đến tục tảo mộ. Tảo mộ chính là cách chúng ta làm đẹp “ngôi nhà” của người thân đã mất để đón tết. Nhớ hồi còn nhỏ, tôi thường đi theo ba mẹ tảo mộ cả hai bên nội ngoại. Lớn lên có vợ có chồng, ngoài tảo mộ bên mình còn tảo mộ bên vợ hoặc bên chồng. Nếu cùng quê, cùng ngày thì quá thuận lợi, còn không thì khó mà được đề huề. Tôi là người may mắn khi cùng quê với chồng. Ngặt nỗi, mỗi nhà lại có một ngày tảo mộ khác nhau. Cuối cùng, tôi và chồng chọn giải pháp hai người về một bên mỗi năm để tảo mộ. Đó cũng là cách dung hòa.

Ngay giữa thời đại 4.0, các phong tục ngày Tết của người Việt vẫn còn được giữ gìn, dù đã thay đổi nhiều theo thời gian. Ảnh: Hồng Giang

Người Việt còn có tục cúng đưa rước ông táo và ông bà về nhà ăn Tết. Khi tôi còn nhỏ, việc cúng kiếng này được thực hiện rất nghiêm trang và tốn khá nhiều thời gian lẫn công sức. Nhưng rồi theo thời gian, gia đình tôi, và có lẽ nhiều gia đình Việt cũng thế, vẫn duy trì nghi thức tâm linh này nhưng đơn giản hơn nhiều. Hiện nay, việc cúng ông bà ngày Tết của gia đình tôi đã giản lược, chỉ cúng một lần tượng trưng. Theo tôi, đây cũng là một cách dung hòa, thuận nay mà không mất xưa.

Trong số những phong tục ngày Tết, vui nhất có lẽ là tục mừng tuổi và lì xì. Người trẻ thì mừng tuổi ông bà, còn người lớn thì lì xì cho trẻ nhỏ. Truyền thống gia đình tôi là người đã đi làm hoặc trên 18 tuổi thì không được lì xì nữa. Năm nào cũng vậy, ngày đầu năm ba tôi - nay đã 92 tuổi nên con cháu rất đông - mặc áo mới xuất hiện là con cháu lớn nhỏ lần lượt xếp hàng dài để đón nhận “lộc” của ông với thật nhiều lời chúc tốt đẹp. Niềm vui lớn của ông là nhìn thấy con cháu trưởng thành và ngày càng đông đúc. Con cháu thành đạt mừng tuổi lại cho ba tôi mỗi năm cũng nhiều hơn.

Một cái Tết nữa lại về. Tôi mừng vì ngay giữa thời đại 4.0, các phong tục ngày Tết của người Việt vẫn còn được giữ gìn, dù đã thay đổi nhiều theo thời gian. Các tập tục có thể thay đổi cho phù hợp với đời sống đương đại, nhưng giá trị truyền thống, những tinh hoa của nếp xưa vẫn luôn được gìn giữ. Ở đó vừa có sự trao truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau, vừa có sự dung hòa cho phù hợp. Mong rằng cho đến mãi sau này, mỗi dịp xuân về, Tết đến vẫn còn không khí ấm áp của ngày tảo mộ, sắc mai vàng trên khắp phố phường và hương vị quê nhà hiện diện trong từng mâm cỗ của gia đình Việt. Để còn phân biệt được, đâu là Tết Tây, đâu là Tết ta!

Thanh Lâm/ Người Đô Thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025